Chỉ mục bài viết

 14. Thư gửi đồng bào các tỉnh Việt Bắc (02-9-1947)

… Tôi không bao giờ quên được, trong những ngày gian nan cực khổ đó, đồng bào trong tỉnh ta, các cụ già, các chị em phụ nữ, anh em nông dân, các em thanh niên, các cháu nhi đồng ai cũng hǎng hái giúp đỡ...

15. Ngày 08 tháng 3 năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm khu vực làm việc của nữ cán bộ Bộ Nội vụ. Thấy giường nằm của các chị làm bằng phên đan nứa, Người nói với đồng chí trưởng phòng Quản trị của Bộ: “Chú phải làm ngay đệm rơm cho các cô ấy nằm kẻo gió rừng lạnh buốt lắm”.

Tối hôm đó, Người đến dự buổi dạ hội truyền thống của phụ nữ Bộ Nội vụ15.

16. Thư gửi chị Phạm Thị Phượng

Gửi cô Phạm Thị Phượng, xã An Ninh, huyện Kiến Xương, Thái Bình,

Bác gửi lời khen cháu đã đỗ thứ nhất trong tỉnh. Mong cháu cố gắng học thêm, và trong cuộc Thi đua ái quốc cháu cũng ra sức xung phong như trong việc học bình dân học vụ thì Bác sẽ rất vui lòng.

Bác hôn cháu

HỒ CHÍ MINH

Báo Cứu quốc, chi nhánh số 2, số 958, ngày 11-6-194816.

17. Thư khen chị Phạm Thị Tỵ

Gửi cô Phạm Thị Tỵ, xã Hợp Tiến, huyện Vũ Tiên, Thái Bình,

Cháu thi quốc ngữ đỗ thứ nhì, Bác gửi lời khen cháu và khuyên cháu gắng học thêm, sao cho lần sau thi đỗ thứ nhất. Bác lại mong cháu cùng các chị em xung phong trong cuộc Thi đua ái quốc, làm cho nổi tiếng phụ nữ Thái Bình.

Bác hôn cháu

HỒ CHÍ MINH

Báo Cứu quốc, chi nhánh số 2, số 958, ngày 11-6-194817.

18. Thư gửi chiến sĩ du kích Hồng Sinh, xã Ngũ Lão, huyện Hòa An

(Nhờ UBKCHC Cao Bằng chuyển)

Tôi được báo cáo rằng: Hồng Sinh một mình đã diệt được 16 tên giặc.

Đó là một thành tích vẻ vang cho toàn thể dân quân du kích Cao Bằng.

Tôi rất vui lòng khen ngợi Hồng Sinh, và khuyên Hồng Sinh cố gắng thêm, diệt cho được hai lần 16 tên giặc, để lập công trong cuộc Thi đua ái quốc năm nay.

Đồng thời tôi mong nam nữ du kích Cao Bằng đều cố gắng thi đua, theo cho kịp Hồng Sinh, diệt cho nhiều giặc, cướp cho nhiều súng. Như vậy, thì tỉnh ta sẽ quét sạch lũ giặc, và kháng chiến sẽ mau thắng lợi, thống nhất và độc lập sẽ mau thành công.

Chào thân ái và quyết thắng

HỒ CHÍ MINH

Viết tháng 01-1949. Tài liệu lưu tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam18.

19. Thư gửi anh chị em lao động toàn quốc

Trong công cuộc kháng chiến, kiến quốc, công nhân Việt Nam đã và đang gánh vác một phần rất quan trọng.

Những đội công nhân du kích, những công nhân các nhà máy và công nhân vận tải, bằng cách này hoặc bằng cách khác, đều đã tỏ ra rất dũng cảm.

Những công nhân ở vùng tạm bị chiếm đóng, cũng không kém dũng cảm trong công việc phá hoại kinh tế địch.

Công nhân đàn bà thì xung phong yêu cầu được đóng góp quỹ tham gia kháng chiến như nam giới. Do đó mà gây nên phong trào phụ nữ các giới cũng đều yêu cầu như vậy.

Trong thời kỳ đẩy mạnh cuộc cầm cự, chuẩn bị tổng phản công này, tôi chắc rằng toàn thể công nhân ta sẽ Thi đua ái quốc hăng hái gấp bội. Vì công nhân ta hiểu rằng ở nước ta, dân tộc được giải phóng là bước đầu đi đến giai cấp được giải phóng.

Công nhân ta rất xứng đáng với cái tên vẻ vang là đội tiền phong của dân tộc ta.

Nhiệm vụ của Tổng Liên đoàn Lao động là đi sát với toàn thể công nhân, tổ chức và huấn luyện toàn thể công nhân làm cho giai cấp công nhân thành lực lượng vô địch trong sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc.

Nhân dịp 1-5, tôi gửi toàn thể anh chị em công nhân lời chào thân ái và quyết thắng.

Ngày 01 tháng 5 năm 1949

Chủ tịch

nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

HỒ CHÍ MINH

Bản gốc lưu tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng,

Báo Sự thật, số 111, ngày 01-5-194919.

20. Thư gửi phụ nữ cứu quốc Cao Bằng

Tôi nhận được báo cáo rằng, chị em phụ nữ Cao Bằng thi đua ủng hộ bộ đội và dân quân bằng lựu đạn, lương thực, khăn áo, bánh trái, vân vân, đáng giá 140.000 đồng.

Thế là rất tốt.

Tôi nhớ rằng, trong thời kỳ bí mật, lúc bắt đầu tổ chức đội du kích và quân giải phóng đánh Nhật, đánh Pháp, phụ nữ Cao Bằng luôn luôn hăng hái giúp đỡ, tiếp tế. Nhiều bà cụ và chị em nhịn ăn để nuôi bộ đội. Luôn mấy năm như thế.

Nhiều chị em lại mạnh bạo tham gia du kích giết giặc.

Tôi thay mặt Chính phủ khen ngợi chị em. Đồng thời tôi mong toàn thể phụ nữ Cao Bằng, xung phong thi đua ái quốc, nhằm hai mục đích chính: Học chữ quốc ngữ và tăng gia sản xuất để diệt giặc dốt, diệt giặc đói.

Tôi lại mong phụ nữ các tỉnh thi đua với chị em phụ nữ Cao Bằng, làm cho nổi bật vai trò vẻ vang của phụ nữ Việt Nam trong công cuộc kháng chiến và kiến quốc.

Chào thân ái và quyết thắng

Tháng 5 năm 1949

HỒ CHÍ MINH

Báo Việt Nam độc lập tỉnh Cao Bằng, ngày 17-7-1949. Tài liệu lưu tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam20

21. Thư gửi nữ du kích Bùi Thị Cúc, xã Ba Trại, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây

(Nhờ UBKCHC Sơn Tây chuyển)

Tôi thay mặt Chính phủ gửi lời khen ngợi dân quân du kích xã Ba Trại đã anh dũng diệt giặc trong trận 16-2-1949.

Tôi đặc biệt khen ngợi cháu Cúc đã tiêu diệt được 8 tên giặc, để lập chiến công vẻ vang trong trận ấy.

Tôi mong rằng, toàn thể nam nữ du kích trong tỉnh sẽ hăng hái thi đua diệt giặc lập công.

Tôi sẽ có giải thưởng đặc biệt, gọi là giải thưởng “Chuẩn bị tổng phản công” cho chiến sĩ nào và đội du kích nào lập công to nhất từ nay đến cuối năm.

Cháu Cúc cố gắng lên, để giật giải thưởng ấy.

Bác thưởng cháu 1 chiếc khăn tay.

Chào thân ái và quyết thắng

Tháng 8 năm 1949

   HỒ CHÍ MINH

Bản đánh máy của Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh21

22. Thư gửi các hội mẹ chiến sĩ liên khu IV

Thưa các cụ, các bà,

Tôi thường nhận thư và quà các cụ, các bà gửi cho. Tôi rất cảm động và cảm ơn. Tiếc vì bận việc quá tôi không kịp trả lời riêng từng người, vậy tôi xin trả lời chung trong thư này.

Các chiến sĩ thì sẵn sàng hy sinh gia đình, hy sinh tính mệnh để giết giặc cứu nước, bảo vệ đồng bào. Các cụ, các bà thì thương yêu săn sóc chiến sĩ như con cháu ruột thịt. Thế là các cụ, các bà cũng trực tiếp tham gia kháng chiến.

Đồng thời các cụ, các bà còn hăng hái Thi đua ái quốc để làm kiểu mẫu cho con cháu và đồng bào ở hậu phương. Nhiều cụ, bà tuy tuổi tác đã cao, vẫn cố gắng học chữ, học làm tính. Thật là đáng kính, đáng quý.

Chẳng những các chiến sĩ mà tôi và Chính phủ cũng biết ơn các cụ, các bà.

Tôi mong rằng khắp cả nước, các liên khu, các tỉnh, các làng, ở đâu cũng có Hội mẹ chiến sĩ. Còn các chiến sĩ thì phải hiếu với mẹ nuôi bằng cách thi đua giết nhiều giặc, cướp nhiều súng, lập nhiều công làm cho rạng danh và đền bồi công ơn của các bà mẹ chiến sĩ.

Kính chúc các mẹ mạnh khỏe.

Chào thân ái và quyết thắng

HỒ CHÍ MINH

Viết tháng 9-1949. In trong sách Bác Hồ với Bình Trị Thiên, Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng và Ty Văn hóa Bình Trị Thiên, 1977, tr.20-2122.

23. Hũ gạo kháng chiến của phụ nữ Ngân Sơn

Từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay, phụ nữ Ngân Sơn (Bắc Kạn) đã góp được 2.230 ống gạo tiết kiệm. Mỗi ống là 7 lạng. Thế là mỗi tháng, phụ nữ Ngân Sơn đã góp được 1.061 kilô gạo.

Thành tích ấy đã được Hồ Chủ tịch ban khen.

Nhiều nơi khác cũng có hũ gạo tiết kiệm, nhưng kết quả không được mấy. Thí dụ ở Bắc Kạn, các huyện:

Chợ Rã chỉ được   132 kilô.

Chợ Đồn     -        138  -

Bạch Thông -        304  -

Thành tích ít là vì cán bộ phụ nữ

- Không biết giải thích rõ ràng cách làm và ý nghĩa của hũ gạo kháng chiến để ai cũng hiểu rõ và vui lòng làm.

- Không kiên gan, không chịu khó, "đánh trống bỏ dùi", làm được ít lâu lại bỏ.

- Không thường xuyên khuyến khích nhắc nhở các gia đình. Thậm chí có khi lười không đi thu, để gạo mốc hỏng, hoặc bị chuột ăn, cho nên các gia đình không vui lòng tiếp tục.

- Cán bộ thanh niên và Hội Nông dân cứu quốc không giúp cán bộ phụ nữ làm việc đó.

Ý NGHĨA CỦA HŨ GẠO KHÁNG CHIẾN

Đó là một cách thực hiện chữ Kiệm mà Hồ Chủ tịch luôn luôn dạy bảo chúng ta.

Do hũ gạo kháng chiến mà mỗi ngày, mỗi bữa, nhân dân nhớ đến bộ đội, bộ đội nhớ đến nhân dân, cảm tình giữa quân và dân càng thêm mặn mà.

Đó là một cách giúp cho tăng gia sản xuất.

Riêng ở Bắc Bộ, nếu 185 huyện đều làm được như Ngân Sơn, thì mỗi năm sẽ tiết kiệm được 2.500 tấn gạo, đủ nuôi 125.000 người trong một tháng.

Nếu các cơ quan và bộ đội cũng đều có hũ gạo kháng chiến, thì sẽ đủ nuôi 200.000 người trong một tháng.

Do đó, mỗi năm Chính phủ sẽ tiết kiệm được mấy trăm triệu đồng về lương thực, và thêm số tiền ấy vào những việc ích lợi chung cho quân đội và nhân dân.

Thế là hũ gạo kháng chiến sẽ giúp ích nhiều cho kháng chiến và kiến quốc.

CÁCH LÀM HŨ GẠO KHÁNG CHIẾN

1- Trước hết, cán bộ phải giải thích cho mọi người (nhất là chị em phụ nữ) hiểu thật rõ ý nghĩa và lợi ích của hũ gạo kháng chiến.

2- Cán bộ và mọi người phải hiểu rõ đó là một việc giản đơn, dễ làm, nhưng phải làm lâu dài, bền bỉ, làm hàng ngày, hàng tháng, hàng năm.

Thí dụ: Nhà có hai người ăn, thì mỗi bữa khi cho gạo vào nồi, chỉ bớt lại nửa cốc (cốc nhỏ uống nước), bỏ vào một cái hũ hoặc một cái ống (chứ không phải lấy gạo ở bồ).

Nhà 4 người thì bớt một cốc. Nhà 6 người thì bớt một cốc rưỡi, v.v..

Mỗi nhà, mỗi bữa chỉ cần tiết kiệm một số gạo rất ít, không thấm vào đâu, cho nên dễ làm.

Nhưng "góp gió thành bão", nhà nào cũng làm cho nên số gạo cộng lại khá nhiều.

Mấy điểm cần phải chú ý là:

- Cán bộ đi thu gạo phải đúng ngày.

- Cất đặt phải cẩn thận, chớ để gạo hỏng.

- Việc dùng gạo phải rất minh bạch, tuyệt đối tránh lạm dụng, tránh bừa bãi.

- Mỗi cơ quan, bộ đội, mỗi địa phương, mỗi tháng tiết kiệm được bao nhiêu, phải báo cáo cho quần chúng biết.

Việc làm hũ gạo kháng chiến rất giản đơn mà ích lợi thì to lớn. Mong rằng các cơ quan, bộ đội và địa phương đều cố gắng thi đua làm hũ gạo kháng chiến như đồng bào Ngân Sơn.

C.B.

Báo Nhân Dân, số 5, ngày 22-4-195123.

Thu Hiền (tổng hợp)

--------------

14, 16, 17. Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, tập 5, tr.238; tr.562; tr.563
15. Bác Hồ với chiến khu Việt Bắc, Nxb. Công an nhân dân, 2005, tr.34.
18, 19, 20, 21, 22. Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, tập 6, tr.18; tr.67-68; tr.76 tr.186, tr.214.
23. Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, tập 7, tr.63-64.

Bài viết khác: