Chỉ mục bài viết

 38. Bà Mẹ anh hùng

Đồng bào ta nhiều gia đình có 3 và 5 con ở bộ đội, đã được Chính phủ tặng thưởng Bảng vàng danh dự và Huân chương Kháng chiến.

Nhưng bà cụ Huân ở Việt Bắc, là Bà mẹ anh hùng bậc nhất. Bà cụ có:

4 con trai,

3 con gái,

1 con dâu,

1 cháu nội.

Tất cả là 9 người hoặc ở bộ đội chủ lực, hoặc ở bộ đội địa phương. Trong 9 người, 1 chị làm tổ trưởng du kích đã oanh liệt hy sinh, 3 người đã lập công và được khen thưởng.

Bà cụ tuy tuổi già sức yếu, nhưng vẫn ra sức giúp đỡ bộ đội và cán bộ, làm gương mẫu trong mọi công việc kháng chiến.

Gia  đình bà cụ đã được tặng thưởng Bảng vàng danh dự và Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Vừa rồi lại được Chính phủ đặc biệt tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba. Gia đình bà cụ Huân thật là xứng đáng:

Cả nhà kháng chiến,

Muôn thuở rạng danh,

Nêu gương dân tộc,

Việt Nam quang vinh.

Đ.X.

Báo Cứu quốc, số 2466, ngày 11-11-195338.

39. Thanh niên nông dân

Chiến sĩ trong quân đội ta (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích) đại đa số là thanh niên nông dân.

Đồng bào đi dân công, đại đa số là thanh niên nông dân.

Trong những đội thanh niên xung phong, đại đa số cũng là thanh niên nông dân.

Mà đại đa số là thanh niên nông dân thì bị phong kiến địa chủ áp bức bóc lột tàn tệ...

Nói tóm lại, đại đa số thanh niên nông dân, gái cũng như trai, đều bị đói rách nghèo nàn, lầm than cực khổ; cho nên chí khí đấu tranh của họ rất cao. Đi  đánh giặc, đi dân công, tham gia phát động quần chúng thực hiện chính sách ruộng đất, thanh niên đều rất hăng hái.

Vì vậy, các đội công tác cũng như cán bộ phụ trách địa phương cần phải chú trọng việc phát động, tổ chức, giáo dục và cất nhắc thanh niên nông dân.  Thanh niên là một cái nguồn vô tận, từ nguồn ấy mà chúng ta đào tạo  những  cán bộ tốt cho hiện tại và tương lai của nước nhà.

C.B.

Báo Nhân Dân, số 159, từ ngày 11 đến ngày 15-1-195439.

40. Thêm một tội ác của giặc Pháp và bù nhìn

Lâu nay chúng bắt ép thanh niên đi ngụy binh làm bia đỡ đạn cho chúng. Nay chúng bắt ép cả phụ nữ làm ngụy binh!

… Âm mưu này rất thâm độc. Trực tiếp là giày vò phụ nữ ta, gián tiếp là phá hoại nòi giống ta. Toàn thể nhân dân, trước hết là phụ nữ, hãy kiên quyết đứng lên, đập tan âm mưu ấy. Dòng dõi bà Trưng, bà Triệu quyết không chịu khuất phục lũ giặc xâm lăng!

Đồng thời ta phải kêu gọi phụ nữ Pháp và phụ nữ quốc tế, góp sức chống lại âm mưu ấy.

Đ.X.

Báo Cứu quốc, số 2526, ngày 5-2-195440.

41. Chiến sĩ gương mẫu

Trong công tác phát động quần chúng thực hiện chính sách ruộng đất, số đông cán bộ đã cố gắng làm tròn nhiệm vụ. Nhưng vẫn có những cán bộ phạm sai lầm như: chủ quan khinh địch, sợ khó sợ khổ, quan liêu bao biện... Có một số (rất ít) hủ hóa. Có một cán bộ rất kỳ quái - trong lúc “3 cùng” mà dùng nước hoa!!!

Cuộc  phát  động  quần  chúng  là  một  trường  huấn  luyện  rộng lớn, để rèn luyện và cải tạo cán bộ cũ, để đào tạo và cất nhắc cán bộ mới. Đó là một cuộc thi đua ái quốc thiết thực và dài hạn cho tất cả cán bộ cũ và mới.

Chúng ta vui lòng nêu lên những chiến sĩ xuất sắc sauđây (ở Liên khu  IV). Những chiến sĩ này đã: Chịu khó chịu khổ, đi sâu làm kỹ, thực hiện dân  chủ, giữ vững ý thức tổ chức và kỷ  luật, đoàn kết nội bộ và quần chúng, làm đúng chính sách của Đảng và Chính phủ, theo đúng đường lối của nhân dân:

Nữ đồng chí: Đào, Thiều, Nam, Bút (đồng bào thiểu số); đồng chí: Tỉnh (Công giáo), Thi, Quang, Tiếp, Loan, Thúc, Thuần, Phát, Ban, Thu Giang, Thương (1 cán bộ Công giáo đã 60 tuổi).

(Mong các đoàn công tác gửi tên chiến sĩ gương mẫu cho chúng tôi để đăng tiếp).

Đ.X.

Báo Cứu quốc, số 2546, ngày 5-3-195441.

42. Cách nói của quần chúng

Phụ nữ xã T.T. họp, một cốt cán là chị Nâu hướng dẫn. Chị Nâu nói: Hôm nay chị em ta họp để bàn cách chia ruộng đất thế nào. Ví dụ, nay chị em ta hái được một buồng chuối, có nải to nải nhỏ, thì chia thế nào cho đều được?

Một chị nói: “5 ngón tay có ngón dài ngón ngắn. Chị em ta phải thương yêu nhau, nhường nhau, chứ thế nào nải to, nải nhỏ cũng có chênh lệch một tí”.

Chị Nâu nói: “Thế thì ruộng đất cắt ra thật đều mà chia có được không?”.

Một chị khác nói: “Không, ta phải nhân nhượng nhau chứ?”.

Chị Nâu lại nói: “Hái được buồng chuối, tôi giữ nải to lại nhiều quả, chị em thì giữ nải nhỏ, như vậy có nên không?”.

Các chị em đều nói: “Không nên, chuối là của chung, một người giữ nhiều quá để chị em khác không có thế là không thương yêu nhau”.

Chị Nâu nói tiếp: “Thế thì ruộng đất chúng ta đấu tranh được, người nhận được nhiều có nên rút bớt chia cho người khác không?”.

Mọi người đều tán thành rút bớt. Chị Nâu kết luận: “Thế thì chúng ta phải đoàn kết thương yêu nhau để chia ruộng đất. Người nhận nhiều ruộng phải nhường bớt để chia cho người thiếu hoặc không có ruộng đất”. Tất cả chị em vui vẻ tán thành.

Trong cuộc khai hội, ai cũng có ý kiến, cũng tham gia bàn bạc. Rồi ai cũng hiểu chính sách và tán thành chính sách. Cuộc họp đã vui vẻ, lại không tốn nhiều thì giờ.

Đó là cách khai hội, cách bàn bạc của quần chúng, và kết quả tốt của nó.

Đó là điều mà cán bộ ta nên học tập để tránh những “khách quan chủ quan, tích cực tiêu cực, sự thực cầu thị, dây muống dây cà...” mà kết quả là kéo dài thời giờ, quần chúng ít hiểu.

Cách nói không mất tiền mua,

Giản đơn, dễ hiểu, thì vừa tai dân.

Đ.X.

Báo Cứu quốc, số 2574, ngày 14-4-195442.

43. Chuyện con Tấm, con Cám

Tấm hỏi Cám: Sách Tam tự kinh có câu: “Ngọc bất trác, bất thành khí”. Nghĩa là gì, em có hiểu không?

Cám: - Gớm! Ai chẳng hiểu, chị còn thử em! Nghĩa là: Viên ngọc phải được đẽo dũa, nó mới thành những cái xinh đẹp.

Tấm: - Ấy, thế mà trong việc phát động quần chúng, nhiều cán bộ không hiểu đấy, em ạ! Khi bắt rễ xâu chuỗi, họ muốn rễ tốt về mọi mặt, chứ họ không chịu khó “trác”.

Cám: - Không phải ai cũng làm như vậy đâu. Em  kể chuyện chị Thu (cán bộ Việt Bắc) cho chị nghe nhá.

Chị Thu đến xã thì gặp bà cụ A hơn 50 tuổi. Cán bộ xã nói: Bà ấy là trung nông, ngoan đạo, lừng khừng, đến khai hội thì cứ ngủ gật, không hề nói phô gì cả. Nói tóm lại: Bà A là một người “lạc hậu về mọi mặt”.

Chị Thu vừa giúp đỡ bà A. làm việc nhà, vừa hỏi han tỉ mỉ. Thì ra bà A là bần nông, bị định nhầm vào trung nông. Chị Thu chịu khó khêu gợi: Bà A. kể lại một cách rất mạch lạc cuộc đờicực khổ từ bé đến già, rồi nói: “Nhà nghèo, cha cụ không thèm nhìn đến. Áo rách, người ta không cho vào nhà thờ cúng Chúa. Khổ thì đành chịu, nói ra cũng chẳng ai giúp mình!”.

Chị Thu cứ chịu  khó giáo  dục bồi  dưỡng. Kết quả là bà A tố khổ rất hăng, dần dần thành một cán bộ rất tốt, và được cử vào ban chấp hành nông hội.

Tấm: - Thế là cán bộ chịu khó “trác”, thì ngọc rễ mới thành khí. Vậy, chị hát cho em nghe nhá:

Bống bống bồng bồng,

Cán bộ ba cùng,

Bồi dưỡng rễ chuỗi.

Phát động quần chúng mới thành công hoàn toàn.

Bống bống bồng bồng,

Bần, cố, trung nông,

Đoàn kết một lòng.

Chính sách ruộng đất mới thành công hoàn toàn.

Đ.X.

Báo Cứu quốc, số 2630, ngày 30-6-195443.

44. 3 chiến sĩ lao động kiểu mẫu của liên khu IV

- Đồng chí Hoàng Thị Mới, 20 tuổi, bần nông, người Thanh Hóa. Vóc người tuy bé nhỏ, nhưng làm việc rất hăng hái. Trong đợt dân công, đồng chí Mới gánh mỗi chuyến 55 kilô. Đường đi gần, thì gánh đến 72 kilô. Do gương  mẫu của đồng chí Mới mà cả đội đã tăng năng suất 34 phần 100.

Đồng chí Mới lại có tinh thần đoàn kết rất cao, luôn luôn sẵn sàng giúp  đỡ bạn, không quản khó nhọc. Qua mấy đợt thi đua, đồng chí Mới vẫn giữ  vững  kiểu mẫu trong phong trào. Sau đợt tổng kết, đồng chí Mới được cử làm bí thư hội phụ nữ và làm Đội phó trong Đoàn thanh niên xung phong.

- Đồng chí Nguyễn Văn Tường, 33 tuổi, nhà buôn bán nhỏ, người Thanh Hóa. Phụ trách xe đạp thồ đá, mỗi chuyến đồng chí Tường thồ hơn 320 kilô, có khi 366 kilô. Đồng chí Tường luôn luôn giúp sửa xe cho bạn để đảm bảo hoàn thành công tác.

- Đồng chí Nguyễn Đình Huyền, 40 tuổi, công nhân, người Nghệ An.  Trong trận chống lụt vừa qua, đồng chí Huyền rất dũng cảm, vật lộn với nước lụt suốt ngày đêm và đã bảo vệ được vật liệu của công trường khỏi trôi mất. Thấy anh em làm bùloong mỗi ngày chỉ được 30 cái, đồng chí Huyền xin làm thử, mỗi ngày được 70 cái. Anh em rút kinh nghiệm đã tăng năng suất rất nhiều.

Đồng chí Huyền lại có nhiều sáng kiến giúp cho công việc khác tăng năng suất 35 đến 50 phần 100. Trong các đợt thi đua, đồng chí Huyền đều được anh em bầu làm gương mẫu. Ban chỉ huy công trường đã đề nghị lên Chính phủ thưởng Huân chương cho đồng chí Huyền.

Trong 3 chiến sĩ, trẻ có, già có, nam có, nữ có, công, nông, thương có,  nhưng đồng một mục đích là: Hăng hái thi đua nâng cao năng suất, để phục vụ nhân dân.

C.B.

Báo Nhân Dân, số 299, ngày 25-12-195444.

 Thu Hiền (tổng hợp)

--------------

38, 39, 40, 41, 42, 43. Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, tập 8, tr.333, tr.386, tr.404, tr.423, tr.459-460, tr.523-524.
44. Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, tập 9, tr. 208-209.

Bài viết khác: