Chỉ mục bài viết

24. Ngày 22 tháng 4 năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm các đại biểu phụ nữ dự Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ nhất.

Người ân cần hỏi huyện các đại biểu Nam Bộ, Khu V, miền núi, miền xuôi, vùng tạm chiếm, vùng tự do…

Trước khi ra về, Người nói: “Bác chúc các cô chú mạnh khỏe. Về địa phương, những chị em nào có thành tích, nhớ cho Bác biết tin”24.

25. Chuyện phụ nữ

Phụ nữ là 5 phần 10 của loài người. Vai trò phụ nữ rất quan trọng. Thế mà báo chí ta ít nói đến phụ nữ. Khuyết điểm ấy cũng vì chị em ta ít lên tiếng. Chuông không đánh không kêu!

Hôm nay xin nói một chuyện phụ nữ nước bạn (phụ nữ nước nào cũng là chị em ta).

Phụ nữ Trung Quốc, hiện nay đang hăng hái tham gia phong trào chống Mỹ, giúp Triều Tiên, gồm có 3 điểm:

1. Thi đua ái quốc nhằm vào tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, học tập chính trị. Kế hoạch thi đua rất giản đơn thiết thực, làm từng nhà, từng làng, từng cơ quan, từng xưởng máy, v.v..

2. Tăng gia sản xuất và tiết kiệm để mua máy bay, xe tăng, đại bác lấy tên là đội máy bay, đội xe tăng, đội đại bác phụ nữ. Việc quyên này là tình nguyện, ai có nhiều quyên nhiều, có ít quyên ít, chứ không phải bổ theo đầu người.

3. Do Hội Phụ nữ hướng dẫn và đôn đốc, chị em các nơi phụ trách giúp đỡ gia đình thương binh, tử sĩ và gia đình các liệt sĩ đã hy sinh vì cách mạng.

Phụ nữ Trung Quốc hoạt động như rứa, chị em Việt Nam ta thế nào?

Đ.X.

Báo Cứu quốc, số 1865, ngày 20-7-195125.

26. Phụ nữ kiểu mẫu

Vài mẩu chuyện rất bình thường, mà rất vĩ đại.

Bà cụ Mán ở Lào Cai có 4 con trai đều là du kích. 3 người đã hy sinh cho Tổ quốc. Trước ngày Lào Cai được giải phóng, bà cụ bị Tây theo dõi. Nhà nghèo, bà cụ phải đi đào củ rừng để ăn. Ngày nào bà cụ cũng ăn một phần rất ít, để phần nhiều lại giúp cán bộ bí mật.

Ở Khu III, bà cụ Hảo, 62 tuổi, săn sóc thương yêu bộ đội và thương binh như mẹ đối với con.

Chị Loan, 17 tuổi, cũng hết sức săn sóc bộ đội và thương binh như em đối với anh ruột.

Chị Phương, cán bộ dân công, gặp lúc trời mưa to, nước đến ngực. Chị xung phong đội gạo lội sang suối, rồi giúp đỡ và cổ động mọi người đều sang. Nhờ vậy mà bộ đội khỏi thiếu ăn.

Phải chăng vì danh, vì lợi, vì địa vị mà họ làm như vậy? Không phải. Đó là vì lòng nồng nàn yêu nước. Đó là lòng chí công vô tư mà chúng ta đều phải học theo.

C.B.

Báo Nhân Dân, số 18, ngày 26-7-195126.

27. Thư gửi bà mẹ chiến sĩ Phạm Thị Dược

Gửi bà mẹ chiến sĩ Phạm Thị Dược, khu Tự Tiến.

Nhờ UBKCHC huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) chuyển.

Cảm ơn bà cụ đã gửi cho tôi một phiếu công trái 100 kilô thóc để làm giải thưởng thi đua sản xuất. Tôi mong các Mẹ chiến sĩ hăng hái đôn đốc đồng bào địa phương thi đua, để vụ mùa thắng lợi thành công tốt đẹp.

Chào thân ái và quyết thắng

Tháng 8 năm 1951

Hồ CHÍ MINH

Báo Cứu quốc, số 1892, ngày 27-8-195127.

28. Thư gửi cháu Nguyễn Thị Lương

Gửi cháu Nguyễn Thị Lương, ở bến đò Mộc, xã Minh Quang.

Nhờ UBKCHC huyện Bất Bạt chuyển.

Bác gửi lời khen cháu đã chịu khó đi mót lúa, bán lấy tiền để giúp bộ đội. Thế là yêu nước. Bác mong các cháu nhi đồng khác đều biết yêu nước như vậy. Bác khuyên cháu cố gắng học và làm việc, để tiến bộ nhiều. Bác cũng cảm ơn bố mẹ cháu biết dạy cháu yêu Tổ quốc, yêu bộ đội.

Bác hôn cháu

Tháng 8 nǎm 1951

BÁC HỒ

Báo Cứu quốc, số 1892, ngày 27-8-195128.

29. Thư gửi phụ nữ nhân dịp kỷ niệm Hai Bà Trưng và ngày Quốc tế Phụ nữ

Thân ái gửi chị em trong nước và chị em kiều bào ở ngoài nước,

Hai Bà Trưng để lại cho phụ nữ Việt Nam một truyền thống vẻ vang, là dũng cảm kháng chiến. Liên đoàn phụ nữ dân chủ quốc tế giúp phụ nữ Việt Nam bồi dưỡng truyền thống ấy, hăng hái đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc xâm lược. Phụ nữ Việt Nam đã xứng đáng là con cháu Hai Bà và là một lực lượng trong Quốc tế phụ nữ.

Nhân dịp 08-3, tôi kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn các nữ liệt sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc, như cô Nguyễn Thị Cúc và nhiều người khác. Tôi kính chào các bà mẹ có con trong bộ đội, và các bà mẹ cùng vợ con của các liệt sĩ.

Trong cuộc kháng chiến to lớn của dân tộc ta, phụ nữ ta đang gánh một phần quan trọng.

Nhiều bà cụ ngoài bảy tám mươi tuổi, chẳng những đã xung phong đi dân công, mà còn thách thi đua với các cụ ông và con cháu.

Các bà mẹ chiến sĩ và các chị em giúp thương binh đã hòa lẫn lòng yêu nước, yêu con, yêu chiến sĩ thành một mối yêu thương không bờ bến, mà giúp đỡ chiến sĩ và săn sóc thương binh như con em ruột thịt của mình.

Nói chung là phụ nữ ở vùng tạm bị chiếm, nói riêng là các nữ du kích, không quản khó nhọc nguy hiểm, ra sức giúp đỡ chiến sĩ và cán bộ, hăng hái đấu tranh chống quân thù.

Hàng vạn phụ nữ Kinh, Thổ, Nùng, Mán, Mèo xung phong tham gia dân công, không quản trèo đèo lội suối, ăn gió nằm sương.

Phụ nữ ở xí nghiệp, ở nông thôn, ở cơ quan hăng hái tham gia thi đua ái quốc, thành tích không kém đàn ông.

Trong phong trào phát triển bình dân học vụ, phụ nữ chiếm một phần lớn trong số người dạy cũng như trong số người học.

Nhiều chị em tiểu tư sản, trước kia quen đời sống phong lưu, nay cũng chịu khó làm lụng, tăng gia sản xuất. Đó là một sự cải tạo lớn, một tiến bộ lớn về tư tưởng và tinh thần.

Tôi rất vui lòng thấy rằng trong mọi ngành hoạt động, các cháu nữ thanh niên đều xung phong, đều có thành tích khá.

Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ.

Các cấp lãnh đạo đi sát hơn, thiết thực hơn, thì phong trào phụ nữ chắc rộng hơn, mạnh hơn nữa.

Nhiệm vụ chính của phụ nữ ta ngày nay là:

- Thắt chặt mối đoàn kết giữa các tầng lớp phụ nữ trong nước, giữa phụ nữ Việt Nam và phụ nữ các nước bạn cùng phụ nữ dân chủ thế giới.

- Thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm, hăng hái tham gia phong trào chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu.

- Hăng hái tham gia chính quyền.

- Giúp đỡ bộ đội.

- Bảo vệ nhi đồng.

Phụ nữ trong vùng tạm bị chiếm thì ra sức chống địch bắt chồng con, anh em đi lính, phá mưu mô địch dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh.

- Chị em kiều bào ở nước ngoài thì ủng hộ cuộc kháng chiến của đồng bào trong nước về mọi mặt.

Chúc toàn thể phụ nữ tiến bộ và thành công nhiều.

Chào thân ái và quyết thắng

Ngày 8 tháng 3 năm 1952

HỒ CHÍ MINH

Báo Nhân Dân, số 49, ngày 13-3-195229.

30. Nam nữ bình quyền

Nhiều người lầm tưởng đó là một việc dễ, chỉ: Hôm nay anh nấu cơm, rửa bát, quét nhà, hôm sau em quét nhà, nấu cơm, rửa bát thế là bình đẳng bình quyền. Lầm to!

Đó là một cuộc cách mạng khá to và khó.

Vì trọng trai khinh gái là một thói quen mấy nghìn năm để lại. Vì nó ăn sâu trong đầu óc của mọi người, mọi gia đình, mọi tầng lớp xã hội.

Vì không thể dùng vũ lực mà tranh đấu. Vài thí dụ: Sau khi Trung Quốc cách mạng thành công, chia xong ruộng đất; ban bố luật mới về việc lấy vợ gả chồng, thì có nơi 9 phần 10 vụ kiện thuộc về vấn đề vợ chồng. ở tỉnh Sơn Đông trong 10 tháng năm 1950, có 1.200 phụ nữ tự sát, 9 huyện ở tỉnh Giang Tô trong 4 tháng có 119 phụ nữ tự sát. ở khu Tân An (huyện Lục An) trong 6 ngày 4 phụ nữ bị đánh chết.

Ngày trước những việc thê thảm như thế còn nhiều gấp mấy. Song không ai lo đến. Ngày nay Chính phủ nhân dân đang ra sức giải thích tuyên truyền giáo dục, cải tạo tư tưởng để chống bọn phong kiến đó.

Vũ lực của cuộc cách mạng này là sự tiến bộ về chính trị, kinh tế, văn hóa, pháp luật. Phải cách mạng từng người, từng gia đình, đến toàn dân. Dù to và khó nhưng nhất định thành công.

Viết ngày 08-3-1952.

In trong sách Hồ Chủ tịch với vấn đề giải phóng phụ nữ, Nxb. Phụ nữ, Hà Nội, 1970, tr.3130.

31. Ngày 03 tháng 4 năm 1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Chị Lâm” ký bút danh C.B, đăng báo Nhân dân, số 52, kể về tấm gương dũng cảm, bất khuất của cô gái Bình Trị Thiên làm giao thông bí mật cho Đảng từ khi 14 tuổi, nhiều lần bị địch bắt, bị chúng đánh đập rất dã man, nhưng vẫn trung thành với Đảng31.

32. Nguyễn Thị Chiên (05-6-1952)

Nữ trung đội trưởng du kích Nguyễn Thị Chiên là một cố nông, 22 tuổi, vào đội du kích từ 1946.

Vùng chị Chiên thường bị giặc càn quét. Cơ sở tan rã. Nhân dân hoang mang. Chị cứ bám sát lấy dân, lập lại cơ sở chính quyền và đoàn thể, tổ chức một trung đội nữ du kích chống càn quét, bảo vệ làng.

Bị bắt, bị tra tấn suốt 3 tháng, bị đưa ra bắn doạ 3 lần, chị vẫn bình tĩnh, không khai nửa lời. Vừa thoát được về, tuy mình đầy vết thương, chân đau không đi được, chị cũng hoạt động lại ngay. Trong đợt thi đua từ 19-5 đến 19-12-1951, chị đã thắng 10 trận, tự tay tước được 15 súng và bắt sống 20 tên giặc (1 tên quan hai Pháp). Trong các trận, chị không hề bỏ sót một người thương binh nào. Trong vụ thuế nông nghiệp, chị đã thức 30 đêm liền, tuyên truyền giải thích từng nhà, từng người. Nhiều người lạc hậu, thấy chị thành khẩn, đều cảm động và trở nên hǎng hái. Khi bắt được tên đồn trưởng (nó đã giết người anh của chị), chị giải thích chính sách khoan hồng của Chính phủ, rồi thả nó. Vì vậy, nó đã gọi nhiều ngụy binh khác ra hàng.

Chị Chiên, vì yêu nước, cǎm giặc, trung thành với đoàn thể, kiên quyết bám sát dân, luôn luôn thương yêu đồng đội, nắm vững và ra sức thi hành chính sách nên đã lập được công to, rất xứng đáng là Anh hùng Quân đội.

C.B.

Báo Nhân Dân, số 60, ngày 05-6-195232.

Thu Hiền (tổng hợp)

--------------

24. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, sđd, tập 4, tr.342.
25, 26, 27, 28, 29, 30, 32. Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, tập 7, tr.131, tr.134, tr.172, tr.173, tr.339-341, tr.342, tr.421.
31. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, sđd, tập 5, tr.149.

Bài viết khác: