Chỉ mục bài viết

 113. Bài nói tại Hội nghị cán bộ phụ nữ miền núi

Bác thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ thân ái hoan nghênh các đại biểu của Hội nghị cán bộ phụ nữ miền núi.

Ngày trước, hồi còn có Tây, Nhật và vua, quan, đàn bà con gái các dân tộc bị chúng áp bức, bóc lột tàn tệ. Mặt khác, chúng xúi giục dân tộc này khinh rẻ, oán ghét dân tộc khác.

Từ ngày cách mạng thành công, kháng chiến thắng lợi, Đảng và Chính phủ đã làm cho gái và trai bình quyền, các dân tộc bình đẳng.

Nhân dịp này, Bác muốn nhắc lại rằng: Phụ nữ các dân tộc miền núi đã  có công ủng hộ cách mạng và đóng góp cho kháng chiến rất nhiều. Hôm nay, Bác muốn dặn dò chị em miền núi mấy điều sau đây:

1. Pháp luật của Nhà nước ta đã quy định đàn bà cũng có mọi quyền lợi như đàn ông. Để thực hiện thật sự bình quyền, phụ nữ phải ra sức phấn đấu. Hiện nay, chị em miền núi đã tiến bộ nhiều, như:

- Cô Nguyễn Thị Khương ở Hòa Bình là Anh hùng Lao động.

- Cô Nguyễn Thị Khoa cũng ở Hòa Bình là Ủy viên tỉnh.

- Cô Vi Thị Hóa ở Nghĩa Lộ là Ủy viên tỉnh.

- Cô Bùi Thị Na, dân tộc Mường ở Thanh Hóa và cô Hoàng Thị Viện, dân tộc Dao ở Bắc Kạn, là Chủ nhiệm hợp tác xã giỏi.

- Cô Hồ Thềnh Sùi, dân tộc Hán ở Quảng Ninh, là Chủ tịch Ủy ban hành chính xã kiêm Phó Bí thư chi bộ.

Còn nhiều phụ nữ giỏi nữa, Bác chỉ nêu vài thí dụ thôi. Một tiến bộ lớn nữa là nhiều phụ nữ miền núi, nhất là các cháu thanh niên gái đã trở thành công nhân, tổ trưởng và chiến sĩ thi đua ở các xí nghiệp như: Mỏ thiếc Cao Bằng, khu gang thép Thái Nguyên, v.v..

2. Phụ nữ cũng là người chủ nước nhà. Để xứng đáng là người chủ thì chị em phải ra sức tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm.

Tổ chức và phát triển hợp tác xã cho tốt. Làm cho gia đình ngày càng no ấm, làm tốt nghĩa vụ đối với Nhà nước.

3. Phụ nữ cần phải xung phong trong việc xây dựng đời sống mới. Ở miền núi đang còn những phong tục không tốt do bọn phong kiến để lại, như: ma chay, cúng bái rất tốn kém. Cưới vợ, gả chồng quá sớm. Vệ sinh phòng bệnh, v.v. còn kém. Đó là những mê tín và hủ tục nên xóa bỏ, để xây dựng mỹ tục thuần phong.

4. Đoàn kết là sức mạnh. Đồng bào miền núi, trước hết là chị em phụ nữ,  cần phải đoàn kết chặt chẽ, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau. Đoàn kết giữa dân tộc mình, đoàn kết giữa các dân tộc.

Đoàn kết với đồng bào miền xuôi lên phát triển kinh tế miền núi.

Tất cả các dân tộc miền núi và miền xuôi phải đoàn kết như anh em, chị em trong một nhà, cùng nhau ra sức xây dựng miền Bắc giàu mạnh và ủng hộ đồng bào miền Nam ruột thịt đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ Việt gian.

Một việc rất quan trọng nữa là: Toàn thể đồng bào miền núi phải nâng cao tinh thần cảnh giác, giữ gìn trật tự trị an, luôn luôn sẵn sàng tiêu diệt bọn biệt kích, ngăn chặn bọn phản cách mạng âm mưu phá hoại.

5. Để làm tốt những việc nói trên, chị em phải cố gắng học tập.

Học văn hóa, học chính trị, học nghề nghiệp. Nếu không học thì không tiến bộ. Có quyết tâm thì nhất định học được. Hiện nay đã có phụ nữ miền núi làm thầy giáo, làm bác sĩ, làm cán bộ kỹ thuật, đội trưởng dân quân, v.v.. Tất  cả  phụ nữ trong huyện Đà Bắc ở tỉnh Hòa Bình đã xóa xong nạn mù chữ. Đó là những gương mẫu có quyết tâm thì thành công. Bác chờ để khen thưởng những chị em có thành tích xuất sắc nhất.

6. Đảng ủy các cấp ở miền núi cần phải ra sức phát triển đảng viên và đoàn viên phụ nữ, cần phải đào tạo và giúp đỡ cán bộ phụ nữ các dân tộc. Đó là nhiệm vụ mà Trung ương và Bác giao cho các đồng chí phải làm cho tốt.

Cuối  cùng,  Bác  nhờ  các  cô  chuyển  lời  hỏi  thăm  thân  ái  của Trung  ương,  của  Chính  phủ  và  của  Bác  đến  toàn  thể  đồng  bào miền núi. Chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.

Nói ngày 19-3-1964.

Báo Nhân Dân, số 3643, ngày 20-3-1964.113

114. Ngày 19 tháng 3 năm 1964

Nhân Hội nghị Phụ nữ họp tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng Bằng khen cho 2 đơn vị nữ có nhiều thành tích là Trung đội nữ dân quân thôn Vĩnh Lạc, xã Mỹ Thành, huyện Mỹ Đức, Hà Đông (nay thuộc Hà Nội) và tổ nữ thanh niên Vi Thị Thành, gồm phụ nữ các dân tộc Tày, Nùng ở Nông trường Thái Bình (Quảng Ninh).114

115. Trước ngày 21 tháng 3 năm 1964

Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Huy hiệu của Người cho 6 phụ nữ có thành tích trong lao động sản xuất.115

116. Báo cáo tại Hội nghị chính trị đặc biệt

Thưa các cụ và các đồng chí thân mến,

Từ ngày hòa bình lập lại đến nay vừa đúng 10 năm. Trong thời gian ấy, ở trong nước và trên thế giới có nhiều biến đổi to lớn. Cuộc Hội nghị chính trị đặc biệt này là cơ hội tốt để chúng ta xem lại những sự kiện đã qua và bàn bạc về những vấn đề sắp tới.

10 năm qua là 10 năm đấu tranh và xây dựng, nhân dân ta đã vượt qua nhiều khó khăn và tranh được nhiều thắng lợi.

… 10 năm qua, dưới chính quyền của nhân dân, 17 triệu đồng bào ta ở  miền Bắc đều đoàn kết một lòng, ra sức xây dựng đất nước, xây dựng một đời sống mới, tăng cường lực lượng về mọi mặt.

Những thành tích to lớn của miền Bắc ngày càng tỏ rõ chế độ xã hội  chủ  nghĩa là rất tốt đẹp và đang cổ vũ mạnh mẽ cuộc đấu tranh yêu nước của đồng bào miền Nam.

Cảnh tượng miền Bắc ngày càng đổi mới, càng lớn mạnh là một việc  đáng tự hào, phấn khởi của cả dân tộc ta, từ Bắc đến Nam. Đó cũng là điều vui  mừng chung của anh em bầu bạn ta khắp thế giới.

Từ 3 năm nay, dưới ánh sáng của Đại hội lần thứ III của Đảng ta, nhân dân ta đang phấn khởi thi đua thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, thực hiện  một bước công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, xây dựng bước đầu cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội.

Trong 10 năm qua, miền Bắc nước ta đã tiến những bước dài chưa từng thấy trong lịch sử dân tộc. Đất nước, xã hội và con người đều đổi mới. Nhiều khu công nghiệp lớn đã mọc lên. Những thành phố trước kia là nơi ăn chơi nay đã trở thành những trung tâm sản xuất. Nhiều nơi ở nông thôn trước kia chỉ cày cấy một mùa nay đã làm đôi ba vụ, nông nghiệp phát triển toàn diện. Những  miền trung du và thượng du ngày xưa là xa xôi hẻo lánh, nay đang đón tiếp  hàng chục vạn đồng bào miền xuôi lên cùng đồng bào miền núi khai thác tài nguyên phong phú của đất nước.

Xã hội miền Bắc ngày nay là xã hội của những người lao động làm chủ tập thể, nêu cao tinh thần tự lực cánh sinh, cần kiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng đời sống mới cho mình và cho con cháu muôn đời mai sau. Xã hội miền Bắc ngày nay là một đại gia đình gồm mọi tầng lớp nhân dân, mọi dân tộc anh em thân ái đoàn kết  giúp  đỡ  lẫn  nhau, đồng cam cộng khổ, phấn đấu cho  lợi ích chung của Tổ quốc. Chế độ ta là chế độ mới, nhân dân ta đang trau dồi  đạo đức mới, đạo đức xã hội chủ nghĩa của những người lao động "ta vì mọi  người, mọi người vì ta". Trong khi xây dựng cái mới, chúng ta phát triển những đức tính tốt đẹp của tổ tiên ta và học tập những gương tốt của nhân dân các nước anh em.

Chúng ta tự hào có nhiều cụ ông, cụ bà  ngoài 70, 80 tuổi vẫn hăng hái học tập và lao động, lập ra những đội "bạch đầu quân" trồng cây gây rừng, đôn  đốc phong trào bình dân học vụ và vận động vệ sinh phòng bệnh.

Phụ nữ ta có thành tích lớn trong sản xuất nông nghiệp và công nghiệp; có  nhiều anh hùng chiến sĩ thi đua, đội trưởng sản xuất trong các nhà máy, chủ  nhiệm hợp tác xã, đội trưởng dân quân, bác sĩ, giáo viên... rất giỏi.

Thanh niên ta tích cực xung phong cố gắng làm tròn nhiệm vụ đầu tàu trong mọi hoạt động kinh tế, văn hóa, quốc phòng, thực hiện khẩu hiệu "Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên".

Các cháu nhi đồng ta rất ngoan, chăm học chăm làm; nhiều cháu đã dũng cảm cứu bạn trong cơn nguy hiểm, nhiều cháu thật thà đem trả của rơi, thương  yêu giúp đỡ nhau và thi đua làm "nghìn việc tốt".

Làng xóm ta xưa kia lam lũ quanh năm mà vẫn quanh năm đói rách. Làng xóm ta ngày nay bốn mùa nhộn nhịp cảnh làm ăn tập thể. Đâu đâu cũng có trường học, nhà gửi trẻ, nhà hộ sinh, câu lạc bộ, sân và kho của hợp tác xã, nhà mới của xã viên. Đời sống vật chất ngày càng ấm no, đời sống tinh thần ngày càng tiến bộ.

Báo cáo ngày 27-3-1964.

Báo Nhân Dân, số 3651, ngày 28-3-1964.115

117. Bài nói với đại biểu nhân dân Thủ đô trong cuộc ra mắt của các vị ứng cử đại biểu Quốc hội khóa III ở Hà Nội

Thưa đồng bào thân mến,

1. Trước hết, tôi cảm ơn Mặt trận, cảm ơn đồng bào và các cháu thanh niên Hà Nội đã mời tôi ra ứng cử ở Thủ đô.

Tôi được cử làm đại biểu Quốc hội đã gần 20 năm nay. Đáng lẽ tôi nhường chỗ cho lớp người trẻ hơn ra gánh vác công việc nước nhà. Nhưng hiện nay ở miền Nam ruột thịt, từ các cụ già, các bà mẹ, đến các cháu thanh niên và nhi đồng đều đang anh dũng hy sinh, ra sức chiến đấu chống đế quốc Mỹ cướp  nước và bọn Việt gian bán nước, để giành lại quyền độc lập, tự do, thì tôi không thể:

Thảnh thơi vui thú thanh nhàn,

Sớm khuya tiếng hạc tiếng đàn tiêu dao.

Vì vậy tôi cứ phải cố gắng phấn đấu và phấn đấu mạnh. Phấn đấu cho  công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Phấn đấu ủng hộ đồng bào miền Nam. Phấn đấu cho sự nghiệp hòa bình thống nhất nước nhà. Phấn đấu cho:

Bắc Nam sum họp một nhà,

Cho người thấy mặt thì ta vui lòng.

2. Mặt trận Hà Nội giới thiệu 45 vị ra ứng cử. Nhưng khóa này Thủ đô ta chỉ được cử 36 đại biểu vào Quốc hội. Như vậy là trong các vị ứng cử, có người sẽ được bầu, có người không được bầu. Tuy vậy, tôi nghĩ rằng: Người không được bầu cũng như người được bầu đều vinh hạnh, vì đã được đồng bào tin cậy và giới thiệu mình. Cho nên được bầu hoặc không được bầu, chúng ta đều phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, như những người đày tớ trung thành nhất của nhân dân.

3. Các nước tư bản tự xưng là họ văn minh hơn ta. Song nhân dân ta có thể tự hào rằng ta dân chủ hơn họ. Ví dụ một nước tư bản mà ta quen biết nhất là nước Pháp.

Nhân dân Pháp là một nhân dân anh hùng. Họ đã làm cách mạng tư sản cách đây 175 năm. Kế đến Công xã Pari cách đây 94 năm. Họ cũng có tổng  tuyển cử. Nhưng chế độ tổng tuyển cử của họ đã diễn ra như thế nào?

Trong cuộc tổng tuyển cử năm 1962 ở Pháp, Đảng Cộng sản được hơn 4 triệu phiếu mà chỉ được 41 đại biểu vào Quốc hội.

Đảng của tướng Đờ Gôn được 5 triệu 80 vạn phiếu mà được 234 đại biểu vào Quốc hội.

Như vậy là Đảng Cộng sản phải có 97.000 phiếu mới được 1 đại biểu vào Quốc hội.

Đảng tư sản thì chỉ cần 25.000 phiếu đã được 1 đại biểu.

Nếu tổng tuyển cử Pháp mà thật sự dân chủ thì hoặc là Đảng của tướng Đờ Gôn chỉ được 59 đại biểu, chứ không phải 234, hoặc là Đảng Cộng sản được 160 đại biểu chứ không phải chỉ có 41 đại biểu mà thôi.

Về thành phần thì trong 480 đại biểu Quốc hội Pháp chỉ có 8 phụ nữ, 21 công nhân, 41 người làm nghề nông.

Một điều đáng chú ý nữa là hơn 8 triệu 60 vạn người, tức là hơn 31% số cử tri đã không đi bỏ phiếu.

Còn ở ta thì trong khóa II Quốc hội có 91 vị đại biểu miền Nam và trong 362 đại biểu miền Bắc thì có:

49 đại biểu phụ nữ,

50 đại biểu công nhân và cán bộ công nghiệp,

47 đại biểu nông dân và cán bộ nông nghiệp,

56 đại biểu đồng bào miền núi,

42 đại biểu thanh niên,

21 đại biểu anh hùng lao động và quân đội.

Khắp miền Bắc nước ta hơn 95% cử tri đã đi bỏ phiếu. Có nơi đến 100%.

Với những con số trên đây, đồng bào ta có thể so sánh và tự trả lời: nước ta và các nước tư bản, ai dân chủ hơn ai?

Toàn Đảng, toàn dân ta phấn khởi làm tốt cuộc tổng tuyển cử và hăng hái tiến lên xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

Nói tối ngày 14-4-1964.

Báo Nhân Dân, số 3669, ngày 15-4-1964.116

Thu Hiền (tổng hợp)

---------------

113, 116, 117. Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, tập 14, tr.262-264; tr.271-286; tr.296-299.

114, 115. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, sđd, tập 9, tr.29; tr.30.

Bài viết khác: