98. Lời khai mạc Đại hội liên hoan anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ III
Các đồng chí,
Bác rất sung sướng thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ nhiệt liệt hoan nghênh các đại biểu ưu tú trong phong trào thi đua yêu nước của chúng ta.
Bác sung sướng báo cho Đại hội biết rằng: trong số anh hùng lao động Việt Nam, chúng ta có thêm hai vị anh hùng là đồng chí Gagarin và đồng chí Titốp.
Chúng ta nhiệt liệt chào mừng các đồng chí đại biểu các nước anh em, đại biểu Công hội Liên Xô và Công hội Trung Quốc và các đồng chí chuyên gia đã đến dự Đại hội này.
Có nhiều chiến sĩ thi đua xứng đáng được tham gia Đại hội này, nhưng không đến dự được, Bác thân ái gửi lời hỏi thăm các chiến sĩ đó.
Các đồng chí,
Từ tháng 6 năm 1948, trong lúc toàn dân ta đang anh dũng kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng ta phát động phong trào thi đua yêu nước và đã được đồng bào hăng hái ủng hộ. Đến nay là 14 năm, trong thời gian đó đã có những biến đổi và những tiến bộ rất to lớn. Vài ví dụ:
- 14 năm trước đây, phần lớn nước ta đang bị giặc xâm chiếm. Về công nghiệp chúng ta chỉ có một số máy cũ kỹ, lẻn lút trong rừng, để làm các thứ vũ khí thô sơ. Số nhiều ruộng đất là của địa chủ. Nền giáo dục của ta còn non yếu…
- Ngày nay, miền Bắc nước ta hoàn toàn giải phóng. Chúng ta có hàng trăm nhà máy hiện đại, do giai cấp công nhân làm chủ. Ruộng đất là của nông dân và 85% đồng bào nông dân đã đoàn kết thành những đại gia đình hợp tác xã, đang đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp. 95% nhân dân ta xoá xong nạn mù chữ, số trường học và số học trò đã tăng gấp mười mấy lần so với trước ngày Cách mạng Tháng Tám, văn hóa khoa học phát triển nhanh chóng. Đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân ta ở miền Bắc đều tiến bộ rõ rệt.
Nhìn lại những kết quả tốt đẹp đó, nhân dân ta có quyền tự hào rằng sự hy sinh phấn đấu của mình đã thu được thắng lợi lớn. Đồng thời chúng ta hết lòng biết ơn sự giúp đỡ tận tình của Liên Xô, Trung Quốc và các nước anh em khác trong phe ta. Tuy vậy, chúng ta quyết không vì những thắng lợi đó mà tự mãn.
Hiện nay chúng ta đang xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Chủ nghĩa xã hội là nhằm nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân và do nhân dân tự xây dựng lấy. Muốn đạt mục đích đó, thì nhân dân ta phải ra sức thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm; mỗi người phải cố gắng trở thành lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua, anh hùng lao động, mỗi người phải nâng cao tinh thần làm chủ nước nhà.
Về phong trào thi đua yêu nước, chúng ta cũng tiến bộ khá nhiều.
Tại Đại hội liên hoan lần thứ II (1958)(39) có 456 đại biểu và tất cả có 41.130 chiến sĩ thi đua và lao động tiên tiến. Đại hội lần này có hơn 1.000 đại biểu và tất cả có 288.144 chiến sĩ thi đua và lao động tiên tiến. Một điều mới đáng nêu lên là phong trào thi đua đã từ từng người tiến dần lên từng tập thể. Hiện nay đã có hơn 1 vạn tổ và đội tiên tiến và 563 tổ và đội đã ghi tên thi đua để giành lấy danh hiệu lao động xã hội chủ nghĩa. Đó là một bước tiến rất tốt.
Ngoài lời khen ngợi chung, Bác muốn khen ngợi riêng chị em phụ nữ đã tiến bộ khá nhiều. Ở Đại hội này có hơn 160 cô đại biểu, trong số đó có 80 đại biểu nông nghiệp và 28 đại biểu thuộc đồng bào miền ngược. Trong các tổ và đội tiên tiến gồm có những tổ và đội phụ nữ, ví dụ đội C.9 toàn là các cháu gái thanh niên. Tổ in bao xi măng Hải Phòng thì có những thành tích đặc biệt như đã bớt từ 6 máy xuống 2 máy, từ 34 người bớt còn 13 người, mà năng suất thì từ 12.000 bao tăng lên 32.000 bao. Điều đáng khen nữa là chị em rất đoàn kết thương yêu nhau. Khi được thưởng hơn 15% về tăng năng suất chị em đã tình nguyện chỉ lĩnh dưới 15%, còn lại để giúp tích luỹ cho Nhà nước. Phụ trách tổ này là cô Trần Thị Hảo liên tục 4 năm chiến sĩ thi đua.
Các đồng chí,
Các đồng chí đã đưa hết tinh thần sáng tạo và ý chí quật cường, vượt mọi khó khăn để không ngừng nâng cao năng suất lao động, hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước - thế là các đồng chí đã trở thành người xung phong của nhân dân ta trong phong trào thi đua yêu nước, trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Trong phong trào thi đua, chúng ta cần phải làm đúng khẩu hiệu nhiều, nhanh, tốt, rẻ. Nâng cao không ngừng năng suất lao động, kết quả sẽ nhiều và nhanh. Nhưng nếu sản xuất ra nhiều mà phẩm chất kém, thì sẽ gây nhiều lãng phí cho Nhà nước, cho nhân dân. Vì vậy, khi sản xuất phải bảo đảm chất lượng cho tốt.
Nếu sản xuất ra nhiều và tốt, nhưng giá đắt quá, ít người mua được, thì hàng hóa sẽ ứ đọng, sản xuất sẽ bế tắc và không nâng cao được đời sống của nhân dân. Vì vậy, sản xuất đã phải tốt lại phải rẻ. Muốn đạt mục đích đó thì phải ra sức tiết kiệm. Tiết kiệm tiền vốn, tiết kiệm sức người, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm lương thực, tiết kiệm nguyên liệu, vật liệu. Nếu mỗi năm chúng ta tiết kiệm được từ 5 đến 10%, thì chúng ta sẽ có thêm khoảng 100 triệu đồng để xây dựng thêm nhà máy, để sản xuất thêm, để nâng cao thêm đời sống của nhân dân.
Trong phong trào thi đua, rất nhiều sáng kiến nảy nở. Chỉ trong năm 1961 ở các nhà máy, hầm mỏ, công trường, hợp tác xã, nhà thương, trường học, các đơn vị bộ đội, v.v., tất cả có hơn 13 vạn sáng kiến. Điều đó chứng tỏ rằng nhân dân lao động ta rất thông minh. Cán bộ và cơ quan phụ trách cần phải tổng kết phân tích, chọn lọc và phổ biến rộng khắp những sáng kiến đó thì kết quả sẽ to lớn gấp bội.
Mấy điểm quan trọng nữa: kỷ luật lao động phải thật nghiêm, tinh thần cảnh giác phải thật cao. Trong khi ra sức sản xuất, nhân dân ta phải luôn luôn sẵn sàng đập tan âm mưu địch phá hoại thành quả lao động của chúng ta. Quân đội, công an, dân quân cần tiếp tục phát huy truyền thống chiến đấu dũng cảm, củng cố quốc phòng, bảo vệ trật tự, an ninh.
Chúng ta ra sức xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đồng thời từng giờ từng ngày chúng ta phải nhớ đến đồng bào ta ở miền Nam đang đau khổ dưới chế độ phát xít dã man của Mỹ - Diệm và đang đấu tranh vô cùng anh dũng. Mỗi một tấn than, mỗi một cái máy, mỗi một tạ lương thực, v.v., mà chúng ta tăng gia thêm và tiết kiệm được đều giúp vào tốc độ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đều là ủng hộ cuộc đấu tranh anh dũng của đồng bào miền Nam, đều là góp phần thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà.
Công việc của chúng ta ngày càng phát triển, chúng ta phải khắc phục nhiều khó khăn. Nhưng nhân dân ta cần cù và dũng cảm. Trong thời kỳ cách mạng và kháng chiến và ngày nay xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhân dân ta luôn luôn tin tưởng ở Đảng, đoàn kết khăng khít với Đảng ta. Nước ta có rừng vàng biển bạc, của cải tiềm tàng rất nhiều. Ta lại có các nước anh em giúp đỡ. Đó là những điều kiện căn bản vô cùng thuận lợi để phát triển, cho nên tương lai của ta rất tươi sáng, vẻ vang.
Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, chúng ta cần phải học tập Liên Xô, Trung Quốc và các nước anh em khác. Ví dụ: khi chúng ta đang xây dựng chủ nghĩa xã hội, thì nhân dân Liên Xô anh em - dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản - đang hăng hái thi đua thực hiện Nghị quyết của Đại hội lần thứ XXII của Đảng, xây dựng chủ nghĩa cộng sản. Hiện nay có hơn 20 triệu người (tức là độ 10 người dân kể cả gái, trai, già, trẻ thì có 1 người) đang ra sức thi đua để giành lấy danh hiệu vẻ vang là “chiến sĩ thi đua lao động cộng sản chủ nghĩa”. Chúng ta phải cố gắng học theo nhân dân Liên Xô. Miền Bắc nước ta có 16 triệu người. Nếu chúng ta có 1 triệu 60 vạn người ra sức thi đua để giành lấy danh hiệu “chiến sĩ thi đua lao động xã hội chủ nghĩa”, thì khoảng 20 năm nữa, khi Liên Xô đã thắng lợi hoàn thành chủ nghĩa cộng sản, chúng ta cũng sẽ thắng lợi hoàn thành chủ nghĩa xã hội. Toàn Đảng, toàn dân ta phải cố gắng làm cho được như vậy.
Anh hùng, chiến sĩ thi đua và lao động tiên tiến phải làm đầu tàu lôi cuốn người khác cùng tiến bộ; đồng thời phải luôn luôn khiêm tốn, luôn luôn cố gắng học hỏi thêm để tiến bộ không ngừng. Đảng viên, đoàn viên thanh niên và cán bộ công đoàn phải làm gương mẫu trong mọi công việc. Như vậy thì đội ngũ lao động to lớn của chúng ta nhất định khắc phục được mọi khó khăn, đánh thắng sự bần cùng và lạc hậu, xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân ta ngày thêm sung sướng, vui tươi. Miền Bắc ta lớn mạnh càng làm cho đồng bào ta ở miền Nam thêm hăng hái đấu tranh, Tổ quốc ta mau đến ngày thống nhất, Nam Bắc mau sum họp một nhà.
Chúc các đại biểu, các chiến sĩ thi đua mạnh khoẻ và luôn luôn tiến bộ.
Phát biểu ngày 4-5-1962.
Báo Nhân dân, số 2.963, ngày 5-5-1962.98
99. Nông thôn ta không ngừng tiến bộ
Mục đích của chủ nghĩa xã hội là không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân. Chủ nghĩa xã hội là do Đảng lãnh đạo và do nhân dân xây dựng lấy. Sau đây là vài thí dụ chứng tỏ nông thôn ta đang tiến bước lên chủ nghĩa xã hội một cách vững chắc.
- Thí dụ một làng: Chỉ trong 5 tháng,Vĩnh Thành (Nghệ An) đã đào xong một con kênh tưới cho hơn 100 mẫu ruộng cao. Trong 25 ngày cấy xong 800 mẫu chiêm (trước kia phải hai tháng). Vỡ hoang thêm 40 mẫu ruộng cộng với 247 mẫu vỡ từ trước. Về thủy lợi, đã tưới thêm 100 mẫu và trị úng được 280 mẫu.
Cải tiến nông cụ, họ cũng cố gắng nhiều, bón phân mỗi mẫu hơn 14 tấn, mần cỏ hai, ba lần. Do đó, vụ chiêm này mỗi mẫu tây có thể gặt được độ 22 tạ.
Nhờ có 22 nhóm giữ trẻ mà chị em phụ nữ yên tâm tăng gia sản xuất.
Thanh niên gái trai luôn luôn ra sức làm trọn vai trò xung phong. Một thí dụ: Đồng chí Trần Hộ (đoàn viên thanh niên lao động) trong vụ Đông Xuân đã làm được 200 công, 170 thước khối đất thủy lợi, 10 tấn phân bón.
Các cụ phụ lão cũng “càng già càng khỏe”. Đội trồng cây có 14 cụ từ 65 đến 80 tuổi. Ngoài hàng nghìn gốc dứa và chuối, và chè, các cụ đã ươm, trồng, săn sóc: 1.000 cây long não, 3.000 cây bạch đàn, 72.000 cây phi lao, v.v.. Những người đầu bạc đã làm cho những đồi trọc trở nên xanh tươi. Kết quả là phong cảnh của làng Vĩnh Thành ngày càng tươi đẹp và đời sống của đồng bào Vĩnh Thành ngày càng ấm no…
Làng Vĩnh Thành và tỉnh Phú Thọ đạt kết quả tốt là vì cấp ủy và cán bộ đi sâu, đi sát cơ sở sản xuất, củng cố hợp tác xã, nâng cao quản lý… Mọi xã viên đều thấm nhuần ý thức làm chủ, và tinh thần cần kiệm xây dựng hợp tác xã, xây dựng nước nhà. Vĩnh Thành làm được, thì các xã khác cố gắng cũng nhất định làm được. Phú Thọ làm được, thì các tỉnh khác cố gắng cũng nhất định làm được. Mà như vậy là nước mạnh, dân giàu.
T.L.
Báo Nhân dân, số 2987, ngày 29-5-1962.99
100. Bài nói chuyện tại Hội nghị cán bộ miền núi
Chính sách của Đảng và Chính phủ ta đối với miền núi là rất đúng đắn. Trong chính sách đó có hai điều quan trọng nhất là: Đoàn kết dân tộc và nâng cao đời sống của đồng bào. Cuộc vận động hợp tác hoá kết hợp với hoàn thành cải cách dân chủ là nhằm thực hiện tốt hai điều đó.
Về số người thì đồng bào miền núi chiếm 1 phần 5 tổng số nhân dân nước ta. Miền núi chiếm 2 phần 3 tổng số diện tích nước ta và có hơn 3.000 cây số biên giới. Tục ngữ ta có câu “Rừng vàng, biển bạc”, câu đó rất đúng. Miền núi có tài nguyên rất phong phú, có nhiều khả năng để mở mang nông nghiệp và công nghiệp. Những điểm đó nói rõ rằng miền núi có một địa vị cực kỳ quan trọng về kinh tế, chính trị và quốc phòng của cả nước ta.
Đồng bào miền núi có truyền thống cần cù và dũng cảm. Trong thời kỳ cách mạng và kháng chiến, đồng bào miền núi đã có nhiều công trạng vẻ vang và oanh liệt. Ngày nay, trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh để thực hiện hòa bình thống nhất Tổ quốc, đồng bào miền núi đang cố gắng góp phần xứng đáng của mình.
Do sự cố gắng của đồng bào và cán bộ, cuộc vận động ấy đã thu được kết quả khá. Vài ví dụ:
Trước kia, miền núi thường bị đói kém, thường thiếu lương thực. Nay có nhiều vùng sản xuất lương thực đã tăng, đã biến thiếu lương thực thành đủ lương thực, biến đói thành no.
Trước kia, dưới chế độ thối nát của thực dân và phong kiến, hơn 95% nhân dân miền núi bị mù chữ. Nay nhờ sự săn sóc của Đảng và Chính phủ, đại đa số đồng bào đều biết đọc biết viết, nạn mù chữ gần được thanh toán. Đồng bào Thái, Tày, Nùng và Mèo đã có chữ của mình.
Miền núi đã tiến bộ khá và có những kiểu mẫu tốt…
Ở Đại hội anh hùng và chiến sĩ thi đua, trong số 50 hợp tác xã được tặng danh hiệu tiên tiến, thì có 16 hợp tác xã của miền núi. Trong số 9 hợp tác xã được tặng cờ thì có 2 hợp tác xã của miền núi là Cao Đa (Tây Bắc) và Tân Tiến (Thái Nguyên)…
Miền núi có 64 chiến sĩ thi đua nông nghiệp và 4 anh hùng là các đồng chí: Nguyễn Thị Khương (dân tộc Mường, Hòa Bình); Lò Văn Muôn (dân tộc Thái, Tây Bắc); Bàn Văn Minh (dân tộc Dao, Tây Bắc); Châu Vồ Mủn (dân tộc Hán, Hải Ninh)…
Nhiệm vụ của chúng ta hiện nay là: động viên và lãnh đạo đồng bào miền núi ra sức tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, nhằm trong khoảng mươi năm nữa (tức là hai kế hoạch 5 năm) sẽ đạt mục đích sau đây:
Nhân dân no ấm hơn, mạnh khoẻ hơn.
Văn hóa sẽ cao hơn. Giao thông tiện lợi hơn.
Bản làng vui tươi hơn. Quốc phòng vững vàng hơn.
Phải làm gì để đạt mục đích đó?
Muốn đạt mục đích đó, chúng ta phải củng cố tốt và phát triển tốt các hợp tác xã của nhân dân, các nông trường và lâm trường của Nhà nước.
Phải phát triển nông nghiệp một cách toàn diện. Tùy điều kiện của mỗi địa phương mà trồng nhiều lúa và nhiều hoa màu để bảo đảm lương thực cho nhân dân và nghĩa vụ đối với Nhà nước.
Phải chọn giống tốt, dùng nhiều phân, kịp thời vụ. Phải đẩy mạnh việc cải tiến công cụ, chống xói mòn.
Phải đẩy mạnh ngành chăn nuôi, nghề rừng và phát triển cây công nghiệp.
Phải kết hợp chặt chẽ: công nghiệp địa phương, thủ công nghiệp và nông nghiệp; sản xuất và chế biến, thương nghiệp và giao thông.
Phải đề phòng sâu bệnh, thú rừng, châu chấu, v.v..
Phải phân phối cho tốt sức lao động ở địa phương và khuyến khích đồng bào miền xuôi lên vỡ hoang.
Phải chú trọng bình dân học vụ và bổ túc văn hóa.
Phải đẩy mạnh việc vệ sinh phòng bệnh, để giữ gìn sức khoẻ của đồng bào.
Phải luôn luôn nâng cao tinh thần cảnh giác của nhân dân, giáo dục cho mọi người thấm nhuần tinh thần làm chủ và nghĩa vụ giữ gìn trật tự trị an, nghĩa vụ bảo vệ bản làng và Tổ quốc.
Về lãnh đạo. Miền núi đất rộng người thưa, tình hình vùng này không giống tình hình vùng khác. Vì vậy, áp dụng chủ trương và chính sách phải thật sát với tình hình thực tế của mỗi nơi. Tuyệt đối chớ rập khuôn, chớ máy móc, chớ nóng vội.
Phải ra sức củng cố tốt và phát triển tốt chi bộ đảng và chi đoàn thanh niên. Luôn luôn nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa và lập trường giai cấp của đảng viên và đoàn viên. Ra sức bồi dưỡng cán bộ địa phương, cán bộ phụ nữ và cán bộ xã về mọi mặt.
Lãnh đạo phải có quyết tâm; phải đi đúng đường lối quần chúng, phải biến những nghị quyết của Đảng thành lực lượng của nhân dân.
Mỗi ngành, mỗi bộ ở trung ương cần phải nhận rõ phần trách nhiệm của mình đối với miền núi và chú trọng hơn nữa công tác ở miền núi.
Nghị quyết của Trung ương và của Hội nghị này đã nói rõ những việc cần phải làm. Bác chỉ tóm tắt nhắc lại mấy điều quan trọng.
Nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên và đoàn viên thanh niên là phải làm gương mẫu trong mọi công tác, làm cho miền núi tiến kịp miền xuôi, thực hiện chính sách đoàn kết dân tộc và không ngừng nâng cao đời sống của đồng bào miền núi.
Bác mong các cô, các chú thi đua làm tròn nhiện vụ vẻ vang đó. Ai có thành tích xuất sắc nhất thì sẽ được thưởng.
Mừng Hội nghị thành công và nhờ các đại biểu chuyển cho đồng bào, bộ đội, công an, dân quân và cán bộ miền núi lời chào thân ái của Trung ương Đảng, của Chính phủ và của Bác.
Nói ngày 1-9-1962.
Báo Nhân dân, số 3.083, ngày 2-9-1962100.
101. Đời sống nông thôn ngày càng tiến bộ
Nói đời sống thì phải nói cả đời sống văn hóa và đời sống vật chất. Dưới thời thực dân Pháp, ở nông thôn hơn 95% người mù chữ. Ngày nay hơn 95% người biết đọc, biết viết. Đó là một thành tích vẻ vang của nhân dân ta mà thế giới đều khen ngợi.
Đời sống vật chất cũng tiến bộ không ngừng. Trước Cách mạng Tháng Tám, phần lớn nông dân lao động không có “miếng đất để cắm dùi”. Ngày nay nông dân đã có ruộng đất, lại còn làm chủ tập thể cả hàng trăm, hàng nghìn mẫu ruộng của hợp tác xã. Đó là một tiến bộ rất to. Nhờ làm ăn tập thể mà đời sống dần dần được cải thiện. Vài ví dụ:
- Đồng bào dân tộc Vân Kiều (Khu Vĩnh Linh), trước kia rất cực khổ. Mỗi năm đến 8, 9 tháng đói phải ăn củ rừng. Từ ngày tổ chức thành 13 hợp tác xã, đồng bào đã đủ ăn, mà còn có dư lương thực bán cho Nhà nước.
- Xã Lê Hồng Phong (HưngYên) là một nơi ruộng đất xấu, thường bị hạn và úng. Trước cách mạng, hơn l00 gia đình phải bỏ làng “tha phương cầu thực”, 19 gia đình có người chết đói. Trong thời kỳ kháng chiến, làng xóm bị giặc Pháp đốt sạch, phá sạch. Năm 1960 vẫn có hơn 60% gia đình phải mua gạo Nhà nước. Nhờ có hợp tác xã, năm nay bình quân mỗi đầu người đã được hơn 400 cân lương thực, 72% xã viên đã đạt mức hoặc vượt mức sống của trung nông lớp trên. Hơn 30% hộ đã xây được nhà gạch. Trong xã có trường học cấp I và cấp II cho 600 học trò.
- Xóm Mười (Nam Định) là một xóm công giáo. Trước cách mạng chỉ có 2 nhà xây, 1 sân gạch, 2 mâm đồng, 3 con trâu, đều là của địa chủ. Nông dân đều nghèo xác, nghèo xơ. Hầu hết người trong xóm đều mù chữ.
Cuối năm 1961, nông dân trong xóm đã có 16 nhà xây, 20 nhà gỗ năm gian, 6 sân gạch, 13 con trâu, nhiều nồi đồng, mâm đồng, phích nước… Có 19 tủ đựng quần áo, 11 tủ chè, 75 đôi khuyên vàng, 58 người đang học bổ túc văn hóa, 35 em học cấp I và cấp II.
- 43 hộ đồng bào công giáo họ Si, xứ Xuân Phong (Nghệ An) đều làm nghề đánh cá, sống bữa đói bữa no. Từ ngày có hợp tác xã, được Chính phủ giúp vốn làm thêm thuyền lưới và cải tiến kỹ thuật. Hiện nay đồng bào đã làm được 8 nhà ngói, 36 nhà gỗ, 60 giếng nước ăn. Bình quân mỗi người có ba bộ quần áo. Nhà nào cũng có chăn, màn tươm tất. Các em gái đều có khuyên vàng, hoa tai, hoặc chuỗi bạc…
- Anh Vũ Văn Đậu trước kia là dân nghèo, nay là xã viên hợp tác xã Tần Nhẫn (Hưng Yên). Mỗi năm hai vợ chồng ít nhất cũng làm được 250 ngày công. Nuôi được 4 con lợn. Cộng với hoa lợi của 5% đất được để lại, đã đủ ăn đủ mặc (hai vợ chồng và 5 con nhỏ) mà còn dư lương thực bán cho Nhà nước. Anh Đậu đã sửa sang được 4 gian nhà; mua sắm chăn màn, bàn ghế và 3 đôi hoa tai vàng cho vợ và con, gửi được 200 đồng vào quỹ tiết kiệm. Cần nói thêm rằng trong 93 hộ xã viên thì có 90 hộ mua được hoa tai vàng.
- Bà Nguyễn Thị Món ở hợp tác xãViệt Cường (Phú Thọ) có một con gái học đại học bách khoa, 3 con trai đang học đại học sư phạm, đại học kinh tế – tài chính và đại học ở nước anh em. Trước cách mạng, có bần nông nào dám mơ tưởng cho con vào trường đại học?
Những ví dụ như trên còn nhiều. Rõ ràng đời sống ở nông thôn ta tiến bộ không ít. Có những kết quả tốt như vậy là do: chi bộ lãnh đạo tốt, đảng viên và đoàn viên thanh niên gương mẫu, ban quản trị các hợp tác xã dân chủ và công bằng, xã viên thấm nhuần tinh thần làm chủ.
T.L.
Báo Nhân dân, số 3154, ngày 13-11-1962.101
102. Trước ngày 08 tháng 02 năm 1963
Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Huy hiệu của Người cho cụ Lê Thị Hoan ở phố Sinh Từ, Hà Nội (nay là phố Nguyễn Khuyến, quận Đống Đa, Hà Nội) đã có sáng kiến trong việc chăm sóc, giáo dục một số cháu chưa ngoan trở thành con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt.102
103. Trước ngày 08 tháng 3 năm 1963
Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Huy hiệu của Người cho em Hà Thị Uông, học sinh lớp 1, người dân tộc Tày ở Chiềng Châu (Mai Châu, Hòa Bình) vừa giỏi việc nhà, vừa chăm học tập, lại rất tích cực đối với công việc của hợp tác xã.103
Thu Hiền (tổng hợp)
---------------
98, 99, 100, 101. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 13, tr.386-390; tr.404-406; tr458-462; tr.498-500; tr.523-524.
102, 103. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, sđd, tập 8, tr.271; tr.279.