- Thanh niên gương mẫu
Đồng chí Lương Thị Ngọc Thái, 22 tuổi, quê ở Quảng Bình, cán bộ đỡ đẻ ở Ty y tế.
- Một lần, vừa đỡ đẻ xong thì máy bay địch đến bắn phá. Đồng chí đã bình tĩnh đưa cả hai mẹ con đến hầm trú ẩn. Vừa đến hầm thì bom nổ cháy nhà. Máy bay địch vừa đi khỏi, đồng chí Thái liền xung phong vào làng cứu chữa cho đồng bào.
- Lần thứ hai, đang làm việc trong nhà thương, máy bay địch đến thả bom. Đồng chí không sợ hãi, đã đưa được tất cả các người đẻ ra hầm trú ẩn. Một người ốm mới mổ, còn nằm trên bàn. Đồng chí chạy trở lại, bế người ốm ra nơi ẩn nấp.
- Một lần khác, địch ném bom gần nhà thương, lúc đó đồng chí hái đi làm việc cách đó 2 cây số. Đồng chí vội chạy về cứu những người bị thương.
- Chiến sự gay go, số người bệnh tăng nhiều. Một mình đồng chí Thái phụ trách phòng nội thương, phòng đỡ đẻ, phòng cho thuốc, phòng phát thuốc cho các xã. Hàng ngày, đồng chí phục vụ hơn 100 người bệnh. Lại còn giặt băng, gánh nước, sớm thì mang thuốc men và cõng người ốm ra chỗ tránh máy bay, tối lại mang thuốc và cõng người ốm về. Ngày nào cũng gà gáy thì dậy, làm việc đến khuya, nhưng mọi việc đều chu đáo. Hòa bình trở lại, ta vào thị xã tiếp quản các nhà thương. Địch để nhà thương dơ dáy, bẩn thỉu. Đồng chí Thái đã xung phong và khéo động viên mọi người quét dọn. Chỉ ít hôm, nhà thương đã sạch sẽ ngăn nắp.
Hôm gió bão lớn, nhiều nhà bị tung mất cả mái, nhân viên không đến được các phòng bệnh. Đồng chí đã tìm cách chạy đến cõng người ốm sang các phòng khác, đốt lửa cho họ sưởi và an ủi họ.
Tuy là cán bộ đỡ đẻ, đồng chí đã cố gắng vừa làm vừa học, cho nên làm được cả việc y tá.
Thương yêu người ốm, vì người quên mình, vượt mọi khó khăn, xung phong công tác, đồng chí Thái đã được bầu làm cán bộ gương mẫu (1953) và chiến sĩ thi đua của Liên khu IV (1954).
Đồng chí Thái thật xứng đáng là cháu Bác Hồ. Chị em ta nên học tập tinh thần và ưu điểm của đồng chí Thái.
C.B.
Báo Nhân Dân, số 421, ngày 27-4-195551.
- Ngày 29 tháng 4 năm 1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện tại Hội nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ toàn quốc về vấn đề phát động quần chúng nông dân52.
- Gia đình gương mẫu
Gia đình không gì quý hơn con. Loài người không gì quý bằng Tổ quốc. Những gia đình có bao nhiêu con đều hiến cả choTổ quốc là những gia đình gương mẫu vẻ vang. Dân tộc có những gia đình như vậy thì nhất định tự do, độc lập.
Trong những dịp tặng thưởng huân chương, Chính phủ ta đã thay mặt nhân dân tỏ lòng kính trọng và biết ơn những gia đình có nhiều con tham gia bộ đội, bảo vệ Tổ quốc.
Chỉ tính từ Khu IV trở ra và con số chưa thật đầy đủ, thì:
- Cụ Nguyễn Thị Đạo (xã Đại Trực, Nam Định) có 7 con đẻ, 1 con nuôi tòng quân (3 liệt sĩ).
- Cụ Nguyễn Văn Chạc (xã Hải Yến, Hải Dương) có 7 con tòng quân.
- Cụ Nguyễn Nam Quát (xã Đồng Hỷ, Thái Nguyên) có 7 con tòng quân.
- Cụ Nguyễn Xuân Tạo (xã Tam Canh, Vĩnh Phúc) có 7 con tòng quân.
- Cụ Nguyễn Đình Quỳ (xã Tri Cụ, Bắc Giang) có 5 con trai, 2 con dâu tòng quân.
- Cụ Hà Thị Đình Tuân (xã Yên Dũng, Bắc Giang) có 2 con trai, 3 gái, 1 dâu, 1 cháu tòng quân.
9 gia đình có 6 con tòng quân
36 gia đình có 5 con tòng quân.
1.613 gia đình có 3 hoặc 4 con tòng quân.
Trong lịch sử kháng chiến anh dũng của dân tộc, tấm lòng tuyệt vời yêu nước của những gia đình gương mẫu ấy làm cho dân tộc ta càng thêm vẻ vang.
C.B.
Báo Nhân Dân, số 450, ngày 27-5-195553.
- Lời kêu gọi đồng bào nông dân thi đua sản xuất và tiết kiệm năm 1956
Cùng đồng bào và cán bộ các địa phương,
Hồi đầu năm, Đảng và Chính phủ đã kêu gọi nhân dân thi đua sản xuất và tiết kiệm. Đến nay, chúng ta đã đạt được những thành tích: Vụ chiêm và vụ mùa thu hoạch khá, hoa màu, chăn nuôi được đẩy mạnh hơn; làm rừng, đánh cá, làm muối được chú ý hơn và đã thu được những kết quả bước đầu; công việc chống lụt, chống hạn, trừ sâu, chống bão kết quả cũng khá. Thành tích đó là nền tảng tốt cho chúng ta thực hiện kế hoạch sản xuất năm 1956.
Để đẩy mạnh việc củng cố miền Bắc, làm cơ sở cho công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà, Chính phủ sẽ thi hành kế hoạch khôi phục kinh tế năm 1956 bao gồm nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp, giao thông vận tải; nhưng sản xuất nông nghiệp là chủ yếu.
Yêu cầu của sản xuất nông nghiệp năm 1956 là bước đầu giải quyết vấn đề lương thực, cung cấp nguyên liệu, vật liệu để khôi phục tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, công nghiệpvà cung cấp lâm thổ sản để mở rộng quan hệ buôn bán với các nước ngoài.
Để đạt yêu cầu trên, toàn thể đồng bào nông dân phải ra sức thi đua…
Thi đua sản xuất và tiết kiệm năm 1956 là cuộc thi đua rất lớn, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Tôi kêu gọi toàn thể cán bộ và đồng bào hăng hái tham gia.
Nông hội có trách nhiệm chính đảm bảo thực hiện kế hoạch sản xuất. Đoàn thanh niên có nhiệm vụ xung phong thúc đẩy phong trào. Phụ nữ cần phải phát huy lực lượng của mình để sản xuất nhiều, sản xuất tốt…
Đảng và Chính phủ mong chờ kết quả tốt và sẵn sàng khen thưởng những cán bộ, đồng bào và đơn vị có nhiều thành tích thi đua.
Toàn thể đồng bào và cán bộ hãy hăng hái thi đua, có quyết tâm thì nhất định thắng lợi.
Chào thân ái và thắng lợi
HỒ CHÍ MINH
Báo Nhân Dân, số 656, ngày 19-12-195554.
- Các cụ già nhiều tuổi nhất của nước ta
Cụ Hà Văn Quận 123 tuổi, quê ở Khu IV. Nhiều bạn đọc đã nghe tiếng.
Cụ Hương 116 tuổi, xã Nghi Quang, Nghệ An.
Cụ Nguyễn Duy Nhàn 106 tuổi, xã Định Thành, Thanh Hóa.
Cụ Nguyễn Văn Kính 105 tuổi, xã Hồng Minh, Hà Đông.
Bà cụ Huân 103 tuổi, xã Chân Lý, Hà Nam.
Bà cụ Gù 100 tuổi, xã Tô Hiệu, Phát Diệm.
Bà cụ người Mèo 100 tuổi, xã Bạch Ngọc, Hà Giang.
Bà cụ Đỗ Thị Chương 99 tuổi, ở Thủ đô Hà Nội.
Cụ Hoàng Văn Huyên 95 tuổi, xã Văn Phú, Ninh Bình.
Cụ Hoàng Văn Đông 86 tuổi.
Bà cụ Nguyễn Thị Ba 81 tuổi, quê ở Đức Thọ, Hà Tĩnh.
Ngoài bà cụ Chương ở thành phố, còn 10 cụ đều ở nông thôn, đều là bần nông hoặc cố nông. Như cụ Nhàn đã phải đi ở làm thuê từ thuở bé đến 96 tuổi! Vì vậy, ở những nơi cải cách ruộng đất, các cụ đấu tranh rất hăng.
Nhiều cụ đông con đông cháu. Như cụ Nhàn có 12 người con, bà cụ Mèo có 107 người con, cháu, chắt, chiu
Các cụ đều mạnh và ham làm việc. Như cụ Kính đi 15 cây số không mỏi và gánh được 30 cân. Cụ Đông mỗi bữa ăn được 5-6 bát cơm và đi cày được.
Báo Nhân dân kính chúc các cụ sống lâu và luôn luôn mạnh khỏe.
*
* *
Tái bút: 1- Địa phương nào có các cụ ngoài 80 tuổi, xin viết thư cho báo. 2- Viết thư, xin viết rõ ràng: Tên, họ, tuổi, gia đình và quê quán của các cụ. 3- Cảm ơn các bạn đã viết thư cho báo.
Cụ già nhiều tuổi nhất của Ấn Độ là cụ Radia Bam, 140 tuổi.
C.B.
Báo Nhân Dân, số 694, ngày 26-01-195655.
- Chúc mừng ngày Phụ nữ quốc tế "8-3"
Ngày Phụ nữ quốc tế năm nay có một ý nghĩa quan trọng đặc biệt: Trên thế giới thì lực lượng hòa bình phát triển ngày càng mạnh. Trong nước thì phong trào thi đua xây dựng ngày càng lên cao.
Dưới chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, phụ nữ ta đã được bình quyền về mọi mặt chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá. Cho nên trong cuộc kháng chiến vĩ đại vừa qua, cũng như trong công việc xây dựng từ ngày hòa bình trở lại, phụ nữ ta đã góp phần xứng đáng.
Phụ nữ ta có nhiều thành tích to, nhưng phụ vận ta còn có thiếu sót: Ít chú ý vận động gia đình các cán bộ và các nhà thủ công nghiệp, gia đình các nhà công thương và các chị em nội trợ.
Kinh nghiệm của phụ vận Trung Quốc chứng tỏ rằng: Khéo vận động, tổ chức và hướng dẫn, thì những chị em phụ nữ ấy có tác dụng lớn đối với xã hội. Cách làm của phụ vận Trung Quốc giản đơn, thiết thực và kết quả to, gọi là "5 tốt":
- Gia đình và xóm giềng đoàn kết và giúp đỡ nhau tốt,
- Sinh hoạt và công việc trong nhà sắp đặt tốt,
- Giáo dục con em tốt,
- Khuyến khích chồng con, anh em sản xuất, công tác và học tập tốt,
- Tự mình học tập tốt.
Phụ vận ta nên cố gắng thực hiện kinh nghiệm ấy.
Để kỷ niệm ngày 8-3 một cách thiết thực và xứng đáng, chúng ta cần động viên:
Chị em phụ nữ nông thôn THI ĐUA góp sức hoàn thành tốt cải cách ruộng đất và lập những tổ đổi công tốt.
Chị em công nhân và công chức THI ĐUA làm trọn nhiệm vụ của mình.
Chị em trí thức THI ĐUA góp phần vào việc phát triển văn hóa.
Nữ thanh niên tuỳ theo cương vị của mình, THI ĐUA học và hành, xung phong trong mọi công việc.
Mọi chị em, mọi giới phụ nữ đều thi đua góp sức hoàn thành kế hoạch Nhà nước năm 1956, đều hăng hái tham gia công cuộc củng cố miền Bắc, chiếu cố miền Nam, để xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Đồng thời, phụ nữ ta cần đoàn kết với chị em các nước bạn và phụ nữ dân chủ các nước khác để giữ gìn hòa bình thế giới và xây dựng hạnh phúc cho cả loài người. Đó là trách nhiệm rất vẻ vang của phụ nữ Việt Nam ta!
C.B.
Báo Nhân Dân, số 735, ngày 08-3-195656.
- Nhi đồng cũng là chiến sĩ
Xem cuộc trưng bày nông nghiệp, ai cũng thấy rằng nước ta thật là rừng vàng, biển bạc, nhân dân... quý báu. Lại có sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Chính phủ và sự giúp đỡ vô tư của các nước anh em, Việt Nam nhất định tiến bước thành một nước giàu mạnh.
… Đồng thời với cuộc trưng bày ấy ở Thủ đô, có cuộc Hội nghị liên hoan chiến sĩ nông nghiệp và cán bộ các tổ đổi công cả nước. Hai cuộc đó, ngoài việc học tập kinh nghiệm lẫn nhau, còn có một việc quan trọng nữa là tinh thần đại đoàn kết. ởđó có đại biểu đủ các dân tộc: Kinh, Thổ, Thái, Mèo... v.v.. Nam có, nữ có, có các cụ phụ lão như cụ Trần Kiên, 72 tuổi, anh hùng Hoàng Hanh 69 tuổi. Có các em nhi đồng như hai em Bình và Cừ. Thế là:
Nông dân đoàn kết, cả nước một nhà,
Có nam, có nữ, có trẻ, có già.
Mọi người cố gắng thi đua tăng gia,
Kế hoạch nông nghiệp chắc là thành công.
C.B.
Báo Nhân Dân, số 744, ngày 17-3-195657.
Thu Hiền (tổng hợp)
--------------
51, 53. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, tr.425-426, tr.487-488, tr.365, tr.404-405, tr.406, tr.419-420.
52. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, sđd, tập 6, tr.58.
54, 55, 56, 57. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, tr.212-214, tr.250-251, tr.282-283, tr.286-287.