Chỉ mục bài viết

 133. Càng già càng giỏi

Phong trào chống Mỹ, cứu nước sôi sục khắp nơi, lôi cuốn mọi tầng lớp nhân dân ta. Thanh niên thì hǎng hái thực hiện tốt “ba sẵn sàng”. Cuộc vận động “ba đảm đang” đã lan rộng đến hàng triệu phụ nữ.

Tiếp tục truyền thống Diên Hồng vĩ đại, các cụ phụ lão cũng không vì tuổi cao tóc bạc mà hưởng thú thanh nhàn. Các cụ đều cố gắng góp phần tích cực vào công cuộc chống Mỹ, cứu nước. Các cụ thường tuỳ điều kiện mà tổ chức đội Bạch đầu quânđể làm những công việc như: Khuyến khích con cháu tham gia bộ đội và thanh niên xung phong; giữ gìn trật tự, trị an trong làng xóm; giúp đỡ dân quân, tǎng gia sản xuất; trồng cây gây rừng; cổ động bà con đặt hũ gạo chống Mỹ, cứu nước… Ví dụ:

- Cụ Tân, 87 tuổi, ở hợp tác xã Hương Khê (Đông Anh) trong những nǎm kháng chiến chống Pháp, cụ đã có hũ gạo tiết kiệm để bí mật nuôi cán bộ và du kích. Hiện nay cụ lại dùng cái hũ đó và gọi nó là hũ gạo chống Mỹ, cứu nước. Nhiều bà con trong làng đã làm theo cụ.

Cụ Vương Vǎn Đức, 75 tuổi, dân tộc Tày ở tỉnh Hà Giang, là một đảng viên Đảng Lao động Việt Nam. Hơn 20 nǎm hoạt động, khi thì làm trạm trưởng giao thông, khi thì làm chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp. Bất kỳ làm việc gì, cụ Vương cũng rất tận tụy làm theo lời Đảng, phục vụ nhân dân. Cụ Vương đã góp sức xây dựng chi bộ “bốn tốt”, tổ chức Bạch đầu quân, đôn đốc phong trào thanh niên và phụ nữ. Về mọi công việc, như đắp đường, thuỷ lợi, tǎng gia sản xuất, trồng cây gây rừng, cụ Vương đều miệng nói tay làm cho nên lôi cuốn được cả nhân dân trong xã. Cụ bảo bà con rằng: làm tốt những việc đó cũng là góp phần chống Mỹ, cứu nước.

- Ở hợp tác xã Ngọc Động (Gia Lâm), các cụ xung phong cấy sáu mẫu chiêm. Sản lượng mỗi sào đã nhiều hơn của các xã viên khác 17 kilôgam thóc. Vụ mùa các cụ cấy hai mẫu và cố gắng để tǎng hơn nǎm ngoái 47 kilôgam. Các cụ nuôi chung 12 con lợn, trồng 4 mẫu cây làm thuốc, đã bán được 4.000 đồng, đã trồng 7.000 cây ǎn quả và 4.000 cây xoan hai bên đường làng.

- Hơn 40 cụ ở thôn Ngọc Lôi (Đông Anh), đã tổ chức nhau lại thành đội hoạt động. Từ tháng 5 đến nay, mỗi cụ đã trồng được 20 bụi chuối, nǎm cây xoan và nuôi một gà mái đẻ. Các cụ hǎng hái động viên con cháu vào bộ đội và dân quân. Đến mùa, các cụ xung phong đi cày thay thế cho những thanh niên đã vào bộ đội.

- Các cụ phụ lão ở huyện Phổ Yên (Bắc Thái) cùng nhau ra sức giúp đỡ dân quân du kích; động viên con cháu hǎng hái làm nghĩa vụ quân sự giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ và gia đình có người ở bộ đội. Các cụ làm những vũ khí thô sơ cho dân quân luyện tập. Gương mẫu là cụ Lộc đã 82 tuổi mà suốt ngày cặm cụi vót chông cho dân quân.

- Đội Bạch đầu quân ở khu phố Ba Đình (Hà Nội) có hơn 900 cụ. Già nhất là cụ Vũ Nǎng, 75 tuổi. Các cụ tự đặt cho mình nhiệm vụ như sau: động viên con cháu làm nghĩa vụ quân sự; nhắc nhủ bà con tǎng gia sản xuất; tham gia việc xây dựng công sự phòng không; bảo vệ trị an; sẵn sàng chiến đấu.

Tất cả các cụ đều có hũ gạo chống Mỹ, cứu nước.Về tǎng gia, các cụ đang nuôi l00 con lợn và 2.300 con gà. Các cụ đã góp được 31.300 đồng vào quỹ tiết kiệm. Các cụ còn hǎng hái tham gia phong trào vǎn nghệ và thể dục thể thao.

- Huyện Lục Ngạn có 10 dân tộc anh em: Kinh, Tày, Nùng, Hoa. Thanh Phán, Cao Lan,v.v.. 30 đảng bộ và Mặt trận khéo hướng dẫn, các cụ phụ lão đã nhất trí đặt ra ba nhiệm vụ chống Mỹ, cứu nước. Ba nhiệm vụ là: gửi tiền vào quỹ tiết kiệm, trồng cây gây rừng, khuyên con cháu vào bộ đội và giúp đỡ dân quân. Các cụ rất hǎng hái làm trọn nhiệm vụ. Ví dụ:

Các cụ đã giúp dân quân lương thực và vũ khí thô sơ. ở xã Tân Mộc, các cụ đã gửi vào quỹ tiết kiệm 7.000 đồng. Về việc trồng cây gây rừng thì mùa xuân nǎm nay các cụ trong huyện đã trồng được 10.300 cây các loại và định trồng thêm 5.000 cây bạch đàn. Cụ Sảo Ký, dân tộc Hoa, 79 tuổi ở xã Đông Cốc, đã trồng được 50 bụi tre, v.v..

*

*     *

Về hũ gạo chống Mỹ, cứu nước thì ở:

Hà Nội có 49.000 hũ (riêng khu Đống Đa 100% gia đình có).

Hải Dương có 38.150 hũ.

Hưng Yêncó 31.000 hũ.

Mong rằng mỗi gia đình ở các địa phương đều đặt hũ gạo chống Mỹ, cứu nước. Việc đó dễ làm và rất có ích.

Các cấp đảng bộ và Mặt trận các địa phương nên ra sức giúp các cụ phụ lão tổ chức, củng cố và phát triển đội Bạch đầu quân. Đó cũng là một lực lượng khá to trong công cuộc chống Mỹ, cứu nước.

Để kết luận bài này, xin tặng các cụ phụ lão kính mến một câu thơ:

Tuổi cao, chí khí càng cao

Chống Mỹ, cứu nước, già nào kém ai!

CHIẾN SĨ

Báo Nhân Dân, số 4218, ngày 22-10-1965.133

134. Nói chuyện tại Hội nghị trí thức Việt Nam chống Mỹ, cứu nước

Tôi rất sung sướng được gặp các cô, các chú đông đủ như hôm nay. Tôi xin gửi đến các cô, các chú lời chào và lời hỏi thăm thân ái của Trung ương Đảng và Chính phủ. Trong lúc này, đồng bào miền Nam ta đang đi từ thắng lợi này sang thắng lợi khác. Tôi đề nghị chúng ta hoan hô đồng bào miền Nam anh hùng.

Trong phong trào chống Mỹ, cứu nước sôi nổi ở miền Bắc, quân và dân ta có những thắng lợi đáng khen. Hiện nay, có gần 850 máy bay Mỹ bị bắn rơi. Trong phong trào thi đua chống Mỹ, cứu nước, công nhân có cuộc vận động “Ba xây, ba chống”, nông dân có cuộc vận động “Cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật”, phụ nữ có phong trào “Ba đảm đang”, thanh niên có phong trào  “Ba sẵn sàng”, phụ lão ở một số nơi có phong trào “Bạch đầu quân”. Những cuộc vận động ấy, nảy nở nhiều con người mới rất anh hùng. Anh chị em trí thức ta cũng nên có cuộc vận động để góp phần vào phong trào chung đó.

Nói ngày 6-1-1966.

Báo Nhân Dân, số 4296, ngày 8-1-1966.134

135. Bài nói tại Hội nghị cán bộ cao cấp nghiên cứu Nghị quyết Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng

Nǎm hết Tết đến, Bác chúc các cô, các chú mạnh khoẻ.

Các cô các chú đã nghiên cứu Nghị quyết Trung ương. Hôm nay, Bác chỉ nói một điểm chính.

Mỹ đưa quân vào miền Nam. Đời sống của một tên lính Mỹ, nào bánh, thịt, thuốc lá, kẹo cao su, đủ thứ, một tên lính Mỹ đi đánh so với một tên lính ngụy tốn gấp 15 lần. Chúng dùng sư đoàn không vận số 1 đi bằng máy bay lên thẳng, nhanh thật, nhưng lúc xuống bộ, nó không cơ động. Lính Mỹ to xác, trang bị đủ thứ, kềnh càng, nặng nề; còn Quân giải phóng của ta tuy nhỏ bé nhưng rất nhanh nhẹn; đánh giáp lá cà thì lính Mỹ không ǎn thua gì lắm. Ta thấy chỗ mạnh của nó, vũ khí của nó mới, tiền của nó nhiều, nhưng ta cũng biết những khuyết điểm của nó mà là khuyết điểm lớn, cơ bản. Bây giờ tất cả thiên hạ đều chống nó, nhân dân Mỹ, thanh niên, trí thức Mỹ cũng chống nó, mà chống mạnh, đã có những thanh niên tự đốt mình để chống lại chính sách xâm lược của Chính phủ Mỹ. Xưa nay chưa từng thấy, bây giờ thấy như thế. ở Mỹ bây giờ có người Mỹ da đen cũng làm cho bọn thống trị Mỹ đau đầu. Chống lại chính sách phân biệt chủng tộc, người Mỹ da đen từ trước đến giờ cũng có đấu tranh, họ đấu tranh một cách hợp pháp, hoà bình; từ nǎm ngoái đến nay họ đấu tranh kịch liệt.

Bây giờ Mỹ có 20 vạn quân ở miền Nam, nó có thể đưa thêm vào hơn nữa đến 30, 40, 50 vạn quân. Ta vẫn thắng, nhất định ta thắng. Ta nói như thế không phải để tuyên truyền, mà cǎn bản là như thế, không phải chỉ ta nói, mà trong nước Mỹ cũng có người nói như thế. Moxơ, một nghị sĩ Mỹ, nói: “Đưa nhiều lính Mỹ sang Nam Việt Nam thì quan tài về Mỹ ngày càng nhiều “. Cái đó có thật. Dư luận thế giới, thậm chí dư luận ở Mỹ cũng nói Mỹ nhất định không thắng được trong chiến tranh ở miền Nam. Mỹ và ta đánh nhau, Mỹ không thắng được thì ai thắng? Ta thắng.

… Thứ nhất, phải nhận rõ ưu điểm và khuyết điểm của địch, do đó, chúng ta tin chắc chắn chúng ta nhất định thắng.

Thứ hai, thắng lợi không phải tự nhiên mà đến, biết như vậy chúng ta phải làm gì nữa. Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Vì toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta quyết tâm, cho nên ta nhất định thắng dù phải hy sinh gian khổ đến đâu. Chúng ta phải quyết tâm chiến đấu đến cùng để giành độc lập dân tộc và thống nhất nước nhà, đồng thời chúng ta phải hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ quốc tế.

Các cô, các chú cũng nghe nói Mỹ lấy chiến trường miền Nam làm thí điểm về chiến thuật, trang bị, vũ khí. Nếu ở miền Nam nó thắng thì nó dùng cách ấy để ǎp cướp các dân tộc khác. Nếu chúng ta thắng ở miền Nam tức là chúng ta đã đè được lực lượng xâm lược của Mỹ, đó là ta góp phần vào cách mạng thế giới. Vì vậy, ta quyết chiến, quyết thắng ở miền Nam chẳng những là vì nhiệm vụ của ta, mà còn là nghĩa vụ của ta đối với cách mạng thế giới.

Các đồng chí nhất định phải biến quyết tâm của Đảng, của Trung ương thành quyết tâm của mỗi đảng viên, mỗi chiến sĩ, mỗi người dân để thực hiện tốt nghị quyết này. Trong nǎm qua, quân và dân ta có nhiều thành tích trong sản xuất và chiến đấu, nhưng chúng ta không được thoả mãn với những thành tích đó. Chúng ta phải cố gắng hơn nữa để giành nhiều thắng lợi lớn hơn nữa. Thời gian sắp tới cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta ở cả hai miền sẽ gay go, quyết liệt hơn nữa. Vì vậy, Bác nhắc các cô, các chú mấy việc dưới đây:

1. Vì sao Giônxơn phái nhiều người đi nhiều nước ở châu á, châu Phi, Mỹ latinh và cả châu Âu? Bây giờ nó lúng túng, rút lui ở miền Nam tức là thất bại đối với toàn thế giới, mất mặt về chính trị, về kinh tế, về các mặt khác, mà nếu cứ tiếp tục chiến tranh thì thất bại thêm; rút lui hoặc tiếp tục chiến tranh, nó cũng thất bại. Cho nên có thể nói Chính phủ Giônxơn tiến thoái lưỡng nan, như người cưỡi trên lưng cọp, cứ ngồi đấy cũng khó, bước xuống cũng nguy hiểm.

… Phải thấy rõ âm mưu của Mỹ, phải giáo dục cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân nhận rõ âm mưu xâm lược của đế quốc Mỹ. Chúng ta chống lại việc chúng tǎng cường chiến tranh xâm lược, đồng thời chúng ta chống lại việc chúng tung ra những luận điệu “thương lượng hoà bình” để lừa bịp dư luận thế giới và dư luận ở Mỹ. Mỗi người chúng ta phải nâng cao cảnh giác, không được chủ quan, phải luôn luôn sẵn sàng chiến đấu chống Mỹ đánh phá miền Bắc. Phải hǎng hái tham gia sự nghiệp giải phóng miền Nam, phải tuyên truyền cho đồng bào miền Bắc hiểu rõ nhiệm vụ của ta phải tham gia sự nghiệp giải phóng miền Nam, vì miền Nam là của nước ta. Phải nói miền Bắc là hậu phương của miền Nam. Các ngành, các cơ quan, các địa phương, mọi người dân phải tham gia đắc lực vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, đồng thời phải tích cực giúp đỡ nhân dân Lào. Lào ở bên cạnh ta. Bây giờ Mỹ cũng gây chiến tranh ở đó. Nếu Mỹ và bọn phản động Lào thắng ở Lào, tức là có hại cho ta, hại nhiều không phải ít.

Ta ở miền Bắc, phải chống chiến tranh phá hoại của Mỹ. Đối với miền Nam, phải hết sức tham gia với đồng bào miền Nam, đồng thời phải ra sức giúp đỡ cách mạng Lào. Chúng ta phải ra sức cố gắng giành cho được thắng lợi quyết định ở miền Nam, bởi vì cuộc chiến tranh này cǎn bản là ở miền Nam. Mỹ thua ở miền Nam tức là nó thua, ta thắng ở miền Nam tức là ta thắng. Cho nên phải giành thắng lợi quyết định trong một thời gian, ta không nói mấy nǎm, mấy tháng, mấy ngày, nhưng trong một thời gian càng ngắn càng tốt. Cố nhiên mình làm càng gọn càng bớt hy sinh tổn thất. Đến bao giờ, không nói rõ được, vì do lực lượng chủ quan của ta cũng có, tình hình thế giới cũng có và do phía Mỹ nữa. Làm sao ở miền Nam tiêu diệt và phá tan được quân ngụy, tiêu diệt được nhiều quân Mỹ, đó là ta giành được thắng lợi quyết định.

2. Các đơn vị, các địa phương phải rút kinh nghiệm những cuộc chiến đấu vừa qua, để chuẩn bị cho những cuộc chiến đấu quyết liệt hơn sắp tới. Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa và giúp đỡ lẫn nhau trong việc bắn máy bay Mỹ.

Vừa qua, có một số địa phương chủ quan, đến khi địch ném bom, đồng bào bị tổn thất. Các cô, các chú, tất cả đảng viên phải hiểu: nhân dân ta rất ngoan cường, rất tin vào Đảng, nhân dân ta đưa tính mệnh và tài sản gửi cho Đảng. Vì vậy, mỗi một đảng viên, mỗi một chi bộ, mỗi một cơ quan phải có trách nhiệm, phải bảo vệ chu đáo tính mệnh và tài sản của đồng bào. Vì có một số nơi cán bộ chủ quan, để đồng bào bị chết chóc, tài sản bị mất mát, như thế là có tội với đồng bào. Đồng bào hy sinh tính mệnh, tài sản, Bác rất đau lòng. Không phải ta không có kinh nghiệm, ta có rất nhiều kinh nghiệm, kinh nghiệm tốt cũng có, kinh nghiệm không tốt cũng có, mà các địa phương không biết rút kinh nghiệm, không biết học nhau. Từ đây về sau, chúng ta phải rất chú ý.

3. Những nơi có lệnh phân tán, phải tích cực phân tán những xí nghiệp và kho tàng. Các thành phố, thị xã, thị trấn phải sơ tán người già, trẻ em và những cơ quan không trực tiếp chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu đi nơi khác để tránh máy bay địch bắn phá. Làm việc đó, phải có kế hoạch, phải khẩn trương nhưng chớ lụp chụp. Việc sơ tán này chưa được tốt lắm, có chỗ lụp chụp quá. Khi không thấy máy bay đến, lại về hết cả. Có nông trường lúa thóc nhiều, có lệnh sơ tán, người phụ trách không sơ tán nói là chưa được lệnh của ngành dọc. Một đồng chí Trung ương đi qua bảo phải sơ tán ngay đi, vừa sơ tán hôm trước, hôm sau Mỹ ném bom trúng vào kho thóc đã sơ tán. Khi sơ tán xong người ta đến thanh toán tiền công, người phụ trách bảo: chúng tôi không nhờ các ông sơ tán, ai nhờ thì đến bảo họ thanh toán cho. Như thế là sai hết sức!

4. Trong việc sơ tán có nhiều vấn đề, nhất là thành phố. Nhiều gia đình bố mẹ lương ít, con đông, nghe nói chỗ đắt mỗi cháu sơ tán góp 20 đồng, nơi rẻ cũng 15 đồng. Lương bình quân của công nhân, số đông cán bộ khoảng 50 đồng, 60 đồng, có nhà 5,6 cháu. Vì vậy trong việc sơ tán, phải thiết thực giúp đồng bào giải quyết khó khǎn.

Những gia đình thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có con là chiến sĩ đi xa, cần phải giúp đỡ. Các đoàn thể như thanh niên, phụ nữ phải phụ trách việc này. Chính phủ phải góp phần vào việc này, trực tiếp có kế hoạch là thanh niên, phụ nữ.

Nếu chỗ tổ chức sơ tán được tốt, người phụ trách tốt, trường học phụ trách tốt, chi bộ địa phương phụ trách tốt thì làm việc này được tốt. Nếu trường học phụ trách không tốt, không có sáng kiến, hay địa phương, chi bộ không chú ý thì việc sơ tán không tốt. ở Đại hội phụ nữ “ba đảm đang”, có một cô phụ trách các cháu mẫu giáo; trước khi đi sơ tán cô giáo đi gặp tất cả bố mẹ các cháu, xem gia đình thế nào, dặn dò các cháu trước khi đi sơ tán, nhắc phải làm gì cho các cháu. Đến chỗ sơ tán, cô giáo đi thǎm tất cả các gia đình để gây cảm tình với các gia đình ấy, kết nghĩa các cháu sơ tán đến với các cháu địa phương. Cô giáo lại đi xem những chỗ gần đấy để xem tình hình giá cả, v.v.. Vì vậy sau khi đi sơ tán, các cháu rất mạnh khoẻ, vui vẻ. Tiếc rằng ít người làm được như thế. Bây giờ phải cố gắng làm.

Việc sơ tán có nhiều vấn đề lắm. Vấn đề cung cấp gạo, vấn đề giúp đỡ người có nghề tiếp tục sản xuất, vấn đề con cái, vấn đề đi lại, những vấn đề ấy các ngành và thanh niên, phụ nữ phải phụ trách.

Nghe nói có nơi người lao động chính trong gia đình đi lĩnh gạo, cứ đi đi về về hết ngày, không làm được gì cả, vì gạo chỉ phát cho vài ba ngày, đi mười mấy cây số, đi về ǎn hết, lại đi. Đó là do làm máy móc. Nơi nào đông người sơ tán đến thì giá thức ǎn ở địa phương đắt hơn, đời sống thêm khó khǎn. Nếu số người sơ tán không làm vệ sinh cho tốt và giúp đỡ bà con làm vệ sinh cho tốt thì cũng có vấn đề. Những việc ấy, tất cả các ngành phải chú ý giải quyết. Các cơ quan đoàn thể, trường học sơ tán về phải bàn bạc với chi bộ. Chi bộ ở địa phương phải giúp giải quyết cho được.

5. Mùa Đông - Xuân hiện nay có gặp khó khǎn, nhiều nơi mạ bị ống, không cấy được. Phải có kế hoạch chuyển cho kịp thời, cố làm sao vụ này có kết quả tốt để quân và dân có gạo ǎn no đánh thắng. Dù khó khǎn đến mấy, vấn đề lương thực cũng phải giải quyết cho được. Nếu không làm được lúa, phải chuyển nhanh, thiếu cơm có khoai, thiếu khoai có sắn. Ta chỉ cần nắm rau, bát cơm, tí muối là đánh được cả ngày, không như bọn Mỹ.

6. Phải hết sức chú ý làm nghề nông cho tốt, đồng thời phải chú ý làm công nghiệp địa phương và thủ công nghiệp. Chúng ta vừa chiến đấu vừa sản xuất. Công nghiệp trung ương phải tiếp tục sản xuất. Kế hoạch phải ǎn khớp với tình hình chiến tranh bây giờ, lại phải chuẩn bị cho hoà bình lập lại. Đồng thời phải tiết kiệm. Phải giải quyết cho khéo, tuyên truyền cho tốt. Tǎng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm. Có cái làm dễ và có ích như hũ gạo chống Mỹ, cứu nước, mỗi ngày bỏ một nhúm gạo, ai cũng làm được, nhưng phải kiên nhẫn. Phải hiểu vì sao phải làm và làm để làm gì, nhất là cụ già, chị em phụ nữ làm rất tốt. Việc này phải được phổ biến.

Các đồng chí phụ trách ở các bộ, các ban, các ngành ở trung ương cần phải thường xuyên đi kiểm tra và giải quyết công việc tại chỗ, phải chống bệnh giấy tờ, hội họp nhiều, đi kiểm tra giúp đỡ ít. Chuyển hướng phải mạnh. Phải nhớ bây giờ là thời kỳ chiến tranh. Tác phong của các bộ, các ngành, cán bộ phải chuyển biến. Từ nay các đồng chí lãnh đạo khu uỷ, tỉnh uỷ, thành uỷ lên gặp các bộ, các ban ở trung ương, các đồng chí phụ trách như là bộ trưởng, thứ trưởng, trưởng ban, phó ban, tức là các đồng chí có thể giúp đỡ được địa phương, phải làm việc trực tiếp với các đồng chí ở khu, tỉnh để giải quyết công việc cho tốt, cho nhanh.

Ta nói chống bệnh quan liêu, bây giờ phải chống người quan liêu. Ví dụ: chú ở Nam Hà có vấn đề gì không giải quyết được lên gặp bộ, gặp đồng chí nào, gõ cửa mấy lần, mất bao nhiêu thì giờ, nếu không giải quyết được tốt, chú biên thư cho Bác. Cứ làm như thế.

Có lần Bác lên thǎm Nhà máy chè Phú Thọ, các đồng chí chuyên gia nói rất sẵn sàng dạy cho ta 20 cán bộ để làm thí điểm cách trồng chè cho tốt, nhà máy chè nghe như thế rất mừng. Nhà máy gửi báo cáo lên Bộ Nông lâm. ông Bộ Nông lâm nói việc dạy học phải hỏi Bộ Giáo dục, chúng tôi không giải quyết.

Lên Bộ Giáo dục thì Bộ Giáo dục nói đây là việc trồng chè, chúng tôi không giải quyết được. Gần hai nǎm không giải quyết. Khi Bác lên thǎm, tình cờ các chuyên gia nói lại. Khi về, Bác gặp ông nông lâm, Bác nói nhất định phải cho 20 cán bộ học cái này; ông nông lâm giải quyết. Thế là học được.

Việc hợp tác xã hội chủ nghĩa giữa các ngành, các cấp chưa được tốt. Phải sửa đổi lề lối làm việc cho thiết thực, để giải quyết công việc cho tốt, cho nhanh

7. Phải kiện toàn sự lãnh đạo của các cấp, các ngành; phải mạnh dạn giao việc cho những cán bộ trẻ đã được rèn luyện, thử thách; phải rất coi trọng việc củng cố các chi bộ và chi đoàn ở cơ sở. Phải chú ý kết nạp vào Đảng, vào Đoàn những người xuất sắc trong sản xuất và chiến đấu. Phải làm cho Đảng và Đoàn lớn mạnh để hoàn thành tốt mọi mặt công tác, đặc biệt phải chú ý cất nhắc cán bộ phụ nữ vào các cơ quan lãnh đạo, nhất là các ngành hoạt động thích hợp với phụ nữ.

Đây Bác nói về các cháu gái. Trong chiến đấu, các cháu gan lắm. Không nói ở miền Nam, bây giờ ở miền Nam có bà Phó Tổng tư lệnh Quân giải phóng là người đảng viên rất tốt. Riêng ở miền Bắc, các cô, các chú thấy lúc bắn máy bay, các cháu gái rất gan, các cháu 17, 18 tuổi gan lắm, lại mưu trí nữa. Đây là nói chiến đấu, còn sản xuất cũng có rất nhiều gương tốt. Có chỗ ông chủ nhiệm đi ‘bộ đội, công việc do cháu gái làm, làm lại tốt hơn trước kia, nhưng óc trọng nam khinh nữ chưa phải đã hết. Tinh thần tự ti vẫn còn không phải ít.

Nói chung, các cháu gái rất hǎng. Ví dụ: đi chặt gỗ, việc ấy nặng nhọc, lúc hǎng các cháu làm được hết; hay là đi đắp đường, chỗ núi non khó khǎn, các cháu cũng làm được. Nhưng lãnh đạo không nên để các cháu làm những việc như thế. Con gái có kinh chẳng hạn, trong lúc có kinh lội nước, dầm mưa, sau này sức khoẻ không tốt. Cho nên phân phối công tác cho phụ nữ phải thích hợp.

Phải tích cực đào tạo, sử dụng cán bộ chuyên môn trong tất cả các ngành, các cấp. Cán bộ chính trị phải chú trọng học tập kinh tế, kỹ thuật để lãnh đạo sản xuất được tốt. Cán bộ chính trị phải biết kỹ thuật, không biết, chỉ chính trị suông, không lãnh đạo được.

Phải tích cực đào tạo và sử dụng tốt cán bộ. Vì sao? Có khi đào tạo mà không sử dụng được. Ví dụ: có mấy chục cháu thanh niên đi học 5 nǎm ở nước ngoài về, ta không biết dùng làm gì. Thế là nước anh em mất công đào tạo, các cháu mất nǎm nǎm đi học, cho nên phải đào tạo và sử dụng tốt. Có công trình sư đi học về lại đưa làm phiên dịch. Đây là trách nhiệm của Bộ Giáo dục và trách nhiệm của tất cả các ngành.

Các đồng chí phụ trách phải sửa đổi lề lối làm việc cho thích hợp với tình hình chiến tranh, phải đi sát quần chúng, sát cơ sở. Các đồng chí lãnh đạo phải gương mẫu, phải quan tâm đến đời sống của cán bộ, của đồng bào, phải đồng cam cộng khổ. Trong kháng chiến chống Pháp, ngoài đường lối, chính sách, chiến lược, chiến thuật của ta đúng, đồng cam cộng khổ là cái không thể thiếu được. Lúc đó là như nhau hết cả. Chỉ chiếc ba lô trên lưng là đi. Việc ấy ảnh hưởng chẳng những cho cán bộ nói chung mà còn ảnh hưởng trong nhân dân nữa. Nhân dân thấy bộ đội ta, Chính phủ ta cũng sống như nhân dân, làm việc cho nhân dân, lo lắng cho nhân dân, không có quan cách gì cả.

8. Các cô, các chú nên thấm nhuần và làm cho cán bộ thấm nhuần điều này: phải có tinh thần cảnh giác, phòng gian bảo mật.Việc đó chúng ta làm chưa được tốt lắm. Các nơi còn làm lộ bí mật, cán bộ còn nói lung tung, làm lộ bí mật của Đảng, của Nhà nước. Bệnh ba hoa còn nhiều; còn làm mất tài liệu bí mật. Cái đó rất quan trọng. Công tác phòng gian của ta còn kém. Chúng ta phải ra sức chống chiến tranh gián điệp của địch, bằng cách giáo dục cho mọi người luôn luôn cảnh giác, thực hiện triệt để khẩu hiệu “ba không”. ở Quảng Bình có kinh nghiệm tốt là tổ chức các cháu thiếu nhi theo dõi những người lạ mặt vào làng, nhân dân thực hiện tốt “ba không”. Các nơi khác cũng nên làm như vậy.

Việc giữ bí mật có khó không? Không khó. Ví dụ: bây giờ các cô, các chú đi khai hội ở đây về, ai hỏi cũng không nói, chỉ nói những cái mà Ban Bí thư đã quy định. Phải giữ bí mật. Cái gì không được nói thì tuyệt đối không nói ra. Nguyễn Du nói rất đúng là: “Ở đây tai vách mạch rừng…”.

Gián điệp Mỹ tập trung tất cả kỹ thuật của phát xít Đức, của Nhật, của các nước. ở Mỹ có CIA rất lớn, ngoài CIA, còn cơ quan trinh thám của nó nữa. Bộ Ngoại giao cũng có, Bộ Quốc phòng cũng có, Bộ Kinh tế cũng có. ở Quốc hội cũng có cơ quan rất to, có những giáo sư, trạng sư tập trung ở đấy, nó tiêu xài rất nhiều tiền, bên này nghe một ít, bên kia nghe một ít, nó thu thập, nó chắp lại để tìm bí mật của ta.

Địch làm cách ấy, ta phải làm cách của ta, nghĩa là tất cả cán bộ, tất cả chiến sĩ, tất cả đảng viên, đoàn viên phải giữ bí mật cho Đảng. Tai phải giáo dục cho đảng viên, đoàn viên, chiến sĩ, nhân dân ta hết sức giữ bí mật. Có làm được không? Nhất định làm được, ta có kinh nghiệm trong thời kỳ kháng chiến, nhất là thời kỳ hoạt động bí mật. Việc này ta làm được. Cán bộ phải gương mẫu.

Bản Nghị quyết này phải giữ rất bí mật, phổ biến giải thích đến phạm vi nào, các đồng chí phụ trách phải theo đúng quy định của Ban Bí thư.

Cả nước ta đang tiến hành cuộc kháng chiến oanh liệt chống Mỹ để bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà, đồng thời để hoàn thành nhiệm vụ khó khǎn nhưng vẻ vang góp phần vào cách mạng thế giới. Dù khó khǎn gian khổ đến mấy, chúng ta cũng có thể vượt qua. Nhân dân ta rất anh dũng, Đảng ta có đường lối đúng đắn, cuộc kháng chiến của chúng ta được các nước anh em, nhất là Liên Xô, Trung Quốc và nhân dân thế giới đồng tình, ủng hộ và hết lòng giúp đỡ, cho nên chúng ta nhất định giành được thắng lợi.

Cuộc kháng chiến của ta là toàn dân, thực sự là cuộc chiến tranh nhân dân.

Bây giờ thanh niên có sáng kiến tổ chức những đội thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước. Đây là một sáng kiến rất hay. Bởi vì nó kéo cả thanh niên của thế hệ mới. Thanh niên ít tiêm nhiễm thói xấu của xã hội cũ, được sống trong không khí mới nhiều hơn. Bất kỳ là đoàn viên hay không đoàn viên, thanh niên đều hiểu chủ nghĩa xã hội. Thanh niên có lòng yêu nước, cho nên cần tổ chức cho khéo, cho tốt lực lượng thanh niên để đẩy mạnh sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước.

Thanh niên các công trường có chỗ làm rất tốt. Vì sao các nơi khác không học tập kinh nghiệm?

Bạch đầu quân làm các việc như trồng cây gây rừng, khuyến khích con cháu, các cụ làm rất tốt. Bác nghe nói, ở Đông Anh, có chỗ có cái giếng xây bỏ đã lâu vì nước không tốt, các cụ rủ nhau tháo gạch ra, đưa gạch đó xây hầm trú ẩn cho các cháu bé. Việc ấy các cụ tự nghĩ ra.

Hay là Hội mẹ chiến sĩ, nhiều nơi làm rất tốt. Ví dụ: xã Quang Trung, huyện Gia Lâm đã tổ chức lại Hội mẹ chiến sĩ, có 292 mẹ, từ 50 tuổi trở lên, đã tình nguyện xin vào Hội mẹ chiến sĩ, xung phong đỡ đầu từng gia đình chiến sĩ, đặc biệt đối với những gia đình neo đơn. Tối đến các mẹ đến cho lợn gà ǎn, thu xếp công việc, chǎm sóc các cháu, v.v..

Bây giờ các cụ ông, cụ bà, ai cũng muốn làm được một việc gì đểgóp phần vào công cuộc chống Mỹ, cứu nước. Phải làm sao phát triển bạch đầu quân của cụ ông, Hội mẹ chiến sĩ của cụ bà. Các cháu nhi đồng cũng rất ngoan, nhiều cháu cũng có công như trồng cây, nuôi gà, chǎn trâu, giúp bộ đội, có cháu bắt được cả Việt gian. Phải giải thích làm sao cho mọi người đều làm việc có ích cho sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, tự nguyện, tự giác làm, không ép buộc. Thế mới là toàn dân kháng chiến, chiến tranh nhân dân thực sự. Cán bộ phải có sáng kiến, phải chịu khó, phải biết cách làm.

Mong các cô, các chú về làm sao biến Nghị quyết của Trung ương thành quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và nhờ các cô, các chú chuyển lời thân ái chúc nǎm mới đến đồng bào địa phương, cán bộ, chiến sĩ địa phương, các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng, sang nǎm mới giành được nhiều thắng lợi mới.

Nói ngày 16-1-1966.

In trong sách Bài nói chuyện của Hồ Chủ tịch tại Hội nghị nghiên cứu Nghị quyết của Trung ương, ngày 16-1-1966, tạp chí Tuyên huấn xuất bản, 1966.135

136. Ngày 10 tháng 02 năm 1966

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện chúc mừng Đại hội Phụ nữ “Ba đảm đang” thành phố Hải Phòng.

Nhân dịp này, Người gửi tặng Huy hiệu của Người cho 7 phụ nữ Hải Phòng đã lập thành tích xuất sắc trong trong sản xuất và chiến đấu.136

Thu Hiền (tổng hợp)

---------------

133. Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, tập 14, tr.635-637
134, 135. Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, tập 15, tr.9; tr.13-25.
136. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, sđd, tập 9, tr.298.

Bài viết khác: