109. Trước ngày 23 tháng 7 năm 1963
Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Huy hiệu của Người cho bác sĩ Lê Thị Diễm Hương ở bệnh viện C (Hà Nội) đã 10 lần cho máu cứu bệnh nhân.109
110. Bài nói tại Hội nghị tuyên giáo miền núi
Bác thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ đến thǎm các cô, các chú về dự Hội nghị tuyên giáo miền núi.
Cả Hội nghị có hơn 200 đại biểu, thế mà chỉ có 5 phụ nữ, trong 5 phụ nữ lại không có một phụ nữ dân tộc thiểu số nào. Trong lúc còn công tác bí mật, trước Cách mạng Tháng Tám, trong kháng chiến, các chị em phụ nữ miền núi rất anh dũng bảo vệ cán bộ, giúp đỡ cách mạng. Hồi đó báo của Mặt trận Việt Minh, nếu không có phụ nữ thì không ra được đâu. Trong việc đề phòng bọn mật thám, phụ nữ có công rất lớn. Ở vùng đồng bào Mán, mật thám Pháp, mật thám Nhật, mật thám Bảo Đại như rươi. Đầu làng đi vào, cuối làng đi ra, cứ chiều đến bọn chúng rải tro khắp lối đi, vì chúng biết cán bộ mình hoạt động ban đêm. Sáng sớm dậy, nó đi dò dấu chân, dấu giày, dấu dép. Chị em phụ nữ đêm khuya lo cơm nước, sáng tinh mơ lại đi xóa hết dấu chân của cán bộ đã đi qua. Nhiệt tình cách mạng của chị em phụ nữ các dân tộc thiểu số cao như vậy đấy. Trong mọi mặt hoạt động cách mạng, phụ nữ các dân tộc thiểu số đều có đóng góp lớn lao. Một cuộc họp như thế này, mà quên mất vai trò phụ nữ, thì chắc ở các địa phương, các chú cũng quên mất vai trò phụ nữ.
Trong cuộc Hội nghị này có 12 dân tộc, như thế là tốt. Nhưng chưa đủ. Có 26 cán bộ xã và hợp tác xã, như thế cũng ít. Điều này chứng tỏ cái gì? Nó chứng tỏ rằng trong công tác tuyên giáo, đối với phụ nữ các chú chưa xem trọng; đối với hợp tác xã cũng chưa xem trọng. Nếu hiện nay các cô, các chú không hướng vào xây dựng hợp tác xã cho tốt, thì tuyên truyền cái gì? Huấn luyện cái gì? Bác nói thế có đúng không?
Ở đây có 85 cán bộ các cơ quan trung ương. Những cán bộ ở trung ương đến đây, không phải chỉ là để nghe, mà phải nhận trách nhiệm của mình, góp phần vào công tác tuyên truyền huấn luyện đồng bào miền núi. Y tế nhận trách nhiệm gì? Mậu dịch nhận trách nhiệm gì? Giao thông, thuỷ lợi nhận trách nhiệm gì?… chứ không phải đến dự cho có mặt đông đủ rồi về.
Nói chung, công tác tuyên truyền huấn luyện ở miền núi, các cô, các chú có cố gắng, có tiến bộ. Nhưng chưa đủ, có thể nói còn phải cố gắng nhiều hơn nữa.
Công tác tuyên truyền phải cụ thể, thiết thực. Tuyên truyền cái gì? Tuyên truyền cho ai? Tuyên truyền để làm gì? Tuyên truyền cách thế nào? Đó là những vấn đề các chú phải tự hỏi, tự trả lời. Chứ không phải chờ trên gửi tài liệu xuống, rồi theo một, hai, ba, bốn mà làm. Ví dụ: Một tỉnh có đồng bào Thái, đồng bào Mèo, thì tuyên truyền huấn luyện đối với đồng bào Thái khác, đồng bào Mèo khác, phải có sự thay đổi cho thích hợp. Bởi vì đời sống, trình độ đồng bào Mèo và Thái khác nhau cho nên tuyên truyền huấn luyện phải khác. Tuyên truyền huấn luyện phải xuất phát từ chỗ nào? Xuất phát từ nhiệt tình cách mạng, tình thương yêu chân thành đồng bào các dân tộc, từ tinh thần hết lòng phục vụ đồng bào các dân tộc. Có như thế, mới tìm ra cái đúng cái hay mà làm. Chứ không phải trung ương bảo làm, tỉnh bảo làm, thì tôi làm. Tuyên truyền cũng thế, huấn luyện cũng thế. Phải làm sao dễ hiểu, nói sao để người ta hiểu được, hiểu để làm. Vì thế nên tuyên truyền phải thiết thực. Không phải tuyên truyền để mà tuyên truyền, huấn luyện để mà huấn luyện.
Bác nói mấy kinh nghiệm. Ở Tân Trào, lúc đó mới làm xong cái nhà vǎn hóa. Hôm khánh thành, có hai đồng chí cán bộ, một nam một nữ, đến nói chuyện. Mỗi đồng chí diễn thuyết mất một giờ. Diễn thuyết xong, đồng bào vỗ tay hoan hô. Lúc đó Bác ở trong quần chúng. Bác mới hỏi một cô: Có hiểu gì không? Cô ta trả lời: Không. Bác lại hỏi một cụ. Cụ ấy trả lời: Các đồng chí nói rất hay, nhưng tôi không hiểu gì cả. Đó là kinh nghiệm tuyên truyền. Còn huấn luyện thì thế nào? Một hôm đi qua xã Hồng Thái. Bác thấy có một số thanh niên, cả nam và cả nữ ngồi nghỉ ở dưới gốc cây đa. Bác cũng lại đấy ngồi nghỉ. Bác hỏi:
- Các anh các chị đi đâu về đấy?
- Chúng em đi học về.
- Học gì đấy?
- Học Các Mác.
- Có hay không?
- Hay lắm.
- Thế có hiểu không?
- Không hiểu gì hết.
Lớp ấy là lớp huấn luyện của Mặt trận lúc bấy giờ. Mỗi xã cử mấy người đem cơm gạo đi ǎn để học. Học cái gì? Học Các Mác. Hay thì có hay, nhưng không hiểu gì hết.
Đấy là những kinh nghiệm làm không tốt. Bây giờ nói kinh nghiệm làm tốt. Ở một lớp huấn luyện khác có đồng chí Giáp, đồng chí Đồng phụ trách. Mỗi người được chọn đi học như thế, mang theo gạo, ngô để ǎn và bớt một ít để góp nuôi thầy giáo. Mỗi lớp huấn luyện như thế, học một số việc cụ thể, thiết thực. Một là gì, hai là gì, rồi ba, bốn, nǎm là gì. Làm như thế nào. Học mười ngày rồi về, đi làm. Họ làm rất tốt. Phong trào Việt Minh ở Cao Bằng hồi đó phát triển rất nhanh. Họ làm khoảng sáu tháng, hết “tủ”, họ lại về học lần nữa. Tuyên truyền huấn luyện không nên nói trên trời dưới đất, nào là khách quan, chủ quan, nào là tích cực, tiêu cực, không đâu vào đâu cả.
Các chú so sánh hai kinh nghiệm đó, mà tuyên truyền huấn luyện. Một bên nói “hay” mà không hiểu, một bên nói dễ hiểu, thiết thực, người ta hiểu được và làm được.
Bây giờ Bác nói đến nhiệm vụ tuyên huấn hiện nay. Trước Cách mạng Tháng Tám và trong kháng chiến, thì nhiệm vụ tuyên huấn là làm cho đồng bào các dân tộc hiểu được mấy việc: Một là đoàn kết. Hai là làm cách mạng hay kháng chiến để đòi độc lập. Chỉ đơn giản thế thôi: Bây giờ mục đích tuyên truyền huấn luyện là: Một là đoàn kết. Hai là xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ba là đấu tranh thống nhất nước nhà.
Nhưng nếu cứ nói nào là làm “cách mạng xã hội chủ nghĩa”, nào là “tiến lên chủ nghĩa xã hội”, nào là “xây dựng chủ nghĩa xã hội”, đồng bào các dân tộc thiểu số khó hiểu, ít người hiểu. Phải nói rõ xây dựng chủ nghĩa xã hội là làm cái gì? Nói nôm na để cho người ta dễ hiểu, hiểu để người ta làm được. Không nên lúc nào cũng trích Các Mác, cũng trích Lênin, làm cho đồng bào khó hiểu. Nói thế nào cho đồng bào hiểu được, đồng bào làm được, đó là nói được chủ nghĩa Mác - Lênin. Nói thiết thực, nói đúng lúc, đúng chỗ, mới là hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin. Nếu nói không đúng chỗ không phải là chủ nghĩa Mác - Lênin. Bác còn nhớ trong Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII, đồng chí Đimitơrốp có kể chuyện này: Hồi đó ở Đức mới có một cuộc bãi công rất to. Đảng cử một đồng chí đến để tuyên truyền. Đáng lẽ người ta đang bãi công, thì phải nói bãi công nên làm thế nào. Nhưng đồng chí này lại nói chủ nghĩa Mác là gì, thặng dư giá trị là gì… Như thế là nói không đúng chỗ, không thiết thực. May mà đồng chí đó không bị quần chúng ném đá. Tuyên truyền như thế không ǎn thua gì cả.
Nhiệm vụ công tác tuyên huấn có thể chia ra hai mặt: một mặt là làm sao mưu lợi ích cho đồng bào. Một mặt nữa là làm sao tránh được tệ hại cho đồng bào. Bây giờ, muốn mang lại lợi ích cho đồng bào các dân tộc, thì phải nâng cao đời sống của đồng bào. Muốn nâng cao đời sống của đồng bào, không phải cứ nói mà ra cơm gạo. Cơm gạo không phải trên trời rơi xuống. Muốn có cơm gạo thì mỗi người phải làm cái gì? Muốn no ấm thì phải làm cái gì? Phải làm thế nào? - Phải tǎng gia sản xuất. Nhưng tǎng gia sản xuất được bao nhiêu, chén hết bấy nhiêu, cúng bái hết bấy nhiêu, thì có được không? - Phải tiết kiệm, để phát triển sản xuất hơn nữa mới bảo đảm no ấm lâu dài, chắc chắn. Muốn tǎng gia sản xuất, muốn tiết kiệm, thì đồng bào phải làm gì? Từng người một, từng gia đình một thì không làm được mấy. Ví dụ: bây giờ chống hạn, riêng một gia đình có chống hạn được không? Không được. Diệt sâu, một gia đình có làm được không? Một nhà làm không được thì phải nhiều nhà. Nhiều nhà thì phải thế nào? - Phải tổ chức hợp tác xã. Hợp tác xã tổ chức được rồi, nếu quản lý không tốt, quan liêu, tham ô, lãng phí thì có được gì không? Không được. Vì vậy, tổ chức hợp tác xã rồi, thì phải quản lý hợp tác xã cho tốt. Không phải nói gì cao xa, mà nói giản dị, thiết thực như thế thì đồng bào dễ hiểu. Bây giờ, ở miền núi đã có những hợp tác xã tốt. Vừa rồi, trong Đại hội liên hoan anh hùng chiến sĩ thi đua toàn miền Bắc, có 67 hợp tác xã được khen thưởng. Trong đó có 20 hợp tác xã của đồng bào miền ngược. Cái gì miền xuôi làm được, thì miền ngược cũng làm được. 20 hợp tác xã đó, vì sao làm được tốt? Vì cán bộ tốt, không quan liêu, tham ô, lãng phí. Chi bộ tốt, chi đoàn tốt, đảng viên tốt, đoàn viên tốt, cho nên 20 hợp tác xã này làm được tốt. 20 hợp tác xã này làm được thế, vì sao các chỗ khác không làm được? Trong phong trào hợp tác hoá nói chung cả miền Bắc và nói riêng miền núi, thì có hai tỉnh kém nhất. Đó là hai tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng. Lạng Sơn, Cao Bằng trong lúc bí mật, trong kháng chiến, phong trào rất tốt. Cán bộ Cao Bằng đi hoạt động khắp nơi, khắp các ngành. Vì sao hiện nay Cao Bằng, Lạng Sơn chỉ còn có được khoảng 50% số hộ vào hợp tác xã? Có phải vì đồng bào nông dân không thích hợp tác xã không? - Không phải. Thế thì vì ai?
- Các chú phải trả lời: là vì tôi. Mỗi người phải nhận lấy phần trách nhiệm của mình, mà không nên nói lãnh đạo chung chung. Trung ương cũng lãnh đạo, Tỉnh uỷ cũng lãnh đạo. Cao Bằng, Lạng Sơn là hai tỉnh miền núi tương đối lớn. Vậy trước Hội nghị này, cán bộ Cao Bằng, Lạng Sơn có dám hứa trước Đảng, trước Hội nghị là về sau cố hết sức làm cho phong trào hợp tác hóa tỉnh mình được tốt hay không?
Hiện nay, đời sống đồng bào các dân tộc miền núi đã có nhiều tiến bộ, về cả hai mặt vật chất và tinh thần.
Tuy không được đều nhau giữa các dân tộc, nhưng nói chung đều có tiến bộ. Về lương thực, bình quân ở miền núi là hơn 400 cân, như ở Hoà Bình là 500 cân. Còn về mặc, đồng bào miền núi mặc cũng khá hơn trước. Khi Bác lên thǎm Cao Bằng nǎm ngoái, so sánh bây giờ với lúc Bác hoạt động bí mật, thì khác hẳn. Đồng bào các dân tộc đều ǎn mặc lành lặn. Thanh niên trai gái rất diện. Bệnh tật ốm đau đã giảm nhiều. Như thế tức là đời sống tiến bộ. Tiến bộ khá, nhưng không đều, chỗ nhiều, chỗ ít. Đồng bào rẻo cao, so với trước thì có hơn, nhưng có nơi còn khó khǎn. Phải sǎn sóc, giúp đỡ nhiều hơn nữa đối với đồng bào rẻo cao về mọi mặt.
Về vǎn hóa ở miền núi đã tiến bộ nhiều. Đồng bào Thái, đồng bào Mèo, đồng bào Tày, đồng bào Nùng đã có chữ của mình. Như thế là tốt. Nạn mù chữ đã xóa bỏ được nhiều, nhưng còn chậm, cần phải đẩy mạnh việc học vǎn hóa hơn nữa. Nhân dịp này Bác gửi lời khen anh chị em giáo viên miền xuôi xung phong lên miền núi làm công tác giáo dục. Số học sinh con em các dân tộc ở các trường phổ thông đã tǎng rất nhiều, bây giờ bằng một phần ba số học sinh toàn Đông Dương trước kia. Các cô, các chú có thể tự hào, nhưng không được tự mãn. Trước kia, số người có trình độ đại học cả miền núi chỉ có 2 người. Bây giờ đã có hơn 700 người của 20 dân tộc đã tốt nghiệp hoặc đang học đại học (500 người đang học ở các trường đại học trong nước, ngót 100 thanh niên miền núi đi học ở các nước bạn và hơn 100 người đã tốt nghiệp). Bây giờ tỉnh nào cũng có trường cấp III, huyện nào cũng có trường cấp II, xã nào cũng có trường cấp I. Tuy có trường tốt, có trường còn kém, nhưng như thế là một tiến bộ lớn. Hiện nay lại có hơn 30 trường thanh niên dân tộc vừa học vừa làm, để đào tạo cán bộ địa phương, vừa có vǎn hoá, vừa có kỹ thuật, vừa giỏi lao động. Loại trường đó rất tốt, cần giúp cho những trường đó phát triển đúng phương hướng, là vì có chỗ chưa đúng. Như ở Hòa Bình, Trường thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa có nhiều kinh nghiệm, kết quả tốt, nhưng phát triển đến lúc có nhiều trâu bò, nhiều ruộng đất, có máy móc cải tiến, rồi biến nó thành nông trường. Làm như thế là không đúng. Đây là trường học để đào tạo cán bộ, chứ không phải là nông trường để kinh doanh có lãi. Cố nhiên là phải làm để cho có đủ ǎn, đủ mặc, nhưng phải nhớ rằng đây không phải là nông trường để kinh doanh lấy lãi. Các chú cần phải chú ý phát triển loại trường thanh niên dân tộc vừa học vừa làm đó. Bây giờ nhiều tỉnh đã có. Những tỉnh chưa có phải cố gắng mở những trường như thế. Giai cấp công nhân phát triển trong các dân tộc thiểu số khá nhiều. ở các mỏ apatít Lào Cai, mỏ thiếc Cao Bằng, khu gang thép Thái Nguyên, công nhân người các dân tộc rất đông. Hồi trước, mấy cô bé dân tộc còn hay xấu hổ. Bây giờ đã lái được xe, lái được máy xúc, không kém gì công nhân nam giới. Đó là một tiến bộ rất lớn.
Nhưng còn có mặt chưa tốt như: Vệ sinh còn kém, lấy vợ lấy chồng quá sớm. Bác còn nhớ lúc Bác ở trên đó, con đồng chí A lấy con gái đồng chí B, đến khi về nhà chồng, cô dâu còn bé khóc lóc và đòi trả về nhà mẹ. Bây giờ cũng đang còn như thế. Những hủ tục khác như cúng bái ma chay còn nhiều. Có nơi nuôi gà, nuôi lợn được bao nhiêu giết để cúng gần hết. Trong kháng chiến, ở những vùng có bộ đội, có cơ quan của ta ở thì ta giúp đỡ nhân dân chữa bệnh để họ đỡ cúng bái. Bây giờ có nhiều bệnh viện, bệnh xá, ở biên giới có các đồng chí công an vũ trang cũng giúp dân chữa bệnh rất tốt. Nhưng chưa phải là đã hết cúng bái mê tín. Vì đó là phong tục tập quán đã lâu đời. Muốn cải tạo phong tục tập quán được tốt, thì tuyên huấn phải làm, mà phải làm bền bỉ liên tục, làm dần dần, chứ không thể chủ quan nóng vội, muốn làm hết ngay một lúc.
Về mặt kinh tế, đồng bào miền núi nhiều nơi còn chưa biết tiết kiệm. Có bao nhiêu ǎn hết bấy nhiêu. Ǎn, cúng, cưới xin đều chưa biết tiết kiệm. Nhiều nơi còn cấy chay chưa biết dùng phân. Không bỏ phân thì nǎng suất kém. Thủy lợi cũng còn kém. Bác có đi mấy chỗ, thì thấy rằng thủy lợi mà làm to như dưới xuôi thì khó. Nhưng làm thủy lợi nhỏ thì không khó lắm đâu. Những nơi khe núi, nếu mình biết đắp đập, cũng chứa được nước để lúc cần mở ra. Những chỗ như thế không phải là ít. Ở Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, v.v. đều có, nhưng cán bộ ta chưa chú ý. Thủy lợi kém thì mùa màng bấp bênh.
Các cô, các chú cần hết sức chú ý vấn đề bảo vệ rừng. Nếu cứ để tình trạng đồng bào phá một ít, nông trường phá một ít, công trường phá một ít, thậm chí đoàn thǎm dò địa chất cũng phá một ít, thì rất tai hại. Phá rừng thì dễ, nhưng gây lại rừng thì phải mất hàng chục nǎm. Phá rừng nhiều như vậy sẽ ảnh hưởng đến khí hậu, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống rất nhiều. Ta thường nói: “rừng vàng biển bạc”. Rừng là vàng nếu mình biết bảo vệ, xây dựng thì rừng rất quý.
Về giao thông ở miền núi, đường sá còn rất kém. Cố nhiên đắp đường lớn là do trung ương phụ trách, Bộ Giao thông chịu trách nhiệm. Nhưng địa phương có thể làm những đường nhỏ. Làng này qua làng khác, thì xã tự động làm. Nhiều xã đã làm tốt. Nên làm cho đồng bào thấy rõ lợi ích của việc làm thêm đường sá, tuyên truyền giải thích cho khéo, thì đồng bào tự làm và làm tốt.
Nói tóm lại, cái gì phải làm?
Đoàn kết dân tộc, củng cố hợp tác xã, phát triển thủy lợi, mở mang đường sá, đẩy mạnh sản xuất.
Cái gì phải xóa?
- Mê tín hủ tục.
Cái gì cần phát triển?
- Vǎn hóa giáo dục, vệ sinh phòng bệnh.
Các chú đều biết là miền núi nước ta chiếm một vị trí quan trọng đối với quốc phòng, đối với kinh tế. Vì vậy, Trung ương Đảng và Chính phủ, mà trực tiếp là các cấp ủy đảng, các ủy ban địa phương, các cô, các chú, phải làm sao nâng cao đời sống vật chất và vǎn hóa của đồng bào các dân tộc. Muốn như thế phải tổ chức hợp tác xã. Tổ chức, củng cố, phát triển hợp tác xã nông nghiệp cho thật tốt, tǎng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm cho thật tốt. Làm được như vậy thìvừa nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc, vừa góp phần cung cấpnhững thứ cần thiết cho Nhà nước. Nếu hợp tác xã tổ chức được tốt, được vững, thì đồng bào làm được nhiều việc, đẩy mạnh sản xuất lương thực, trồng cây công nghiệp, phát triển chǎn nuôi, khai thác các thứ lâm sản quý, làm thêm các ngành nghề, để tǎng thu nhập cho hợp tác xã, cải thiện đời sống cho xã viên, góp sức với Nhà nước để xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà. Muốn làm được như thế phải tuyên truyền huấn luyện cho tốt, phải nói thiết thực rõ ràng để đồng bào dễ nghe, dễ hiểu và làm được tốt. Vấn đề quan trọng nhất ở miền núi hiện nay là xây dựng hợp tác xã cho tốt, củng cố cho tốt, quản lý cho tốt, làm thuỷ lợi tốt, phát triển giao thông giữa huyện này và huyện khác, giữa tỉnh này và tỉnh khác cho tốt.
Hiện nay có hàng chục vạn đồng bào miền xuôi lên tham gia phát triển kinh tế miền núi. Đồng bào miền núi phải đoàn kết giúp đỡ đồng bào miền xuôi. Và đồng bào miền xuôi phải đoàn kết giúp đỡ đồng bào miền núi. Đó là hai phía, đó là chính sách dân tộc của Đảng. Bác có nghe báo cáo thế này: đồng bào miền xuôi lên, được đồng bào miền núi giúp đỡ có nhiều cố gắng, sản xuất tốt, ǎn ở tốt với đồng bào địa phương. Nhưng có một số rất ít đồng bào miền xuôi còn có những hành động không đúng, cho nên ảnh hưởng đến tình đoàn kết anh em. Cái đó không phổ biến lắm đâu, nhưng cũng có. Như thế là không tốt. Phải đoàn kết các dân tộc, phải đoàn kết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau về mọi mặt.
Miền núi đối vớiquốc phòng rất quan trọng. Vì vậy, phải chǎm lo đến việc củng cố quốc phòng, duy trì trật tự trị an, để chủ động tiêu diệt nhanh chóng bọn biệt kích, đập tan âm mưu của bọn phản động. Cố nhiên đây là trách nhiệm chính của bộ đội, của công an biên phòng, của dân quân. Nhưng toàn Đảng, toàn dân đều có trách nhiệm giúp sức vào việc đó. Điểm này ở miền núi làm cũng khá. Bác khen công an vũ trang, dân quân du kích, đồng bào miền núi ở những nơi đã làm việc này tương đối tốt. Nhưng phải cố gắng hơn nữa.
Muốn làm được tốt những việc trên thì cán bộ, đảng viên, đoàn viên, bộ đội, công an vũ trang phải gương mẫu. Trước hết là cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, phải tránh thói công thần. Trong các đồng chí cũ, có một số đồng chí cũ công thần rất nặng. Có bệnh công thần thì không chịu lắng nghe ý kiến quần chúng, không chǎm lo đời sống của nhân dân. Công lao của một người dù to thế nào, so với công lao của nhân dân, so với công lao của bộ đội, v.v. thì cũng nhỏ bé như hạt bụi, chẳng thấm vào đâu. Đã mắc phải bệnh công thần, thì không tiến bộ mà thoái bộ, sinh ra quan liêu, bảo thủ, tự cao tự đại. Cũng phải khắc phục những tư tưởng dân tộc lớn, dân tộc hẹp hòi, tự ti dân tộc. Người dân tộc lớn dễ mắc bệnh kiêu ngạo. Cán bộ địa phương, nhân dân địa phương lại dễ cho mình là dân tộc bé nhỏ, tự ti, cái gì cũng cho là mình không làm được, rồi không cố gắng. Đó là những điểm phải tránh. Từng cán bộ, từng đảng viên, đoàn viên, bộ đội, công an vũ trang, đều phải chú ý điểm này. Phải củng cố vững chắc, phát triển tốt Đảng và Đoàn thanh niên. Muốn củng cố phát triển tốt Đảng, Đoàn, trước hết nội bộ phải đoàn kết chặt chẽ từ tỉnh, huyện đến xã. Nếu người ý kiến này kẻ ý kiến khác, trống đánh xuôi, kèn thổi ngược, chẳng những hại đến nội bộ mà còn hại đến nhân dân nữa. Những nơi làm được tốt, như 20 hợp tác xã được nêu ở trên, là do chi bộ đảng, chi đoàn tốt, đoàn kết tốt. Cán bộ, đảng viên, đoàn viên phải gương mẫu, phải thiết thực, miệng nói tay làm để làm gương cho nhân dân. Nói hay mà không làm thì vô ích. Đó là một tật xấu. Trong kháng chiến, nếu có cán bộ chỉ huy du kích miệng hô “tiến lên” mà bản thân mình lại thụt lùi, thì các chú thấy thế nào ? Làm sao mà anh em tiến lên được.
Bây giờ đây cũng thế. Bây giờ mình cũng phải đánh thắng giặc nghèo khổ lạc hậu; chống lụt, chống hạn, cũng đều là đánh giặc, cũng khó khǎn gian khổ. Cán bộ,đảng viên, đoàn viên phải miệng nói tay làm, phải xung phong gương mẫu.
Nước ta có nhiều dân tộc, đấy là điểm tốt. Mỗi dân tộc có một tiếng nói riêng, có khi hai dân tộc một tiếng nói. Cán bộ đi làm việc chỗ nào, phải học tiếng ở đấy. Ví dụ các chú đi tuyên truyền ở nơi đồng bào Mèo, mà phải có một người phiên dịch thì không ǎn thua. Bởi vì người phiên dịch ấy chưa chắc đã phiên dịch hết ý của chú, có khi phiên dịch lại sai đi nữa là khác. Cứ làm như thế cũng không gây được tình cảm thân thiết giữa cán bộ với quần chúng. Bác cho rằng học tiếng của các dân tộc không khó lắm đâu. Học làm thơ, làm ca mới khó, chứ học tiếng dân tộc để nói chuyện cho đồng bào hiểu, để hoà mình với đồng bào thì không khó đâu. Điểm đó các cô, các chú vẫn kém.
Trên kia Bác nói là cán bộ các ngành trung ương phải nhận trách nhiệm ở Hội nghị này, phải có kế hoạch giúp đỡ thiết thực đồng bào miền núi. Bây giờ Bác nói thêm. Bộ đội, công an, công nhân trong nông trường, lâm trường, công trường, xí nghiệp, cán bộ thương nghiệp, y tế, các giáo viên và tất cả cán bộ các ngành phải thấy rằng mỗi người đều phải là người tuyên truyền chính sách của Đảng, của Nhà nước. Và mỗi người cần phải là người tuyên truyền cách cải tiến đời sống của đồng bào như thế nào. Muốn như vậy, các cơ quan Nhà nước, các cấp uỷ đảng phải nhận rõ trách nhiệm của mình, phải có tinh thần phụ trách, phải lãnh đạo, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, giúp đỡ cán bộ. Cái đó đến bây giờ nhiều nơi làm kém. Các đồng chí lãnh đạo các ngành, các tỉnh, các huyện còn có thiếu sót về mặt này. Bác nhắc lại là các cơ quan trung ương phải có kế hoạch đẩy mạnh phong trào miền núi lên, về kinh tế cũng như về vǎn hóa, tất cả các mặt.
Tóm tắt lại là: Ra sức giúp đỡ đồng bào phát triển những việc có lợi ích cho đời sống vật chất và vǎn hóa của các dân tộc. Ra sức làm cho tốt, cho khéo để xóa bỏ những cái có hại như hủ tục, mê tín dị đoan, thiếu vệ sinh, tảo hôn, v.v.. Tuyên truyền không cần phải nói tràng giang đại hải. Mà nói ngắn gọn, nói những vấn đề thiết thực, chắc chắn làm được, để cho mọi người hiểu rõ và quyết tâm làm bằng được. Cố nhiên không phải làm một ngày, một buổi mà phải làm từng bước, làm bước nào chắc chắn bước ấy. Bây giờ đang có ba cuộc vận động lớn. Công việc tuyên truyền, huấn luyện, vǎn hóa, giáo dục của các cô, các chú phải kết hợp chặt chẽ với ba cuộc vận động đó. Công việc của các cô, các chú không phải đơn giản. Nhưng Bác nhắc lại là nếu xuất phát từ nhiệt tình cách mạng, thương yêu đồng bào thì nhất định sẽ làm tốt. Đồng bào các dân tộc rất thật thà và rất tốt. Nếu nói đúng thì đồng bào nghe, đồng bào làm và làm được.
Bác chúc Hội nghị thành công thiết thực.
Nhờ các cô, các chú về địa phương nói Trung ương Đảng, Chính phủ, Bác gửi lời thǎm đồng bào, cán bộ, bộ đội, các cháu thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.
Nói ngày 31-8-1963.
Báo Nhân Dân, số 3453, ngày 11-9-1963.110
111. Nhân dân làm ngoại giao, việc nhỏ, ý nghĩa lớn
Một trong những mục đích chính của công việc ngoại giao là nâng cao uy tín và danh dự của nước mình đối với thiên hạ. Có những việc to do Chính phủ và các đoàn thể nhân dân làm. Có những việc nhỏ do mỗi công dân làm. Việc tuy nhỏ, nhưng có ý nghĩa lớn. Vài thí dụ:
- Năm kia, một người nước ngoài đi dạo phố Hà Nội, đánh rơi ví tiền mà không biết. Một em bé đã nhặt được và đã trả lại cho người đó. Để cảm ơn em bé, người đó đã biếu em mấy đồng bạc, nhưng em từ chối không nhận. Khi trở về nước, người đó đã viết báo ca tụng sự giáo dục đạo đức của ta, và khen ngợi các em bé Việt Nam thật thà và trong sạch.
- Hôm 25-2-1964 cô Phạm Thị Nghị đi làm than từ bến Cửa Ông lên một chiếc tàu buôn của nước Hy Lạp, đã nhặt được một chiếc nhẫn vàng. Đoán là nhẫn ấy do một thủy thủ trên tàu đánh rơi, cô Nghị đã đưa nộp cho trạm công an Cửa Ông. Các đồng chí công an đã điều tra rõ ràng và đã trả lại cho anh Páplô, thủy thủ ở chiếc tàu Hy Lạp. Anh Páplô và cả nhân viên trên tàu đều rất vui mừng và rất khâm phục đức tính thật thà và trong sạch của anh chị em công nhân Việt Nam.
Viết tháng 2-1964.
Bút tích lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.111
112. Ngày 10 tháng 02 năm 1964
Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 06-LCT thưởng Huân chương Lao động hạng Ba cho nghệ nhân chèo Trịnh Thị Lan (Cả Tam), 79 tuổi, đã có nhiều đóng góp cho nghệ thuật chèo Việt Nam.112
Thu Hiền (tổng hợp)
---------------
109. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, sđd, tập 8, tr. 324.
110, 111. Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, tập 14, tr.158-169; tr.254.
112. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, sđd, tập 9, tr.17.