Chỉ mục bài viết

P1
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nữ đại biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, tháng 9 năm 1960. Ảnh tư liệu/theo http://baotanglichsu.vn/

I. Chủ tịch Hồ Chí Minh với phụ nữ Việt Nam

1. Phụ nữ An Nam và sự đô hộ của Pháp

“… Chế độ thực dân, tự bản thân nó, đã là một hành động bạo lực của kẻ mạnh đối với kẻ yếu rồi. Bạo lực đó, đem ra đối xử với trẻ em và phụ nữ, lại càng bỉ ổi hơn nữa.

Thật là một sự mỉa mai đau đớn khi ta thấy rằng vǎn minh dưới nhiều hình thức khác nhau, như tự do, công lý, v.v. - được tượng trưng bằng hình ảnh một người đàn bà dịu hiền và được một hạng người nổi tiếng là hào hoa phong nhã ra sức điểm tô - lại đối xử một cách hết sức bỉ ổi với người đàn bà bằng xương bằng thịt và xúc phạm một cách vô liêm sỉ tới phong hoá, trinh tiết và đời sống của họ...”.

NGUYỄN ÁI QUỐC

Báo Le Paria, số 5, ngày 01-8-19221.

2. Bản án chế độ thực dân Pháp

“Chương XI - NỖI KHỔ NHỤC CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ BẢN XỨ

Không một chỗ nào người phụ nữ thoát khỏi những hành động bạo ngược. Ngoài phố, trong nhà, giữa chợ hay ở thôn quê, đâu đâu họ cũng vấp phải những hành động tàn nhẫn của bọn quan cai trị, sĩ quan, cảnh binh, nhân viên nhà đoan, nhà ga. Một người Âu mắng một phụ nữ An Nam là con đĩ, con bú dù là một việc thông thường. Ngay giữa chợ Bến Thành ở Sài Gòn - mà người ta bảo là một thành phố Pháp, bọn gác chợ người Âu cũng không ngần ngại dùng roi gân bò, dùi cui đánh phụ nữ bản xứ để bắt họ tránh khỏi làm nghẽn lối!

Những chuyện đáng buồn như thế, có thể kể mãi không hết, song chúng tôi hy vọng rằng mấy việc kể trên cũng đủ làm cho chị em ở chính quốc biết rõ phụ nữ An Nam sống quằn quại trong cảnh lầm than và bị áp bức như thế nào. Bây giờ hãy xem người phụ nữ bản xứ ở các thuộc địa khác - cũng ở dưới sự bảo hộ của nước mẹ - có được tôn trọng hơn không.

… Thật là một sự mỉa mai đau đớn khi thấy rằng nền văn minh - dưới nhiều hình thức khác nhau như tự do, công lý, v.v., được tượng trưng bằng hình ảnh dịu hiền của một người phụ nữ và được một hạng người tự cho là phong nhã ra sức điểm tô - lại đối xử một cách hết sức bỉ ổi với người phụ nữ bằng xương, bằng thịt và xúc phạm tới phong hóa, trinh tiết và đời sống của họ một cách cực kỳ vô liêm sỉ…”2.

3. Mục dành cho phụ nữ: Về sự bất công

“Quảng Châu, 04-4-1926

Đại Đức Khổng Tử nói: Chồng phải dạy vợ.

Đức Mạnh Tử lại lưu ý rằng: Đàn bà và trẻ con khó dạy bảo: Nếu cho họ gần thì họ khinh nhờn; nếu bỏ mặc họ thì họ thù oán.

Người Trung Quốc thường so sánh phụ nữ với con gà mái: "Gà mái gáy báo sáng là điềm gở cho cả gia đình".

Ở An Nam, chúng ta nói: Đàn bà phải quanh quẩn trong bếp.

Trong xã hội và trong gia đình, người phụ nữ bị hạ thấp tột bậc và không được hưởng chút quyền gì. Hỡi chị em! Vì sao chị em lại phải chịu sự áp bức bất công này?

MỘNG LIÊN”

Báo Thanh niên, số 40, Tài liệu tiếng Pháp, lưu tại Viện Hồ Chí Minh3.

4. Đường cách mệnh

Phụ nữ quốc tế

“… An Nam cách mệnh cũng phải có nữ giới tham gia mới thành công, mà nữ giới An Nam muốn cách mệnh thì phải theo Phụ nữ Quốc tế chỉ bảo”4.

5. Phụ nữ

"Việt Nam phụ nữ đời đời

Nhiều người vì nước, vì nòi hy sinh.

Ngàn thu rạng tiếng bà Trưng,

Ra tay cứu nước, cứu dân đến cùng.

Bà Triệu Ẩu thật anh hùng,

Cưỡi voi đánh giặc, vẫy vùng bốn phương.

Mấy năm cách mệnh khẩn trương,

Chị em phụ nữ thường thường tham gia.

Mấy phen tranh đấu xông pha,

Lòng vàng gan sắt nào đà kém ai?

Kìa như chị Nguyễn Minh Khai

Bị làm án tử đến hai ba lần.

Bây giờ cơ hội đã gần,

Đánh Tây, đánh Nhật, cứu dân nước nhà.

Chị em cả trẻ đến già

Cùng nhau đoàn kết đặng mà đấu tranh.

Đua nhau vào hội Việt Minh

Trước giúp nước, sau giúp mình mới nên.

Làm cho thiên hạ biết tên

Làm cho rõ mặt cháu Tiên, con Rồng".

Báo Việt Nam độc lập, số 104, ngày 01-9-19415.

6. Lịch sử nước ta

"… Hai Bà Trưng có đại tài,

Phất cờ khởi nghĩa đánh người tà gian,

Ra tay khôi phục giang san,

Tiếng thơm ghi tạc đá vàng nước ta.

Tỉnh Thanh Hóa có một bà,

Tên là Triệu Ẩu tuổi vừa đôi mươi,

Tài năng dũng cảm hơn người,

Khởi binh cứu nước muôn đời lưu hương.

Phụ nữ ta chẳng tầm thường,

Đánh Đông, dẹp Bắc làm gương để đời”6.

7. Mười chính sách của Việt Minh

“… Đàn bà cũng được tự do

Bất phân nam nữ, đều cho bình quyền”7.

8. Tặng cháu Nông Thị Trưng

“Vở này ta tặng cháu yêu ta,

Tỏ chút lòng yêu cháu gọi là.

Mong cháu ra công mà học tập,

Mai sau cháu giúp nước non nhà.

Năm 1944

In trong sách: Hồ Chí Minh, Thơ, Nxb Vǎn học, Hà Nội, 1970, tr. 478.

9. Tại buổi lễ “Ngày phụ nữ ủng hộ Nam Bộ” (ngày 10/11/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Huy chương Vàng cho bà Vương Thị Lai (tức Lợi Quyền), là người đi đầu trong việc quyên góp, ủng hộ Chính phủ trong “Tuần lễ VÀNG”, và nói: Bà Vương Thị Lai là đại biểu của lòng hăng hái và hy sinh cho tất cả phụ nữ Việt Nam”9.

10. Thư gửi Phụ nữ Việt Nam nhân dịp Xuân Bính Tuất 1946

"Năm mới Bính Tuất

Phụ nữ đồng bào

Phải gắng làm sao

Gây "Đời sống mới"

Việc thành là bởi

Chúng ta siêng mần

Vậy nên chữ cần

Ta thực hành trước

Lại phải kiệm ước

Bỏ thói xa hoa

Tiền của dư ra

Đem làm việc nghĩa

Thấy của bất nghĩa

Ta chớ tham thàn

Thế tức là liêm

Đã liêm thì khiết

Giữ mình làm việc

Quảng đại công bình

Vì nước quên mình

Thế tức là chính

Cần, kiệm, liêm, chính

Giữ được vẹn mười

Tức là những người

Sống "Đời sống mới".

HỒ CHÍ MINH

Báo Tiếng gọi phụ nữ, số Xuân Bính Tuất, năm 194610.

11. Sáng ngày 26/10/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Trường trung học nữ Hai Bà Trưng, dự lễ chào cờ rồi đi thăm các lớp học. Người đặc biệt chú ý đến việc học ngoại ngữ của học sinh nhà trường11.

12. Thư trả lời Bà Sốtxi trong Hội Liên hiệp phụ nữ Pháp

… Theo Tạm ước được ký ngày 14 tháng 9 vừa qua giữa Chính phủ Pháp và Chính phủ Việt Nam, thì hai bên phải đình chỉ mọi sự đối địch. Về phần tôi, tôi sẽ làm hết sức mình để cho điều khoản này cũng như mọi điều khoản khác được thi hành một cách trung thực. Tôi mong rằng về phía những người bạn Pháp của chúng tôi, họ cũng sẽ hành động như vậy. Như thế máu sẽ thôi không đổ nữa, và những nỗi lo âu của các bà mẹ Pháp và Việt Nam sẽ không còn.

… Trong khi một bà mẹ Pháp thương khóc đứa con của mình thì có biết bao nhiêu bà mẹ Việt Nam vừa khóc thương những người con bị chết lại vừa đau xót vì nỗi nhà tan cửa nát!12

13. Thư khen bà Bá Huy

Thưa bà,

Tôi nhận được báo cáo rằng bà đã hăng hái giúp đất ruộng, trâu bò, thóc lúa và tiền bạc để lập một an dưỡng đường cho thương binh.

Tôi rất lấy làm vui lòng.

Anh em thương binh đã hy sinh xương máu, để giữ gìn Tổ quốc, bà đã hy sinh tiền của để giúp đỡ anh em thương binh.

Như thế là bà đã giúp sức vào công việc giữ gìn Tổ quốc. Như thế là bà đã làm kiểu mẫu cho đồng bào thực hành cái khẩu hiệu:

"Có tiền giúp tiền, có sức giúp sức,

Đồng tâm hiệp lực, kháng chiến thành công".

Tôi thay mặt Chính phủ và anh em thương binh cảm ơn bà, và ngợi khen bà.

Đồng thời tôi cũng cảm ơn các phụ lão, các vị thân hào và toàn thể nam nữ đồng bào ở vùng đó, đã giúp công, giúp của với bà, để lập nên an dưỡng đường "Bà Bá Huy".

Tôi mong bà cùng toàn thể đồng bào vùng đó sẽ luôn luôn chăm nom giúp đỡ các thương binh.

Ngày 27 tháng 7 năm 1947

HỒ CHÍ MINH

In trong sách Lời Hồ Chủ tịch, Nha Thông tin Việt Nam, 1949, t.2, tr.1313.

Thu Hiền (tổng hợp)

-------------

1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 1, tr.114;
2, 4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, tập 2, tr. 114-118; tr. 315.
3. Bài báo này bị mật thám thu giữ và dịch ra tiếng Pháp. Vì dịch lại từ tiếng Pháp nên từ ngữ có thể không đúng với bản gốc. Các tài liệu này in trong sách của Alain Ruscio: HO CHI MINH: Textes (1914 - 1969) - Introduction, choix et présentation, L’Harmattan, 12-1990, pp.75-92. Vì chưa xác minh được văn bản nên tạm xếp ở Phụ lục. Xem thêm tại Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, tập 2, tr. 512.
5, 6, 7, 8. Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, tập 3, tr. 239; tr. 259-260; tr. 243; tr. 541.
9, 11. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2016, t3. tr.63; tr. 301.
10, 12. Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, tập 4, tr.199-200; tr.346-348.
13. Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, tập 5, tr.206.

Bài viết khác: