Bác Hồ trò chuyện với cán bộ, công nhân Nhà máy Xe lửa Gia Lâm vào ngày 19-5-1955 tại sân nhà máy. (Ảnh tư liệu)
1. Thi đua đắp đê
Trong mọi cuộc thi đua đều phải nhằm: Làm nhanh, làm tốt, làm rẻ. Ba điều đó phải cùng thực hiện với nhau, không rời nhau được. Vì: Nếu làm nhanh mà không tốt, thì sẽ phải làm lại, như vậy nhanh cũng hóa ra chậm. Nếu làm tốt mà không nhanh, thì sẽ làm được quá ít và không kịp thời. Nếu làm nhanh và tốt, nhưng không rẻ, tức là lãng phí thì sẽ không đủ tiền của để tiếp tục công việc.
Việc đắp đê cũng vậy. Phải làm nhanh, cho xong trước mùa mưa. Phải làm cho tốt để bảo đảm chống lụt. Phải làm rẻ để khỏi lãng phí sức dân và của dân. Nhưng có một số cán bộ không làm đúng như vậy. Thí dụ nhưng việc nêu lên trong "Ý kiến bạn đọc" (Báo Nhân Dân ngày 14/6):
- Đê ngoại thành Hà Nội đắp xong trước kỳ hạn - thế là làm nhanh. Nhưng mái đê đắp không kỹ, cỏ cấy không đều, sau vài trận mưa thì đê sẽ sụt - thế là làm không tốt. Nay cần phải sửa lại, phải tốn thêm công, tốn thêm của lần nưa - thế là không làm rẻ. Không tốt và không rẻ, thì làm nhanh cũng vô ích.
- Đê Bất Bạt (Sơn Tây), thì cỏ khô héo hết, vì thành đê đứng quá, cỏ không bám được, không mọc được. Nhiều đoạn có đường cái vắt ngang, đê đắp không được cẩn thận dễ vỡ và sụt dần.
Đắp đê, giữ đê là việc rất quan hệ đến tính mệnh, tài sản của nhân dân. Đảng và Chính phủ rất quan tâm đến việc ấy. Nhân dân bao giờ cũng hăng hái góp của, góp công. Vì ai mà có những khuyết điểm nói trên? Bởi vì một số cán bộ ta còn mắc bệnh quan liêu, làm kế hoạch không cẩn thận, việc kiểm tra không chu đáo. Mong rằng các đồng chí cán bộ đê điều nâng cao hơn nưa tinh thần trách nhiệm, và cán bộ các ngành khác cũng vậy.
Ký tên C.B
(Theo Báo Nhân Dân, ngày 22/6/1955)
2. Nói chuyện với lớp bình dân học vụ khu lao động Lương Yên
Chúng ta cố gắng thi đua sản xuất thì đời sống sẽ dần dần khá lên. Do cái óc, cái tay của mình mà cải thiện đời sống của mình. Đảng và Chính phủ rất mong muốn đời sống của công nhân, công chức và bộ đội càng khá hơn. Do công nhân và nông dân cố gắng tăng gia sản xuất, đời sống sẽ khá hơn mãi. Đời sống ví như chiếc thuyền. Sản xuất ví như nước. Mực nước lên cao, thì con thuyền càng nổi lên cao. Mình cố gắng còn là mưu đời sống sung sướng cho con, cho cháu mình nữa.
Nói ngày 30/3/1956
(Theo Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.6, tr.141)
3. Nói chuyện tại Hội nghị cán bộ làm công tác sửa sai trong cải cách ruộng đấy ở ngoại thành Hà Nội
Tôi thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ khen ngợi cán bộ và nhân dân các xã ngoại thành Hà Nội đã làm công tác bước hai đạt kết quả khá. Vừa làm tốt việc sửa sai, ngoại thành Hà Nội cần đẩy mạnh thi đua sản xuất, thực hành tiết kiệm, ra sức củng cố các tổ chức đổi công, kiện toàn các tổ chức quần chúng và thi đua làm nghĩa vụ lương thực cho Nhà nước.
Để làm tốt những nhiệm vụ trên, các cán bộ sửa sai phải gương mẫu, tránh bao biện làm thay, cán bộ địa phương thì phải cố gắng học tập, không nên ỷ lại vào cán bộ sửa sai.
Nói ngày 29/5/1956
(Theo Hồ Chí Minh, Toàn tập, T.6, tr.171)
4. Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm một số gia đình cơ sở cách mạng thôn Phú Gia, Phú Thượng, huyện Từ Liêm
Sáng ngày mồng 1 Tết Đinh Dậu, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm và chúc Tết một số gia đình là cơ sở cách mạng cũ ở thôn Phú Gia, xã Phú Thượng, huyện Từ Liêm (nay là phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội), như: Gia đình cụ Công Văn Phan - cơ sở bí mật của các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Lê Đức Thọ; các gia đình ông Môn, bà Kính, bà phó Ái - cơ quan bí mật đặt báo Cờ giải phóng của Đảng ta.
Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ân cần nói chuyện, chúc Tết bà con trong thôn xóm đến chào mừng Người. Bác căn dặn đồng bào hãy đoàn kết với nhau, đoàn kết quân và dân, cố gắng thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm. Người nhắc nhở bà con: "Ăn Tết phải tiết kiệm, chống lãng phí, tiết kiệm để ích cho mình, ích cho nhà, ích cho nước. Trước mắt phải ra sức đào mương tát nước chống hạn để cấy hết diện tích lúa chiêm".
Rời Phú Gia, Người đến thăm và chúc Tết một đơn vị bộ đội bảo vệ Thủ đô. Người chúc Tết cán bộ, chiến sĩ, khen ngợi đơn vị năm vừa qua có thành tích khá trong nhiệm vụ bảo vệ trị an và học tập. Người dặn dò cán bộ và chiên sĩ năm tới cần cố gắng hơn nữa để:
- Đoàn kết nội bộ, đoàn kết giữa cán bộ và dân.
- Luôn luôn cảnh giác, luôn luôn giữ gìn chí khí chiến đấu, tác phong quân đội cách mạng: Cần, kiệm.
- Cố gắng học tập chính trị, kỹ thuật.
- Tùy khả năng mình mà giúp đỡ nhân dân trong mọi việc.
Cũng trong buổi sáng ngày mồng 1 Tết Đinh Dậu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm trại Kim Đồng, nơi nuôi dưỡng dạy dỗ 467 cháu mồ côi, trước đây sống vất vưởng, lang thang, không nơi nương tựa, nay được chính quyền cách mạng hết lòng trông nom, chăm sóc.
Trước đó một tháng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi cho các em 4 vạn đồng (tiền cũ) để các em chuẩn bị Tết. Các em đã trích 3 vạn đồng mua một con lợn để nuôi, còn một vạn thì chi tiêu Tết. Bác thăm bếp ăn, phòng ngủ, nơi vui chơi giải trí của các em. Người chúc các em năm mới vui vẻ, học tập tiến bộ, thương yêu, giúp đỡ nhau, chăm học và tăng gia sản xuất, ăn ở sạch sẽ.
Sau đó, Người tiếp tục đến thăm và chúc Tết công nhân công trường số 4. Tại đây, Người vui vẻ hỏi thăm sức khỏe mọi người, đi thăm chỗ ở, nhà ăn của công nhân. Người hỏi các chị cấp dưỡng trong mấy ngày Tết, anh chị em công nhân được ăn những món gì.
Người còn hỏi anh chị em có báo để đọc không. Người khuyên bảo mọi người chú ý tiết kiệm trong chi tiêu gia đình và tiết kiệm của công, thực hiện tốt khẩu hiệu "Cần kiệm xây dựng nước nhà".
(Theo Báo Nhân Dân, số 1063, ngày 3/2/1957)
5. Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Hội nghị đại biểu nhân dân Hà Nội lần thứ tư
Ngày 15/02/1957, thay mặt đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thông báo trước Hội nghị đại biểu nhân dân Hà Nội kết quả kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trước hết, Người khẳng định: "Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa I đã thành công rực rỡ. Thành công là vì sự nhất trí giưa Quốc hội và Chính phủ đã tiêu biểu cho sự đoàn kết nhất trí của toàn dân ta. Thể hiện rõ đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ trong thời gian qua là đúng...".
Đối với đồng bào Thủ đô, Người nhắc nhở: "Đồng bào Thủ đô có nhiệm vụ vẻ vang là làm gương mẫu cho đồng bào cả nước trong việc tăng cường đoàn kết; phát triển dân chủ, làm cho tinh thần kỳ họp thứ 6 của Quốc hội thấm nhuần đến mỗi người dân. Đồng bào Thủ đô làm được như vậy, thì năm nay nhất định đưa đến cho chúng ta nhiều thắng lợi mới và vẻ vang".
(Theo Báo Nhân Dân, số 1076, ngày 16/2/1957)
6. Lời căn dặn chị em phụ nữ Thủ đô
...
Chị em phụ nữ cố gắng thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giành thống nhất Tổ quốc. Phụ nữ công nhân cần tích cực tham gia quản lý thật tốt nhà máy, công trường. Phụ nữ nông dân cần hăng hái tham gia phong trào đổi công, hợp tác, gặt tốt vụ mùa, chuẩn bị tốt vụ chiêm năm tới. Các tầng lớp phụ nữ ở thành phố cần chấp hành tốt các chính sách của Đảng và Chính phủ. Chị em làm nghề buôn bán cần giữ đức tính thật thà, đúng đắn, bài trừ tệ "mua rẻ, bán đắt", tệ "mặc cả, nói thách". Chị em phụ nữ phải hết sức chăm lo bảo vệ sức khỏe của con cái, vì thiếu nhi là tương lai của dân tộc.
Nói ngày 18/10/1958
(Theo Báo Nhân Dân, số 1680, ngày 19/10/1958)
7. Nói chuyện với cán bộ, công nhân, viên chức Nhà máy Điện Hà Nội
...
Quản lý xí nghiệp nhằm mục đích xây dựng chủ nghĩa xã hội. Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, phải tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm. Muốn tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm thì phải quản lý tốt. Muốn quản lý tốt thì cán bộ và công nhân phải thông suốt tư tưởng, phải có thái độ làm chủ nước nhà, làm chủ xí nghiệp. Muốn quản lý tốt phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, phải làm đến nơi đến chốn, làm tốt, vượt mọi khó khăn. Phải thực hiện cán bộ tham gia lao động, công nhân tham gia quản lý.
Hiện nay phải phát động công nhân, viên chức cải tiến chế độ quản lý xí nghiệp. Phát động công nhân, viên chức lần này là để giáo dục nâng cao giác ngộ chính trị cho công nhân, giáo dục cán bộ, đồng thời cán bộ và công nhân giáo dục lẫn nhau; trong giáo dục có đấu tranh, tức là phê bình và tự phê bình để tiến bộ, để đoàn kết chặt chẽ hơn, để quản lý tốt, sản xuất tốt. Lãnh đạo phát động quần chúng phải thiết thực, sâu rộng, tránh tình trạng chỉ chú ý hình thức, học tập phải kết hợp với sản xuất và thực hành tiết kiệm; phải khuyến khích và coi trọng ý kiến, sáng kiến của công nhân, cái gì cần sửa phải sửa ngay, cái gì cần phải có thời gian và kế hoạch nghiên cứu thì phải nói cho công nhân hiểu và quyết tâm làm đúng.
Đảng và Chính phủ tin chắc rằng cán bộ và công nhân sẽ rèn luyện, nâng cao tư tưởng, xứng đáng với sự tín nhiệm của Đảng, Chính phủ và nhân dân, quyết tâm làm cho xí nghiệp trở thành gương mẫu.
Nói ngày 08/11/1958
(Theo Hồ Chí Minh, Toàn tập, T.9, Sđd, tr.261)
8. Thư gửi các vị phụ lão
Thưa các cụ,
Đây tôi lấy danh nghĩa là một người già, mà nói chuyện với các cụ. Tục ngữ có câu: "Lão lai tài tận", thường các cụ phụ lão ta cũng tin như vậy. Gặp việc gì, các cụ đều nói: "Lão giả an chi" (Người già nên ở yên) mình tuổi hạc ngày cao, không bay nhảy gì nưa. Việc đời để cho con cháu bầy trẻ làm. Chúng ta đã gần đất xa trời rồi, không cần hoạt động nưa.
Tôi không tán thành ý kiến đó. Xưa nay, nhưng người yêu nước không vì tuổi già mà chịu ngồi không. Nước ta có những người như Lý Thường Kiệt, càng già càng quắc thước, càng già càng anh hùng.
Việt Nam mới giành quyền độc lập tự do, nhưng còn phải qua nhiều khó khăn, để củng cố quyền tự do độc lập đó. Vậy nên nhân dân ta, bất kỳ già trẻ, đều phải ra sức gánh một vai.
Con cháu ta, thanh niên thì gánh việc nặng, chúng ta già cả không làm được việc nặng nề, thì khua gậy đi trước, để khuyến khích bọn thanh niên và san sẻ nhưng kinh nghiệm của chúng ta cho họ.
Chúng ta là bậc phụ lão, cần phải tinh thành đoàn kết trước để làm gương cho con cháu ta theo. Vậy tôi mong các vị phụ lão ở Hà thành ra xung phong tổ chức hội "Phụ lão cứu quốc" để cho các phụ lão cả nước bắt chước và để hùn sức giư gìn nền độc lập của nước nhà.
Ngày 20 tháng 9 năm 1945
Hồ Chí Minh
(Theo Báo Cứu quốc, số 48, ngày 21/9/1945)
9. Phát biểu tại Đại hội đại biểu Thanh niên Hà Nội
Các anh em nếu đến đây để được nghe một bài diễn văn bóng bẩy, hoa mỹ thì các anh em sẽ thất vọng. Những lời tôi nói với anh em sẽ chỉ rất giản dị, rất thiết thực. Tôi sẽ không khen ngợi anh em, mà chỉ chú ý vạch ra nhưng khuyết điểm của anh em. Những khuyết điểm ấy, có mấy điều lớn nhất sau đây:
Một là, thanh niên, nhất là thanh niên Hà thành vốn giữ tính kiêu căng, biệt phái, bởi vậy những tổ chức đều chia rẽ, cô lập, chưa hợp thành được một mặt trận thống nhất.
Hai là, thanh niên tuy có hăng hái, sôi nổi nhưng kém sáng kiến; việc gì cũng đợi Tổng bộ hoặc Chính phủ ra cho mệnh lệnh, chỉ thị, giúp hộ ý kiến hoặc định hộ kế hoạch; lại không biết tự ý đề nghị với Chính phủ những việc cần phải làm hay phải sửa chữa.
Ba là, các đồng chí phụ trách thanh niên không chịu đào tạo, dìu dắt thêm các cán bộ mới, tuy những phần tử có thể trở nên cán bộ vẫn không thiếu trong đám thanh niên.
Bây giờ cần phải làm sao để cho mất những khuyết điểm ấy. Việc cần trước nhất là làm thống nhất các tổ chức thanh niên. Mỗi giới thanh niên có một nguyện vọng, quyền lợi, đường lối phát triển riêng. Bây giờ không phân biệt, giới nào cũng phải đứng chung trong một tổ chức duy nhất. Nhưng điều đó không phải sẽ cột chặt tất cả sự hoạt động riêng của mỗi giới, không cho tự phát triển, miễn là những hoạt động ấy không đi ngược lại với hướng hoạt động chung của toàn thể. Sau đó, việc nên chú ý đến là sự định rõ những công việc và nhiệm vụ của thanh niên như là: Đi sâu vào quần chúng để san sẻ nhưng thường thức về chính trị và quyền lợi công dân; ủng hộ Chính phủ không phải chỉ bằng những lời hoan hô suông thôi, mà cần phải một mặt giải thích cho dân chúng về những nỗ lực của Chính phủ, một mặt phê bình, giám sát, tham gia ý kiến vào công việc của Chính phủ; chiến đấu giữ lấy nền độc lập và tự luyện ngay từ bây giờ để sau này lên thay những thủ lĩnh mà gánh vác việc trọng đại của nước nhà. Nói tóm lại, phải làm sao cho tổ chức thanh niên Hà Nội trở thành một khối thanh niên khuôn mẫu cho thanh niên toàn xứ và toàn quốc.
Nói ngày 27/9/1945
(Theo Báo Cứu quốc, số 53, ngày 28/9/1945)
Thanh Huyền