Chỉ mục bài viết

85. Bài nói chuyện tại Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ III

Thưa các đồng chí đại biểu,

Nhân dịpTết của phụ nữ quốc tế và Đại hội lần thứ III của phụ nữ Việt Nam, tôi thân ái gửi đến các đoàn đại biểu bạn, các đại biểu của Đại hội, phụ nữ cả nước ta, đặc biệt là phụ nữ miền Nam anh dũng, phụ nữ trong đại gia đình xã hội chủ nghĩa, phụ nữ dân chủ và tiến bộ thế giới, những lời chúc mừng nhiệt liệt và những cái hôn anh em.

Thưa các đồng chí đại biểu, ở Đại hội này, báo cáo của đồng chí Thủ tướng và báo cáo của Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ đã nói đầy đủ về  những thành tích vẻ vang của phụ nữ ta trong thời kỳ cách mạng và trong kháng chiến, đã nêu rõ những nhiệm vụ của phụ nữ ta hiện nay trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh để thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà. Vậy tôi chỉ tóm tắt nêu thêm vài ý kiến để Đại hội bàn bạc.

1. Vấn đề đoàn kết - Phụ nữ ta cần phải đoàn kết chặt chẽ chị em các dân tộc, lao động chân tay và lao động trí óc, phụ nữ miền Bắc và miền Nam. Cần đoàn kết với phụ nữ các nước phe ta và phụ nữ tiến bộ thế giới, để đấu tranh cho mục đích chung là hòa bình thế giới và chủ nghĩa xã hội.

2. Trách nhiệm làm chủ - Mỗi một người và tất cả phụ nữ phải hăng hái nhận lấy trách nhiệm của người làm chủ đất nước, tức là phải ra sức thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để xây dựng nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Muốn làm trọn nhiệm vụ vẻ vang đó, phụ nữ ta phải xóa bỏ cái tâm lý tự ti và ỷ lại; phải có ý chí tự cường, tự lập; phải nâng cao lên mãi trình độ chính trị, văn hóa, kỹ thuật.

Chị em phụ nữ Liên Xô, Trung Quốc và các nước phe ta đều làm như vậy. Xin nêu vài thí dụ: ở Liên Xô, phụ nữ chiếm 49% số người có trình độ văn hóa cao và 53% số người có trình độ văn hóa trung cấp. Họ đã chiếm 45% trong tổng số hội viên Tổng Công hội, đóng góp một phần quan trọng trong các ngành, các nghề. Trong công nghiệp nhẹ, trong ngành giáo dục và y tế thì phụ nữ chiếm số đông hơn đàn ông.

Vài thí dụ về cá nhân: Đồng chí Naxriđinôva mồ côi cha mẹ từ lúc còn bé. Do quyết tâm cố gắng của mình cộng với sự giáo dục của Đảng, đồng chí ấy đã tốt nghiệp khoa pháp luật và công trình sư, đã vào Viện Hàn lâm khoa học và đã được bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa Xôviết Udơbêkixtan.

Đồng chí Gaganôva là một cô thợ dệt bình thường, do thấm nhuần đạo đức cộng sản mà đã tự động hy sinh lương bổng cao của mình để giúp chị em những tổ lạc hậu thành những tổ tiên tiến. Tinh thần và hành động tốt đẹp của  Gaganôva đã góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua “Lao động cộng sản chủ nghĩa”.

Đó là những gương tốt cho phụ nữ ta học tập. Phụ nữ ta sẵn có truyền thống cần cù và anh dũng, quyết tâm học thì nhất định học thành công.

3. Vấn đề chăm nom các cháu bé - Muốn cho người mẹ sản xuất tốt thì cần tổ chức tốt những nơi gửi trẻ và những lớp mẫu giáo. Hiện nay có một số cơ quan, xí nghiệp và địa phương đã làm được khá tốt. Hội phụ nữ cần phải phổ biến những kinh nghiệm đó và giúp đỡ chị em các nơi khác tổ chức cho tốt.

Chúng ta phải hết sức quan tâm đến thế hệ cộng sản mai sau của chúng ta. Ngoài ra, nên cố gắng tổ chức những nhà ăn công cộng cho tốt để giải phóng phụ nữ ra khỏi bếp núc.

4. Về Luật hôn nhân và gia đình - Hiện nay vẫn còn nhiều người và nhiều nơi làm trái luật ấy. Vài thí dụ:

- Nhiều người còn ngược đãi vợ và ép uổng duyên con.

- Những phần tử xấu lợi dụng tôn giáo để phá hoại quyền hôn nhân tự do.

Gặp những vụ phá hoại pháp luật như vậy, chính quyền, chi bộ và đoàn thanh niên đã đối phó thế nào? Trước hết là đoàn thể phụ nữ đã đối phó thế nào?

Từ nay, đối với nhân dân, chúng ta cần phải tuyên truyền rộng khắp và bền bỉ giáo dục; đồng thời đối với những kẻ phạm pháp thì phải thi hành kỷ luật một cách nghiêm khắc.

5. Về cán bộ lãnh đạo - Cán bộ đã cố gắng còn phải cố gắng hơn nữa, đoàn kết nội bộ chặt chẽ hơn nữa, chịu khó học tập hơn nữa, đi sâu đi sát hơn nữa trong các ngành sản xuất, thông cảm sâu sắc hơn nữa với quần chúng, và ra sức giúp đỡ chị em giải quyết những thắc mắc, những khó khăn, phải làm gương mẫu.

Anh em cán bộ các cấp, các ngành thì cần hết lòng giúp đỡ chị em tiến bộ về mọi mặt.

Các đồng chí làm được như vậy, thì phong trào phụ nữ nhất định không ngừng lên cao.

Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã nêu rõ chính sách nam nữ bình  đẳng. Hiến pháp ta đã xác định chính sách đó.

Trong mọi việc, Đảng và Chính phủ ta luôn luôn quan tâm giúp đỡ phụ nữ. Vậy chị em phụ nữ ta phải nhận rõ địa vị làm người chủ và nhiệm vụ người làm chủ nước nhà; phải có quyết tâm mới, đạo đức mới, tác phong mới để làm trọn nghĩa vụ mới của mình là góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, trước mắt là thi đua hoàn thành tốt kế hoạch năm nay, để làm đà tốt cho cả kế hoạch 5 năm, để xây dựng đời sống tươi vui hạnh phúc cho nhân dân ta, cho con cháu ta.

Mấy lời đề nghị nôm na,

Đại hội cố gắng ắt là thành công!

Nói ngày 9-3-1961.

Báo Nhân dân, số 2546, ngày 10-3-196185.

86. Ngày 23 tháng 3 năm 1961

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 17-LCT tặng thưởng: 3 Huân chương Lao động hạng Nhì cho cán bộ, hội viên và phụ nữ thành phố Hà Nội, tỉnh Phú Thọ và khu vực Vĩnh Linh; 5 Huân chương Lao động hạng Ba cho cán bộ, hội viên và phụ nữ Khu tự trị Thái - Mèo và các tỉnh Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội), Hải Ninh (nay thuộc Quảng Ninh)86.

87. Trước ngày 06 tháng 4 năm 1961

Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Huy hiệu của Người cho 5 cá nhân đã nêu gương dũng cảm, liêm khiết và có thành tích sản xuất, tiêu biểu như cụ Giàng Nhỉ Tỏa, dân tộc Mèo, 142 tuổi ở huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang; chị Phạm Thị Vách “quán quân thủy lợi” ở huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên87.

88. Ngày 11 tháng 5 năm 1961

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 25-LCT tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Ba cho bà Nguyễn Thị Xa (xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị), có 5 người con tòng quân trong thời kỳ kháng chiến88.

89. Thời đại mới, thanh niên mới

Trong phong trào thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, thanh niên ta có một vai trò rất quan trọng. Ở  nhà máy và ở công trường, ở nông thôn và ở bộ đội… đại đa số thanh niên đều hăng hái làm trọn nhiệm vụ “đầu tàu”.

Tuy vậy, thanh niên trạc 19 - 20 tuổi phụ trách lãnh đạo một cơ sở sản xuất, thì còn rất hiếm. Phải chăng đó là vì thanh niên không đủ năng lực lãnh đạo? Có lẽ không phải vì thế.

Với sự cố gắng của bản thân, sự giáo dục của Đảng, sự bồi dưỡng của Đoàn và sự giúp đỡ của quần chúng - thì những thanh niên ưu tú có thể lãnh  đạo  cơ sở sản  xuất. Cô Lê Thị Phao đã chứng tỏ điều đó.

Cô Phao là con một nhà bần nông ở thôn Lại, huyện Bình Giang, tỉnh  Hải  Dương. Năm 16 tuổi, Phao vào hợp tác xã (mới thành lập) với tư cách là phân đoàn trưởng thanh niên lao động. Được bà con xã viên tin cậy, 17 tuổi, Phao được bầu vào ban quản trị, 18 tuổi, được bầu làm chủ nhiệm hợp tác xã.

Vì sao một cô gái nông thôn 18 - 19 tuổi, trình độ văn hóa không cao, kinh nghiệm công tác còn ít, mà lãnh đạo được tốt  một hợp tác xã cấp cao gồm ngót 100 hộ xã viên với hơn 100 mẫu ruộng đất? Đó là vì Phao có tinh thần làm chủ nước nhà, làm chủ hợp tác xã, cộng với những điểm tốt là:

- Không sợ khó, không sợ khổ, Phao luôn luôn cố gắng làm đúng khẩu hiệu: “Đâu cần thanh niên có; việc gì khó, có thanh niên”.

- Coi công việc hợp tác xã như công việc nhà, Phao đặt lợi ích chung lên trên, lên trước lợi ích riêng của mình.

- Phao có ý chí, tiến tới, gan dạ đấu tranh để ủng hộ những sự vật mới, những sáng kiến mới, như việc cấy dày đúng mức, cải tiến nông cụ… đồng thời lại biết học hỏi những kinh nghiệmtốt của các chú, các bác nông dân già.

- Phao biết đi đúng đường lối quần chúng. Khi xã viên có thắc mắc điều gì, thì Phao đi đến từng nhà, đi gặp từng người, để hỏi han, bàn bạc và giải quyết.

- Gặp việc khó khăn (như lần đầu tiên làm kế hoạch sản xuất cả năm của hợp tác xã), Phao biết chủ động suy tính kỹ,  rồi hỏi ý kiến của các đồng chí đảng uỷ. Do đó, Phao nắm vững chính sách của Đảng.

-  Một ưu điểm nữa là Phao khiêm tốn và có tinh thần trách nhiệm cao, luôn luôn gương mẫu trong mọi công việc.

Đồng chí Phao xứng đáng vừa là tiêu biểu thanh niên, vừa là tiêu biểu phụ nữ dưới chế độ xã hội chủ nghĩa của chúngta.

Xóa bỏ lề lối bảo thủ, bầu cử một cô con gái để lãnh đạo hợp tác xã của mình - đó cũng là một bước tiến và một vinh dự của bà con xã viên thôn Lại.

Chúng ta chúc đồng chí Phao cố gắng tiến bộ không ngừng. Chúc hợp tác xã thôn Lại phát triển tốt đẹp.

T.L.

Báo Nhân dân, số 2641, ngày 14-6-196189.

90. Bài nói chuyện tại lớp học nghiệp vụ nấu ǎn đầu tiên toàn miền Bắc (2-7-1961)

1- Ǎn là rất cần thiết. Người ta phải ǎn để sống, để lao động, để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tục ngữ có nói: Có thực mới vực được đạo. Điều đó ai cũng hiểu, không cần nói nhiều.

2- Nhưng nhiều người chưa hiểu rõvị trí của những người nấu ǎn và dọn ǎn. Vì vậy mà có những ý nghĩ sai lầm như:

- Xem khinh nghề nấu ǎn và dọn ǎn, cho rằng nghề đó là nghề hầu hạ người khác.

- Cho rằng nghề đó không có tiền đồ. Thậm chí e làm nghề đó thì trai sẽ ế vợ, gái sẽ ế chồng, v.v.. Những ý nghĩ đó hoàn toàn không đúng.

3- Ǎn thì phải nhờ có nông dân sản xuất gạo, rau, cá, thịt… Nhưng còn cần phải nhờ vào những người nấu nướng, chế biến thành thức ǎn. Vậy những người nấu ǎn và dọn ǎn có nhiệm vụ rất quan trọng. Ví dụ: các anh chị nuôi ở nhà máy nấu, dọn kịp thời, cơm lành canh ngọt. Anh chị em công nhân được ǎn uống đúng giờ và thoải mái, họ có sức khoẻ dồi dào để nâng cao nǎng suất lao động, làm ra nhiều máy móc nông nghiệp. Nhờ có máy móc mà nông dân tham gia sản xuất tốt. Công nhân và nông dân đều sản xuất nhiều, nhanh, tốt, rẻ thì đời sống của dân ta được nâng cao nhiều, chúng ta sẽ tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc đến chủ nghĩa xã hội, nước nhà sẽ sớm thống nhất.

Thế là vì làm tốt nhiệm vụ, mà những người nấu ǎn và dọn ǎn đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp chung.

Một điểm quan trọng nữa là vấn đề giải phóng phụ nữ. Kinh tế của ta càng phát triển, nhà ǎn công cộng càng thêm nhiều, thì phụ nữ sẽ rảnh rang để tham gia lao động. Như vậy, phụ nữ mới thật được giải phóng, nam nữ mới thật là bình quyền. Mà muốn mở thêm nhiều nhà ǎn công cộng thì phải có nhiều anh nuôi, chị nuôi tốt.

4- Có vị trí và nhiệm vụ quan trọng như vậy, cho nên anh nuôi, chị nuôi cần phải trau dồi phẩm chất và học tập nghề nghiệp của mình cho thông thạo…

Nói ngày 2-7-1961.

Báo Nhân dân, số 2661, ngày 4-7-196190.

91. Ngày 03 tháng 7 năm 1961

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 34-LCT tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì cho bà Trần Thị Thâm ở xã Triệu Bình (Triệu Phong, Quảng Trị) có 6 người con tòng quân91.

92. Học hay, cày giỏi

Dưới  chế  độ  phong  kiến, lao động trí óc tách rời hẳn với lao động chân  tay. Trước đây hơn 2.500 năm, cụ Khổng Tử (“ông Thánh” khoa học Trung Quốc ngày xưa) đã mắc sai lầm đó. Một hôm học trò hỏi cụ Khổng về nghề làm ruộng và trồng cây. Ông cụ trả lời một cách cay cú: “Ta chả biết!”.

Tiếp tục phát triển cái sai lầm ấy, các nhà nho Trung Quốc đã có câu thơ: “Vạn ban giai hạ phẩm; duy hữu độc thư cao”. Nghĩa là muôn nghề đều là thấp kém; chỉ nghề đọc sách là cao. Các nhà nho Việt Nam ta cũng đi theo con đường sai lầm ấy.

Để sửa chữa sai lầm cổ truyền ấy, chế độ xã hội chủ nghĩa đã nêu rõ khẩu hiệu: Phải kết hợp chặt chẽ lao động trí óc với lao động chân tay. Thực hiện  đường lối đó, Hội nghị giáo dục toàn miền Bắc họp vào trung tuần tháng 9-1961 đã quyết định:

- Đẩy mạnh hơn nữa việc giáo dục lao động trong nhà trường là một khâu chủ yếu trong toàn bộ sự nghiệp giáo dục xã  hội chủ nghĩa… nhằm đào tạo thế hệ trẻ đã có những kiến thức khoa học… lại có những kiến thức cơ bản về kỹ thuật sản xuất công nghiệp và nông nghiệp, những thói quen lao động, sẵn sàng bước vào công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa.

Rất đúng! Nhân dịp này, chúng tôi muốn nêu gương một chi đoàn thanh niên lao động đã kết hợp chặt chẽ  học với hành. Đó là Chi đoàn Bản Mới, (hợp  tác xã Bản Mới, huyện Định Hóa, Thái Nguyên).

Chi đoàn này có 44 đoàn viên gái và trai, gồm năm dân tộc Tày, Nùng, Mán, Hoa, Kinh. Họ đều học lớp bổ túc văn hóa.

Từ đầu năm đến nay, bình quân mỗi đoàn viên đã làm được 160 ngày  công, 4.100 cân phân bón, 13 thước khối thủy lợi, vỡ hoang 4 sào 10 thước, cùng gia đình nuôi 3 con lợn và 100 gà vịt.

Trong 44 đoàn viên có 2 nữ học sinh, đều 16 tuổi, đều học lớp 6, và đều vào hạng học khá.

-  Cô Tho, người Tày, đã làm được 173 ngày công, 4.900 cân phân bón, 28 thước khối thủy lợi, vỡ hoang 9 sào.

-  Cô Xâm, người Hoa, đã làm được 102 ngày công, 3.100 cân phân bón, 8 thước khối thủy lợi, vỡ hoang 4 sào.

-  Thầy giáo Triệu Văn Chính, 24 tuổi, người Kinh, mỗi ngày dạy học một buổi, đã làm được 182 ngày công, 3.400 cân phân bón, 37 thước khối thủy lợi, vỡ hoang 3 sào.

Như các đồng chí Chính, Xâm, Tho thật là học hay, cày giỏi.

T.L.

Báo Nhân dân, số 2745, ngày 27-9-196192.

Thu Hiền (tổng hợp)

--------------

85, 89, 90, 92. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 13, tr. tr.58-61, tr.143-144, tr.151-152, tr.203-204.
86, 87, 88, 91. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, sđd, tập 8, tr.39-40; tr.44; tr.59; tr.76

Bài viết khác: