78. Ngày 28 tháng 10 năm 1960
Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 32-LCT tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì và Huân chương Kháng chiến hạng Ba cho các gia đình có đông con tòng quân:
- Bà Nguyễn Thị Khối ở Thường Tín, Hà Đông: Huân chương Kháng chiến hạng Nhì.
- Bà Nguyễn Thị Bốn ở Từ Sơn, Bắc Ninh: Huân chương Kháng chiến hạng Ba.
- Bà Phạm Thị Bình ở Trấn Yên, Bắc Thái: Huân chương Kháng chiến hạng Ba.
- Bà Trần Thị Khăm ở Liên Nam, Hà Đông: Huân chương Kháng chiến hạng Ba.78
79. Một lòng một dạ phục vụ nhân dân
(Trả lời các em Lan, Hoa..., nhân viên cửa hàng quốc doanh)
... Chế độ ta là chế độ dân chủ. Tức là nhân dân làm chủ. Tức là cán bộ và nhân viên từ cấp trên đến cấp dưới đều là đầy tớ của nhân dân, đều phải một lòng một dạ phục vụ nhân dân. Các cô cũng vậy.
Là nhân viên cửa hàng quốc doanh (hàng ăn uống, hàng bách hóa, v.v.), hàng ngày hàng giờ các cô mua bán, trao đổi, tiếp xúc với nhân dân để phục vụ nhân dân. Đối với khách hàng, các cô phải có thái độ khiêm tốn, lễ phép, thật thà; phải có tinh thần trách nhiệm đối với của công và đối với lợi ích của nhân dân.
Nói chung thì số đông nhân viên cửa hàng quốc doanh đều cố gắng làm đúng như vậy.
Nhưng vẫn còn một số ít nhân viên có thái độ giả dối, hách dịch, không tốt. Chúng ta cần phải vạch ra để giúp họ sửa chữa và tiến bộ. Vài thí dụ:
- Cửa hàng lương thực xã Phương Liệt (Hà Nội) bán gạo cho nhân dân mỗi yến thường thiếu 3, 4 lạng, có khi thiếu một cân! Gạo tốt thì cất riêng để bán cho người quen. Bà con của nhân viên cửa hàng đến mua thì toàn vào cửa sau, không phải xếp hàng.
- Đồng chí H. mua một cân đậu xanh ở Cửa hàng mậu dịch Vinh, khi cân lại chỉ được hơn 8 lạng. Đồng chí H. hỏi, thì nhân viên cửa hàng bảo: “Từ trước đến nay vẫn dùng cân này, mà chưa hề có ai kêu sai” (???). Có một nhân viên lại nói: “Không bằng lòng mua thì trả lại...” (!!!).
Các em thử nghĩ xem, phải chăng đó là tham ô, gian lận? Phải chăng đó là thái độ phục vụ nhân dân?
Đảng và Chính phủ dạy chúng ta phải kính trọng nhân dân, phải một lòng một dạ phục vụ nhân dân. Không thể tha thứ những thái độ khinh miệt nhân dân, những việc làm dối trá với nhân dân như vậy.
Các đồng chí cán bộ phụ trách các cửa hàng quốc doanh cần phải nghiêm khắc kiểm thảo và quyết tâm sửa chữa những khuyết điểm đó. Mọi người phải thật sự một lòng một dạ phục vụ nhân dân.
T.L.
Báo Nhân dân, số 2496, ngày 18-1-196179.
80. Ngày 31 tháng 01 năm 1961
Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 2-LCT tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Nhì và hạng Ba cho 2 bà mẹ có đông con tòng quân là:
- Bà Nguyễn Thị Lan ở 66 Hai Bà Trưng, Hà Nội, có chồng và 3 con tòng quân (3 người con là liệt sỹ): Huân chương Kháng chiến hạng Nhì.
- Bà Hoàng Thị Tày ở xã Long Đống, Bắc Sơn, Lạng Sơn, có 5 con tòng quân : Huân chương Kháng chiến hạng Ba.80
80. Bài nói chuyện tại Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ III (22) (9-3-1961)
Thưa các đồng chí đại biểu,
Nhân dịp Tết của phụ nữ quốc tế và Đại hội lần thứ III của phụ nữ Việt Nam, tôi thân ái gửi đến các đoàn đại biểu bạn, các đại biểu của Đại hội, phụ nữ cả nước ta, đặc biệt là phụ nữ miền Nam anh dũng, phụ nữ trong đại gia đình xã hội chủ nghĩa, phụ nữ dân chủ và tiến bộ thế giới những lời chúc mừng nhiệt liệt và những cái hôn anh em.
Thưa các đồng chí đại biểu,
Ở Đại hội này, báo cáo của đồng chí Thủ tướng và báo cáo của Ban Chấp hành Hội liên hiệp phụ nữ đã nói đầy đủ về những thành tích vẻ vang của phụ nữ ta trong thời kỳ cách mạng và trong kháng chiến, đã nêu rõ những nhiệm vụ của phụ nữ ta hiện nay trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh để thực hiện hoà bình thống nhất nước nhà. Vậy tôi chỉ tóm tắt nêu thêm vài ý kiến để Đại hội bàn bạc.
1. Vấn đề đoàn kết - Phụ nữ ta cần phải đoàn kết chặt chẽ chị em các dân tộc, lao động chân tay và lao động trí óc, phụ nữ miền Bắc và miền Nam. Cần đoàn kết với phụ nữ các nước phe ta và phụ nữ tiến bộ thế giới, để đấu tranh cho mục đích chung là hoà bình thế giới và chủ nghĩa xã hội.
2. Trách nhiệm làm chủ - Mỗi một người và tất cả phụ nữ phải hăng hái nhận lấy trách nhiệm của người làm chủ đất nước, tức là phải ra sức thi đua tǎng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để xây dựng nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Muốn làm trọn nhiệm vụ vẻ vang đó, phụ nữ ta phải xóa bỏ cái tâm lý tự ti và ỷ lại, phải có ý chí tự cường, tự lập; phải nâng cao lên mãi trình độ chính trị, văn hóa, kỹ thuật.
Chị em phụ nữ Liên Xô, Trung Quốc và các nước phe ta đều làm như vậy. Xin nêu vài ví dụ: ở Liên Xô, phụ nữ chiếm 49% số người có trình độ văn hóa cao và 53% số người có trình độ văn hóa trung cấp. Họ đã chiếm 45% trong tổng số hội viên Tổng công hội, đóng góp một phần quan trọng trong các ngành, các nghề. Trong công nghiệp nhẹ, trong ngành giáo dục và y tế thì phụ nữ chiếm số đông hơn đàn ông.
Vài ví dụ về cá nhân: đồng chí Naxriđinôva mồ côi cha mẹ từ lúc còn bé. Do quyết tâm cố gắng của mình cộng với sự giáo dục của Đảng, đồng chí ấy đã tốt nghiệp khoa pháp luật và công trình sư, đã vào Viện hàn lâm khoa học và đã được bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa Xôviết Udơbêkixtan.
Đồng chí Gaganôva là một cô thợ dệt bình thường, do thấm nhuần đạo đức cộng sản mà đã tự động hy sinh lương bổng cao của mình để giúp chị em những tổ lạc hậu thành những tổ tiên tiến. Tinh thần và hành động tốt đẹp của Gaganôva đã góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua “Lao động cộng sản chủ nghĩa”.
Đó là những gương tốt cho phụ nữ ta học tập. Phụ nữ ta sẵn có truyền thống cần cù và anh dũng, quyết tâm học thì nhất định học thành công.
3. Vấn đề chǎm nom các cháu bé - Muốn cho người mẹ sản xuất tốt thì cần tổ chức tốt những nơi gửi trẻ và những lớp mẫu giáo. Hiện nay có một số cơ quan, xí nghiệp và địa phương đã làm được khá tốt. Hội phụ nữ cần phải phổ biến những kinh nghiệm đó và giúp đỡ chị em các nơi khác tổ chức cho tốt.
Chúng ta phải hết sức quan tâm đến thế hệ cộng sản mai sau của chúng ta. Ngoài ra, nên cố gắng tổ chức những nhà ăn công cộng cho tốt để giải phóng phụ nữ ra khỏi bếp núc.
4. Về Luật hôn nhân và gia đình - Hiện nay vẫn còn nhiều người và nhiều nơi làm trái luật ấy. Vài ví dụ:
- Nhiều người còn ngược đãi vợ và ép uổng duyên con.
- Những phần tử xấu lợi dụng tôn giáo để phá hoại quyền hôn nhân tự do.
Gặp những vụ phá hoại pháp luật như vậy, chính quyền, chi bộ và Đoàn thanh niên đã đối phó thế nào? Trước hết là đoàn thể phụ nữ đã đối phó thế nào?
Từ nay, đối với nhân dân, chúng ta cần phải tuyên truyền rộng khắp và bền bỉ giáo dục; đồng thời đối với những kẻ phạm pháp thì phải thi hành kỷ luật một cách nghiêm khắc.
5. Về cán bộ lãnh đạo - Cán bộ đã cố gắng còn phải cố gắng hơn nữa, đoàn kết nội bộ chặt chẽ hơn nữa, chịu khó học tập hơn nữa, đi sâu đi sát hơn nữa trong các ngành sản xuất, thông cảm sâu sắc hơn nữa với quần chúng và ra sức giúp đỡ chị em giải quyết những thắc mắc, những khó khǎn, phải làm gương mẫu.
Anh em cán bộ các cấp, các ngành thì cần hết lòng giúp đỡ chị em tiến bộ về mọi mặt.
Các đồng chí làm được như vậy, thì phong trào phụ nữ nhất định không ngừng lên cao.
Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã nêu rõ chính sách nam nữ bình đẳng. Hiến pháp ta đã xác định chính sách đó. Trong mọi việc, Đảng và Chính phủ ta luôn luôn quan tâm giúp đỡ phụ nữ. Vậy chị em phụ nữ ta phải nhận rõ địa vị làm người chủ và nhiệm vụ người làm chủ nước nhà; phải có quyết tâm mới, đạo đức mới, tác phong mới để làm trọn nghĩa vụ mới của mình là góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, trước mắt là thi đua hoàn thành tốt kế hoạch năm nay, để làm đà tốt cho cả kế hoạch 5 nǎm, để xây dựng đời sống tươi vui hạnh phúc cho nhân dân ta, cho con cháu ta.
Mấy lời đề nghị nôm na,
Đại hội cố gắng ắt là thành công!
Nói ngày 9-3-1961.
Báo Nhân dân, số 2546, ngày 10-3-196181.
82. Ngày 10 tháng 3 năm 1961
Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 13-LCT tặng thưởng Huân chương Kháng chiến cho 84 cán bộ và viên chức phụ nữ công tác tại Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và tại các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội82.
83. Trước ngày 20 tháng 3 năm 1961
Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Huy hiệu của Người cho chị Nguyễn Thị Lỵ, công nhân xưởng cơ khí Nhà máy xi măng Hải Phòng, có thành tích phát huy được 8 sáng kiến cải tiến kỹ thuật83.
84. Nói chuyện tại đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh Tuyên Quang
Thưa các đồng chí thân mến,
Bác và các đồng chí Trung ương Chu Văn Tấn, Nguyễn Khai và đồng chí Phạm Ngọc Thạch, Bộ trưởng Bộ Y tế thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ lên thăm Tuyên Quang, nhân dịp Đại hội tỉnh, Bác đến thăm các cô, các chú và thay mặt Trung ương, Bác chào mừng Đại hội, chào mừng các đại biểu gia đình có công với cách mạng được mời về dự Đại hội.
Ngày mai có cuộc mít tinh của nhân dân, Bác sẽ nói nhiều, hôm nay thăm Đại hội, Bác chỉ nói mấy vấn đề trong Đảng.
Đảng bộ Tuyên Quang trong cách mạng, trong kháng chiến, trong hòa bình cải tạo và xây dựng đều có cố gắng và có thành tích, đó là ưu điểm. Thành tích và ưu điểm có nhiều như trong báo cáo chính trị của tỉnh đã nêu, nhưng khuyết điểm cũng không phải là ít. Bác thấy cần nói những khuyết điểm đó để các cô, các chú sửa chữa.
Vấn đề thứ nhất là, trong Đảng bộ Tuyên Quang phụ nữ còn ít quá, tổng số cán bộ, đảng viên phụ nữ có 6%. Ngay trong Đại hội này, trong số 116 đại biểu chỉ có 5 là phụ nữ, nam giới chiếm 111, thật không cân đối. Một vấn đề nữa trong toàn tỉnh, về cán bộ lãnh đạo có 280 người, phụ nữ chỉ chiếm 2 ở cấp tỉnh, ở cấp huyện cũng còn ít quá. Đó có thể là do nguyên nhân của hai mặt, một là bản thân chị em phụ nữ phấn đấu còn kém, mặt khác các đồng chí nam giới còn trọng nam khinh nữ. Đấy là một khuyết điểm, sau này một mặt các cô phải đấu tranh, còn cán bộ nam giới phải chú ý bồi dưỡng và cất nhắc cán bộ nữ. Theo Bác, phụ nữ ta là một lựclượng rất lớn, đã anh dũng trong kháng chiến cũng như trong cách mạng, không có phụ nữ, riêng nam giới không thể làm nổi công cuộc cách mạng, các đồng chí cần nhận rõ điều đó để sau này nên có cách mà sửa.
Tỉnh nhà có 12 dân tộc anh em, nhưng thành phần đại biểu trong Đại hội chỉ có 5 dân tộc. Như thế là chưa đúng. Chưa đúng là khuyết điểm sau này phải sửa.
Về lãnh đạo các đồng chí có cố gắng, có thành tích nhưng không toàn diện, được việc này nhẹ việc khác. Bác nêu một vài thí dụ: Lúa được chú ý, nhưng ngô, khoai, sắn, cây công nghiệp lại kém so với kế hoạch; chăn nuôi cũng kém. Công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa: Nông thôn có khá, 80% nông hộ đã vào hợp tác xã cấp thấp, về cải tạo thủ công nghiệp, tiểu thương cũng vậy, nhưng lãnh đạo tư tưởng còn kém, nhất là về mặt củng cố chi bộ, phát triển đảng viên. Khuyết điểm nữa là chưa phát huy được tác dụng của chính quyền, Trung ương thường nhắc là phải kinh qua chính quyền mà thực hiện chính sách của Đảng, nhưng các cấp ủy thường coi nhẹ vai trò chính quyền, việc gì cũng bí thư, cũng Đảng ôm đồm làm cả, làm cho chủ tịch ủy ban hành chính trở nên kém tác dụng. Như thế là không đúng, không đúng tức là khuyết điểm cần phải sửa chữa.
Bác nói thêm về phần cải tạo nông nghiệp, Tuyên Quang đã có 80% nông hộ vào hợp tác xã, như thế là tương đối khá, nhưng chưa thật tốt. Vấn đề quản lý và một số việc khác trong hợp tác xã được chú ý: Có hợp tác xã 5, 6 dân tộc khác nhau, mỗi dân tộc làm ăn khác nhau, có cũ kỹ, có tiên tiến. Bởi vậy, cán bộ, đảng viên phải vào đấy giải thích xây dựng giúp đỡ nhau làm ăn, làm cho dân tộc kém cũng làm ăn như dân tộc khá để cùng tiến lên. Trong một hợp tác xã người Kinh phải tranh thủ công việc hơn, khi phân phối phải nhường nhịn, đó là tinh thần đoàn kết, tinh thần xã hội chủ nghĩa. Thử hỏi, nếu không làm như thế, khi hợp tác xã lớn lên, chỉ có người Kinh, người Tày còn các dân tộc khácloại ra hay sao? ởmột tỉnh có nhiều dân tộc, trong một xã, trong một hợp tác xã phải có đoàn kết dân tộc, phải thực hiện chính sách đoàn kết dân tộc. Đó là công việc của Đảng, của chi bộ phải làm. Phải hết sức coi trọng nông nghiệp, phải xây dựng và củng cố tốt hợp tác xã. Trong số cấp ủy phải giao cho một số ủy viên tương đối nhiều để phụ trách nông nghiệp, một số phải chuyên trách củng cố hợp tác xã. Bác qua Liên Xô, đến thăm một xã ở phía nam, xã đó có 11 dân tộc, họ có 3, 4 trường học giảng dạy bằng tiếng mẹ đẻ; xã đó lại có các dân tộc của Trung Quốc, Triều Tiên nhưng người ta đoàn kết, hòa mục với nhau rất tốt - đó là tinh thần dân tộc làm đúng chính sách.
Một khuyết điểm nữa là đến nay trong Đảng bộ Tuyên Quang còn 80 đồng chí đảng viên mù chữ, 80 đồng chí này đều có những ưu điểm khác, nhưng không biết chữ cũng là một khó khăn cho công tác, cho lãnh đạo. Các cô, các chú đều hiểu rằng, Đảng ta là Đảng lãnh đạo. Muốn lãnh đạo được phải hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin, phải hiểu khoa học kỹ thuật, muốn hiểu biết những cái đó phải nghiên cứu, phải xem xét, phải học tập, phải ghi chép, như thế là phải biết chữ. Bác giao cho các đồng chí, cho tỉnh ủy hết năm nay phải có cách làm cho số đồng chí đảng viên còn mù chữ biết chữ.
Tóm lại, có mấy khuyết điểm:
1. Trong Đảng phụ nữ còn ít,
2. Dân tộc còn ít,
3. Lãnh đạo chưa toàn diện,
4. Trong Đảng còn một số đảng viên mù chữ.
Đó là những khuyết điểm, trong Đại hội này các cô, các chú phải bàn bạc và giao cho Ban Chấp hành mới lãnh đạo thực hiện.
Năm nay là năm đầu của kế hoạch 5 năm, Bác mong các cô, các chú hãy cố gắng thực hiện tốt mọi việc, làm đà thuận lợi cho những năm sau.
Nói ngày 20-3-1961.
Tài liệu lưu tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng84.
Thu Hiền (tổng hợp)
--------------
79, 81, 84. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 13, tr. 10-11; tr.58-61; tr. 74-77.
78. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, sđd, tập 7, tr.449; tr.348.
80, 82, 83. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, sđd, tập 8, tr.13, tr.32, tr.37.