150. Cứu hàng
Anh Đản đang tắm bên bờ sông thì bỗng thấy máy bay giặc Mỹ bay là là theo dòng sông rồi nhào xuống ném bom một đồi cây bên đường L.
Mặc cho bom rơi và tiếng gầm rít của máy bay địch, Đản lao về phía địch bắn phá, thì thấy một chiếc xe đang bốc lửa. Bom vẫn rơi, nổ tung, đất cát bay mù mịt vây lấy anh, những mảnh bom bay vèo vèo. “Nằm xuống”, Đản vừa kịp nhủ mình; nhưng trước mắt anh cả một đám cháy lớn gió thổi tốc vào người anh nóng phừng phừng. Nằm bên rãnh đường, Đản miên man suy nghĩ: “Có nên xông vào cứu không?”.
Trên trời, mấy tên cướp Mỹ vẫn chúi xuống ngóc lên. Lại một loạt bom nổ. Anh không nghe tiếng nổ to như mọi lần, mà chỉ nghe gọn tiếng bộp, bộp... rồi nhắc bổng người anh lên từng đợt, từng đợt, toàn thân đau nhói. Trong chốc lát cái thôn nhỏ quê anh bị giặc Mỹ ném bom cháy trụi, các em cháy co quắp cứ hiện dần, to dần như đòi hỏi Đản phải xông lên trả thù cho đồng bào thân yêu của mình. “Một cân hàng lên đây sẽ đổi lấy một tên giặc Mỹ”, câu nói đơn giản nhưng chí lý đó của đồng chí bí thư chi bộ càng làm cho Đản thấy rõ trách nhiệm của một người công nhân giao thông lúc này. Chờ loạt bom nổ xong, Đản lao vào, miệng hét to: “Cứu lấy hàng, các đồng chí ơi! Cứu lấy hàng!”.
Người Đản như được tiếp thêm sức mạnh, từng bao hàng một, anh vác chạy như bay hết chuyến này đến chuyến khác...
Vừa lúc này, bốn chị công nhân là Hà, Thủy, Nhu và Đào nghe tiếng Đản gọi cũng vượt bom đạn giặc Mỹ, lao tới. Họ cùng nhau chuyển hết số hàng trên xe dù trên đầu họ bọn cướp Mỹ đang bổ nhào bắn phá.
(Trích báo Miền Tây Nghệ An, ngày 13-10-1966)
Anh Đản và các chị Hà, Thủy, Nhu, Đào đã không sợ nguy hiểm, xông pha bom đạn để cứu lấy của công. Đó là một hành động tốt đáng khen.
Bảo vệ của công là nghĩa vụ thiêng liêng mà mọi người Việt Nam già, trẻ, gái, trai đều phải làm. Bảo vệ của công tức là góp phần vào việc chống Mỹ, cứu nước. Vì vậy, cần phải tuyên truyền, giáo dục rộng khắp, làm cho mọi người đều hiểu rõ và làm đúng nghĩa vụ giữ gìn của công.
Chiến sĩ
Báo Nhân Dân, số 4663, ngày 13-1-1967.150
151. Bài nói tại Lớp bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cấp huyện
Các cô, các chú,
Hôm nay, Bác rất vui, vì ít khi Bác được gặp các đồng chí huyện ủy đông như thế này.
Lớp học có bao nhiêu đồng chí?
Có bao nhiêu cô?
Cán bộ nữ ít như vậy là một thiếu sót. Các đồng chí phụ trách lớp học chưa quan tâm đến việc bồi dưỡng cán bộ nữ. Đây cũng là thiếu sót chung ở trong Đảng. Nhiều người còn đánh giá không đúng khả nǎng của phụ nữ, hay thành kiến, hẹp hòi. Như vậy là rất sai. Hiện nay, có nhiều phụ nữ tham gia công tác lãnh đạo ở cơ sở. Nhiều người công tác rất giỏi. Có cháu gái làm chủ nhiệm hợp tác xã toàn thôn, không những hǎng hái mà còn làm tốt. Các cháu gái ở các hợp tác xã thường có nhiều ưu điểm: ít mắc tệ tham ô, lãng phí, không hay chè chén, ít hống hách mệnh lệnh như một số cán bộ nam, có đúng như thế không? Nếu Bác nói không đúng, các đồng chí cứ phát biểu.
Bác mong rằng các đồng chí hãy thật sự sửa chữa bệnh thành kiến, hẹp hòi đối với phụ nữ. Các cô, nhất là các cô ở huyện, phải đấu tranh mạnh. Vì các cô mà không đấu tranh thì những đồng chí nam có thành kiến với phụ nữ sẽ không tích cực sửa chữa.
*
* *
Lớp học này nhằm bồi dưỡng cho các đồng chí hiểu rõ hơn đường lối chống Mỹ, cứu nước, đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đường lối chiến tranh nhân dân, phương hướng phát triển nông nghiệp và công tác Đảng, công tác quần chúng trong tình hình hiện nay, để các đồng chí khi về địa phương có thể làm tốt hơn các công tác chiến đấu, sản xuất, tổ chức đời sống nhân dân, xây dựng các tổ chức ở cơ sở, làm cho huyện uỷ trở thành huyện uỷ “bốn tốt”.
Yêu cầu, nội dung học tập như trên trong tình hình hiện nay là rất thiết thực. Các đồng chí Trung ương đã đến giảng bài. Các cô, các chú nghe có hiểu không, có nắm vững không?
Nói đến chuyện học, Bác nói lại câu chuyện cũ mà Bác thường hay nhắc tới để các cô, các chú nghe.
Hồi kháng chiến chống Pháp, có một lần Bác đi công tác về, thấy một số đồng chí đang nghỉ ở một gốc cây đa to, bóng mát. Bác hỏi:
- Các cô, các chú đi đâu về?
- Chúng cháu đi học về.
- Học cái gì?
- Học Các Mác.
- Có hay không?
- Hay lắm?
- Có hiểu không?
Họ ấp úng trả lời:
- Thưa Bác, nhiều cái khó quá, không hiểu được.
Như vậy là học không thiết thực.
Bác kể một câu chuyện khác. Trước Cách mạng Tháng Tám, trong vùng giải phóng ở Tân Trào có làm một nhà vǎn hóa, một hôm có một cán bộ nam, một cán bộ nữ đến diễn thuyết, họ nói rất say sưa. Lúc ấy, Bác cũng ngồi cạnh đấy. Bác ghé sang một người ngồi bên cạnh, hỏi ông có hiểu gì không? Ông ta lắc đầu nói không hiểu gì cả. Cái đó cũng dễ hiểu thôi. Vì mấy đồng chí kia nói nhiều quá, lại dùng những chữ cao xa. Trình độ hiểu biết của đồng bào ta lúc ấy còn thấp, mà nói nào là “chủ quan”, “khách quan”, “tích cực”, “tiêu cực”, v.v. cho nên họ không hiểu.
Vui chuyện, Bác kể lại mấy câu chuyện cũ, nhưng cũng để nói với các cô, các chú là bây giờ chúng ta phải học tập thiết thực để về làm cho tốt. Và khi về địa phương mở lớp cho cán bộ, đảng viên ở xã cũng phải chú ý theo tinh thần lớp học trên này mà làm.
Bây giờ lớp học sắp bế mạc, Bác cǎn dặn các cô, các chú mấy điều:
1. Cần nắm vững đường lối, chính sách của Đảng, chịu khó đi sâu, đi sát cơ sở, hợp tác xã để hiểu rõ tình hình sản xuất, đời sống của nhân dân, tình hình các chi bộ và các đoàn thể quần chúng. Do đó mà có chủ trương, biện pháp cho đúng, cho kịp thời.
Điểm này có lẽ các đồng chí nắm vững rồi. Bác chỉ nhắc các cô, các chú phải đi sâu, đi sát cơ sở, nằm ở cơ sở để chỉ đạo phong trào, không nên xuống cơ sở theo lối chuồn chuồn đạp nước. Vấn đề này nghe thì dễ, nhưng thực hiện chưa tốt lắm. Hiện nay, có một số đồng chí huyện ủy chưa thật sự lǎn lộn ở cơ sở, còn ngại khó, ngại khổ cho nên chưa nắm được tình hình cụ thể của địa phương mình phụ trách.
Hiện nay, mỗi huyện uỷ có từ 15 đến 20 đồng chí. Phải chia nhau mà nắm tình hình. Mỗi đồng chí huyện ủy nắm một hai xã. Phải đi sâu, đi sát nắm vững tình hình, không những phải nắm vững tình hình hợp tác xã, mà còn phải nắm vững tình hình ǎn, ở, học tập, sức khỏe… của các gia đình. Nếu không đi sâu, đi sát cơ sở, nắm vững tình hình sản xuất và đời sống của nhân dân thì các đồng chí làm thế nào có thể vận dụng đúng đắn đường lối, chính sách của Đảng, chủ trương của tỉnh vào huyện mình?
2. Phải chǎm lo xây dựng hợp tác xã, xây dựng chi bộ Đảng, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ cho thật tốt.
Chi bộ là nền móng của Đảng, chi bộ tốt thì mọi việc sẽ tốt. Cho nên các cô, các chú phải quan tâm đến việc xây dựng chi bộ, phải làm cho chi bộ trở thành “bốn tốt”. Phải làm thiết thực, đừng hình thức, đừng báo cáo sai.
Muốn trở thành chi bộ “bốn tốt”, trước hết đảng viên phải gương mẫu, làm đúng chính sách, thật sự tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, lắng nghe ý kiến của quần chúng thì mới được dân tin, dân phục, dân yêu. Như vậy công việc khó mấy cũng làm được.
Đoàn viên và các đội thanh niên xung phong phải là cánh tay của chi bộ, xung phong đi đầu trong sản xuất, chiến đấu. Các ban quản trị hợp tác xã phải dân chủ, phải chống tham ô, lãng phí. Tệ tham ô trong hợp tác xã bây giờ còn nhiều. Ai chịu trách nhiệm về tình hình ấy? Huyện có chịu trách nhiệm không? Trong cán bộ huyện, có cán bộ nào tham ô, mệnh lệnh không? Các cô, các chú phải nghiêm khắc kiểm tra.
3. Cán bộ, đảng viên phải đoàn kết chặt chẽ, bảo đảm dân chủ và kỷ luật trong Đảng. Đảng viên cũ, mới, già, trẻ, gái, trai phải thương yêu nhau, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.
Hiện nay, trong đội ngũ cán bộ của Đảng có cán bộ già, có cán bộ trẻ. Cán bộ già là vốn quý của Đảng, họ có kinh nghiệm về mặt lãnh đạo, được rèn luyện, thử thách nhiều trong thực tế đấu tranh. Nhưng cũng có một số cán bộ già đến một thời kỳ nào đấy là dừng lại, không tiến lên được, hay bám lấy cái cũ, không nhạy cảm với cái mới. Còn cán bộ trẻ tuy chưa có một số ưu điểm như cán bộ già, nhưng họ lại hǎng hái, nhạy cảm với cái mới, chịu khó học tập, cho nên tiến bộ rất nhanh.
Đảng ta phải khéo kết hợp cán bộ già với cán bộ trẻ. Không nên coi thường cán bộ trẻ. Một số ít cán bộ già mắc bệnh công thần, cho mình là người có công lao, hay có thái độ “cha chú”‘ với cán bộ trẻ, đảng viên trẻ nói gì cũng gạt đi, cho là “trứng khôn hơn vịt”, “mǎng mọc quá tre”. Thời đại của ta hiện nay rất oanh liệt. Xã hội, thế giới phát triển rất nhanh. Thế mà các đồng chí lớn tuổi lại coi thường cán bộ trẻ là không đúng. Còn cán bộ trẻ không được kiêu ngạo, phải khiêm tốn học hỏi các đồng chí già có kinh nghiệm.
Tất cả cán bộ, đảng viên của Đảng phải vì Đảng, vì dân mà hǎng hái phấn đấu. Phải chịu khó học tập chính trị, kinh tế, khoa học, kỹ thuật để nâng cao nǎng lực, làm cho kinh tế phát triển, chiến đấu thắng lợi, đời sống của nhân dân ngày càng no ấm, tươi vui.
Khi nói đến học tập khoa học, kỹ thuật, có người còn cho là cao xa quá. Nhưng biết nói một cách phổ thông, nôm na như chúng ta vẫn làm thì không phải là cao xa, không tiếp thụ nổi. Ví dụ: làm bèo hoa dâu là khoa học, kỹ thuật, cách ủ phân cũng là khoa học, kỹ thuật. Khoa học, kỹ thuật là như vậy, không chịu khó học tập thì không lãnh đạo được sản xuất, không đưa được nǎng suất cây trồng lên.
4. Phải dựa vào quần chúng mà phát động mọi phong trào sản xuất, chiến đấu. Phải làm cho quần chúng luôn luôn phấn khởi, tin tưởng.
Làm việc gì cũng phải có quần chúng. Không có quần chúng thì không thể làm được. Vừa rồi trên báo Nhân dân có đǎng câu chuyện về phòng không. Có mấy đồng chí cán bộ xã ngồi bàn với nhau. Phòng không phải là đào hầm, xây hầm tốn mấy vạn viên gạch, mấy nghìn cây tre và mấy trǎm đồng nữa. Chi phí lớn quá và khó thực hiện. Nhưng có một cô kỹ sư có ý kiến là cần đưa ra quần chúng bàn bạc tham gia. Sau đó mời quần chúng lại, nói rõ âm mưu của địch là hiện nay nó bắn lung tung như thế, ta phải đào hầm để ẩn nấp. Vậy ta nên đào như thế nào? Thế là quần chúng giơ tay hưởng ứng, người thì xin góp mấy tấm ván, người thì xin góp mấy chục viên gạch, người thì xin góp mấy cây tre… Chỉ trong hai ngày là họ làm xong tất cả các hầm trú ẩn. Ở Quảng Bình, Vĩnh Linh, do đi theo đường lối quần chúng mà nhân dân đào được hàng nghìn cây số hào, hàng chục vạn hầm. Cho nên việc gì có quần chúng tham gia bàn bạc, khó mấy cũng trở nên dễ dàng và làm được tốt. Các đồng chí ở Quảng Bình nói rất đúng:
Dễ mười lần không dân cũng chịu,
Khó trǎm lần dân liệu cũng xong.
Ở Thái Bình, Quảng Bình và một số nơi khác đang tiến hành việc “bình công”, “báo công”. Qua bình công, báo công, ai làm được gì tốt, ai không làm hoặc làm xấu, mọi người đều biết. Đó mới thực sự dân chủ, đó là cách phê bình, tự phê bình rất tốt. Làm như vậy, quần chúng tự giáo dục cho nhau và giáo dục cho cả cán bộ nữa. Vì trong cán bộ, có những đồng chí tốt, miệng nói tay làm, nhưng cũng có một số đồng chí “chỉ tay nǎm ngón”, không chịu làm. Bình công, báo công cũng là cách rất tốt để lựa chọn những người tốt mà tuyên truyền giáo dục, đưa họ vào Đảng, bồi dưỡng họ thành cán bộ. Như vậy là không bao giờ thiếu cán bộ. Đó là cách làm công tác xây dựng Đảng rất tốt.
Các cô, các chú thấy làm như thế có tốt không?
Có làm được không?
Nhưng có đồng chí lại không làm được như thế. Từ trước tới giờ, có nơi dân chưa nói, hoặc không dám nói, vì sợ cán bộ “trù”, cán bộ “chụp mũ”. Những cán bộ có khuyết điểm thường sợ dân nói. Nhưng nếu thành thật với dân, biết mình có lỗi, xin lỗi dân thì dân cũng rất vui lòng và sẽ tha thứ cho. Dân ta rất tốt, rất yêu thương Đảng, yêu thương cán bộ. Khi ta có khuyết điểm mà nói trước dân, chẳng những dân không ghét, không khinh, mà còn thương yêu, quý trọng, tín nhiệm ta hơn nữa.
5. Trước mắt, vụ sản xuất Đông - Xuân rất khẩn trương. Cần làm kịp thời vụ. Phải chú ý chǎm sóc trâu bò, không để trâu bò bị rét, phải cho trâu bò ǎn no, ở ấm. Chú ý giáo dục quần chúng tiết kiệm. Chớ liên hoan lu bù. Cấm nấu rượu lậu, giết lợn, bò, ǎn uống lãng phí. Các đồng chí ở huyện phải đi xuống xã mà xem xét, kiểm tra, chớ làm theo lối quan liêu, tỉnh gửi giấy về huyện, huyện gửi giấy về xã. Giấy không thể che rét cho trâu bò được. Làm như vậy trâu bò sẽ bị gầy đi vì đói, vì rét, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất.
Chǎm sóc trâu bò là để sản xuất, chứ không phải để liên hoan, để đánh chén! Tết sắp đến, do đó cần chú ý tiết kiệm. Trung ương thường nhắc nhở các địa phương: “Chúng ta phải ra sức sản xuất và tiết kiệm”. Nhiều nơi đã thực hiện tốt. Nhưng có nơi, giấy gửi đi hình như chữ bị hao mòn, chữ “tiết kiệm” lại hoá ra chữ “tiết canh”!
Bác nói có sách, mách có chứng. Bác đọc một đoạn đǎng ở báo Hải Phòng: “Vì cán bộ thiếu gương mẫu, ở xã Mỹ Phúc nạn lạm sát lợn vẫn thường xảy ra. Khánh thành trạm bơm cũng giết hai con lợn. Hợp tác xã tổng kết cũng giết bốn con lợn. Rồi đội sản xuất tổ chức ǎn tập đoàn cũng giết một con lợn”, v.v..
Lại đây nữa! Xã Đoàn Kết và xã Ngô Quyền ở huyện Thanh Miện đã giết trái phép nhiều lợn và trâu để dùng vào việc ǎn uống liên hoan.
Cán bộ, đảng viên làm như vậy là không gương mẫu, nêu gương xấu.
Sở dĩ có tình trạng đó là do không dân chủ. Đảng viên không dám nói, dân không dám nói. Như thế này thì xã viên không oán sao được? Như thế này thì hợp tác xã làm sao mà tiến lên được? Dân người ta làm cả ngày cả đêm mà một số ít người thì đụng tới cái gì cũng chén, mà lại chén nhiều chứ không phải chén ít!
Trên đây là một vài ví dụ những nơi không tốt, nhưng chúng ta cũng có nhiều nơi làm tốt.
Xã D. thuộc Thái Nguyên là một xã người đông, ruộng ít. Sản xuất có nhiều khó khǎn. Hơn một nǎm nay, máy bay giặc Mỹ luôn luôn bắn phá các thôn xóm trong xã. Nhưng nhân dân xã D. vẫn dũng cảm lao động, tổ chức đời sống cho phù hợp với thời chiến, phát triển sản xuất phục vụ sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Vụ mùa nǎm 1965 thu hoạch kém, mức thu nhập của xã viên bị sút. Bà con xã D. đã động viên nhau sản xuất, bảo đảm tự túc lương thực không ỷ lại vào Nhà nước. Nhân dân trong xã đã khắc phục mọi khó khǎn đưa diện tích, nǎng suất và sản lượng lúa chiêm vừa qua lên cao hơn tất cả các nǎm trước. Rau, màu trồng gấp đôi, gấp rưỡi. Mọi gia đình đều có vườn rau tự túc. Hợp tác xã chú ý quản lý hoa màu để điều hoà cho những gia đình thiếu ǎn trong những ngày giáp hạt. Tệ ǎn uống lãng phí trong các dịp cưới xin, cúng bái đều xóa bỏ, bà con tính toán mức ǎn hằng tháng trong gia đình để có kế hoạch ǎn thêm màu, tiết kiệm gạo, bảo đảm có đủ lương thực cho đến hết vụ.
Nhờ thực hành tiết kiệm và phát triển sản xuất đúng hướng cho nên trong những ngày giáp hạt, trong lúc nhiều xã khác phải xin Nhà nước cung cấp gạo, thì xã D. không những có đủ lương thực điều hòa trong xã mà còn làm nghĩa vụ lương thực vượt mức kế hoạch Nhà nước.
Như thế là ở đấy vừa có thiên tai, vừa có địch họa. Họ sản xuất chẳng những để tự túc mà lại còn làm nghĩa vụ đối với Nhà nước.
Vụ mùa nǎm 1966 mặc dù bị máy bay địch bắn phá nhiều lần, hạn và sâu bệnh khá nặng, nhưng xã D. vẫn thu được thắng lợi lớn nhất từ trước tới nay. Nǎng suất lúa tǎng từ bốn đến bảy tạ thóc một hécta so với những nǎm trước. Các xã viên chọn thóc tốt phơi khô, quạt sạch đem nộp ngay cho Nhà nước. Sau khi tính toán đủ mức ǎn của xã viên, đã bán thêm nǎm tạ thóc theo giá khuyến khích. Các cụ “bạch đầu quân” ở hợp tác xã Minh Hòa và Thống Nhất vỡ ruộng cày cấy thu được một số thóc đem bán cho Nhà nước. Mọi người nêu khẩu hiệu: “Tiết kiệm một hạt gạo là cung cấp một viên đạn cho bộ đội ta bắn vào đầu giặc Mỹ”.
Mười trận máy bay địch ném bom, bắn phá, nhiều nhà cửa và tài sản của nhân dân bị hư hại. Song, nhờ tổ chức phòng tránh tốt, cả xã không có người nào chết và bị thương. Bà con bảo nhau “còn người còn của”, họ giúp đỡ nhau lương thực, quần áo, nồi niêu, bát đĩa, chǎn màn, không phải xin Nhà nước một đồng nào.
Hơn hai nǎm nay, xã D. luôn luôn dẫn đầu phong trào gửi tiền tiết kiệm ở Thái Nguyên. Nǎm 1965 bình quân mỗi người trong xã gửi được 13 đồng 20. Nǎm 1966, đến cuối tháng 11 toàn xã đã gửi được 4 vạn 2 nghìn đồng, chưa kể số vốn đã huy động phục vụ sản xuất. Tính bình quân mỗi người gửi được 31 đồng. Hầu hết các đồng chí chi ủy, đảng viên và cán bộ đều nêu gương hàng đầu gửi tiền tiết kiệm. Nhiều đồng chí sau khi bán lợn, bán gà, bán nông sản chỉ giữ lại số tiền cần thiết để tiêu dùng, còn bao nhiêu đem gửi vào quỹ tín dụng ở xã. Các đồng chí giáo viên ở xã cũng tiết kiệm chi tiêu, gửi được gần 1.000 đồng vào quỹ tín dụng, góp thêm vốn cho bà con nông dân sản xuất. Nhiều bà con trong xã, như bà Lê Thị Thư đã tiết kiệm chi tiêu, gửi được 2.000 đồng.
Nhờ gửi tiền tiết kiệm mà các hợp tác xã có thêm vốn phát triển sản xuất, cải thiện đời sống của xã viên. Nǎm nay, hợp tác xã tín dụng ở xã đã cho hợp tác xã vay 2.000 đồng để mua các tư liệu sản xuất, mua thêm máy xay xát và 120 con lợn giống; giúp thêm tiền cho những gia đình bị máy bay địch bắn phá.
Hợp tác xã này đáng nêu gương về công tác phòng không làm tốt, sản xuất tốt, tiết kiệm tốt, đoàn kết giúp đỡ nhau tốt. Các xã khác cần noi theo.
Những gương tốt như vậy, ta nên học, nên bắt chước. Còn những gương xấu, ta nên tránh.
6. Phải tích cực làm tốt công tác phòng không, đào thêm nhiều hầm hố. Phải giúp đỡ đồng bào sơ tán, nhất là các cụ già, các cháu bé. Giúp đỡ những gia đình bị nạn bom đạn, gia đình thương binh, liệt sĩ và bộ đội đi xa.
Cuối cùng, Bác nhờ các cô, các chú chuyển lời chào của Bác và các đồng chí Trung ương, của Chính phủ đến đồng bào, cán bộ, bộ đội, dân quân, các cháu thanh niên và nhi đồng. Các đồng chí cố gắng làm việc tốt, trở thành huyện “bốn tốt”!.
Còn mấy ngày nữa là Tết. Tết này là Tết kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ta phải tổ chức Tết cho thật vui vẻ nhưng tiết kiệm. Các cô, các chú có hứa sẽ làm như vậy không?
Nói ngày 18-1-1967.
Báo Nhân Dân, số 4722. ngày 14-3-1967. 151
152. Trước ngày 29 tháng 01 năm 1967
Chủ tịch Hồ Chí Minh thưởng Huy hiệu của Người cho chị Hoàng Thị Tuyết (công nhân chăn nuôi thuộc Khu gang thép Thái Nguyên) và bà Sùng (75 tuổi, cán bộ miền Nam tập kết, ở xã Thái Phúc, Thái Thụy, Thái Bình) đã có thành tích trong công tác chăn nuôi đàn gia súc.152
153. Ngày 09 tháng 02 năm 1967 (mùng 1 Tết Đinh Mùi)
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp chị Trần Thị Tuyết tại Nhà sàn.153
154. Ngày 10 tháng 02 năm 1967 (mùng 2 Tết Đinh Mùi)
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp chị Đặng Bích Nga (con gái đồng chí Trường Chinh) đến thăm và chúc Tết Người nhân dịp đầu năm mới.154
155. Ngày 12 tháng 02 năm 1967
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nữ diễn viên điện ảnh Trà Giang đến chúc Tết.155
Thu Hiền (tổng hợp)
---------------
150, 151. Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, tập 15, tr.267-268; tr.275-284.
152, 153, 154, 155. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, sđd, tập 10, tr.22; tr.27; tr.28; tr.29.