45. Phụ nữ Việt Nam
Nhân dịp Hội Phụ nữ Quốc tế họp ở Giơnevơ để bàn các vấn đề phụ nữ và trẻ em, chúng ta nêu ra vài thành tích đấu tranh của phụ nữ nước ta, để chị em quốc tế rõ.
Trong thời kỳ kháng chiến, những đội nữ du kích, nữ cứu thương, nữ dân công - đã nêu gương rất anh dũng. Chúng ta có những bà mẹ, nuôi chiến sĩ rất tận tụy, những bà mẹ anh hùng vui vẻ hiến cả 6, 7 người con cho Tổ quốc.
Trong phong trào phát động giảm tô và cải cách ruộng đất, cán bộ phụ nữ và chị em nông dân đấu tranh rất hăng hái. Có nhiều nơi phụ nữ chiếm hơn nửa số hội viên Nông hội.
Công cuộc khôi phục kinh tế trong hoàn cảnh hòa bình, phụ nữ ở các nhà máy và các công trường đang góp một phần quan trọng, thí dụ:
Ở công trường xe lửa Hà Nội - Mục Nam Quan, những công việc trước kia người ta cho là “công việc của đàn ông”, như đục đá, đốt mìn, xẻ gỗ... nay chị em cũng làm thạo và tăng năng suất 50 - 60%.
Việc cấp dưỡng, mức định 1 người phục vụ 15 người (trong việc này cũng như nhiều việc khác, định mức quá thấp là do cán bộ không tin tưởng vào sáng kiến và năng lực của quần chúng), trung bình mỗi chị đã phục vụ 75 đến 100 người. Chị Kim Thị Cửu phục vụ đến 146 người, tức là 1 chị làm việc bằng 9 chị.
Ngoài giờ làm việc, các chị em còn thi đua học tập, khâu vá giúp cho anh em. Chỉ ở hai công trường số 3 và số 4, chị em đã khâu vá giúp 5.667 bộ áo quần.
Trong các đợt thi đua, 2.077 chị em đã được bầu làm chiến sĩ xuất sắc.
Công việc xây dựng còn nhiều, phụ nữ ta còn có nhiều dịp để tỏ năng lực của mình hơn nữa.
Hoan hô tinh thần cố gắng của phụ nữ lao động Việt Nam!
C.B.
Báo Nhân dân, số 356, ngày 21-02-195545.
46. Người cán bộ cách mạng
Người cán bộ cách mạng phải có đạo đức cách mạng. Phải giữ vững đạo đức cách mạng mới là người cán bộ cách mạng chân chính. Đạo đức cách mạng có thể nói tóm tắt là:
Nhận rõ phải, trái. Giữ vững lập trường.
Tận trung với nước. Tận hiếu với dân.
Mọi việc thành hay là bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng, hay là không.
Chúng ta đã thắng trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, đó là nhờ các tiên liệt Trần Phú, Minh Khai, Hoàng Văn Thụ và nhiều cán bộ khác đã oanh liệt hy sinh cho giai cấp, cho nhân dân. Sự hy sinh cao cả của các tiên liệt đã soi đường cho đồng bào ta đoàn kết đấu tranh, thành một lực lượng tất thắng.
Suốt trong những năm kháng chiến, chúng ta đã vượt mọi khó khăn, thu nhiều thắng lợi, một trong những nguyên nhân căn bản là: Cán bộ ta đã nhận rõ đánh giặc cứu nước là PHẢI, rụt rè cầu an là TRÁI. Họ đã giữ vững lập trường cách mạng, không lay động, không hoang mang. Do đó, cán bộ ta đã vui vẻ chịu đựng mọi gian khổ, bền bỉ làm mọi công tác nặng nề. Họ đã hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, anh dũng hy sinh cho Tổ quốc. Như:
… Nữ anh hùng du kích Nguyễn Thị Chiên, mấy lần bị giặc bắt và tra tấn chết đi sống lại, nhưng không hề lộ bí mật; mỗi lần thoát khỏi tay địch, hoạt động càng thêm hăng.
… Mỗi người cán bộ (bất kỳ làm công việc gì, ở địa vị nào) quyết tâm sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, làm tròn nhiệm vụ Đảng và Chính phủ giao cho - như thế mới là thiết thựcgóp phần vào công cuộc đấu tranh để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước ta.
C.B.
Báo Nhân dân, số 366, ngày 03-3-195546.
47. 8 tháng 3
8-3 là Ngày Phụ nữ quốc tế. Để chúc mừng ngày vẻ vang ấy, đoàn thể phụ nữ ta cần:
- Động viên toàn thể phụ nữ hăng hái góp phần vào cuộc đấu tranh để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước.
- Động viên toàn thể phụ nữ nhiệt liệt ủng hộ các chính sách của Đảng và của Chính phủ, ra sức góp phần vào công cuộc khôi phục kinh tế nước nhà. Muốn đạt mục đích ấy thì phụ nữ các tầng lớp phải đoàn kết chặt chẽ, cố gắng học tập, nâng cao giác ngộ chính trị, yêu chuộng lao động, quý trọng của công, thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm. Ngoài những việc đó, phụ nữ nông dân cần hăng hái tham gia vận động giảm tô và cải cách ruộng đất.
- Động viên toàn thể phụ nữ tham gia các công tác văn hóa xã hội, như bình dân học vụ, phòng đói, cứu đói, phổ biến vệ sinh, bảo vệ nhi đồng, v.v..
- Động viên toàn thể phụ nữ sôi nổi hưởng ứng phong trào lấy chữ ký chống bom nguyên tử, chống đế quốc Mỹ can thiệp vào nước ta và âm mưu gây chiến.
Đó là cách rất thiết thực để chúc mừng ngày vẻ vang của phụ nữ quốc tế.
C.B.
Báo Nhân dân, số 371, ngày 08-3-195547.
48. Tổ đổi công kiểu mẫu
Chính phủ định ra luật lệ cải cách ruộng đất, Đảng phái cán bộ về xã giúp đồng bào nông dân đấu tranh thực hiện người cày có ruộng. Đó là bước đầu.
Đã có ruộng, nông dân cần phải ra sức tăng gia sản xuất, để đảm bảo đời sống ấm no.
Muốn sản xuất được tăng gia, thì cần có những tổ đổi công để giúp đỡ lẫn nhau trong mọi công việc. Ý nghĩa tổ đổi công là “Một cây làm chẳng nên non, nhiều cây tụ hợp thành hòn núi cao”.
Muốn tổ đổi công có kết quả thật tốt, thì phải khéo tổ chức, theo nguyên tắc tự giác tự nguyện. Phải khéo lãnh đạo, làm cho các tổ viên ai cũng hăng hái làm việc, ai cũng được hưởng lợi công bằng. Thí dụ:
Tổ đổi công của chị Vậy (xã Tây Sơn, Yên Bái) có kế hoạch định công, phân công, ghi công. Có chương trình làm việc rõ ràng, cứ 3 ngày kiểm điểm lại 1 lần. Nhờ vậy, tổ đã cày ải, bừa kỹ, bắt hết sâu, làm sạch cỏ, bón nhiều phân, đắp thêm phai chống hạn...
Kết quả về vật chất - Sản xuất tăng nhiều. Trước kia nhà nào cũng thiếu ăn 2, 3 tháng; nay nhà nào cũng đủ ăn và còn thừa ít nhiều để giúp bà con khác.
Đối với thuế nông nghiệp, cả tổ đã khai đúng, nộp nhanh, nộp tốt.
Về tinh thần - Bà con trong tổ đều đoàn kết, vui vẻ, thi đua làm, thi đua học. Các tổ viên có kế hoạch giúp đỡ những gia đình neo người, gia đình bộ đội.
Thành tích ấy làm cho những người trước kia nghi ngờ tổ đổi công, nay cũng xin vào tổ.
Tỉnh nào cũng có những tổ kiểu mẫu như vậy: Tổ của anh Sinh ở Thái Nguyên, tổ của chị Lượng ở Sơn Tây, tổ của chị Ruyện ở Cao Bằng, vân vân.
Các liên khu và các tỉnh nên có những cuộc hội nghị cán bộ các tổ đổi công (trước khi họp phải chuẩn bị đầy đủ), để trao đổi và phổ biến kinh nghiệm. Làm được như vậy, thì phong trào tăng gia sản xuất chắc sẽ phát triển thiết thực, mạnh mẽ và rộng khắp hơn nữa.
C.B.
Báo Nhân dân, số 407, ngày 13-4-195548.
49. Nam nữ bình quyền
Một nhóm nữ học sinh hỏi: Địa vị của phụ nữ Liên Xô thế nào?
Trước hết, hoan hô các em đặt câu hỏi thiết thực. Đây là câu trả lời: Phụ nữ Liên Xô hưởng tất cả mọi quyền lợi kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội như đàn ông. Xem mấy con số sau đây, thì các em rõ. Hiện nay, phụ nữ Liên Xô có hơn 38 vạn người làm công trình sư, hơn 1 triệu người làm cô giáo, hơn 2 triệu người làm nghề thuốc, hơn 2 triệu 70 vạn người làm việc ở các cơ quan khoa học, văn hóa và giáo dục, hơn 1 triệu 30 vạn người học ở các trường cao đẳng và trường chuyên môn, hơn 2.000 người phụ trách ngành nông nghiệp đã được thưởng Huân chương Anh hùng Lao động. 741 người được giải thưởng Xtalin về khoa học, phát minh, văn chương và nghệ thuật, 347 người là đại biểu Quốc hội (Xôviết tối cao), 50 vạn người được cử vào các cấp chính quyền địa phương.
Rất nhiều phụ nữ làm giám đốc trường học, nhà máy, nông trường, nhà thương, v.v..
Ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chúng ta, nam nữ cũng bình quyền. Phụ nữ ta cũng có tài có sức, nhưng vì bị bọn thực dân áp bức 80 năm qua, cho nên phụ nữ ta còn ít người tham gia các ngành hoạt động. Các em chăm lo học hành, rèn luyện tài đức, thì mai sau các em nhất định theo kịp chị em phụ nữ Liên Xô.
C.B.
Báo Nhân dân, số 408, ngày 14-4-195549.
50. Nữ anh hùng Nguyễn Thị Bươi
Người Long Động, tỉnh Quảng Yên,
Hai mươi bốn tuổi, tính hiền và ngoan.
Từ ngày giặc đánh vào làng,
Chị đánh du kích tỏ gan anh hùng.
Việc gì chị cũng xung phong,
Khiến cho đồng đội càng hăng thêm nhiều.
Chiến tranh càng khó bao nhiêu,
Tinh thần càng vững, càng nhiều chiến công.
Khi đánh giặc, khi giao thông,
Tuyên truyền, tổ chức, chị không ngại nề.
Một hôm, khai hội ra về,
Chẳng may địch bắt, không hề khai ra.
Chúng dùng đủ cách khảo tra,
Rồi cho lính hiếp suốt 3, 4 tuần.
Chém cha lũ giặc bất nhân,
Chúng toan bắn chị ở chân ngôi đình.
Nghĩ rằng mình chết đã đành,
Còn tài liệu Đảng giấu quanh mái nhà?
Chị bèn một chước nghĩ ra:
Xin về lấy súng đặng mà báo tin.
Đến làng, gặp một người quen,
Thừa cơ chị đã đưa tin rõ ràng.
Rồi quay mặt lại đường hoàng,
Chửi vào mặt giặc, giặc càng căm gan.
Chúng liền đạp chị ngã lăn,
Đứa dao khoét vú, đứa chân giẫm đầu.
Đứa thì tay đỡ chậu thau,
Đứa thì mổ chị từ đầu đến chân!
Chị luôn giữ vững tinh thần,
Hô to khẩu hiệu, chửi quân bạo tàn.
Vì lòng yêu nước nồng nàn,
Nêu gương oanh liệt muôn ngàn đời sau.
C.B.
Báo Nhân dân, số 415, ngày 21-4-195550.
Thu Hiền (tổng hợp)
--------------
45, 46, 47, 48, 49, 50. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, tr. 330-331, tr.354-356, tr.365, tr.404-405, tr.406, tr.419-420.