Chỉ mục bài viết

 58. Nói chuyện tại Đại hội liên hoan chiến sĩ thi đua công nghiệp toàn quốc 1956

Trước hết, Bác thay mặt Chính phủ và Trung ương Đảng, chúc các cô, các chú thành công tốt đẹp.

Trong cuộc hội nghị này có các chiến sĩ lao động chân tay và lao động trí óc, tình đoàn kết đó rất tốt. Hội nghị lại có cả chiến sĩ Trung Quốc, như đồng chí Tiêu Tương Dinh trong đoàn cán bộ và công nhân Trung Quốc sang giúp ta, tinh thần quốc tế cao cả ấy chúng ta cần học hỏi. Lại có cả chiến sĩ Hoa Kiều như  đồng chí Diệp Sinh Lầm năm năm nay, năm nào cũng được bầu là Chiến sĩ thi đua, tinh thần thi đua bền bỉ ấy các cô, các chú cần phải học tập. Hội nghị này còn có cả các chiến sĩ miền Nam như đồng chí Phan Bích Hai C.102, đây là Nam Bắc một nhà, dù Mỹ - Diệm muốn chia cắt, nhưng nhất định thống nhất. Lại có chiến sĩ tuổi già như đồng chí Lê Văn Hiên 66 tuổi, các cô, các chú thanh niên cần học.

Nam chiến sĩ nhiều, nhưng nữ chiến sĩ ít, chúng ta phải khuyến khích các chị em có thành tích như cô Dâu Thị Nhàn.

Nói chung, trong cuộc thi đua, chẳng những chúng ta có lao động chân tay  và trí óc Việt Nam, mà có các quốc tế giúp ta thi đua, vậy phải cố gắng.

… Chiến sĩ phụ nữ còn ít, phụ nữ chiếm nửa số dân tộc mà cái gì cũng  hiếm. Ta phải giúp đỡ. Nhưng không phải phụ nữ cứ ngồi khoanh tay ngồi chờ giúp đỡ, mà phải cố gắng…

Nói tối 24-3-1956.

Tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh58.  

59. Thư gửi cụ bà Nguyễn Thị Xuyên, xã Nghi Tân, huyện Nghi Lộc, Nghệ An

Thưa Cụ,

Tôi rất vui mừng được tin rằng Cụ năm nay thọ 100 tuổi và sau cải cách ruộng đất, Cụ đã được chia ruộng, chia nhà.

Tôi rất cảm động biết rằng: Dù tuổi cao sức yếu, Cụ vẫn hăng hái xung phong đi học, để làm gương mẫu cho con cháu noi theo.

Tôi mong rằng đồng bào tỉnh ta đều noi gương ham học của bà cụ, đều hăng hái tham gia bình dân học vụ, để sớm thanh toán nạn mù chữ trong cả tỉnh.

Tôi kính tặng Cụ một chiếc áo do chị em phụ nữ đã biếu tôi và một chiếc huy hiệu làm kỷ niệm.

Kính chúc Cụ mạnh khỏe và sống lâu.

Tháng 4 năm 1956

Hồ Chí Minh

Tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh59.

60. Nói chuyện tại Đại hội chiến sĩ thi đua ngành Thương nghiệp lần thứ nhất

Đại hội này gồm có chiến sĩ miền Nam, miền Bắc, có bộ đội chuyển ngành, có cán bộ dân tộc thiểu số, có Hoa kiều, có cán bộ trong Đảng, ngoài Đảng, thuộc tất cả các ngành trong Bộ, như thế là rất tốt. Đó là tượng trưng cho khối đoàn kết.

Trong số chiến sĩ gần một nửa là cán bộ miền Nam tập kết, điều đó chứng tỏ anh em miền Nam rất cố gắng công tác để củng cố miền Bắc vững mạnh làm cơ sở đấu tranh thống nhất nước nhà; như vậy là rất đáng khen. Nhưng chỉ có 11 phụ nữ thì ít quá. Cán bộ phụ nữ cần cố gắng hơn nữa; đoàn thể phụ nữ, cơ  quan phụ trách cần chú ý dìu dắt, giúp đỡ hơn nữa để nhiều chịem có thể thay cho nam giới trong công việc buôn bán.

Nói chung, các chiến sĩ và lao động xuất sắc đã có tinh thần chịu khó, chịu khổ, khắc phục khó khăn để phục vụ nhân dân…

Tạp chí Sinh hoạt thương nghiệp, số đặc biệt, năm 1956, tr.15-1660.

61. Bài nói chuyện tại Lớp đào tạo hướng dẫn viên các trại hè cấp I

… Trên 350 học viên mà chỉ có 20 phụ nữ thì ít quá. Giáo dục phải cố gắng để phụ nữ nhiều hơn nữa. Trừ cải cách ruộngđất cán bộ  phụ  nữ  được  đào  tạo  nhiều, trong giáo dục, y tế, các ngành khác, số phụ nữ đều thấp. Nam nữ như thế đã bình đẳng chưa? Các cô phải cố gắng…

Nói ngày 12-6-1956.

In trong sách Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1956, t.III, tr.278-28061

62. Huấn thị tại Đại hội sơ kết công tác bình dân học vụ 6 tháng đầu năm 1956

Thay mặt Đảng và Chính phủ, Bác hỏi thăm sức khoẻ các cán bộ, chiến  sĩ bình dân học vụ và khen ngợi những thành tích mà bình dân học vụ đã đạt  được  trong 6 tháng đầu năm. Trong 6 tháng qua đã có 2 triệu 10 vạn người đi học. Đó là một thành tích to lớn.

... Hồi đó bị địch cấm đoán và hay bị chúng lùng bắt nhưng đồng bào rất ham học, trẻ con, phụ nữ ham học hơn nam giới. Ngày nay Bác đi thăm lớp cũng thấy trẻ em và phụ nữ nhiều hơn, có nhiều nam giới chưa chịu đi học. Lúc đó  không có lớp, có trường, đồng bào đi cuốc cỏ, hái rau, hẹn với nhau một chỗ  rồi lại đó dạy cho nhau. Trẻ con đi chăn trâu chụm nhau lại một chỗ, em dạy, em học, cán bộ ra đồng công tác thường bị đồng bào chặn lại, đọc bài cho cán bộ nghe, đọc sai thì cán bộ sửa, đọc đúng thì lại phải dạy thêm bài mới. Công nhân, nông dân bận làm ăn, nếu dạy không hợp với người học, với làm ăn, bắt phải đến lớp có bàn có ghế là không ăn thua. Phải tùy hoàn cảnh làm ăn mà tổ chức học mới duy trì được lâu dài, mới có kết quả tốt. Đồng bào còn nghèo khổ, không mua được bút giấy để học, vì vậy mỗi người chỉ đóng một cuốn vở con đút túi, tập đọc tập viết bất cứ chỗ nào, than, đất, lá chuối là bút là giấy. Cán bộ bí mật cứ hạn cho ba tháng phải dạy một người biết đọc biết viết. Lúc đó chưa có Chính phủ giúp, chưa có Bộ, có Nha, chỉ thế thôi mà cũng làm được. Người biết dạy người không biết như vết dầu loang…

Công tác bình dân học vụ cũng là dạy học nhưng không có trường lớp, đèn, sách như trường phổ thông. Nó là một phong trào rộng rãi, phức tạp mà lại phải tự lực cánh sinh. Trường phổ thông có lớp 1, 2, 3, 4, còn bình dân học vụ trẻ có, già có, có người biết ít nhiều, người  chưa  biết, có người học nhanh, có  người học chậm, nên phải gian khổ, phải chịu khó. Sợ khó nhọc làm bình dân học vụ không được. Có khi có những phụ nữ đông con, ta phải đến tận nhà dạy,  có người lớn tuổi không muốn đi học phải kiên nhẫn thuyết phục để họ chịu  khó học, có khi phải đến nhà dạy. Muốn thanh toán nạn mù chữ cho nhân dân, phải chịu khó; quan liêu, mệnh lệnh là không được.

… Trước đây con em công nông nghèo, không được học, chỉ có một số ít được đi học, đại đa số con nhà khá giả, có ăn mới đi học được, ở nông thôn thì con cái địa chủ, con cái phú nông được đi học. Có cán bộ đặt câu hỏi có để cho  con em phú nông, địa chủ dạy bình dân học vụ được không. Trả lời không cũng không đúng, trả lời có cũng không đúng. Cứ thanh niên trai gái tốt thì cho dạy, xấu thì không cho dạy…

… Đồng bào ta rất ham học, chúng ta đã có kinh nghiệm. Nếu cán bộ cố gắng, trau dồi kinh nghiệm, trao đổi ý kiến, bàn bạc với nhau nhất định làm được.

Nói ngày 16-7-1956.

In trong sách Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1956, t.III, tr.294-29862.

63. Thư gửi cháu Tòng Thị Phấn (Nhờ ủy ban hành chính châu Tuần Giáo, Khu tự trị Thái - Mèo chuyển)

Thân ái gửi cháu Tòng Thị Phấn,

Bác rất vui lòng được báo cáo rằng đồng bào Tuần Giáo rất hăng hái tham gia bình dân học vụ và cháu đã chăm học, chỉ trong 23 ngày đã biết chữ. Như vậy là rất tốt.

Bác gửi thưởng cháu một chiếc huy hiệu, để khuyên cháu cố gắng học thêm và ra sức tăng gia sản xuất.

Bác mong đồng bào Tuần Giáo - trước hết là các cháu thanh niên - đều  hăng hái thi đua học tập, tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, làm cho cả châu biết đọc biết viết, đủ mặc đủ ăn.

Bác hôn cháu.

Ngày 11 tháng 3 năm 1957

Hồ Chí Minh

Tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh63.

64. Nói chuyện với cán bộ, công nhân nhà máy Dệt Nam Định

Trước hết Bác thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ đến thăm anh chị em.

Hôm nay Bác nói chuyện đặc biệt với anh chị em công nhân Nhà máy dệt Nam Định, nhưng tất cả anh chị em công nhân, cán bộ các ngành và đồng bào lao động nghe cũng có ích.

Bác nói chuyện, có tốt thì Bác khen, có khuyết điểm thì phê bình và phê bình đến nơi đến chốn để anh chị em sửa chữa.

Trước khi thành phố được giải phóng, anh chị em đã cố gắng đấu tranh giữ máy móc, không cho địch phá và tháo mang đi. Đấy là một điểm tốt đáng khen. Từ ngày ta tiếp quản, anh chị em đã cố gắng bảo đảm mức sản xuất. Đó là điểm thứ hai đáng khen. Điểm thứ ba: Trong lúc sản xuất, cán bộ, công nhân cũ lành nghề  đã cố gắng sản xuất và tích cực giúp đỡ công nhân mới để mở rộng sản xuất. Đấy cũng là điều đáng khen.

Chế độ thực dân phong kiến nó coi khinh phụ nữ. Từ ngày ta tiếp quản, phụ nữ đã được chú ý cất nhắc. Trong các ban quản đốc, đã có 2 phụ  nữ. Đó là  tốt, nhưng còn ít, chưa đủ. Phải cất nhắc nhiều hơn nữa. Ở các nước bạn ta như  Liên Xô, Trung Quốc thường thường giám đốc là phụ nữ vì nhà máy dệt thuộcvề công nghệ nhẹ. Bây giờ phụ nữ ta có dám làm như thế không? Cố học thêm thì  làm được, nhưng giao cho các cô ngay, chắc chưa làm được đâu. Nay nước ta đã được độc lập, nam nữ được bình quyền, việc lớn, việc nhỏ đều cần cất nhắc  phụ  nữ, nên phụ nữ phải cố gắng. Khi tiến bộ thì làm được, thế thì cố mà làm.

Trong nhà máy, công tác chính trị, văn hóa, vệ sinh, mỹ thuật phần đông có tiến bộ, nhưng chưa đủ, cần cố gắng nữa. Thí dụ: Khi Bác vào thăm nhà máy  thấy bụi bông bay nhiều. Công nhân hít phải nhiều bụi, như thế không hợp vệ sinh. Bác có hỏi: Sao không làm vải che mồm? Đồng chí phó giám đốc trả lời: Đã làm, nhưng chị em phụ nữ không thích đeo vì sợ mất duyên dáng và không ăn trầu được. Như thế là không đúng, không giữ được vệ sinh, sẽ mắc bệnh, phải đi bệnh viện, tốn thuốc lại bỏ sản xuất.

Điều đáng được khen nữa là Bác được nghe báo cáo cả năm ngoái nhà  máy bầu được 94 chiến sĩ. Năm nay, mấy tháng đầu năm đã bầu được 1.334 lao động xuất sắc. Như thế là tốt nhưng chưa đủ, vì một vạn công nhân mà mới có hơn nghìn lao động xuất sắc, còn ít quá. Các cô, các chú phải cố gắng nữa cho đại đa số công nhân là xuất sắc thì nhà máy mới là nhà máy tiến bộ, nhà máy xuất sắc. Các cô, các chú có cố gắng không? Lần sau có tiến bộ Bác sẽ về thăm, không tiến bộ Bác không về thăm.

Tóm lại, nhà máy đã cố gắng: Giữ được máy móc, bảo đảm sản xuất, có nhiều chiến sĩ thi đua và lao động xuất sắc, công tác văn hoá xã hội cũng khá. Đó là những điểm đáng khen.

… Bác kể hai câu chuyện:

1. Ở Liên Xô khi bắt đầu khôi phục kinh tế, chưa có ai giúp. ở nhà máy, công nhân vừa làm vừa học. Có một nữ công nhân thấy làm thế này thì hại sức khoẻ, vừa chậm vừa sản xuất được ít, phải làm sao Tổ quốc giàu mạnh, nước nhà tiến lên được chủ nghĩa xã hội, đời sống công nhân được cải thiện. Sau ít tháng, chị đề nghị tổ chức sắp xếp từ coi 2 máy đến 4 máy lên 6 máy, sau coi cả vòng máy và lúc đó chị được bầu là anh hùng. Tên chị là Vinôtơracôva. Kinh nghiệm này được phổ biến khắp nhà máy dệt Liên Xô, làm cho sức sản xuất tăng hàng triệu thước trong tất cả mọi nhà máy Liên Xô.

2. Ở Trung Quốc có nữ công nhân 18 tuổi cũng học kinh nghiệm nước bạn, áp dụng cho hợp hoàn cảnh mình, hôm sau mức tăng lên. Kinh nghiệm được truyền khắp các nhà máy, số vải tăng hàng triệu thước. Tên chị là Hách Kiến Tú.

Các nước bạn như Liên Xô có  inôtơracôva, Trung Quốc có Hách Kiến Tú, phụ nữ ta có làm được không? Ta có Liên Xô, Trung Quốc giúp đỡ. Nước bạn làm được, ta cũng làm được. Phải cố gắng cho nước ta có nhiều Vinôtơracôva và Hách Kiến Tú.

Đối với cán bộ:

Đây không nói riêng gì giám đốc, mà nói chung cán bộ đều tích cực, cố gắng, nhưng cũng có khuyết điểm.

- Một là không gần gũi anh chị em công nhân. Thế là quan liêu.

- Thấy nhà máy có thành tích thì chủ quan, tự mãn, không nhận rõ thành tích là của chung, cán bộ có góp một phần, nhưng công nhân nhiều hơn.

- Anh chị em công nhân phê bình góp ý kiến, cán bộ tiếp thu khó khăn, miễn cưỡng.

- Trong cán bộ phê bình và tự phê bình cũng kém. Cán bộ với công nhân, công nhân với công nhân, phê bình, tự phê bình cũng kém.

Đảng Lao động Việt Nam sở dĩ trưởng thành là nhờ có sự phê bình  và  tự  phê  bình.  Phê  bình  và  tự  phê  bình  là  một  cách  giúp nhau tiến bộ. Không  phê bình và tự phê bình là không tiến bộ, không dân chủ.

- Có cất nhắc cán bộ phụ nữ nhưng chưa mạnh dạn, tức là còn phần nào chưa coi trọng trí tuệ, tài năng phụ nữ. Vậy phụ nữ phải làm  sao  cho  người  ta  thấy  phụ  nữ  giỏi,  lúc  đó  cán  bộ  không  cất nhắc, anh chị em công nhân sẽ cử mình lên…

Nói ngày 24-4-1957.

In trong sách Nam Hà làm theo lời Bác, Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Nam Hà, 1976, tr. 36-4964.

Thu Hiền (tổng hợp)

--------------

58, 59, 60, 61, 62, 63, 64. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, tr.292-297, tr.321, tr.333, tr. 344, tr.367-371, tr.520, tr.532-539.

Bài viết khác: