Chỉ mục bài viết

33. Ngày 02 tháng 9 năm 1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài Nữ y tá Phạm Thị Tám, ký bút danh C.B, đăng báo Nhân Dân, số 72, nêu gương y tá Phạm Thị Tám, Chiến sĩ thi đua toàn quốc, tham gia du kích từ lúc 16 tuổi, từng chiến đấu ở nhiều chiến trường. Là y tá, chị Tám vừa tận tụy phục vụ anh em thương binh vừa cố gắng học tập33.

34. Nhân ngày Quốc tế phụ nữ

Ngày 8-3-1909, công nhân phụ nữ Mỹ có cuộc đấu tranh to.

Năm 1910, Đại hội phụ nữ quốc tế quyết định lấy ngày 8-3 làm ngày Quốc tế phụ nữ.

Năm 1911, phụ nữ nhiều nước bắt đầu kỷ niệm ngày 8-3.

Năm 1917, phụ nữ Nga kỷ niệm 8-3 rất to, và đã ảnh hưởng lớn đến cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga.

Năm 1924, phụ nữ Trung Quốc bắt đầu kỷ niệm 8-3 ở Quảng Châu.

Năm 1930, phụ nữ Việt Nam kỷ niệm 8-3 ở nhiều nơi.

Nhân dịp này, tôi xin nêu một số thành tích của phụ nữ, đặc biệt là của chị em Liên Xô, Trung Quốc và Việt Nam ta.

Ở Liên Xô, trong mọi ngành chính trị, kinh tế, văn hóa, phụ nữ đều gánh một phần nhiệm vụ quan trọng, như:

Xôviết tối cao toàn Liên Xô có 280 đại biểu phụ nữ;

Xôviết tối cao các nước cộng hòa, 1.500 đại biểu phụ nữ;

Xôviết các địa phương, 50 vạn đại biểu phụ nữ;

Trong các ngành công nghiệp và nông nghiệp, 38 vạn kỹ sư và nhân viên chuyên môn phụ nữ;

Chiến sĩ lao động thi đua, 73 vạn người;

Anh hùng lao động, 2.170 người;

Giáo viên, giáo sư, 1 triệu người;

Bác sĩ, y tá, 1 triệu người;

Mẹ anh hùng (có 10 con trở lên), 35.000 người.

Ở Trung Quốc, từ chủ tịch ủy ban xã, ủy ban tỉnh, đến các bộ trưởng và Phó Chủ tịch Chính phủ Trung ương, đều có phụ nữ.

Trong các ủy ban quân sự cũng có phụ nữ.

9 phần trăm chiến sĩ và anh hùng lao động là phụ nữ;

60 phần trăm phụ nữ nông dân tham gia hội đổi công, hợp tác xã, v.v.;

Gần 27 triệu phụ nữ nông dân tham gia nông hội, v.v..

Trong Phong trào bảo vệ hòa bình thế giới, phụ nữ cũng giữ một địa vị quan trọng. Nhiều phụ nữ đã được vinh dự nhận Giải thưởng hòa bình quốc tế Xtalin, như bà Tống Khánh Linh (Trung Quốc), Phác Chính Ái (Triều Tiên), Phentông (Anh), Côtông (Pháp), Brăngcô (Brêdin).

Ở Việt Nam ta, trong phong trào thi đua diệt giặc lập công, tăng gia sản xuất, phục vụ chiến dịch, bình dân học vụ, nữ du kích, nữ anh hùng, nữ chiến sĩ, và nữ thanh niên xung phong đã có nhiều thành tích vẻ vang. Chúng ta cũng nhớ công ơn các bà mẹ và chị chiến sĩ.

Năm nay, trong việc phóng tay phát động quần chúng để triệt để giảm tô, thực hiện giảm tức, phụ nữ ta, trước nhất là phụ nữ nông dân, cần phải hăng hái tham gia, thi đua thực hiện chính sách của Đảng, Chính phủ, và Mặt trận. Mong rằng ngày 8-3 năm sau, phụ nữ ta sẽ có quyền tự hào mà tuyên bố trước phụ nữ thế giới rằng: “Chúng tôi đã làm tròn nhiệm vụ”.

C.B.

Báo Nhân Dân, số 98, từ ngày 6 đến ngày 10-3-195334.

35. Bài nói tại Hội nghị cán bộ Liên hiệp phụ nữ toàn quốc về vấn đề phát động quần chúng nông dân

Ai phát, ai động, ai là quần chúng?

Trước khi phát phải thế nào? Trong khi phát phải thế nào? Sau khi phát phải thế nào? Thế nào là động? Động rồi phải làm gì?

Chúng ta phải trả lời rõ những câu ấy.

Ai phát? Cán bộ phải phát. Muốn phát, thì cán bộ phải hiểu rõ chính sách của Đảng, của Chính phủ, phải hiểu quần chúng, phải gần gũi, học hỏi quần chúng. Muốn gần gũi, học hỏi quần chúng thì phải làm sao cho quần chúng yêu cán bộ, tin cán bộ. Tư tưởng cán bộ phải thông, cách làm phải dân chủ, phải chí công vô tư, đứng hẳn về phía nông dân. Trước khi phát thì phải nghiên cứu hiểu rõ nơi mình đến làm việc: Phong tục tập quán, cách làm ăn của nhân dân, địa chủ bóc lột cách thế nào? Nguyện vọng dân ở đó thế nào? v.v..

Phát là thế nào? Là phải đoàn kết bần, cố, trung nông; phải tổ chức họ chặt chẽ; phải giáo dục cho họ giác ngộ. Bao giờ quần chúng đã tổ chức hẳn hoi, chính quyền đã trong sạch, chi bộ đã chỉnh đốn, nông hội đã vững chắc đã kéo được 90% nhân dân tức là bần, cố, trung nông, thì lúc đó mới thật động được.

Cán bộ phải tránh bao biện, phải giác ngộ cho quần chúng tự họ quyết tâm đấu tranh đòi quyền lợi của mình, lúc đó họ mới động lên được. Cán bộ không thể làm thay cho quần chúng, ban ơn cho quần chúng.

Động rồi thì làm gì? Phải triệt để giảm tô để cải thiện một chừng nào đời sống cho nông dân, tức là cho đại đa số nhân dân.

Giảm tô không phải chỉ mưu lợi nhất thời, ví dụ: Trước phải nộp cho địa chủ một tạ, nay giảm được 25 hoặc 50 cân thì đưa về ăn mấy hôm là hết: Thế là chỉ cải thiện được mấy bữa. Giảm tô rồi phải thi đua tăng gia sản xuất. Tăng gia sản xuất để giúp đẩy mạnh kháng chiến. Giúp đẩy mạnh kháng chiến thế nào? Phải giúp đỡ Chính phủ, giúp đỡ bộ đội bằng cách thi đua đóng thuế nông nghiệp để cải thiện đời sống cho công nhân, cho bộ đội, cho cán bộ... Muốn tăng gia sản xuất thì phải tổ chức hội đổi công.

Đánh giặc không phải chỉ bộ đội đánh mà thôi, còn có dân công nữa. Dân công từ trước lãng phí nhiều. Mấy xã ở Vĩnh Phúc, Phú Thọ dân công đi có tổ chức, có giáo dục. Người ở nhà có tổ chức giúp đỡ người đi. Người đi thi đua với người ở nhà. Khi đi có hoan tống, khi về có hoan nghênh. Nói tóm lại dân công có tổ chức hẳn hoi thì làm việc được nhiều hơn dân công không có tổ chức. Khéo tổ chức dân công, không lãng phí dân công, thì ảnh hưởng tốt đến việc tăng gia sản xuất.

Thế là phát động quần chúng giảm tô phải đi đôi với thi đua tăng gia sản xuất, thi đua đóng thuế nông nghiệp, đi dân công, tổ chức hội đổi công.

Giảm tô thì ai có lợi? Nông dân có lợi. Ai bị thiệt? Địa chủ bị thiệt. Cho nên không phải địa chủ nào cũng sẵn sàng thi hành giảm tô. Có bọn địa chủ tìm cách chống lại. Từ chỗ nó phá hoại, đến chỗ nó liên lạc với giặc, với bù nhìn. Nông dân phải tổ chức dân quân và công an xã, để giữ lấy quyền lợi của mình, để ngăn ngừa Việt gian, gián điệp, không để chúng nó phá. Thế là xung quanh vấn đề phát động quần chúng giảm tô có nhiều vấn đề khác nữa.

Còn phải phát triển bình dân học vụ, thanh toán nạn mù chữ. Thí dụ: Nông dân muốn học tập cày cấy, giồng giọt theo lối mới, thì phải biết chữ để xem sách báo.

Chị em phụ nữ có con, muốn tăng gia sản xuất thì không thể mỗi người ngồi nhà giữ con. Cho nên cần tổ chức chỗ gửi trẻ.

Bộ đội cần thêm người, khi giảm tô rồi, nông dân có tổ chức rồi, thì phải giáo dục thanh niên hăng hái tòng quân để đánh giặc, để giải phóng dân tộc, để bảo vệ Tổ quốc.

Ở Liên Xô làm cách mạng xã hội chủ nghĩa, rồi chia ruộng đất cho nông dân ngay. Ở Trung Quốc cách mạng thắng lợi đến đâu chia ruộng đất đến đấy.

Ở nước ta, chính sách ruộng đất phát triển dần lên. Nếu nông dân tổ chức, giác ngộ khá thì nó phát triển nhanh; nếu tổ chức, giác ngộ kém thì nó phát triển chậm. Vì vậy, chúng ta phải ra sức tổ chức và giáo dục nông dân.

Tóm lại, cán bộ phải nắm vững chính sách của Đảng, của Chính phủ, đi đúng đường lối quần chúng, tuyệt đối không bao biện, lúc phát động nông dân phải đoàn kết giác ngộ họ. Cán bộ phải nói cho nông dân rõ: không phải giảm tô rồi là hết chuyện.

Bây giờ nói đến địa chủ:

Phát động quần chúng, lẽ dĩ nhiên là chống địa chủ phong kiến. Có cán bộ tự mình là địa chủ, hoặc bố mẹ, bà con là địa chủ, những cán bộ ấy lấy thế làm hổ nhục. Phải hiểu rằng phong kiến cũng là một bước tiến tất nhiên của xã hội. Xã hội từ chỗ ăn lông ở lỗ, tiến đến xã hội nô lệ, tiến đến chế độ phong kiến, tiến đến xã hội tư bản, rồi tiến đến xã hội chủ nghĩa. Nếu gia đình là địa chủ cũng không có gì đáng xấu hổ. Đáng xấu hổ là khi nhân dân đã tiến bộ, xã hội đã tiến bộ, mà mình cứ khư khư giữ lấy tư tưởng địa chủ, chỉ biết lợi ích riêng của mình, không biết đến quyền lợi dân tộc, quyền lợi xã hội.

Ăngghen dù là con nhà tư bản ông đã trở nên một người thầy dạy chủ nghĩa cộng sản cho chúng ta. ở nước ta có vài đồng chí xuất thân là địa chủ nhưng họ tự nguyện hiến hết ruộng đất để chia cho nông dân; như thế thì không có gì đáng xấu hổ. Dù mọc ở bùn thối lên nhưng hoa sen vẫn thơm, đẹp. Địa chủ mà thật thà tiến bộ thì cũng như hoa sen vậy.

Cán bộ: Nếu cán bộ không nắm vững chính sách, không đi đúng đường lối quần chúng, thì chính sách hay cũng hóa dở, tốt cũng hóa xấu.

Thí dụ: Ở Thanh Hóa chống xa xỉ phẩm, có đúng không? Đúng. Xa xỉ phẩm của địch tung vào vùng ta, thu lấy tiền của ta, dùng tiền đó để đúc súng, đúc đạn bắn lại ta. Mua xa xỉ phẩm là giúp giặc đánh lại ta. Chính phủ cấm là đúng. Nhưng Thanh Hóa thi hành thế nào? Người ta đi xe đạp, cán bộ tịch thu, đem về mình dùng làm cho dân oán. Lại như cấm nước hoa, chặn người đi đường lại ngửi đầu; thấy thơm thì dấn đầu người ta vào nước đái! Thật là dã man! Như việc vận động dân giồng bông, lạc, đỗ. Những chỗ người ta đã giồng nhiều thuốc lá, cán bộ tự tiện nhổ hết lên. Thế là chính sách đúng, nhưng vì cán bộ làm sai, cho nên dân oán, hỏng việc.

Phong trào đấu: Đấu thì chỉ đấu với địch, nhưng có nơi thì gặp ai cũng đấu, đấu cả với cố, bần, trung nông. Thậm chí có nơi dùng nhục hình. Thế là dã man. Đảng và Chính phủ đã có chỉ thị: Tuyệt đối cấm nhục hình, dù đối với người có tội cũng không được đánh đập, vì đánh đập là hành động của đế quốc và phong kiến, là dã man. Người nào có tội, thì điều tra cho ra, rồi có pháp luật trừng trị. Làm không đúng để dân hoang mang, dân oán, địch lợi dụng tuyên truyền phá hoại chính sách ruộng đất. Đó là vì cán bộ tếu, cán bộ không trong sạch, cán bộ khờ dại, mắc mưu của bọn phản động khiêu khích. Bọn phản động chui vào đoàn thể của quần chúng lợi dụng lúc đấu, xui dùng nhục hình. Có khi chính tay chúng đánh chết người để phản tuyên truyền. Nếu làm sai chính sách, không những dân ghét cán bộ, mà còn oán Chính phủ, oán Đảng. Cho nên cán bộ phải nắm vững chính sách, phải đi đúng đường lối quần chúng, đề phòng bọn phản động phá hoại.

Khi đi phát động quần chúng, cán bộ phải hết sức chú ý những điều đó. Sai một li đi một dặm, nơi nào dân cũng tốt, lương cũng như giáo; nhưng vì có những cán bộ không biết tổ chức, không biết giải thích tuyên truyền, lại tự tư tự lợi, không cảnh giác để cho bọn phản động chui vào các đoàn thể rồi phá hoại.

Bất kỳ việc to việc nhỏ, lập trường phải vững, chính sách phải hiểu cho thấu, luôn luôn gần gũi học hỏi nhân dân, đi đúng đường lối quần chúng, thì việc gì cũng thành công. Trái lại thì thất bại. Có việc bề ngoài trông thì như thành công. Thí dụ: Như thuế nông nghiệp. Có nơi, cán bộ bị địa chủ mua chuộc bổ đầu dân nghèo; mức thu tuy đủ, nhưng về mặt chính trị là thất bại: trút cả gánh nặng cho dân nghèo, còn bọn địa chủ không phải đóng góp. Thế là bề ngoài thì như thành công, thực ra thì thất bại.

Nói phát động quần chúng, phải nói đến đồng bào Công giáo. Thường cán bộ có thành kiến rằng đồng bào Công giáo là lạc hậu, là khó vận động. Nói vậy là sai. Cha cố cũng có những người kháng chiến như cụ Trực, cụ Kỷ và nhiều vị khác.

Ở Thanh Hóa có một thôn Công giáo, ai cũng nói là khó vận động. Đồng chí Lý An tình nguyện đi. Đến thôn, thấy đồng bào lợp nhà, đồng chí An liền lên lợp nhà giúp, vừa làm vừa nói chuyện. Khi mời ăn, đồng chí vừa ăn vừa nói chuyện. Đồng chí An không nói mình là cán bộ, không tuyên truyền thuế, dân công gì cả. Đồng chí ấy chỉ nói những chuyện: Bộ đội chiến thắng thế nào, nhân dân các nơi hăng hái đi dân công và đóng thuế nông nghiệp như thế nào. Đồng bào nghe chuyện thích, đòi đồng chí ấy nói chuyện này rồi chuyện khác. Kết quả là họ tự động xin đóng thuế, xin đi dân công. Đồng chí An ở với dân, ăn với dân, làm việc với dân như người trong nhà; tuyên truyền mà không ra mặt tuyên truyền. Đồng bào Công giáo rất yêu đồng chí ấy. Đến Lễ giáng sinh, linh mục đến báo con chiên sửa soạn nhà thờ để làm lễ. Đồng bào bận việc cày cấy, không muốn làm. Linh mục phải nhờ đồng chí An. Đồng chí ấy đi nói chuyện từng nhà, bày cho nhân dân sắp xếp công việc và vận động họ trang hoàng nhà thờ để làm lễ. Hôm Lễ giáng sinh, đồng bào mời đồng chí An lên ngồi ngang với cha, họ nói: “Cha là cha linh hồn, anh An là cha vật chất của chúng tôi”. Chuyện này chứng tỏ đồng bào Công giáo không lạc hậu và khéo vận động như đồng chí An thì nhất định vận động được.

Tại một chỗ khác, ở giữa là làng Công giáo, chung quanh là làng lương, các làng chung quanh được giảm tô, được chia công điền, tăng gia sản xuất, làm ăn thịnh vượng. Đồng bào Công giáo thấy vậy, tự động đi tìm cán bộ, hăng hái tổ chức và đấu tranh đòi giảm tô, đòi chia công điền.

Nói tóm lại: Đồng bào thiểu số hay là đa số, lương hay là giáo, cán bộ biết cách làm thì đều vận động được.

Cán bộ phụ nữ đi vận động, có cô vận động khéo, đến đâu dân làm gì, mình làm nấy, thân thiết như người nhà, thì có thành tích. Cô nào không hòa lẫn được với nhân dân, vẫn giữ thói quen thành phố, thì vận động không thành công.

Phát động quần chúng thành công thì nông dân được ruộng đất, được ấm no và phụ nữ được giải phóng. Phát động quần chúng thì bồi dưỡng được nông dân, đẩy mạnh mọi mặt công tác kháng chiến kiến quốc. Các cô cần học tập, rèn luyện trong công tác phát động quần chúng, kết hợp nó với phong trào phụ nữ và chỉnh đốn tổ chức phụ nữ ở nông thôn.

Nói tháng 3-1953. Tài liệu lưu tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng35.

36. Tinh thần yêu nước

Nhân dịp kỷ niệm 3-3, đồng bào từ Nam đến Bắc đã gửi lên Hồ Chủ tịch hàng vạn bức thư, tỏ lòng tin chắc kháng chiến nhất định thắng lợi, và kể những thành tích thi đua. Đây là vài thí dụ:

… Gái - Chị M., cứu thương ở một đơn vị trong vùng sau lưng địch, viết: “Từ ngày anh cháu hy sinh cho Tổ quốc, cháu càng căm giặc, càng cố gắng thi đua. ở nhiều trận địch bắn dữ dội, cháu vẫn theo sát bộ đội để săn sóc anh em thương binh. Nhiều khi cháu xung phong cáng thương binh về đến trạm. Khi đóng quân trong làng, cháu ra sức giúp đỡ đồng bào làm mọi việc, và kể những tin thắng trận, giải thích chính sách của Đảng và của Chính phủ cho đồng bào nghe. Bác dạy chúng cháu: Thi đua là yêu nước, yêu nước phải thi đua. Cho nên càng yêu Bác, chúng cháu càng cố gắng...”.

… Thế là:

Già trẻ gái trai đều kháng chiến,

Ta ngày càng thắng, giặc càng thua.

C.B.

Báo Nhân Dân, số 108, từ ngày 21 đến ngày 25-4-195336.

37. Thường thức chính trị

… Dưới sự thống trị của đế quốc và phong kiến, nhân dân chỉ có nghĩa vụ, như nộp sưu đóng thuế, đi lính đi phu mà không có quyền lợi. Câu tục ngữ “dân ngu khu đen, đập đi hò đứng”, đã nói rõ tình trạng ấy.

Dưới chế độ dân chủ cộng hòa, thì khác hẳn. Nhân dân có nghĩa vụ, đồng thời có quyền lợi. Nhân dân có quyền tự do tư tưởng, tự do tổ chức, tự do tín ngưỡng, v.v.. có quyền ứng cử và bầu cử. Đàn bà có mọi quyền lợi như đàn ông. Các dân tộc trong nước đều có quyền lợi như nhau.

Nhân dân được hưởng những quyền lợi ấy, cho nên mọi người cần phải hăng hái làm tròn nghĩa vụ của mình trong mọi công việc kháng chiến, cứu nước, xây dựng nước nhà…

Ký tên Đ.X.

 Chuyên mục Thường thức chính trị, báo Cứu quốc, từ ngày 16-01 đến ngày 23-9-1953.

In trong sách Thường thức chính trị, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 195437.

Thu Hiền (tổng hợp)

--------------

33. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, sđd, tập 5, tr.192.
34, 35, 36, 27. Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, tập 8, tr.79-80, tr.92-97, tr.117-118, tr.264.

Bài viết khác: