Chỉ mục bài viết

 16. Bác dạy phải đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại chỗ

Tôi lên đường ra thăm miền Bắc vào đúng mùa mưa lũ. Cái vui lớn nhất của tôi là thấy nhân dân miền Bắc xây dựng cuộc đời mới và sẽ được gặp Bác Hồ.

Tôi đến Hà Nội vào tháng Tám.

Tôi nghỉ được một ngày, thì tối hôm đó anh Lê Quảng Ba cho biết là Bác Hồ mời vào thăm. Tin này làm tôi hết sức vui mừng, những mệt mỏi của chặng đường xa như đã hết. Nhưng tôi cũng rất lo. Tôi nghĩ Bác mời vào nhà là Bác muốn biết về đồng bào Tây Nguyên chiến đấu và xây dựng đời sống ra sao; không biết nên báo cáo cái gì trước, cái gì sau?

Sáng hôm đó, xe đưa anh Lê Quảng Ba và tôi vào Phủ Chủ tịch. Anh Ba và tôi vào phòng đợi. Tôi chưa kịp ngồi xuống ghế, Bác đã từ trên thang gác nhanh nhẹn bước xuống và hiện ra trước mắt tôi hiền từ, đẹp như một ông Tiên.

Anh Lê Quảng Ba giới thiệu tôi với Bác, Bác thân mật bắt tay và hỏi thăm sức khỏe của tôi. Những lời thăm hỏi đầy tình nghĩa của Bác làm tôi không nén nổi xúc động.

Bác mời chúng tôi ăn chuối và cam, những trái cây tự tay Bác trồng trong vườn, cũng là những thứ tôi thích nhất. Bác lo bao việc lớn lao mà còn biết cả cá tính của tôi. Chắc Bác đã thấu hiểu tấm lòng của dân tộc Tây Nguyên hết rồi. Tôi càng bồi hồi xúc động, vì lần đầu tiên được gặp Bác và được hưởng cái vinh dự to lớn này.

Bác ân cần hỏi thăm tình hình chiến đấu, đời sống và sức khỏe của nhân dân các dân tộc.

Tôi thưa với Bác:

- Nhân dân các dân tộc ở Tây Nguyên, cũng như ở miền Tây, các tỉnh miền Nam thiếu thốn đủ mọi thứ. Muối chưa đủ mặn, cơm chưa đủ no, áo chưa đủ mặc... Nhưng truyền thống đoàn kết chiến đấu bất khuất bảo vệ Tổ quốc thì không nghèo. Nhân dân Tây Nguyên chiến đấu không sợ gian khổ, hy sinh mà chỉ sợ mình mất cái đất làm ăn của ông, cha để lại đó thôi.

Trong cuộc gặp gỡ này, tuy thời gian không được lâu lắm, nhưng tôi thấy rằng Bác hiểu thấu tấm lòng của nhân dân Tây Nguyên. Bác biết rất cụ thể và nói:

- Nhân dân các dân tộc Tây Nguyên nhất định sẽ giành được thắng lợi.

Tôi mạnh dạn thưa Bác:

- Đồng bào Tây Nguyên còn nghèo lắm, nghèo cả cán bộ nữa. Muốn xin Bác Hồ có nhiều cán bộ giỏi ạ.

Bác cười và nhẹ nhàng hỏi lại tôi:

- Đồng bào ta có nuôi gà không?

- Thưa Bác, đồng bào nuôi nhiều gà lắm.

- Đồng bào nuôi nhiều gà như thế là tốt. Lần này gà đẻ năm trứng, lần sau sáu trứng, mười trứng, rồi nở thành con. Chính những con gà đẻ và nở trong vùng ấy mới thích hợp với hoàn cảnh ở đó.

Lúc đầu tôi tưởng Bác nói chuyện con gà thật. Nghe nói vậy, anh Lê Quảng Ba nhìn tôi cười. Lát sau tôi mới hiểu câu chuyện nuôi gà của Bác là phải đào tạo, bồi dưỡng những cán bộ tại chỗ. Cứ mỗi năm có một, hai cán bộ đi làm việc, nhiều năm sẽ có nhiều cán bộ gương mẫu, hiểu tâm tư nguyện vọng của dân tộc mình.

Chuyện nuôi gà của Bác Hồ thiết thực quá. Lâu nay chúng tôi có nghĩ đến nhưng chưa được sâu sắc. Qua câu chuyện, Bác nhắn lại với chúng tôi nội dung chính sách dân tộc của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam là kiên nhẫn, thận trọng, chắc chắn, phải vừa chiến đấu vừa xây dựng đội ngũ chiến đấu. Lấy phương châm tự lực cánh sinh là chính.

(Đồng chí Y-bi A-lêu, người thành lập Phong trào dân tộc tự trị Tây Nguyên; nguyên Phó Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam kể, trích trong cuốn Bác Hồ sống mãi với chúng ta, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005).

17. Bác Hồ chăm sóc cán bộ

Tháng 02 năm 1941, Bác Hồ về Pác Bó, để trực tiếp chỉ đạo phong trào và bồi dưỡng cán bộ, Bác cho một số cán bộ huyện Hà Quảng (Cao Bằng) đang hoạt động bí mật ở cùng với Bác. Ngoài các đồng chí Phùng Chí Kiên, Vũ Anh, Đặng Văn Cáp v.v.. đi theo Bác, lúc này trong hang có thêm các đồng chí Lê Quảng Ba, Hoàng Sâm, Thụy Hùng, Đức Thanh và tôi (tức đồng chí Hoàng Tô).

Hồi ấy, đồng chí Lê Quảng Ba và đồng chí Hoàng Sâm phụ trách bảo vệ cơ quan Bác và tổng Lục Khu. Còn tôi thì được phân công trực tiếp phụ trách tổng Hà Quảng (gồm các xã Sóc Hà, Nà Sắc và vùng mỏ Sắt bấy giờ), kiêm nhiệm vụ kiểm tra tổng Thông Nông.

Trước khi chúng tôi đi xuống cơ sở công tác, bao giờ Bác cũng bảo báo cáo chương trình, kế hoạch cụ thể cho Bác nghe. Bác bổ sung thêm rồi bảo chúng tôi nhắc lại thật đúng rồi mới cho đi. Do đó, bọn tôi rất vững dạ, như người đi rừng có địa bàn trong tay.

Cứ mỗi lần có đồng chí rời hang đi công tác là Bác lại lo lắng: Lo sao anh em được bình yên trở về, thoát khỏi mọi sự bất trắc dọc đường. Khi thấy anh em về, Bác vui hẳn lên. Câu đầu tiên Bác nói là hỏi han sức khoẻ, sau đó tuyên bố cho anh em nghỉ ngơi, tắm giặt, rồi mới làm việc. Lúc ấy, phong trào đang lên, công việc rất nhiều, nên anh em chúng tôi không ai muốn nghỉ, đợi được báo cáo tình hình, xong là đi ngay, nhưng Bác bắt phải nghĩ ngơi để đảm bảo sức khỏe.

Thỉnh thoảng đi công tác về, chúng tôi lại được Bác cho quà, quà chỉ là những cái kẹo bé tý nhưng đầy ắp sự ân cần, yêu thương. Hỏi đồng chí Cáp mới biết đó là quà của nhân dân Pác Bó đi chợ mua về biếu Bác. Bác chỉ ăn một, hai cái. Còn bao nhiêu gói lại, cất vào ống tre, Bác bảo:

- Để dành cho các chú đi công tác về ăn.

Quà Bác tuy nhỏ, nhưng cử chỉ của Bác là cả một tình thương, có sức động viên chúng tôi rất lớn. Mỗi lần đi công tác lâu ngày mới về, bao giờ Bác cũng dặn đồng chí cấp dưỡng cố gắng tìm mua thức ăn về “thết tiệc” cho anh em. Gọi là tiệc, nhưng chỉ thêm vài miếng thịt lợn luộc chấm muối.

Ở hang, nhưng hàng ngày Bác vẫn giữ đúng giờ giấc. Đến giờ, nếu ai ngủ chưa dậy thì Bác khẽ đánh thức. Song, đối với anh em chúng tôi mới đi công tác về, Bác bảo anh em khác phải im lặng, giữ ý từng bước chân, để chúng tôi được ngủ thêm một lúc.

Tôi còn nhớ một lần, đồng chí Đức Thanh đi công tác về bị ốm, nằm liệt giường. Bác buồn lắm. Bác bảo đồng chí Cáp vào rừng lấy lá thuốc về cho đồng chí Thanh uống và xông. Chốc chốc Bác lại đến sờ trán đồng chí Đức Thanh.

Ngồi làm việc ở một góc hang, tôi im lặng theo dõi từng cử chỉ của Bác. Nhìn nét mặt lo âu của Bác, tôi lại nhớ đến lúc còn bé, bị ốm chốc chốc mẹ lại sờ trán tôi, nét mặt vui buồn đều gắn vào độ nóng, lạnh trong người tôi truyền qua bàn tay răn reo của mẹ. Cử chỉ của Bác trong lúc này chẳng khác dáng dấp của mẹ tôi khi xưa.

Những tình cảm sâu sắc của Bác đối với chúng tôi hơn ruột thịt, đã động viên chúng tôi vượt qua mọi khó khăn gian khổ những năm tháng sống trong hang giữa rừng Pắc Bó.

(Hoàng Tô, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Khu tự trị Việt Bắc kể lại trong tập sách Bác Hồ sống mãi với chúng ta, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005).

18. Cái vòng bạc

 Dạo đó, do điều kiện công tác, sau hơn 2 năm, Bác Hồ mới có dịp trở lại một vùng cơ sở trước đây Người đã từng sống và làm việc. Thấy Bác về, bà con già, trẻ, gái, trai khắp bản, người đang vác ống nước dưới suối lên cũng tạm dựng ống bương bên đường, ùa ra đón Bác.

Trong số những người đứng vây quanh Bác lớp trong lớp ngoài hôm ấy có một em bé 2 năm trước đã từng quấn quýt bên Bác khi Người ra suối câu cá, hoặc lên nương cuốc đất trồng rau sau những giờ làm việc. Ngày Bác lên đường đi công tác xa, em bé đó theo ra đến đầu bản tiễn Bác. Trước lúc chia tay, Bác cúi xuống hôn má em và Người chưa kịp hỏi gì thì đã nghe em bé nói một câu rất tự nhiên:

- Đến đâu thấy vòng bạc, Bác nhớ mua cho cháu một cái.

Đối với em bé dân tộc miền núi Cao Bằng, được cái vòng bạc đeo cổ tay là điều rất thích thú. Bây giờ em bé đó đã qua tuổi nhi đồng, chững chạc, được học, đã biết đọc, biết viết, không còn vòi vĩnh, nũng nịu như ngày được bên Bác (Em bé cũng không còn nhớ là mình đã dặn Bác Hồ mua cho cái vòng bạc).

Bà con dân bản tiễn Bác lên đường đi công tác cách đây 2 năm cũng đã quên chuyện “Cái vòng bạc” ấy. Sau những lời chúc mừng thăm hỏi sức khoẻ dân bản, nhận ra em bé ngày trước đứng trong đám đông, Bác bước đến, từ từ mở nắp túi áo trước ngực, lấy ra chiếc vòng bạc mới tinh và trao cho em bé.

Ngỡ ngàng giây lát, rồi nhớ ra lời dặn Bác 2 năm trước, em bé sung sướng quá, không giấu nổi xúc động, hai mắt cứ chớp mãi, líu cả lưỡi mới nói được:

- Cháu... cảm... cảm ơn Bác!

Một số bà con không có mặt hôm tiễn Bác lên đường đi công tác ngày trước, nay thấy vậy lấy làm ngạc nhiên và hỏi đồng chí giúp việc của Bác. Đồng chí này kể lại cho mọi người nghe là trên đường về Bác đã ghé vào một cửa hàng mua chiếc vòng bạc. Đồng chí giúp việc hỏi, Bác giải thích như sau:

- Các cháu khi đã nhờ mua cái gì tức là chúng nó thích cái đó lắm. Thấy có hại thì tìm cách giải thích cho các cháu hiểu; nếu không có hại thì không nên từ chối. Các cháu như tờ giấy trắng nhuộm đỏ thì đỏ, nhuộm xanh thì xanh, đừng để giảm lòng tin của các cháu. Đã hứa là mình phải làm cho kỳ được, không làm được thì đừng có hứa. Đây là chữ Tín, cần giữ trọn lòng tin của mọi người.

(Hoàng Giai kể, trích theo cuốn Ai yêu các nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1999)

18. Không ai thương mình như Bác

Bác sống như thế nào với những người ở gần Bác, những anh em phục vụ, thổi cơm, lái xe, bảo vệ Bác? Khi Bác mất rồi, anh em họp lại, bao nhiêu người chỉ có một ý, một lời về Bác: Không có ai thương yêu mình như Bác. Không có ai đối xử với mình rộng lượng, bao dung và đầy tình nghĩa như Bác. Không có ai dạy bảo ân cần, chính xác, theo dõi sát sự sửa chữa các thiếu sót của mình như Bác. Không ai tôn trọng nhân cách con người mình như Bác.

Có lần Tỉnh ủy Quảng Ninh biếu Bác một cành san hô to, đẹp lắm, màu sắc trắng hồng như ngọc. Bác thích lắm dùng làm quà biếu người lãnh đạo một Đảng anh em. Cành san hô để ở nhà khách Phủ Chủ tịch, chờ Bác ra xem lần chót rồi bỏ vào hòm, ô tô đợi sẵn, chở ra sân bay, gửi đi. Lúc để ở nhà khách, anh em xúm lại xem. Anh này sờ, anh kia sờ xô đẩy thế nào đó, một anh lỡ tay đánh rơi, vỡ làm đôi. Mọi người sợ quá. Không còn cách gì để chữa lại được nữa. Bác ra đến nơi rồi. Có thì giờ cũng chẳng kiếm được cành san hô thứ hai như thế. Nhất định lần này Bác mắng và Bác thi hành kỷ luật cũng là đúng. Sợ đến mức không dám đứng đấy mà nhận lỗi của mình nữa. Bác ra, Bác cũng bị bất ngờ. Bị bất ngờ như thế nhưng một nét nhíu lông mày Bác cũng không có, một lời nói nặng càng không có nữa. Bác làm vui trước cho anh em. Cũng như trong mọi trường hợp. Bác chủ động làm vui trước chứ không chờ người ta làm vui cho mình. Bác biết là anh em sợ lắm, làm thế nào trấn tĩnh được tinh thần anh em. "Thôi, phận san hô nó mỏng manh, con san hô về đất rồi. Anh em đi đâu, gọi các chú ấy ra đây. Bây giờ Bác, cháu ta tính thế nào nhỉ, lại đây cùng nhau bàn xem gỡ cái chuyện này thế nào". Cuối cùng phải lấy một bức ảnh to của Bác, Bác đề tặng và ký vào gửi biếu. Người lỡ tay đánh vỡ con san hô thấy Bác độ lượng như vậy, cảm động, giàn giụa nước mắt.

Nhưng mà câu chuyện chưa hết. Đến buổi tối hôm đó, làm việc với đồng chí phụ trách văn phòng xong, Bác bảo: "Hôm nay còn thừa thì giờ, bây giờ chú kể cho Bác nghe cành san hô ấy bị vỡ thế nào?". Đồng chí này kể lại từ đầu. Bác phát hiện chi tiết này: Người đánh vỡ là đồng chí lái xe. Bác bảo: "Thế này nguyên nhân không phải là lỡ tay… Nguyên nhân ở trong tổ chức và nếp làm việc, không phải ở chỗ lỡ tay. Nói lỡ tay là nói qua loa cho xong. Nếu chú thấy đúng như thế, lần nào họp, anh em bàn lại chuyện này rút kinh nghiệm, sửa đổi đi. Bảo là lỡ tay, đến lần sau, có cái tặng phẩm đẹp lại xúm vào xem, lại xô, lại đẩy, lại rơi vỡ lần nữa, lại lỡ tay lần nữa". Bác là như thế. Một sai sót nhỏ cũng không bỏ qua, rút kinh nghiệm để sửa chữa. Nhưng vẫn không nói nặng một lời nào.

Khi Bác tiếp khách, khách nước ngoài cũng thế, khách trong nước cũng thế, để tự anh em, thì khi rót nước xong bưng ngay chén nước đầu tiên đặt trước Bác rồi mới đưa cho người khách. Bác cứ điềm nhiên như không. Lúc nào đó, Bác, cháu ở nhà, Bác mới bảo: "Này các chú ạ, Bác, cháu ta làm ở trong nhà, ta là chủ. Các bạn nước ngoài đến, hay các cô, các chú đến làm việc, là khách. Ta đãi khách. Lần sau các chú rót xong nước thì đưa cho tất cả khách trước và đưa Bác sau, không phải đưa Bác trước đâu".

Đối với anh em, Bác chú ý từ cái nhỏ. Anh em nói: "Không cứ cuộc sống của mình. Một của cải nhỏ mình làm ra, Bác cũng chăm lo". Anh em có trồng được mấy cây chuối, có một buồng đã khá to. Bác nghe trên đài ngày mai có gió cấp năm. Thế là Bác xuống sàn gỗ bảo:

- Bác vừa nghe đài báo ngày mai có gió to. Buổi sáng Bác đi, Bác thấy buồng chuối phía đằng sau của các chú đã nặng. Anh em tìm cách mang gậy ra chống kẻo khi gặp gió to nó gẫy mất.

Đối với anh em có gia đình ở nông thôn, Bác bảo:

- Bây giờ các chú làm được đồng lương đừng nghĩ rằng tiền mình làm ra là mình ăn hết đâu. Phải nghĩ đến nông thôn. Đời sống nông thôn bây giờ gay lắm. Phải dành tiền tiết kiệm gửi về cho các cô, các cháu. Các chú ăn ở đây theo khẩu phần lương thực thế này, mùa hè có thể không hết. Phải biết khéo tổ chức, định từng bữa thổi từng nào cơm. Thừa được phiếu nào, tháng ba, ngày tám đứt bữa, gửi gạo về giúp gia đình.

Các đồng chí gác ở nhà sàn gỗ của Bác kể: Một lần khoảng độ gần 12 giờ trưa, Bác có việc gì xuống khỏi nhà sàn gỗ hoặc Bác đi đâu về, nhìn thấy người công an trẻ đứng gác gần đấy. Bác biết giờ gác của anh em từ 10 giờ đến 12 giờ. Trước khi gác chưa ăn cơm. Gần 12 giờ rồi. Anh em thường là trẻ khỏe, làm nhiều việc, rồi lại còn gác đêm. Bác đến hỏi:

- Cháu có đói không?

Thường Bác gọi là "chú". Khi nào Bác gọi "cháu" là thương lắm.

- Để Bác biếu cái này.

Thế là Bác lên nhà sàn gỗ, lấy một quả chuối ăn tráng miệng của Bác bữa vừa rồi, Bác giữ lại, xuống đưa:

- Bác biếu, cháu ăn đi.

(Việt Phương, nguyên Thư ký của Thủ tướng Phạm Văn Đồng kể, đăng trên Báo Nhân Dân, ngày 15 - 17/5/1995)

Tâm Trang (tổng hợp)

Bài viết khác: