Chỉ mục bài viết

128. Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào ngoại thành Hà Nội

Với lòng thành kính và tuyệt đối tin tưởng vào lãnh tụ tối cao của dân tộc trước ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng bào các vùng ngoại thành Thủ đô Hà Nội đã viết một bức thư gửi lên Chủ tịch Hồ Chí Minh, đề nghị Người không cần ra ứng cử. Toàn thể nhân dân sẽ bầu Người làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Cảm tạ tấm lòng của đồng bào ngoại thành Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh  đã viết bức thư cảm ơn sự tín nhiệm đó. Trong thư có đoạn viết: "Tôi rất cảm động thấy toàn thể đồng bào ngoại thành Hà Nội đã có lòng quá yêu tôi mà quyết nghị tôi không phải ứng cử trong kỳ Tổng tuyển cử sắp tới. Nhưng tôi là một công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nên không thể vượt khỏi lệ của Tổng tuyển cử đã định...".

(Đăng trên Báo Cứu quốc, số 118, ngày 15/12/1945)

129. Chủ tịch Hồ Chí Minh dự ngày Thu lễ đức Khổng Tử tại Đền Giám, Hà Nội

9 giờ ngày 20/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các ủy viên Bắc bộ đến đền Giám dự ngày Thu lễ Đức Khổng Tử được tổ chức theo thường lệ do các bậc văn thân của Hội tư văn Thăng Long chủ trì. Một số tướng lĩnh và quan chức cao cấp trong quân đội Tưởng cũng đến dự.

Khác với các kỳ thu lễ trước, cuộc thu lễ này thực hiện theo nghi lễ mới, hình thức lẫn nội dung của buổi lễ được cắt bỏ những phần không cần thiết hoặc quá nặng nề. Trước đỉnh hương trầm và đèn nến thắp sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh  đứng giữa làm chủ lễ, quan khách dàn thành hàng hai bên.

Việc Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự ngày lễ vừa biểu thị thái độ tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn trọng các sinh hoạt văn hóa cộng đồng của Đảng, Chính phủ ta, vừa biểu thị tinh thần đại đoàn kết các tầng lớp nhân dân, trí thức và phân hóa kẻ thù để tập trung lực lượng chống kẻ thù chính, dành thời gian củng cố nền độc lập của nước nhà. Sự kiện này còn có ý nghĩa ngoại giao, khẳng định thêm uy tín của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đối với bên ngoài.

(Đăng trên Báo Cứu quốc, số 73, ngày 22/10/1945)

130. Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Tòa thị chính

Sáng ngày 10/11/1945, trước khi đến dự lễ khai mạc "Ngày phụ nữ cứu quốc", Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rẽ vào thăm Tòa thị chính Thành phố (nay là trụ sở UBND thành phố Hà Nội). Lúc Bác Hồ tới, các bàn giấy trong Tòa thị chính vẫn vắng các viên chức, trong số 10 người, mới có một người tới sở. Sau khi Bác đi thăm các nơi xong, số viên chức vẫn chưa đến đủ.

Đồng chí Khuất Duy Tiến, Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND Thành phố đã hướng dẫn Bác Hồ đi khắp các phòng trên gác và dưới nhà. Tới cạnh một bàn làm việc, Bác để bàn tay lên mặt bàn, dấu tay Người in thành hình trên mặt bàn phủ đầy bụi bặm.

Bác cúi xuống nhìn một sọt đầy giấy lộn và cầm lên một tờ giấy trắng rộng, mịn màng chưa mang một nét bút nào trên mặt giấy, Người nhắc nhở:

- Mảnh giấy này chắc là còn dùng được việc mà đã vội bỏ phí. Khi đi qua nhà vệ sinh, thấy còn bề bộn, bẩn thỉu, Người lại nhắc nhở:

- Cần phải ăn ở cho có vệ sinh.

Lần đầu tiên đến thăm cơ quan làm việc hành chính của Thành phố, tác phong sâu sát, cụ thể tỉ mỉ của người đứng đầu quốc gia đã để lại ấn tượng mạnh mẽ và bài học sâu sắc về ý thức kỷ luật, phong cách ngăn nắp, tinh thần tiết kiệm đối với anh em viên chức làm việc cho chế độ mới.

Sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự lễ khai mạc "Ngày phụ nữ cứu quốc". Tại đây, Người đã trao tặng Huy chương Vàng cho công dân Vũ Thị Lai - người đã ủng hộ số vàng nhiều nhất trong "Tuần lễ vàng".

(Đăng trên Báo Cứu quốc, số 90, ngày 13/11/1945)

131. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các ứng cử viên dự mít tinh của nhân dân Hà Nội ủng hộ bầu cử Quốc hội và dự lễ khai mạc "Tuần lễ mừng liên hiệp quốc gia" của Hội Phật giáo cứu quốc

Nhằm giành thắng lợi quyết định trong cuộc Tổng tuyển cử tại Thủ đô Hà Nội, giáng một đòn chí mạng vào các lực lượng đế quốc và tay sai phản động muốn bóp chết nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ, chiều 05/01/1946, theo Chỉ thị của Trung ương Đảng, Thành bộ Việt Minh Hà Nội đã tổ chức cuộc mít tinh trọng thể ủng hộ cuộc bầu cử Quốc hội.

15 giờ tại Việt Nam học xá (nay là khu vực trường Đại học Bách khoa Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị đại biểu trong Chính phủ, ông Vũ Đình Hòe, cụ Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Hải Thần tiến ra lễ đài giữa tiếng hoan hô vang dội của hơn hai vạn nhân dân Thủ đô. Thay mặt các ứng cử viên tại Hà Nội, Hồ Chủ tịch phát biểu ý kiến. Bằng lời lẽ giản dị, thấm vào lòng người, Bác nói: "Từ xưa đến nay, toàn quốc chưa bao giờ tuyển cử vì xưa chưa bao giờ làm chủ mình. Xưa, dân phải nghe lời vua quan, sau phải nghe thực dân Pháp, Nhật. Vừa rồi đây, ta vừa giành được độc lập, ta đã phải hy sinh nhiều mới có cái quyền cầm lá phiếu này... làm việc nước bây giờ là hy sinh, phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ lợi chung. Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu. Ngày mai, không ai ép, không ai mua, toàn dân sẽ thực hiện các quyền dân chủ ấy".

Kết thúc bài phát biểu, Bác cùng toàn thể nhân dân Thủ đô đồng tâm hô:

- Ủng hộ Tổng tuyển cử.

- Hoan hô Quốc hội.

- Ủng hộ kháng chiến miền Nam.

- Ủng hộ Chính phủ lâm thời liên hiệp.

Sau khi dự mít tinh ủng hộ bầu Quốc hội của nhân dân Hà Nội, 16 giờ, Hồ Chủ tịch tới chùa Bà Đá dự lễ khai mạc "Tuần lễ mừng Hội hiệp quốc gia" do Hội Phật giáo cứu quốc tổ chức để hoan nghênh sự đoàn kết giữa các đảng phái, cầu nguyện cho nền độc lập của nước Việt Nam.

Đáp lời ông Lê Ngọc Tiến - đại biểu Hội Phật giáo cứu quốc, Hồ Chủ tịch nói: "Nước Phật ngày xưa có những bốn đảng phái làm ly tán lòng dân và hai Tổ quốc. Nhưng nước Việt Nam ngày nay chỉ có một Đảng và toàn dân quyết tâm giành độc lập".

Và Người khẳng định: "Nói hy sinh phấn đấu thì dễ, nhưng làm thì khó. Trước Phật đài tôn nghiêm, trước quốc dân đồng bào có mặt tại đây, tôi xin thề hy sinh, đem thân phấn đấu để giữ vững nền độc lập cho Tổ quốc. Hy sinh, nếu cần đến hy sinh cả tính mạng, tôi cũng không từ".

Cảm phục trước lời thề và tinh thần hy sinh cao cả của Hồ Chủ tịch, các phật tử hô vang: "Hồ Chủ tịch muôn năm!"

Buổi lễ kết thúc, Bác Hồ tới dự bữa cơm chay tại chùa Quán Sứ.

(Đăng trên Báo Cứu quốc, số 135, ngày 7/1/1946 và số 136, ngày 08/01//1946)

132. Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm sinh viên ở Việt Nam học xá và dự mít tinh của nhân dân Hà Nội mừng bầu cử Quốc hội khóa I thành công

Trước khi dự mít tinh của nhân dân Hà Nội chào mừng thắng lợi to lớn của Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I, ngày 12 tháng 01, vào lúc 15 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vào thăm sinh viên ở khu nội trú của Việt Nam học xá. Vào các phòng, thấy sinh viên không thu xếp chỗ ở cho gọn gàng, ngăn nắp, Người thân ái nhắc nhở: Bất kỳ việc nhỏ hay việc lớn, cũng phải rèn cho có thói quen gọn gàng, ngăn nắp; tránh những việc làm bừa bãi, cẩu thả. Người ra thăm vườn tăng gia, sau đó, nói chuyện thân mật, cởi mở với sinh viên.

Người nói: Chính phủ hiện giờ còn nghèo, sau này nước nhà hoàn toàn độc lập thì Chính phủ có thể làm cho sinh hoạt của sinh viên dễ chịu hơn và sẽ gửi những người có tài đi du học ở nước ngoài. Bác khuyên sinh viên: Phải bỏ dần những thói quen ăn mặc xa xỉ, phụ nữ nên bớt son phấn đi để dành tiền đó cứu giúp đồng bào nghèo. Sinh viên còn phải thực hiện tốt cần và kiệm. Bác phê bình một số sinh viên thường quá bồng bột, sôi nổi, trước khi làm việc gì thường không nghĩ đến mục đích việc mình làm, anh em cần phải có thái độ phân biệt giữa đế quốc Pháp và kiều dân Pháp, không nên ngược đãi họ, làm ảnh hưởng không tốt đến chính sách đối ngoại của Chính phủ.

Trả lời câu hỏi của một sinh viên: Bao giờ nước ta mới được thế giới công nhận? Người nói: Cái đó mình Bác không trả lời được mà do toàn thể đồng bào đoàn kết góp sức vào công cuộc kiến thiết xây dựng đất nước, chống giặc ngoại xâm. Trên cơ sở đó, nước nhà ngày một hùng mạnh, nhất định thế giới phải sớm công nhận ta. Người đọc câu ca dao:

"Nghèo khó chẳng ma nào nhìn

Giàu sang có đến ba nghìn chị em".

Cuối cùng, Người mong: "Tất cả thanh niên sinh viên phải tham gia vào Thanh niên cứu quốc để góp phần tích cực nhất vào sự nghiệp cách mạng".

16 giờ, từ khu ký túc xá của sinh viên, Hồ Chủ tịch bước ra lễ đài trong tiếng hoan hô như sấm dậy. Sau đó, hơn 5 vạn nhân dân Thủ đô đồng thanh hát bài "Hồ Chí Minh muôn năm". Thay mặt các vị đại biểu Quốc hội đã trúng cử ở Hà Nội, Hồ Chủ tịch cảm ơn đồng bào Hà Nội đã tín nhiệm bầu Người và các vị đại biểu vào Quốc hội. Người nói rõ ý nghĩa, ảnh hưởng to lớn của thắng lợi này đối với đường lối đối nội và đối ngoại của Chính phủ; biểu dương đồng bào Hà Nội cũng như đồng bào cả nước, trong hoàn cảnh khó khăn phức tạp, đã làm tròn nhiệm vụ thiêng liêng của người công dân yêu nước.

Người căn dặn đồng bào: Trước mắt cần tích cực tăng gia sản xuất, thực  hành tiết kiệm, ra sức củng cố và giữ gìn độc lập, thực hiện tốt "Hoa - Việt thân thiện", hữu hảo, khoan hồng đối với Pháp kiều. Hồ Chủ tịch kết thúc bài phát biểu bằng lời thề biểu thị lòng quyết tâm sắt đá của Quốc hội: "Trước sự khó khăn của nước nhà, chúng tôi xin đi trước. Với việc giữ gìn nền độc lập, chúng tôi xin đi trước".

Cả cuộc mít tinh lại rền vang những tiếng hô "Hồ Chí Minh muôn năm", biểu lộ lòng tin tưởng tuyệt đối vào vị lãnh tụ kính yêu.

(Đăng trên Báo Cứu quốc, số 141, ngày 14/01/1946 và số 143, ngày 16/01/1946)

133. Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày Tết cổ truyền năm Bính Tuất

Tết Bính Tuất năm 1946, Tết độc lập đầu tiên của dân tộc, nhân dân Hà Nội cảm động, sung sướng đón Bác đến chúc Tết.

19 giờ ngày 30 Tết (01/02/1946), trời mưa lâm thâm, Bác cùng đồng chí Trần Duy Hưng, Chủ tịch UBND Thành phố đi chúc Tết nhân dân.

Đầu tiên, Bác đến gia đình cụ Từ Lâm, bán sách ở phố Cửa Nam. Thấy Bác vào, cụ sửng sốt quá, chắp tay mừng, rước Bác ngồi. Bác nhắc cụ đừng làm thế, chúc cụ khỏe mạnh, sống lâu. Tạm biệt gia đình cụ Từ Lâm, Bác đến thăm khu gia đình của những người lao động nghèo khổ ở ngõ Hàng Đũa, phố Sinh Từ (nay là phố Nguyễn Khuyến). Đến cuối ngõ, Bác rẽ vào gian nhà hẹp là nơi ở chung của mấy gia đình. Nhìn thấy Bác mọi người nhìn nhau, không hiểu khách của gia đình nào. Khi biết Bác chính là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, mọi người cảm động bàng hoàng, không nói lên lời. Bác đi ra, mọi người vẫn chưa hết xúc động, quên cả tiễn Bác.

Tiếp đó, Bác đến phố Hàng Vải, vào nhà một viên chức, nhưng chủ nhà đi  vắng. Bác đến phố Phúc Kiến (nay là phố Lãn Ông, quận Hoàn Kiếm) vào thăm gia đình một hiệu buôn. Lúc đầu, chủ nhà tưởng Bác là khách hàng, nhưng khi vỡ lẽ thì rất xúc động.

Xe đưa Bác đến khu phố Harmand (nay là phố Trần Xuân Soạn), Bác thăm một gia đình công chức, rồi đến phố Hàng Lọng (nay là đường Lê Duẩn), chúc Tết một gia đình viên chức nghèo. Gia đình rất ngạc nhiên khi thấy một cụ già vào nhà mình lúc đêm khuya thanh vắng. Sau biết đó chính là Hồ Chủ tịch đến chúc Tết, gia đình rất cảm động, ngỡ ngàng. "Bác giản dị, thân tình xiết bao. Giữa cảnh bần hàn, chẳng thấy gì là Tết của gia đình, họ thấy một mùa xuân ấm áp đang về, lòng họ vui hơn Tết".

Trong không khí ấm áp, thiêng liêng của đất trời, trong niềm hân hoan, phấn khởi của nhân dân đón xuân độc lập, Bác cải trang như một ông đồ nho, hòa mình vào dòng người đang đổ về đền Ngọc Sơn, đón giao thừa.

Sáng mồng một Tết (02/02 dương lịch), vẫn giữ nếp làm việc như ngày thường, Bác tới Bắc Bộ phủ. Trên đường đi, Bác vào Sở Cảnh sát Trung ương ở Hàng Trống (nay là trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm) chúc Tết cán bộ, chiến sĩ.

Gần 10 giờ, tại Bắc Bộ phủ, Bác tiếp các đại biểu nhân dân, bộ đội, đại diện các cơ quan... đến chúc Tết.

Đúng 10 giờ, Bác đến Nhà hát Lớn. Thay mặt nhân dân cả nước, nhân dân Thủ đô đón nhận những lời chúc đầm ấm, thân thiết, giản dị của Người. Nhiệm vụ của năm tới được Bác gói trọn trong bốn câu thơ:

"Trong năm Bính Tuất mới

Muôn việc đều tiến tới

Kiến quốc chóng thành công

Kháng chiến mau thắng lợi".

Kết thúc bài chúc Tết, đứng trên bậc thềm Nhà hát Lớn, Bác hô to khẩu hiệu "Đồng bào Hà Nội muôn năm!".

16 giờ 30 phút, ngày mồng 2 Tết (03/02 dương lịch), Bác dự lễ khai mạc chợ phiên tại chùa Láng do Mặt trận Việt Minh ngoại thành tổ chức để quyên góp quỹ kháng chiến. Dọc đường vào chùa Láng và hai bên hành lang chùa trưng bày các hàng thủ công nghiệp do phụ nữ, thiếu niên các làng sản xuất và thành tích hoạt động của Nha Bình dân học vụ, Dân chủ Đảng, Cựu chiến binh, Công nhân cứu quốc ngoại thành... Bác chúc Tết, biểu dương tinh thần yêu nước của nhân dân ngoại thành và lần lượt đi thăm các gian hàng.

Sáng ngày mồng 3 Tết (04/02 dương lịch), trong không khí và hương vị Tết còn tràn ngập, đúng 7 giờ 30 phút Bác lại ngồi vào bàn làm việc đến 7 giờ tối như thường lệ.

(Đăng trên Báo Cứu  quốc, số 155, ngày 05/02/1946 và số 156, ngày 06/02/1946)

Khánh Linh (tổng hợp)

Bài viết khác: