Chỉ mục bài viết

 93. Bài nói chuyện với đồng bào và cán bộ xã Đại Nghĩa (Hà Đông)

Các cô, các chú,

Hôm nay, Bác, đồng chí Nguyễn Chí Thanh và đồng chí Trần Quang Huy thay mặt Trung ương Đảng đến thǎm cán bộ và đồng bào xã Đại Nghĩa. Bác sẽ nói chuyện về nông nghiệp nói chung và về Nghị quyết Hội nghị lần thứ nǎm của Trung ương Đảng bàn vấn đề phát triển nông nghiệp trong kế hoạch 5 nǎm lần thứ nhất (1961 - 1965). Trong lúc Bác nói, nếu có chỗ nào chưa hiểu thì các cô, các chú hỏi thêm.

Xã Đại Nghĩa thuộc huyện Mỹ Đức. Cái tên rất đẹp. Các cô, các chú phải phát triển kinh tế, phát triển vǎn hóa, làm sao cho xứng với cái tên đó.

Theo báo cáo thì trong thời gian qua, xã Đại Nghĩa có nhiều tiến bộ.

... Nhưng còn có chỗ phải cố gắng. Như quản lý hợp tác xã còn kém, sản xuất hoa màu còn yếu.

Xã Đại Nghĩa có 29 đảng viên và 90 đoàn viên thanh niên lao động. Như thế là ít. Trong phong trào thi đua tǎng gia sản xuất thực hành tiết kiệm, nảy nở ra những đồng chí lập trường vững, công tác giỏi, học tập tốt, chúng ta phải chọn và nhất định chọn được để kết nạp vào Đảng, vào Đoàn. Cố nhiên, không được kết nạp bừa bãi.

Đảng viên phụ nữ ở xã Đại Nghĩa thì lại càng ít, chỉ có hai đồng chí. Như thế là các chú còn trọng nam khinh nữ. Không có lẽ cả xã chỉ có hai chị em xứng đáng được vào Đảng. Vai trò của phụ nữ trong sản xuất rất quan trọng. Các chú không chú ý dìu dắt, giúp đỡ chị em, tổ chức chị em vào Đảng là không đúng.

Đó là Bác nói tóm tắt về xã Đại Nghĩa. Xã Đại Nghĩa có những ưu điểm phải phát triển, có những khuyết điểm phải ra sức sửa chữa. Các đội sản xuất của xã Đại Nghĩa làm sao phải đuổi kịp đội sản xuất số 8 thuộc hợp tác xã Phù Lưu Tế, là đội sản xuất tiên tiến của tỉnh. Các cô, các chú có làm được không?

Để tiến bộ hơn nữa, xã Đại Nghĩa cần thi hành đúng Nghị quyết Hội nghị lần thứ nǎm của Trung ương Đảng về vấn đề phát triển nông nghiệp trong kế hoạch 5 nǎm lần thứ nhất.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ nǎm của Trung ương Đảng là một chương trình to lớn do Đảng đề ra để tiếp tục tiến công vào nghèo khổ và lạc hậu, làm cho nông thôn miền Bắc nước ta ngày thêm ấm no, khỏe mạnh, tươi vui...

Nói ngày 07-10-1961.

Báo Nhân Dân, số 2.768, ngày 20-10-196193.

94. Bài nói chuyện với đồng bào và cán bộ tỉnh Nghệ An

Thưa đồng bào,

Chúng tôi thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ thân ái hỏi thǎm đồng bào, bộ đội, cán bộ, các anh hùng, chiến sĩ thi đua, các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng.

Nhân dịp này, tôi vui lòng khen ngợi đồng bào và cán bộ về những thành tích đã thu được và nhắc nhở những việc mà đồng bào và cán bộ cần phải ra sức làm:

- Về nông nghiệp:

Đồng bào nông dân đã đấu tranh vượt qua những khó khǎn do hạn và lụt nǎm ngoái để lại và đã đẩy mạnh sản xuất nǎm nay tiến lên. Đồng bào đã ra sức vỡ hoang (hơn 1 vạn 8 ngàn mẫu tây), tǎng vụ, trồng xen, cải tiến nông cụ…

Các nông trường quốc doanh đều cố gắng nhiều và đã thu được kết quả khá như Đông Hiếu, Tây Hiếu, v.v..

Đó là những ưu điểm cần tiếp tục phát triển hơn nữa. Đồng thời, chúng ta phải ra sức sửa chữa những nhược điểm còn lại trong nông nghiệp như:

Các hợp tác xã cần phải quản lý tốt hơn nữa về kế hoạch sản xuất, về lao động, về kỹ thuật, về tài vụ. Phải tǎng số ngày công và hiệu suất lao động để tǎng thu nhập cho xã viên. Phải chống tư tưởng bình quân. Các hợp tác xã phải làm đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước như: nộp thuế, trả nợ, bán thóc thừa, v.v. để Nhà nước dùng tiền và thóc ấy vào những việc có lợi cho nhân dân, trước hết là có lợi cho nông dân.

Về trồng trọt, phải chú trọng tǎng nǎng suất. Sản xuất lúa là chính, đồng thời phải đẩy mạnh hơn nữa việc trồng trọt hoa màu và cây công nghiệp.

Đẩy mạnh hơn nữa việc chǎn nuôi gia súc (hiện nay số trâu có tǎng, nhưng bò, lợn đều sụt kế hoạch), đẩy mạnh hơn nữa nghề cá, nghề biển.

Phải đẩy mạnh hơn nữa nghề rừng (kế hoạch định hơn 10 vạn thước khối, mà 9 tháng đầu nǎm mới làm được hơn 78.000 thước khối). Phát triển hơn nữa phong trào trồng cây (kế hoạch định cả nǎm 12 triệu cây, nhưng đến nay mới trồng được non 4 triệu cây). Trồng cây nào phải sǎn sóc cho tốt cây ấy.

Muốn phát triển nông nghiệp thì phải đẩy mạnh công tác thủy lợi (hiện nay mỗi đầu người 3 thước khối, như thế là quá ít), làm nhiều phân bón (trong vụ chiêm 28 phần trǎm diện tích cấy chay), cày cấy kịp thời vụ (vụ mùa qua, 25 phần trǎm diện tích không kịp thời vụ).

Đây chỉ nói rất tóm tắt, Bác khuyên đồng bào và cán bộ nghiên cứu kỹ lưỡng và phấn khởi thực hiện Nghị quyết của Hội nghị Trung ương Đảng về kế hoạch 5 nǎm phát triển nông nghiệp và những tài liệu giải thích Nghị quyết ấy.

- Về công nghiệp:

Công nhân và cán bộ các xí nghiệp đều cố gắng hợp lý hóa sản xuất, phát huy sáng kiến, nâng cao nǎng suất lao động. Các xưởng cơ khí, phốt phát, lò cao, máy điện, v.v. đều có thành tích khá.

Chúng ta cần phải nâng cao kỹ thuật hơn nữa, bảo đảm hơn nữa chất lượng tốt và giá thành hạ. Cần phải đẩy mạnh phong trào thi đua với Duyên Hải làm đúng khẩu hiệu: nhiều, nhanh, tốt, rẻ.

- Về thủ công nghiệp:

Thủ công nghiệp bao gồm một số ngành, nghề cần thiết cho đời sống của nhân dân và bảo đảm công việc làm ǎn cho hơn 66 nghìn người. Chúng ta cần khuyến khích thủ công nghiệp phát triển đúng phương hướng và phát triển tốt.

- Về các ngành khác:

Vǎn hóa, giáo dục, y tế, giao thông, bưu điện, đều có tiến bộ; nhưng đều phải cố gắng để tiến bộ hơn nữa.

Hiện nay tỉnh ta còn có gần 17.000 thanh niên mù chữ. Bình dân học vụ cần phải cố gắng thanh toán xong nạn mù chữ, càng sớm càng tốt.

Ngành thương nghiệp phải mua bán công bằng, chớ nên ép cấp, ép giá. Cán bộ phải nắm vững và làm đúng chính sách, phải biết tuyên truyền, giải thích, dựa vào các tổ chức địa phương, tính toán thế nào cho Nhà nước và nhân dân đều có lợi; phải dựa vào lực lượng nhân dân quản lý thị trường cho tốt.

Các cấp ủy đảng phải lãnh đạo chặt chẽ hơn nữa ngành thương nghiệp. Làm như thế thì nhất định hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Bộ đội, công an, dân quân tự vệ tỉnh ta đều hǎng hái thi đua làm tròn nhiệm vụ, giữ gìn trật tự trị an, giúp đỡ nhân dân sản xuất. Chúng ta phải luôn luôn nâng cao cảnh giác và tinh thần yêu nước của nhân dân, dựa vào lực lượng của nhân dân, sẵn sàng đập tan âm mưu địch phá hoại.

Cán bộ và nhân viên các cấp, các ngành đều cố gắng thi đua công tác, lao động và học tập, đã về nông thôn giúp đỡ các hợp tác xã sản xuất.

Công nhân đều phấn khởi thi đua, phát huy sáng kiến, giúp đỡ đồng bào nông dân sản xuất, tǎng cường liên minh công nông.

Thanh niên và phụ nữ đều hǎng hái xung phong tǎng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm.

Nói tóm lại, mọi người, mọi ngành đều có cố gắng và có tiến bộ. Như thế là tốt.

Riêng về thanh niên và phụ nữ, Bác muốn nêu mấy điểm sau đây:

Tỉnh ta có hơn 22 vạn thanh niên, mà Đoàn Thanh niên Lao động mới có non 6 vạn đoàn viên. Như thế là quá ít. Đoàn cần phải giáo dục và giúp đỡ thanh niên tiến bộ, chọn lọc những thanh niên tốt, hǎng hái lao động và học tập, tổ chức họ vào Đoàn, để phát triển và củng cố hơn nữa đội ngũ của mình.

Tỉnh ta có hơn 61 vạn phụ nữ, tức là một nửa số nhân dân. Phụ nữ ta là một lực lượng lớn trong công cuộc xây dựng Tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tuy vậy, so với nam giới thì địa vị của phụ nữ trong xã hội còn quá thấp kém. Ví dụ: ở Hội đồng nhân dân các xã, phụ nữ chỉ được 15 phần trǎm trong số đại biểu ở các hợp tác xã, trong các ban quản trị chỉ có non 7 phần trǎm là phụ nữ. Ở các cấp đảng ủy và chi ủy có 5 phần trǎm là nữ đồng chí. Chúng ta phải có phương pháp đào tạo và giúp đỡ để nâng cao hơn nữa địa vị của phụ nữ.

*

*     *

Để cải thiện không ngừng đời sống của nhân dân, để xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội, chúng ta phải động viên mọi lực lượng để tǎng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Nhiệm vụ trước mắt là phấn đấu giành một vụ Đông - Xuân thắng lợi, nhằm tự túc lương thực (thóc, ngô, khoai, sắn) và có phần dự trữ; đồng thời phải chú trọng cây công nghiệp. Đó là nhiệm vụ của toàn Đảng và toàn dân ta.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ đó, cần phải tǎng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, trước hết là sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy.

Các cấp bộ đảng, cần phải thấy hết khả nǎng của địa phương, nhận rõ trách nhiệm đối với đời sống nhân dân và đối với kế hoạch công nghiệp hóa của miền Bắc nước ta, để cố gắng hơn nữa phát triển kinh tế, trước hết là phát triển nông nghiệp, nhằm tự túc lương thực và cung cấp nhiều nguyên liệu cho công nghiệp.

Lãnh đạo cần phải đi vào cụ thể và thiết thực trong tổ chức và chỉ đạo thực hiện:

- Có phương hướng sản xuất đúng cho từng vùng. Có biện pháp cụ thể cho từng ngành từng việc. Thường xuyên kiểm tra đôn đốc, tǎng cường chỉ đạo kỹ thuật và chỉ đạo quản lý.

Đi sâu vào thực tế, đi sát đến cơ sở, nắm chắc mọi tình hình.

- Bồi dưỡng và phát huy tác dụng của điển hình, rút kinh nghiệm của điển hình mà chỉ đạo phong trào chung để tiến bộ đều.

- Chống quan liêu mệnh lệnh.

- Lãnh đạo cần phải chú trọng công tác tư tưởng, công tác xây dựng Đảng và củng cố chính quyền. Bồi dưỡng cán bộ cũ và đào tạo cán bộ mới. Phải giúp đỡ Đoàn Thanh niên Lao động củng cố và phát triển tốt.

Nội bộ phải đoàn kết chặt chẽ, mở rộng tự phê bình và phê bình. Tǎng cường chế độ lãnh đạo tập thể và cá nhân phụ trách. Phải khiêm tốn học hỏi cán bộ, học hỏi quần chúng, học hỏi tỉnh bạn. Phải cố gắng học tập lý luận, vǎn hóa và kỹ thuật.

Các cấp ủy đảng lãnh đạo tốt, đồng bào và cán bộ đoàn kết nhất trí và phấn khởi thi đua, thì chúng ta nhất định hoàn thành và hoàn thành vượt mức mọi kế hoạch mà Đảng và Chính phủ giao cho.

*

*     *

Tỉnh ta là một tỉnh lớn ở miền Bắc, có một vị trí rất quan trọng về kinh tế, chính trị, vǎn hóa và quốc phòng.

Tỉnh ta có nhiều khả nǎng, đất rộng, người đông, tài nguyên phong phú, nhân dân có truyền thống anh dũng và cần cù. Đồng bào và cán bộ cần phải có quyết tâm phấn đấu xây dựng tỉnh ta thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc. Làm được như thế là tỉnh ta góp phần xứng đáng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, làm cơ sở vững mạnh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà.

Bác thay mặt Trung ương gửi lời thân ái hỏi thǎm đồng bào, bộ đội và cán bộ các địa phương.

Chúc đồng bào cố gắng và tiến bộ!

Nói ngày 9-12-1961.

Tài liệu đánh máy có bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lưu tại Cục lưu trữ Vǎn phòng Trung ương Đảng94.

95. Bài nói chuyện với cán bộ và xã viên hợp tác xã Vĩnh Thành (Nghệ An)

Thưa toàn thể đồng bào,

Bác và các đồng chí Trung ương, Tỉnh ủy về thǎm hợp tác xã Vĩnh Thành, các cô, các chú xã viên và các cháu.

Bác có câu chuyện tóm tắt sau đây để bà con và các cháu chú ý:

- Hợp tác xã Vĩnh Thành về mọi mặt đều có tiến bộ. Nói chung như thế, Bác không phải kể nữa, mà các cô, các chú thì đã biết cả rồi.

Hợp tác xã Vĩnh Thành tuy có tiến bộ nhưng đang ít quá, nên Bác nói thêm mấy điểm:

- Thủy lợi phải chú ý đẩy mạnh hơn nữa. Có nước rồi phải chú ý giữ gìn, phải dùng cho hợp lý. Nước cần cho lúa, ngô, khoai, sắn, v.v. và các thứ cây khác. Các cô, các chú một ngày không uống nước có chịu được không? Không được. Vậy các cô, các chú không nên để cho cây khát. Có rõ không?

- Phân rất quan trọng. Người cần ǎn mới sống, cây cũng cần ǎn mới sống. Người không ǎn có sống được không? Thế thì người cần ǎn gạo, cây cần ǎn phân. Vậy phải làm thật nhiều phân lên.

- Lại phải làm kịp thời vụ. Ví dụ: người phụ nữ có thai nghén - việc này phụ nữ biết rõ hơn Bác - 9 tháng 10 ngày sinh nở là đúng thời. Thai già quá, đến 10, 11 tháng mới sinh là thất thường. Nhưng nếu mới 7, 8 tháng đã sinh là non quá. Làm ruộng cũng như thế. Phải kịp thời vụ, sớm quá không tốt, chậm quá càng không tốt. Thời tiết qua rồi không trở lại, nên cày, bừa, gặt đều phải kịp thời, kịp vụ.

- Việc vệ sinh còn kém. Nhà cửa chưa sạch sẽ. Đường sá chưa sạch sẽ. Tục ngữ có câu “Nhà sạch thì mát, bát sạch thì ngon”. Ǎn mà bát không sạch thì không ngon. Cho nên từ trong nhà ra ngoài ngõ, đến cái ǎn, cái mặc phải chú ý hơn nữa. Cần chǎm chỉ vệ sinh hơn.

- Cải tiến nông cụ ở đây có làm, nhưng chưa được khá lắm. Muốn tǎng gia sản xuất phải cải tiến nông cụ. Bác nói một ví dụ: trước đây cày một đám ruộng phải 4 người làm trong 1 ngày mới xong, nay với nông cụ cải tiến, 1 người có thể làm xong trong 1 ngày. Như thế là 1 người có thể làm bằng 4 người. Cấy cũng thế. ở đây, trung bình 1 người gánh được bao nhiêu? Được 30 kilô - mà nặng nhọc, đau vai. Ở đây có xe chưa? Nếu đóng xe, 1 người có thể xe ít nhất là 1 tạ. Như thế là bằng 3 - 4 người gánh, lợi được 2 - 3 người để đi làm việc khác.

Thế tại sao làm chậm? Do óc bảo thủ. Từ đây, cố mà làm. Nhưng phải toàn diện: có cày cải tiến rồi thì phải có bừa cải tiến, có máy cấy cải tiến để ruộng khỏi chờ. Lại phải có máy gặt cải tiến, có máy tuốt lúa, v.v., toàn diện là như thế. Thiếu một khâu là nó đứt ra.

- Trồng cây ở đây khá - khá chứ chưa phải thật tốt đâu. Nên chọn cây gì đáng trồng thì trồng. Trồng nhiều cây phi lao thì nhanh, chóng tốt, nhưng nó chỉ dùng làm củi đun thôi. Để có phong cảnh nên trồng thêm một số cây phượng. Nó cũng mau lớn, hoa đẹp lắm, độ 4 - 5 nǎm thôi. Phải có cây gì nữa? Nghe nói ở đây các cụ có một đội chuyên trách trồng cây, như thế là tốt lắm. Các cụ nên giúp vào nữa. Tôi đề nghị các cụ trồng và phụ trách tất cả việc trồng cây. Còn các cháu phụ trách đỡ đầu cây. Các cháu chẳng những đừng phá cây, mà khi đi trâu, đi bò, không làm cây gãy. Các cụ đã sắm hàng rào, cháu thấy nó hỏng chỗ nào thì rào lại, hay về báo cáo với các cụ, để tu sửa. Các cháu có làm được không?

- Muốn mọi việc tiến bộ lên, phải hiểu chính trị. Mình làm cho ai? Để làm gì? Khi xưa làm ǎn riêng lẻ, mọi người đều lo lắng cho mình. Nay có hợp tác xã rồi, thì tình tình tàng tàng, kềnh càng vô hạn. Nhiều sãi không ai đóng cửa chùa. Thế là không tốt. Ngày nay, chúng ta thành người chủ tập thể, làm chủ hợp tác xã, làm chủ Nhà nước. Mỗi xã viên cần nâng cao tinh thần làm chủ tập thể, phải đoàn kết chặt chẽ, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau. Phải có quyết tâm cần kiệm xây dựng hợp tác xã. Phải làm đúng kỷ luật lao động. Luôn luôn nâng cao trình độ giác ngộ giai cấp, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, nâng cao tinh thần cảnh giác đối với kẻ địch.

Đảng viên, đoàn viên thanh niên lao động phải là những người xung phong gương mẫu trong mọi mặt sản xuất, công tác, học tập, đoàn kết.

Muốn dân giàu nước mạnh, phải làm chủ hợp tác xã bằng mọi cách. Hợp tác xã phải đoàn kết tốt, sản xuất tốt để tǎng thêm thu nhập chung của hợp tác xã và thu nhập riêng của xã viên, nâng cao đời sống của xã viên. Nước mình đang còn nghèo, đang còn lạc hậu so với Liên Xô, Trung Quốc, Triều Tiên. Phải tiết kiệm, chớ có gặp một việc gì cũng làm mấy con lợn để liên hoan, đầu mùa cấy liên hoan, gặt xong liên hoan.

Nhân đây, Bác nêu một chuyện: Vĩnh Thành là hợp tác xã cấp cao toàn xã. Tất cả nhân dân trong xã như một gia đình lớn. Trong gia đình, phải trên kính dưới nhường, thương yêu giúp đỡ nhau. Nay có người già yếu hay vì thế nào đó mà không đủ sức sản xuất thì phải thế nào? Thực ra không có ai hoàn toàn không có sức sản xuất cả. Ngay các cụ già nhất, đi phải chống gậy cũng không phải không có sức sản xuất. Có thể tổ chức cho các cụ chǎn nuôi gà, trồng đám rau. Không lẽ để các cụ chết đói à. Trong nhà dù neo đơn đến đâu cũng không có lẽ để cho anh em chết đói. Nhất định hợp tác xã phải giúp đỡ. Để họ ra ngoài, có tiện không? Cho nên trong hợp tác xã phải giúp đỡ lẫn nhau. Đối với những người già yếu, neo đơn, thương binh, gia đình liệt sĩ, hợp tác xã phải khéo tìm cách chia công việc cho họ để họ cùng làm được, đồng thời phải chú ý giúp đỡ họ.

Một điều nữa là ở đây ban quản trị làm việc tương đối khá. Bác nhắc thêm: ở đâu quản trị khá thì hợp tác xã tiến, quản trị kém thì hợp tác xã yếu. Ban quản trị là những người do xã viên lựa chọn và bầu cử ra. Mọi công việc của hợp tác xã trước khi làm, ban quản trị phải đem ra bàn bạc với xã viên, hỏi ý kiến xã viên. Ban quản trị phải công bằng, không được thiên vị. Dân là chủ, xã viên là chủ. Ban quản trị làm việc để phục vụ ông chủ, bà chủ chứ không phải ngồi chỉ tay nǎm ngón, buộc người khác phải làm cái này cái kia. Lao động sản xuất ra ai cũng muốn biết người ta sản xuất được bao nhiêu, những thứ sản xuất ra đã đem làm gì. Về vấn đề tài chính, tài chính phải công khai, thu và chi phải báo cáo cho xã viên biết. Ban quản trị phải minh bạch. Có 1 vạn đồng mà tiêu hết 500 hay 5.000 đồng… tất cả xã viên đều biết còn lại mấy, thì ai cũng thoải mái. Nếu thu nhập và chi tiêu không công khai, sổ sách lại lèo nhèo, xã viên sẽ nghi ngờ ông quản trị “chấm mút” vô đó rồi. Do đó mà mất đoàn kết nội bộ. Không có đoàn kết, hợp tác xã không thể tiến bộ lên được.

- Hợp tác xã ở đây, số đảng viên, đoàn viên khá đông. Phải nhớ rằng: Đảng ta không phải Đảng làm quan. Đảng là ai? Tất cả các đảng viên, các chi bộ họp lại thành Đảng. Còn đoàn viên là cánh tay của Đảng, là sức xung phong của Đảng. Tất cả đảng viên, đoàn viên phải gương mẫu trong công tác, trong sản xuất, trong học tập. Chi bộ phải tǎng cường hơn nữa việc đoàn kết nông thôn, làm cho toàn thể xã viên, toàn thể nông dân phấn khởi, hǎng hái tǎng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, phát triển và củng cố hợp tác xã. Phải phát huy tác dụng của phụ nữ. Chi đoàn thanh niên lao động cần giúp chi bộ thi hành các chính sách của Đảng và Nhà nước.

Hôm nay, Bác chỉ về thǎm ở đây, không đi thǎm các hợp tác xã khác trong huyện, trong tỉnh được, là vì không có thì giờ. Các xã khác, các hợp tác xã khác cần thông cảm. Còn hợp tác xã ở đây cũng chớ thấy Bác về thǎm mà tưởng mình là nhất rồi, không đâu bằng nữa, rồi tự kiêu, tự mãn, cho rằng không cần học tập ai nữa. Không phải đâu. Phải học kinh nghiệm xã tiên tiến, hợp tác xã tiên tiến, xã viên tiên tiến. Làm hợp tác xã là chúng ta tập trung lực lượng tiến công vào nghèo nàn và lạc hậu, là đoàn kết chặt chẽ, sản xuất tốt, thu nhập cao, vệ sinh tốt, là học hành chǎm, đời sống lên không ngừng. Phải học các xã viên tiên tiến. Tiên tiến tức là giỏi đấy, phải giúp đỡ họ.

Ở đây có hơn 300 đảng viên, đoàn viên. Như thế là lực lượng của Đảng, lực lượng của Đoàn có hơn 300 người. Thế mà chỉ mới xuất hiện có 5 đồng chí xuất sắc nhất. Đảng viên, đoàn viên phải làm sao theo kịp với các đồng chí tiên tiến này. Ví dụ:

- Cô Nguyễn Thị Túy đã làm được 397 công, 207 tạ phân, 136 mét khối thủy lợi.

- Cô Nguyễn Thị Nhụy đã làm được 404 công, 190 tạ phân, 128 mét khối thủy lợi.

- Chú Phan Trọng Kinh, làm được 389 công, 277 tạ phân, 135 mét khối thủy lợi.

- Chú Nguyễn Tá đã làm được 444 công, 260 tạ phân, 180 mét khối thủy lợi.

- Cô Nguyễn Thị Đường mặc dù có 2 con mọn vẫn phấn đấu được 272 công, 134 tạ phân, 112 mét khối thuỷ lợi.

Tuy có con dại mà cô Đường vẫn phấn đấu trở thành lao động tiên tiến. Vậy thì chớ có thói cái gì cũng đổ tội cho các cháu bé. Dễ đổ lắm, vì chúng không cãi. Vì sao những người ấy làm được? Họ không phải thần thánh gì đâu. Họ cũng là những người xã viên như tất cả thôi. Họ làm được, mình không làm được, có xấu hổ không?

Các cô, các chú thanh niên và bà con xã viên ít ra cũng làm bằng nửa chú Tá. Bác không yêu cầu nhiều hơn đâu, một nửa thôi, nghĩa là 222 công, 130 tạ phân, 90 mét khối thủy lợi. Làm một nửa cho được đi rồi sau tiến lên nữa.

Bác hỏi: Thành tích của các cô, các chú trên có đúng sự thật không? Bác không hỏi chú, Bác hỏi nhân dân kia. Có đúng sự thật không? Bác đề nghị thưởng huy hiệu cho 5 người này, đồng bào có tán thành không? Vậy các cô Túy, Nhụy, Đường, các chú Tá, Kinh lên đây.

- Ai muốn Bác thưởng nữa nào? Tất cả đều muốn Bác thưởng à? Tốt lắm, Bác sẵn sàng thưởng cho tất cả. Nhưng cần có “giao kèo”. Bác cũng dè dặt thôi. Nhắc lại hôm nay các cô, các chú và bà con xã viên đã “giao kèo” với Bác sẽ làm bằng nửa những người vừa được tặng huy hiệu. Được như vậy, Bác sẽ thưởng tất cả.

Bác cảm ơn các cụ, các cô, các chú và toàn thể đồng bào đã đón tiếp Bác và phái đoàn. Thế là mất nửa ngày sản xuất, kể cả việc dọn dẹp, sắm sanh này khác. Cũng mới dọn, mới sắm đấy thôi. Bây giờ chúc bà con về lao động bù lại.

Nói ngày 10-12-1961.

Sách Bác Hồ với quê hương Nghệ Tĩnh, Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh, 1977, tr.119-12695

96. Bài nói chuyện với đồng bào và cán bộ tỉnh Thanh Hóa

Thưa đồng bào,

Thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, chúng tôi về thăm đồng bào, bộ đội và cán bộ, các anh hùng và chiến sĩ thi đua, các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng.

Từ năm kia tôi về thăm, đến ngày nay, trong thời gian đó, tỉnh ta đã có nhiều biến đổi tốt: Ở nông thôn, các hợp tác xã có nhiều cố gắng trong việc mở mang diện tích trồng cây lương thực, trong việc đóng thuế và bán thóc thừa cho Nhà nước, v.v..

Có những nơi tiến bộ nhiều như huyện Yên Định đã làm khá tốt việc mở  mang thủy lợi, cải tiến kỹ thuật, mở rộng diện tích trồng cây công nghiệp... Ở  miền xuôi cũng như miền ngược, vùng ruộng cũng như vùng biển, các hợp tác  xã có nhiều gương mẫu tốt, ví dụ: các hợp tác xã Yên Trường, Kim Ngọc, Liên Hải, v.v.. Phong trào bổ túc văn hóa cũng có nhiều nơi khá như: Hoàng Hóa, Như Xuân...

Nhà máy, công trường, nông trường đều có nhiều tiến bộ trong phong  trào  thi  đua  hợp  lý  hóa  sản  xuất,  cải  tiến  kỹ  thuật, như: Nhà máy Nam Phát, Nông trường Sao Vàng, Phúc Do, v.v..

Nghề cá cũng có tiến bộ, do cải tiến thuyền lưới mà thu hoạch được tăng.

Thủ công nghiệp cũng khá tiến bộ.

Ở miền núi, hợp tác hóa khá nhanh và khá tốt. Nông nghiệp đã bắt đầu phát triển toàn diện. Đời sống của nhân dân đã được cải thiện dần dần. Bình dân học vụ và giáo dục phổ thông đều phát triển khá nhanh.

Ở các cơ quan, việc học bổ túc văn hóa làm được tốt. Cán bộ và nhân viên đã tham gia lao động sản xuất và đi giúp các hợp tác xã trong ngày mùa. Nói chung cán bộ và nhân viên đều hăng hái và tận tụy.

Bên những ưu điểm đó, đồng bào và cán bộ ta cần phải ra sức khắc phục những khuyết điểm còn lại để tiến bộ hơn nữa.

… Xây dựng chủ nghĩa xã hội tức là xây dựng đời sống no ấm và hạnh phúc cho nhân dân.

Muốn ăn quả thì phải trồng cây. Muốn có quả ngon thì phải ra sức săn sóc cho cây tốt. Muốn xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội thì nhân dân ta phải nâng cao tinh thần làm chủ. Mọi người phải làm tròn nhiệm vụ của người chủ: cần kiệm xây dựng nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có con người thấm nhuần đạo đức xã hội chủ nghĩa.

Nhân đây Bác muốn nói tóm tắt về thanh niên và phụ nữ:

Ai cũng nhận rằng thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà và Đoàn Thanh niên Lao động là cánh tay đắc lực của Đảng.

Thanh niên tỉnh ta đã làm nhiệm vụ xung phong trong công việc phát triển văn hóa, tăng gia sản xuất, v.v.. Nhưng Bác muốn đặt câu hỏi sau đây: Bắc Cạn là một tỉnh miền núi, chỉ có 85.000 dân, hầu hết là đồng bào thiểu số. Thế mà Bắc Cạn đã có hơn 200 “gái Đại Phong” và “trai Đại Phong”. Tỉnh ta có hơn 10 vạn thanh niên. Thế mà hiện nay chỉ có 128 “gái và trai Đại Phong”. Các đồng chí thanh niên ta nghĩ thế nào?

Trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, phụ nữ ta đóng góp một phần rất to. Tỉnh ta có hơn 82 vạn phụ nữ, đó là một lực lượng rất lớn. Nhưng địa vị phụ nữ chưa được xem trọng đúng mức. Ví dụ:

- Trong 3.761 hợp tác xã nông nghiệp chỉ có 7 chủ nhiệm là phụ nữ.

- Hội đồng nhân dân các huyện có 734 ủy viên trai mà chỉ có 202 ủy viên gái.

- Tỉnh ta có hơn 46.000 đảng viên trai mà chỉ có hơn 5.700 đảng viên gái.

- Mọi công việc đồng áng nặng nhọc đều do phụ nữ làm, còn đàn ông thì ít lao động.

Ngoài ra, những tệ lậu như gả chồng quá sớm, cưỡng ép duyên con cũng vẫn còn.

Đồng bào ta cần phải đấu tranh để xóa bỏ cái thói “trọng nam khinh nữ” ấy.

… Tỉnh ta là một tỉnh lớn nhất ở miền Bắc, đất rộng, người nhiều, nhân dân có truyền thống anh dũng đấu tranh và cần cù lao động. Thanh Hóa có miền  núi, trung du, đồng bằng và miền biển; như vậy, các vùng có điều kiện giúp đỡ lẫn nhau phát triển kinh tế về mọi mặt làm cho tỉnh ta thêm giàu, đời sống của nhân dân mau được cải thiện. Tỉnh ta có ngót 12 vạn đảng viên và đoàn viên thanh niên lao động, đó là một lực lượng rất lớn.Cán bộ, đảng viên và đoàn viên cần phải thật sự xung phong gương mẫu tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm,  chống quan liêu, mệnh lệnh, chống lãng phí, tham ô... Ra sức phát triển và củng cố tốt Đảng và Đoàn, đoàn kết toàn dân. Làm được như thế thì Thanh Hóa chắc sẽ trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc. Làm được như thế tức là tỉnh ta góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền  Bắc, làm nền tảng vững chắc cho công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.

Bác thay mặt Trung ương hỏi thăm đồng bào và bộ đội, cán bộ các nơi.

Chúc đồng bào cố gắng và tiến bộ nhiều.

Nói ngày 11-12-1961.

Tài liệu đánh máy có bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lưu tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng96.

97. Ngày 27 tháng 4 năm 1962

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Trường mẫu giáo Sao Sáng ở số 5 Nguyễn Thượng Hiền (Hà Nội).

Người nhắc nhở các cô giáo: “Công tác mẫu giáo còn mới mẻ và nhiều khó khăn... Sau này lớn lên, các cháu trở thành người như thế nào đều có công của các cô mẫu giáo dạy cháu đầu tiên”97.

Thu Hiền (tổng hợp)

--------------

93, 94, 95, 96. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 13, tr. 207-210; tr.257-262; tr.279-284; tr. 289-295.
97. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, sđd, tập 8, tr.176.

Bài viết khác: