Chỉ mục bài viết

71. Bài nói chuyện với cán bộ, công nhân Nhà máy cơ khí Hà Nội

Lần trước Bác đến đây, các cô các chú chưa tiến bộ. Qua năm 1959, cán bộ và công nhân đã tiến bộ khá, hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước, đã biết sắp xếp công việc, nên đã tiết kiệm được hơn 31 vạn giờ, nhặt sắt thép vụn đúc được hơn 200 tấn máy móc. Như vậy là tốt, cần cố gắng nhiều hơn nữa. Quỹ phúc lợi đã dùng bảo hiểm lao động được gần 20 vạn đồng; nếu biết tiết kiệm và tăng năng suất nhiều hơn nữa thì số tiền đó sẽ tăng nhiều hơn nữa.

Như các cô các chú đã biết, máy móc ngày càng tinh xảo, nếu không có trình độ văn hóa và kỹ thuật thì không thể điều khiển được. Trước đây làm việc  theo lối thủ công, nhưng bây giờ làm bằng máy móc tinh xảo cả, nên việc học  tập văn hóa, nâng cao trình độ kỹ thuật là rất cần thiết. Năm qua nhà máy đã có 90% cán bộ và công nhân học văn hóa. Đó là một bước tiến khá. Nhưng như thế vẫn chưa đủ, cần phải vận động sao cho tất cả mọi người đều đi học. Ví dụ: Nhà máy sản xuất xe hơi ở Liên Xô có một phân xưởng làm píttông rất lớn mà chỉ  do 10 công nhân phụ trách, vì máy móc hoàn toàn tự động cả. Gần đây, Liên Xô lại phóng một tên lửa vượt xa 12.500 cây số, rơi sát chỗ đã định, bay nhanh một giờ trên 26.000 cây số. Cần phải có trình độ văn hóa và kỹ thuật cao mới làm được các việc như vậy. Muốn điều khiển và sản xuất được các máy móc hiện đại, cán bộ và công nhân ta cần phải ra sức học tập văn hóa và kỹ thuật. Trai, gái, trẻ, già, cán bộ, công nhân đều phải học cả.

Nói ngày 02-02-1960.

Báo Nhân Dân, số 2148, ngày 04-02-196071.

72. Ngày 17 tháng 02 năm 1960

Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Huy hiệu của Người cho chị Công Thị Hoàn, nữ thanh niên xã Phú Thượng (Từ Liêm, Hà Nội) có thành tích trong phong trào làm phân bón ruộng72.

73. Thư gửi Phụ nữ toàn quốc nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Quốc tế phụ nữ

Từ ngày thành lập, Quốc tế phụ nữ là một lực lượng mạnh mẽ đấu tranh cho công cuộc giữ gìn hoà bình, giải phóng dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Phụ nữ Việt Nam ta sẵn có truyền thống đấu tranh anh dũng và lao động cần cù. Trong kháng chiến, phụ nữ ta từ Bắc đến Nam đều hăng hái tham gia đánh giặc cứu nước.

Từ ngày hòa bình trở lại, nước ta tạm bị chia cắt làm hai miền. Chị em miền Nam đang bền bỉ đấu tranh chống ách thống trị dã man của Mỹ - Diệm. ởmiền Bắc hoàn toàn giải phóng, chị em phụ nữ đều phấn khởi thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, công tác và học tập đều tiến bộ khá.

Đảng và Chính phủ ta luôn luôn chú ý nâng cao địa vị của phụ nữ. Hiến  pháp định rõ "nam nữ bình đẳng" và luật lấy vợ lấy chồng, v.v., đều nhằm mục đích ấy.

Nhưng phụ nữ ta cần phải cố gắng nhiều để theo kịp chị em các nước  bạn, góp phần nhiều hơn nữa trong việc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ví dụ:

Chị em Liên Xô trong gia đình thì không phải bận bịu với việc chăm lo con mọn và hui hút với việc bếp núc. Ngoài xã hội thì thật sự bình đẳng với đàn ông, gánh vác mọi công tác chính trị, kinh tế, văn hóa... Trong ngành giáo dục và ngành y tế, cán bộ phụ nữ đã nhiều hơn cán bộ đàn ông. Năm 1958, trong số  chuyên gia tốt nghiệp kỹ thuật, phụ nữ chiếm 52%. Trong Quốc hội các nước Cộng hòa Xôviết, hơn một phần ba đại biểu là phụ nữ. Đồng chí Naxriđinôva là công trình sư đồng thời là Chủ tịch nước Cộng hòa Xôviết Udơbêkixtan.

Dưới sự lãnh đạo ân cần của Đảng, phụ nữ ta cần phải:

- Cố gắng học tập chính trị, học tập văn hóa, kỹ thuật.

- Nâng cao tinh thần yêu nước và giác ngộ xã hội chủ nghĩa.

- Hăng hái thi đua thực hiện "cần kiệm xây dựng Tổ quốc, cần kiệm xây dựng gia đình".

- Đoàn kết chặt chẽ, ra sức tham gia sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà và giữ gìn hòa bình thế giới.

Là con cháu xứng đáng của Bà Trưng, Bà Triệu, chắc các cô sẽ hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ vẻ vang ấy.

Chào thân ái

Ngày 08 tháng 3 năm 1960

Hồ Chí Minh

Báo Nhân Dân, số 2181, ngày 08-3-196073.

74. Ngày 5 tháng 3 năm 1960

Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Huy hiệu của Người cho chị Nguyễn Thị Thành, công tác tại Trại chăn nuôi Hồng Quang, Hưng Yên, là người chăn nuôi giỏi74.

75. Bài nói tại Hội nghị Phụ nữ lao động tiên tiến và chiến sĩ thi đua toàn thành phố lần thứ hai

Nhân ngày Quốc tế phụ nữ, thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, Bác khen ngợi phụ nữ Việt Nam nói chung, và phụ nữ lao động tiên tiến nói riêng.

Thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, Bác gửi lời chào thân ái tới phụ nữ miền Nam anh dũng. Bác chào mừng phụ nữ các nước anh em và phụ  nữ khắp các nước đang kiên trì và anh dũng đấu tranh bảo vệ hòa bình thế giới.

Năm nay kỷ niệm phong trào Phụ nữ Quốc tế đúng 50 tuổi thì cũng vừa đúng lúc kỷ niệm Đảng ta 30 tuổi. Phong trào phụ nữ trong 30 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng ta đã đóng góp rất nhiều thành tích lớn cho cách mạng.

Thời kỳ bí mật, nhiều chị em đã giác ngộ, tham gia hoạt động cách mạng  rất dũng cảm, mặc dầu muôn ngàn nguy hiểm, gian khổ. Rất nhiều chị em khác cũng đã bảo vệ cách mạng rất gan góc.

Thời kỳ đó, căn cứ địa cách mạng của ta ở Việt Bắc, do đó rất nhiều chị em phụ nữ các dân tộc thiểu số không nhữngvượt gian nguy mà còn gạt cả mê  tín để bảo vệ cách mạng và cán bộ hoạt động cách mạng.

Thời kỳ kháng chiến, Bác chỉ nói vài ví dụ: Ngoài những đội du kích rất anh dũng đánh địch còn có các bà mẹ rất hiền từ tổ chức nhau lại thành hội các bà mẹ chiến sĩ, giúp đỡ bộ đội đánh  giặc, giúp đỡ, an ủi thương binh. Trong các chiến dịch, phụ nữ đi dân công, tải lương thực, đạn dược, làm đường, v.v., rất đông; 2/3 số dân công là phụ nữ. Mặc dầu bị máy bay địch theo dõi thả bom dữ dội, nhưng chị em vẫn vui vẻ ca hát, động viên nhau làm tròn nhiệm vụ.

Ngày nay, đất nước ta hòa bình. Có hòa bình vì đã có bao nhiêu gương đấu tranh, hy sinh anh dũng của toàn dân ta, toàn Đảng ta, trong đó có phụ nữ ta.

Bác chỉ nói vài nét về phụ nữ tham gia kiến thiết xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc hiện nay. Ở các nhà máy hiện nay có rất nhiều cháu gái, có những cháu biết điều khiển những máy tiện, máy khoan, máy dệt tối tân, v.v., trên các công trường cũng có nhiều nữ thanh niên, có các cháu gái đã biết lái máy xúc, lái xe vận tải, v.v..

Gần đây Bác được biết tin ở mỏ than Hòn Gai, chị em làm ở Cọc 6, chỉ trong mấy ngày đã nâng mức đẩy xe từ 32 xe lên 335 xe một ca. Trong việc đẩy xe này, một nửa lại là phụ nữ. Ở nông thôn 60% xã viên hợp tác xã là phụ nữ. Có nhiều cô chủ nhiệm hợp tác xã, cô Hoàn là người đầu tiên đã làm được 3.000 cân phân, rồi phong trào thi đua lên, nhiều người làm vượt hơn cô Hoàn, có người làm tới 7.000 cân. Cháu Dung mới 13 tuổi còn đi học, cũng đã làm được 1.000 cân phân. Ngoài sản xuất, phụ nữ còn tham gia dân quân, tự vệ, nhiều đội  rất khá. Phụ nữ trí thức cũng đã góp nhiều công trong phong trào bình dân học vụ, bổ túc văn hóa, trong việc xây dựng các vườn trẻ, lớp mẫu giáo và trong các ngành nghề khác.

Việc tổ chức vườn trẻ, lớp mẫu giáo rất đáng khen. Trong phong trào cải tạo xã hội chủ nghĩa, chị em buôn bán nhỏ đã tổ chức lại, đi vào con đường  hợp tác và sửa đổi cách làm ăn buôn bán như thực thà, không lấy lãi, khiêm tốn phục vụ khách hàng, rất đáng khen. Chị em tư sản tự mình tiếp thu và khuyên chồng  tiếp thu cải tạo và đi vào con đường công tư hợp doanh. Phụ nữ ta còn tham gia  nhiều việc khác như lao động xây dựng công viên Bảy Mẫu, tham gia Tết trồng cây, v.v..

Từ trước đến nay phụ nữ Việt Nam ta đã có nhiều đóng góp cho cách mạng, phụ nữ ta rất đáng kính, phụ nữ ta có rất nhiều tiến bộ. Nhưng Đảng, Chính phủ và Bác còn mong phụ nữ tiến bộ nhiều hơn nữa. Hiện nay trong các ngành, số phụ nữ tham gia còn ít. Đảng và Chính phủ rất hoan nghênh, sẵn sàng cất nhắc và giao cho phụ nữ những chức trách quan trọng. Muốn vậy, bản thân phụ nữ phải:

- Gắng học tập chính trị, học tập văn hóa, kỹ thuật.

- Nâng cao tinh thần yêu nước và giác ngộ xã hội chủ nghĩa.

- Hăng hái thi đua thực hiện "cần kiệm xây dựng Tổ quốc, cần kiệm xây dựng gia đình".

- Đoàn kết chặt chẽ, ra sức tham gia sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà và giữ gìn hòa bình thế giới.

Chúc chị em phụ nữ cố gắng học tập, tiến bộ nhiều, tiến bộ mãi để xứng đáng làm chủ nước nhà.

Nói ngày 08-3-1960.

In trong sách Bác Hồ với nhân dân Hà Nội, Nxb. Hà Nội, 1980, tr. 127-12975.

76. Nói chuyện tại Hội nghị các đại biểu phụ nữ tham gia công tác chính quyền toàn miền Bắc

Có so sánh hoàn cảnh phụ nữ ta bây giờ và hoàn cảnh phụ nữ ta trước khi giải phóng, chúng ta mới thấy rõ, từ ngày nước ta được giải phóng đến nay, phụ nữ đều tiến bộ rõ về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Nhưng một  trong những tiến bộ rõ rệt nhất là phụ nữ ta hiện nay tham gia chính quyền ngày  càng nhiều. Thời kỳ thuộc Pháp, phụ nữ ta làm gì được tham gia chính quyền.  Nhưng đến nay, số phụ nữ hiện công tác ở các cơ quan trung ương đã có trên 5.000 người, ở huyện, xã có hơn 16.000 người và các tỉnh có hơn 330 người, đặc biệt trong Quốc hội khóa II này có 53 đại biểu phụ nữ.

Phụ nữ cần phải học tập tiến bộ nhiều hơn nữa. Hiện nay phụ nữ đã có người gánh vác những trách nhiệm nặng như làm thẩm phán, chánh án, giám đốc, v.v.. Số cháu gái trước kia đi học ít, nay ở các trường trung học, đại học  và các cháu đi học ở nước ngoài ngày càng nhiều. Điều đó chứng tỏ Đảng, Chính phủ và nhân dân ta rất xem trọng vai trò phụ nữ và đó cũng là một thắng lợi của nhân dân ta. Tuy vậy cũng có một số người chưa thấy rõ vai trò của phụ nữ  hiện  nay cũng như sau này, nên còn tư tưởng xem thường khả năng của phụ nữ.  Công tác chúng ta ngày càng tiến lên, càng đòi hỏi nhiều về mặt kỹ thuật, khoa học, văn hóa, nhưng trình độ phụ nữ ta còn kém. Đó là một nhược điểm. Từ nay,  các cấp đảng, chính quyền địa phương khi giao công tác cho phụ nữ, phải căn cứ vào trình độ của từng người và cần phải tích cực giúp đỡ phụ nữ nhiều hơn nữa.

Phụ nữ ta còn có một số nhược điểm như bỡ ngỡ, lúng túng, tự ti, thiếu tin tưởng vào khả năng của mình; mặt khác, phụ nữ cũng còn gặp nhiều khó khăn về gia đình, con cái. Muốn giải quyết khó khăn không nên ỷ lại vào Đảng, Chính phủ mà phải quyết tâm học tập, phát huy sáng kiến, tin tưởng ở khả năng mình, nâng cao tinh thần tập thể, đoàn kết giúp đỡ nhau để giải quyết mọi khó khăn của phụ nữ trong công tác chính quyền.

Nói ngày 01-8-1960.

Báo Nhân Dân, số 2327, ngày 02-8-196076.

77. Phải thật sự tôn trọng quyền lợi của phụ nữ

Phụ nữ chiếm một nửa tổng số nhân dân. Để xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải thật sự giải phóng phụ nữ và tôn trọng quyền lợi của phụ nữ. Hiến pháp và pháp luật của nước ta đã quy định rõ điều đó. Ví dụ:

Hiến pháp điều 24 nói: Phụ nữ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có quyền bình đẳng với nam giới về các mặt sinh hoạt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình.

Luật Hôn nhân và gia đình, điều 1 nói: Nhà nước đảm bảo... nam nữ bình đẳng, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ...

Điều 12 nói: Trong gia đình, vợ chồng đều bình đẳng về mọi mặt.

Điều 3 nói: Cấm... đánh đập hoặc ngược đãi vợ.

Thế nhưng hiện nay vẫn có những người  chồng đối xử rất tệ với vợ, ngay ở Hà Nội "nghìn năm văn vật" cũng vậy. Vài ví dụ:

Ở Lương Yên (Hà Nội) trong 196 gia đình, thì có 26 người chồng thường đánh mắng vợ, có người đánh vợ bị thương. Ở Khu Hai Bà Trưng, có người chỉ vì thức ăn không vừa ý, đã hất cả mâm cơm vào mặt vợ. Có người vợ ốm,  chồng để mặc, không săn sóc trông nom.

Ở xã Quảng Lưu (Thanh Hóa), có người nhét tro vào miệng vợ và đánh vợ què tay. Có người cạo trọc đầu và lột hết áo quần vợ, rồi giong vợ đi bêu khắp thôn xóm... (xem Báo Nhân Dân, 20-10-1960).

Những cử chỉ tàn nhẫn dã man như vậy vừa là phạm pháp luật Nhà nước, vừa trái với tình nghĩa vợ chồng.

*

* *

Luật Hôn nhân và gia đình đã định rõ: Cấm tảo hôn (điều 3). Con gái từ 18 tuổi trở lên, con trai từ 20 tuổi trở lên mới được kết hôn (điều 6). Khi hai bên vợ chồng tự nguyện ly hôn, thì tòa án nhân dân sẽ công nhận việc ly hôn ấy (điều 25). Điều 3 cũng nói: Cấm cản trở hôn nhân tự do.

Thế nhưng ở xã Nghĩa Tân (Nam Định), nhà thờ đã làm phép cưới cho trẻ con mới 14 tuổi và trong một thời gian ngắn đã có 16 đám tảo hôn. Đồng thời, nhà thờ cấm người bên giáo lấy người bên lương, cấm ly hôn.

Như thế là trái với Hiến pháp và phạm pháp luật một cách nghiêm trọng. ởxóm Lưu Thắng (xã Quảng Lưu, Thanh Hóa), có em gái mới 4 tuổi mà cha mẹ  đã định đến cuối năm nay sẽ cho cưới! Như thế là vừa làm trái pháp luật, vừa hy sinh hạnh phúc của con mình.

*

* *

Để thật sự bảo vệ quyền lợi của phụ nữ thì:

- Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên phải phụ trách tuyên truyền và giáo dục một cách rộng khắp và bền bỉ cho mỗi gia đình hiểu rõ pháp luật Nhà nước và thấm nhuần đạo đức xã hội chủ nghĩa về vấn đề ấy.

- Bà con trong làng xóm và trong hàng phố cần phải có trách nhiệm ngăn ngừa, không để những việc phạm pháp như vậy xảy ra.

- Bản thân chị em phụ nữ phải có chí tự cường tự lập, phải đấu tranh để bảo vệ quyền lợi của mình.

-  Đối với những người đã được giáo dục khuyên răn mà vẫn không sửa đổi, thì chính quyền cần phải thi hành kỷ luật một cách nghiêm chỉnh. Điều 34 trong Luật Hôn nhân và gia đình đã quy định: "Những hành vi trái với luật này sẽ bị xử lý theo pháp luật". Nói tóm lại, giáo dục phải đi đôi với kỷ luật.

T.L.

Báo Nhân Dân, số 2409, ngày 23-10-196077.

Thu Hiền (tổng hợp)

--------------

71, 73, 75, 76, 77. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, tr.459-460; tr.507-508; tr.509-511; tr.539-640; tr.705-707.
72, 74. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, sđd, tập 7, tr.342; tr.348.

Bài viết khác: