Chỉ mục bài viết

.65. Bài nói chuyện với các đại biểu nhân dân Thanh Hóa

Tôi được báo cáo hôm nay có các đại biểu phụ lão, công nhân, nông dân,  bộ đội, trí thức, phụ nữ, thanh niên, các cán bộ miền Nam tập kết, các đồng chí thương binh, bệnh binh, các học sinh, các đại biểu các dân tộc, các tôn giáo, các đại biểu các gia đình liệt sĩ, các chiến sĩ thi đua, đồng bào công thương, các cháu nhi đồng và đại biểu Hoa kiều.

Tôi thay mặt Trung ương Đảng, Chính phủ đưa đến các đại biểu lời chào thân ái.

Trước kháng chiến tôi có đến đây một lần. Trong kháng chiến đồng bào tỉnh ta, các tầng lớp nhân dân đều tỏ ra đoàn kết tham gia kháng chiến. Tôi chỉ nói vài điểm, ví dụ: Dân công đã ra sức rất nhiều, trong một chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh Hóa góp 12 vạn dân công vận tải lương thực cho bộ đội. Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó. Trong kháng chiến ngoài việc ủng hộ kháng chiến có những vùng du kích rất oanh liệt như Phú Lệ, Hải Thanh, chứng tỏ đồng bào ta lương giáo cực kỳ đoàn kết, vì thế ta đã thắng lợi. Cũng cần phải nhắc trong kháng chiến tất cả mọi người bằng cách này cách khác đều tham gia kháng chiến. Các cụ phụ lão đôn đốc khuyến khích con cháu tham gia kháng chiến. Thanh niên tham gia bộ đội, có các đồng chí anh hùng như đồng chí Lò Văn Bường, Phạm Minh Đức, Tô Vĩnh Diện, Lê Công Khai. Đó là những người con rất ưu tú, chẳng những làm vẻ vang cho tỉnh nhà mà còn làm vẻ vang cho cả nước ta.

Từ hòa bình lập lại, đồng bào cũng cố gắng. Do sự giúp đỡ vô tư của Liên Xô, Trung Quốc và các nước anh em, do sự cố gắng của bản thân mà chúng ta  đã khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa từng bước. Ví dụ như Thanh Hóa đã xây dựng nhà máy điện, máy nước, nhà máy phốt phát, nông trường Yên Mỹ, nhà máy giấy, máy phóng thanh. Về nông nghiệp, chúng ta có xây dựng hệ thống thuỷ lợi Bái Thượng, hai con đê sông Mã, sông Chu. Tỉnh nhà có phong trào  chống hạn có kết quả. Vì những công tác trên, bốn vụ thu hoạch tốt. Tổ đổi công khá, tôi nói khá nghĩa là còn phải cố gắng nhiều. Về nông nghiệp có những  chiến sĩ xuất sắc như đồng chí Trịnh Xuân Bái, Nguyễn Thế Khương... Đó là những người con ưu tú của Tổ quốc, của tỉnh nhà, là những người xung phong cho nhân dân ta noi theo. Cũng như những chiến sĩ trong kháng chiến, các chiến sĩ ấy đều làm vẻ vang cho tỉnh nhà, cho cả nước chúng ta.

… Chị em phụ nữ Thanh Hóa có tinh thần cần cù lao động rất tốt. Như thế là vừa làm lợi nhà, vừa làm ích nước, mong rằng nam giới hãy thi đua với phụ nữ…

Nói ngày 13-6-1957.

In trong sách Thanh Hóa khắc sâu lời Bác, Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Thanh Hóa, 1975, tr.35-4265.

66. Bài nói chuyện với Hội nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh

Thưa các vị đại biểu,

Tôi thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ gửi đến các vị đại biểu và nhân dân Hà Tĩnh lời chào thân ái.

Tôi có mấy ý kiến phát biểu cùng các vị đại biểu:

Trong mấy năm kháng chiến, đồng bào Hà Tĩnh góp một phần xứng đáng: Chỉ trong hai năm 1950 - 1951, Hà Tĩnh đã góp được 700.000  ngày  công  phục  vụ tiền tuyến. Chỉ tính trong bốn năm, đồng bào Hà Tĩnh đã đóng góp hơn 100.000 tấn lương thực. Bộ đội và dân quân du kích Hà Tĩnh đã anh dũng chống địch đột kích ở các vùng ven biển. Về sản xuất, nói chung đồng bào Hà Tĩnh đã có những cố gắng để tự túc và phục vụ một phần cho kháng chiến.

Đặc biệt các bà mẹ chiến sĩ đã có thành tích giúp đỡ anh em thương binh,  bệnh  binh. Một tỉnh nhỏ như Hà Tĩnh đã có 2.900 anh em thương binh về xã được sự giúp đỡ của nhân dân để sản xuất tự túc. Đó là những thành tích đáng kể. Thành tích đó đã góp phần vào sự thắng lợi vẻ vang của cuộc kháng chiến của nước nhà…

Nói ngày 15-6-1957.

In trong sách Bác Hồ với quê hương Nghệ Tĩnh, Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Nghệ Tĩnh, 1977, tr.70-7666.

67. Đáng khen, đáng trách và đáng khen

Báo Thủ đô (16-7), đăng tin: Hôm qua, 449 em nữ học sinh (trong đó có 39 em Hoa kiều) đã tham gia lao động xây dựng Quảng trường Ba Đình. Các em ấy đã làm việc rất khẩn trương từ bảy giờ sáng đến chín giờ rưỡi. Kết quả đã làm được 39 thước khối 800 đất.

Trong lúc nghỉ hè, mà các em tự động, tự giác tham gia lao động, điều đó rất đáng khen.

Bây giờ tôi muốn cùng các em làm một bài tính nhỏ: 449 em làm hai tiếng rưỡi đồng hồ, cộng là 1.122 giờ. Các em làm được non bốn mươi thước khối đất, tức là hơn 28 giờ được một thước khối đất.

Anh hùng lao động Nguyễn Thị Lượng làm mỗi ngày (tám giờ) bình quân được ba thước khối đá, tức là hai giờ bốn mươi phút làm được một thước khối đá.

Chắc các em đều đồng ý rằng chị Lượng thật xứng đáng với danh hiệu Anh hùng lao động, và xứng đáng làm gương mẫu cho mọi người lao động (và người học lao động như các em) noi theo.

Báo Thời mới (15-7), đăng tin như sau:

Hôm 10-7, chị Hồng đến Công ty dược phẩm lĩnh 10.000 đồng tiền gia công hộp cho tổ. Đồng chí phụ trách tài chính của công ty biên cho chị một cái séc đến ngân hàng lĩnh. Đồng chí này đã không viết chữ kèm theo số tiền, mà còn thêm một con số không đằng sau, thành 100.000 đồng... 

Sau khi cùng mẹ và các con chị Hồng trao đổi ý kiến, bà mẹ chị Hồng  kiên  quyết  nói: “Lòng người quý hơn tiền. Tiền bạc không làm mù quáng được con người chân chính, dù nhà ta nghèo, nhưng đây là tiền của nhân dân, vậy con  phải mang tấm séc đến ngay ngân hàng để sửa lại, và nhắc đồng chí kia cẩn thận, nếu không sẽ thiệt cho quỹ công”.

Đáng quý thay, đáng khen thay lòng trong trắng của bà mẹ chị Hồng,  luôn luôn nghĩ đến nhân dân, nghĩ đến lợi ích chung của Nhà nước.

Nhưng cái đồng chí phụ trách tài chính của Công ty dược phẩm thì thiếu  hẳn tinh thần trách nhiệm đối với tiền tài của nhân dân. Nếu gặp phải người khác không tốt như bà cụ Hồng, thì vì đồng chí ấy mà quỹ công đã mất toi 90.000 đồng. Thật là đáng trách!

Mong rằng cán bộ lãnh đạo Công ty Mậu dịch và đồng chí phụ trách tài chính ấy kiểm thảo sâu sắc để làm bài học cho tất cả các đồng chí ở Mậu dịch.

L.T.

Báo Nhân dân, số 1592, ngày 22-7-195867.

68. Phát biểu tại Hội nghị phụ nữ lao động tích cực lần thứ nhất của Hà Nội

Chị em phụ nữ cố gắng thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm góp  phần xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giành thống nhất Tổ quốc. Phụ nữ công nhân cần tích cực tham gia quản lý thật tốt nhà máy, công trường. Phụ nữ nông dân cần hăng hái tham gia phong trào đổi công, hợp tác,  gặt tốt vụ mùa, chuẩn bị tốt vụ chiêm năm tới. Các tầng lớp phụ nữ ở thành phố cần chấp hành tốt các chính sách của Đảng và Chính phủ. Chị em làm nghề  buôn  bán cần  giữ  đức  tính  thật thà, đúng đắn, bài trừ tệ “mua rẻ, bán đắt”, tệ  “mặc cả, nói thách”. Chị em phụ nữ phải hết sức chăm lo bảo vệ sức khỏe của con cái, vì thiếu nhi là tương lai của dân tộc.

Nói ngày 18-10-1958.

Báo Nhân dân, số 1680, ngày 19-10-195868.

69. Bài nói tại Hội nghị cán bộ toàn Đảng bộ Hà Nội

Thay mặt Trung ương Đảng và nhân danh là một đảng viên ở Hà Nội, tôi phát biểu một số ý kiến với Hội nghị:

Thủ đô Hà Nội phải làm thế nào để trở thành một Thủ đô xã hội chủ nghĩa. Muốn như thế thì mỗi một xí nghiệp, mỗi một đơn vị bộ đội, mỗi một trường học, mỗi một đường phố, mỗi một cơ quan và mỗi một nông thôn ở ngoại thành phải thành một pháo đài của chủ nghĩa xã hội.

Hà Nội cần phải củng cố và phát triển Đảng, Đoàn Thanh niên Lao động  và Công đoàn. Đảng bộ Hà Nội cần phát triển thêm thành phần công nhân, nông  dân, lao động trí óc và phụ nữ vào Đảng.

Số đảng viên công nhân còn ít, trong khi đó Hà Nội phải trở thành Thủ đô một nước xã hội chủ nghĩa, nơi có nhiều xí nghiệp tập trung công nhân.

Các xí nghiệp ở Hà Nội có gần 6.500 anh hùng, chiến sĩ thi đua và lao động xuất sắc. Nếu Đảng bộ Hà Nội chú ý gần gũi, giáo dục và giúp đỡ anh chị em đó thì chắc chắn có thể phát triển được một bộ phận không phải là nhỏ vào Đảng.

Số phụ nữ là đảng viên cũng còn rất ít, cần phát triển thêm. Tóm lại, cần củng cố và phát triển Đảng - cố nhiên là thận trọng - thành phần công nhân,  nông  dân, phụ nữ, đồng thời cũng chú ý phát triển các thành phần khác như lao động trí óc.

Muốn đẩy mạnh mọi mặt công tác: Cải tiến quản lý xí nghiệp, xây dựng  các tổ đổi công và hợp tác xã ở ngoại thành, chăm sóc giáo dục thiếu nhi, vệ  sinh yêu nước, v.v., thì mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên lao động phải có đạo đức cách mạng, phải thực hiện cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, phải lấy phê bình và tự phê bình mà tiêu diệt chủ nghĩa cá nhân và bồi dưỡng chủ nghĩa tập thể. Đảng viên, đoàn viên bất cứ ở đâu, bất cứ làm công việc gì,  phải thật gương mẫu. Đảng bộ Hà Nội phải làm gương mẫu cho các đảng bộ khác. Đảng bộ Hà Nội gương mẫu sẽ góp phần đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm cơ sở vững mạnh đấu tranh giành thống nhất nước nhà.

Nói ngày 25-4-1959.

In trong sách Bác Hồ với nhân dân Hà Nội, Sở Văn hóa thông tin Hà Nội, 1970, tr.81-8269.

70. Bài nói tại Hội nghị cán bộ thảo luận dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình

Có người nghĩ rằng Bác không có gia đình, chắc không hiểu gì mấy về vấn đề này. Bác tuy không có gia đình riêng, nhưng Bác có một đại gia đình rất lớn, đó là giai cấp công nhân toàn thế giới, là nhân dân Việt Nam. Từ gia đình lớn đó, Bác có thể suy đoán được gia đình nhỏ.

Bây giờ toàn dân ta ai cũng muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội. Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải làm gì?

Nhất định phải tăng gia sản xuất cho thật nhiều. Muốn sản xuất nhiều thì phải có nhiều sức lao động. Muốn có nhiều sức lao động thì phải giải phóng sức lao động của phụ nữ.

Nói phụ nữ là nói phân nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người.

Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa.

Rất quan tâm đến gia đình là đúng và nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội mà phải chú ý hạt nhân cho tốt. Tục ngữ ta có câu: "Thuận vợ thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn".

Muốn thuận vợ thuận chồng thì lấy nhau phải thực sự yêu đương nhau.

Luật lấy vợ lấy chồng sắp đưa ra Quốc hội là một cuộc cách mạng, là một bộ phận của cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Vì vậy phải đứng trên lập trường vô sản mà hiểu nó. Nếu đứng trên lập trường phong kiến hay là tư sản, tiểu tư sản mà hiểu luật ấy thì không đúng.

Luật lấy vợ lấy chồng nhằm giải phóng phụ nữ, tức là giải phóng phân  nửa xã hội. Giải phóng người đàn bà, đồng thời phải tiêu diệt tư tưởng phong kiến, tư tưởng tư sản trong người đàn ông.

Về phần mình, chị em phụ nữ không nên ngồi chờ Chính phủ, chờ Đảng  ra chỉ thị giải phóng cho mình mà tự mình phải tự cường, phải đấu tranh.

Đối với luật lấy vợ lấy chồng từ lúc chuẩn bị đến lúc đưa ra và thi hành, Đảng phải lãnh đạo vì đó là một cuộc cách mạng. Đảng lãnh đạo nghĩa là cán bộ và đảng viên phải làm cho đúng và lãnh đạo các đoàn thể thanh niên và phụ nữ kiên quyết làm cho đúng.

Có người hỏi rằng: "Lỡ đã có vợ hai rồi thì thế nào? Con còn nhỏ đã lỡ lấy vợ lấy chồng rồi thì thế nào?".

Luật có hiệu lực từ "sau" lúc Quốc hội thông qua và chính quyền công bố. Việc đã lỡ "trước" thì do gia đình đôi bên tự nguyện cùng nhau thỏa thuận giải quyết. Nếu không giải quyết được thì đưa ra chính quyền hòa giải.

Thi hành luật này có hai mặt:

- Có phần dễ dàng vì nhân dân ta đã được Đảng giáo dục, đã tiến bộ nhiều.

- Nhưng cũng nhiều khó khăn vì tập quán cũ đã ăn sâu lâu đời trong nhân dân. Cho nên công bố đạo luật này chưa phải đã là mọi việc đều xong, mà còn phải tuyên truyền giáo dục lâu dài mới thực hiện được tốt.

Mong các cô các chú cố gắng, bền gan, hiểu rõ và làm tốt. Nhất là phải thận trọng vì luật này quan hệ đến tương lai của gia đình, của xã hội, của giống nòi.

Nói ngày 10-10-1959.

In trong sách Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1960, t.V, tr. 281-28270.

Thu Hiền (tổng hợp)

--------------

65, 66. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, tr.598-599, tr.623.

67, 68, 69, 70. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, tr.505-506, tr.547, tr.172-173, tr.300-302.

Bài viết khác: