Chỉ mục bài viết

 40. Ổn định sinh hoạt

Nói chung, Hà Nội là Thủ đô của cả nước ta.

Nói riêng, Hà Nội là thành phố của tất cả những người dân Hà Nội.

Dân Hà Nội ta vui mừng Hà Nội được giải phóng. Đồng thời nhân dân Hà Nội ta có nhiệm vụ làm cho sinh hoạt Hà Nội ổn định. Ví dụ:

- Anh em công nhân phải cố gắng làm cho nhà máy chạy đều, mức sản xuất giữ vững.

- Bà con tư sản và tiểu thương, tiểu chủ phải cố gắng duy trì và củng cố việc sản xuất và việc buôn bán, việc cung cấp đầy đủ cho nhân dân. Nghĩa là: Ban đêm không cần đóng cửa, ngoài đường không ai nhặt của rơi.

- Các thầy giáo và học sinh phải cố gắng làm cho việc học hành được đều đặn, phát triển.

- Các gia đình và cả thành phố phải cố gắng làm cho công việc vệ sinh sạch sẽ, gọn gàng.

- Bộ đội, công an, tự vệ phải cố gắng giữ gìn trật tự, an ninh được vững chắc.

Nói tóm lại: Mỗi một người dân Hà Nội, bất kỳ thuộc tầng lớp nào, bất kỳ làm công việc gì, đều cần phải cố gắng làm tròn nhiệm vụ của mình, đều cần phải góp phần vào công việc ổn định sinh hoạt của Thủ đô ta.

Nói "cần phải cố gắng", vì rằng sau 80 năm bị nô lệ, nay ta làm chủ nhân, mọi việc chắc sẽ gặp khó khăn hoặc nhiều, hoặc ít, chúng ta không nên chủ quan mà coi việc gì cũng dễ dàng. Nhưng chính quyền và nhân dân ta đoàn kết chặt chẽ, quvết tâm cố gắng thì chúng ta nhất định vượt được mọi khó khăn, nhất định ổn định được sinh hoạt của Thủ đô yêu quý của chúng ta.

(Theo Hồ Chí Minh, Toàn tập, t7, Sđd, tr.365-366)

41. Thư khen cán bộ và chiến sỹ các đơn vị tiếp quản Thủ đô

Thân gửi các chiến sĩ và cán bộ,

Trước ngày các chú vâng lệnh về Thủ đô, Bác, dặn dò các chú việc gì phải làm, điều gì nên tránh.

Khi vào tiếp quản Thủ đô, các chú đã cố gắng làm tròn nhiệm vụ như lời Bác dặn: Cùng anh em công an và nhân dân giữ gìn trật tự, trị an. Giữ đúng kỷ luật, bảo vệ tính mạng, tài sản của đồng bào và ngoại kiều, v.v.

Vậy Bác vui lòng khen ngợi các chú, đồng thời Bác lại dặn các chú:

- Chớ vì có thành tích mà chủ quan.

- Phải luôn luôn cảnh giác và giữ gìn kỷ luật chặt chẽ.

- Phải luôn thi đua học tập và công tác, mở rộng tự phê bình và phê bình để tiến bộ mãi, để làm cho bộ đội ta càng thêm hùng mạnh, chính quyền ta càng thêm vững chắc.

Bác hôn các chú!

(Theo Báo Nhân Dân, ngày 11/11/1954)

42. Bài nói chuyện với đại biểu nhân dân Thủ đô trong cuộc ra mắt các vị ứng cử đại biểu Quốc hội khóa III ở Hà Nội

Thưa đồng bào thân mến,

1. Trước hết tôi cảm ơn Mặt trận, cảm ơn đồng bào và các cháu thanh niên Hà Nội đã mời tôi ra ứng cử ở Thủ đô. Tôi được cử làm đại biểu Quốc hội đã gần 20 năm nay, đáng lẽ tôi nhường chỗ cho lớp người trẻ hơn ra gánh vác công việc nước nhà. Nhưng hiện nay ở miền Nam ruột thịt, từ các cụ già, các bà mẹ, đến các cháu thanh niên và nhi đồng đều đang anh dũng hy sinh, ra sức chiến đấu chống đế quốc Mỹ cướp nước và bọn Việt gian bán nước, để giành độc lập, tự do, thì tôi không thể:

Thảnh thơi vui thú thanh nhàn

Sớm khuya tiếng hạc, tiếng đàn tiêu giao

Vì vậy, tôi có phải cố gắng phấn đấu và phấn đấu mạnh, phấn đấu cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, phấn đấu ủng hộ đồng bào miền Nam, phấn đấu cho sự nghiệp hòa bình thống nhất nước nhà, phấn đấu cho:

Bắc Nam sum họp một nhà

Cho người thấy mặt thì ta vui lòng

2. Mặt trận Hà Nội giới thiệu 45 vị ra ứng cử. Nhưng khóa này Thủ đô ta chỉ được cử 36 đại biểu vào Quốc hội. Như vậy là trong các vị ứng cử, có người sẽ được bầu, có người không được bầu. Tuy vậy, tôi nghĩ rằng: Người không được bầu cũng như người được bầu đều vinh hạnh, vì đã được đồng bào tin cậy và giới thiệu mình.

Cho nên được bầu hoặc không được bầu, chúng ta đều phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, như những người đầy tớ trung thành nhất của nhân dân.

3. Các nước tư bản tự xưng là họ văn minh hơn ta. Song nhân dân ta có thể tự hào rằng ta dân chủ hơn họ. Ví dụ một nước tư bản mà ta quen biết nhất là nước Pháp.

Nhân dân Pháp là một nhân dân anh hùng. Họ đã làm cách mạng tư sản cách đây 175 năm. Kế đến là Công xã Pa-ri cách đây 94 năm. Họ cũng có tổng tuyển cử. Nhưng chế độ tổng tuyển cử của họ đã diễn ra như thế nào?

Trong cuộc tổng tuyển cử năm 1962 ở Pháp, Đảng Cộng sản được hơn 4 triệu phiếu mà chỉ được 41 đại biểu vào Quốc hội. Đảng của tướng Đờ-gôn được 5 triệu 80 vạn phiếu mà được 234 đại biểu vào Quổc hội. Như vậy là Đảng cộng sản phải có 97000 phiếu mới được một đại biểu vào Quốc hội. Đảng tư sản thì chỉ cần 25.000 phiếu đã được một đại biểu.

Nếu tổng tuyển cử Pháp mà thật sự dân chủ, thì hoặc là đảng của tướng Đờ-gôn chỉ có 59 đại biểu, chứ không phải là 234, hoặc là Đảng Cộng sản được 160 đại biểu, chứ không phải chỉ có 41 đại biểu mà thôi.

Về thành phần thì trong 480 đại biểu Quốc hội Pháp chỉ có 8 phụ nữ, 21 công nhân, 41 người làm nghề nông.

Một điều đáng chú ý nữa là hơn 8 triệu  60 vạn người, tức là hơn 31% số cử tri đã không đi bỏ phiếu. Còn ở ta thì trong khóa II Quốc hội có 91 vị đại biểu miền Nam và trong 362 đại biểu miền Bắc thì có:

- Đại biểu phụ nữ,

- Đại biểu công nhân và cán bộ công nghiệp,

47 đại biểu nông dân và cán bộ nông nghiệp,

56 đại biểu đồng bào miền núi,

42 đại biểu thanh niên,

21 đại biểu anh hùng lao động và quân đội.

Khắp miền Bắc nước ta có hơn 95% cử tri đã đi bỏ phiếu. Có nơi đến 100%.

Với những con số trên đây, đồng bào ta có thể so sánh và tự trả lời: Nước ta và các nước tư bản, ai dân chủ hơn ai?

4. Lá phiếu của người cử tri tuy khuôn khổ nó bé nhỏ, nhưng giá trị của nó thì vô cùng to lớn. Nhân dân ta đã trải qua biết bao gian khổ, hy sinh biết bao xương máu trong cuộc cách mạng đánh đổ thực dân và phong kiến mới giành được nó. Nó chứng tỏ chế độ dân chủ và tự do của Nhà nước ta, và quyền làm chủ thật sự của mỗi người công dân ta. Vì vậy, đi bỏ phiếu trong công cuộc tổng tuyển cử vừa là quyền lợi quý báu, vừa là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi người cử tri. Phải đi bỏ phiếu để tự mình lựa chọn những người xứng đáng thay mặt mình trong Quốc hội.

Hôm tuyển cử phải là một ngày rất long trọng và rất vui vẻ của nhân dân ta. Chúng ta phải tổ chức, giải thích, tuyên truyền và cổ động cho thật rộng khắp, sao cho mọi người phấn khởi làm trọn nhiệm vụ công dân của mình trong cuộc tuyển cử. Các ban tổ chức phải nhắc nhủ 100% đồng bào cử tri đi bỏ phiếu.

Đó cũng là một cách làm cho thế giới thấy nhân dân ta thật là đồng tâm nhất trí, thật là đoàn kết, thật là hùng mạnh. Với tinh thần đoàn kết và lực lượng hùng mạnh đó, nhân dân ta nhất định sẽ thắng lợi vẻ vang trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và trong sự nghiệp đấu tranh để thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà.

5. Tôi nghe nói rằng hiện nay từ thành thị đến nông thôn và khắp miền Bắc đang có đợt thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm để chúc mừng cuộc tổng tuyển cử Quốc hội khóa III. Như thế là rất tốt. Đối với Hà Nội, tôi đề nghị thêm một điểm nữa trong cuộc thi đua, tức là thi đua làm tốt vệ sinh phòng bệnh. Trước đây, đồng bào Hà Nội đã có những cuộc thi đua như thế, nhưng phong trào khi lên khi xuống, không được liên tục. Lần này phải làm cho phong trào thường xuyên và bền bỉ. Chúng ta ngày nào cũng rửa mặt đánh răng, thì thành phố của chúng ta ngày nào cũng phải quét dọn tươm tất. Chúng ta phải làm cho Thủ đô ta ngày càng sạch đẹp, vui tươi.

Toàn Đảng, toàn dân ta phấn khởi làm tốt cuộc tổng tuyển cử và hăng hái tiến lên xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

(Theo Báo Nhân Dân, ngày 15/4/1964)

43. Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Bưu điện Trung ương, gặp gỡ và nói chuyện với các giám đốc, chủ tịch các ủy ban, công sở Hà Nội; thăm gian hàng triển lãm thủ công của nhi đồng cứu quốc thành Hoàng Diệu

Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, đời sống của viên chức gặp nhiều khó khăn vì giá sinh hoạt đắt đỏ, giặc đói và giặc ngoại xâm cùng một lúc hoành hành. Một số viên chức không khỏi hoang mang, dao động bởi những luận điệu tuyên truyền của bọn phản cách mạng về chính sách của Chính phủ đối với viên chức.

Để động viên cán bộ, viên chức Thủ đô tích cực góp phần vào cộng cuộc "Kháng chiến, kiến quốc", 7 giờ 35 phút ngày 17/01, không hẹn trước, Hồ Chủ tịch đến thăm trụ sở của Bưu điện Trung ương (nay là Bưu điện Bờ Hồ). Ông Giám đốc hướng dẫn Bác đi thăm các phòng làm việc. Với bộ y phục giản dị hơn cả y phục viên chức, cử chỉ thân mật, Bác thăm phòng điện tín, điện thoại, văn phòng. Bác khuyên viên chức, cán bộ bưu điện gắng sức chịu đựng khó khăn, gian khổ, thiếu thốn về vật chất để góp sức cùng toàn dân kháng chiến, kiến quốc. Riêng với ông Giám đốc, Bác căn dặn: Phải gương mẫu, đến trụ sở làm việc đúng giờ để mọi người học tập.

Buổi chiều, Hồ Chủ tịch gặp gỡ và nói chuyện thân mật với các giám đốc, chủ tịch các ủy ban, công sở Hà Nội. Người khuyên anh em viên chức "chớ nên quên rằng nước nhà đang ở thời kỳ kháng chiến. Anh em viên chức cũng như toàn thể quốc dân, muốn qua được bước khó khăn hiện tại, phải biết hy sinh một chút về tinh thần để tham dự vào công cuộc kiến quốc. Để nâng cao tinh thần kháng chiến, anh em viên chức bây giờ phải có bốn đức tính là: Cần, kiệm, liêm, chính".

Tiếp đó, Người giải thích rõ thế nào là "cần, kiệm, liêm, chính" và nhấn mạnh: Anh em viên chức rèn luyện bản thân mình và thực hiện tốt bốn chữ đó là cách tốt nhất để tham gia vào công cuộc kháng chiến kiến quốc.

17 giờ 30, Bác tới dự lễ khai mạc gian hàng triển lãm thủ công của Nhi đồng cứu quốc thành Hoàng Diệu tổ chức tại trụ sở Văn hóa cứu quốc ở phố Hàng Trống.

Các em xếp hàng từ ngoài đường vào giữa phòng khánh tiết để đón Bác trong sự chờ đợi hồi hộp, xúc động. Bác đến, các khuôn mặt trẻ thơ bừng sáng; tiếng hoan hô vang dậy. Với tất cả tấm lòng thành kính, hân hoan, các em đồng thanh hát vang bài "Hồ Chí Minh muôn năm".

Bác vào thăm phòng trưng bày hàng thủ công mỹ nghệ do chính tay các em làm ra. Một em nhỏ đại diện cho Nhi đồng cứu quốc thành Hoàng Diệu gắn lên ngực Bác Hồ huy hiệu hình sao vàng 5 cánh, giữa có ảnh của Người.

Bác vui vẻ đi khắp các bàn bày hàng, tươi cười xoa đầu, xoa má các em. Một đại biểu của Đội Ký con kính tặng Bác chiếc bao da đựng thuốc lá. Có em tặng Bác một chiếc mùi soa thêu. Mấy em khác xin chữ ký của Bác vào sổ tay và hộp kẹo giữ làm kỷ niệm.

Ba em: Nhâm, Thịnh, Minh đưa bức tranh thêu "Già Hồ với các cháu" ra  xin Bác chữ ký để đem bán đấu giá lấy tiền ủng hộ quỹ Nhi đồng cứu quốc. Sau khi ở phòng trưng bày ra, các em quây quần quanh Bác giữa phòng khánh tiết. Một  em nhỏ đại diện cho các bạn, báo cáo với Bác mục đích của cuộc triển lãm này là bán đồ thủ công lấy tiền mua kẹo bánh, phân phát cho các bạn nhà nghèo nhân dịp năm mới.

Bác khen ngợi các em đã làm được những đồ thủ công thật đẹp và khéo, khuyên các em gắng sức học và hành cho xứng đáng là Nhi đồng cứu quốc. Giọng trầm ấm của Bác hòa cùng muôn giọng trong trẻo của các em vang lên:

Trẻ em Việt Nam gắng học.

Việt Nam độc lập muôn năm.

Tiễn Bác ra về lòng tràn đầy sung sướng, một lần nữa, các em cùng cất cao tiếng hát, hát bài "Hồ Chí Minh muôn năm".

Một thế hệ mới, những mầm non của đất nước dưới bàn tay chăm sóc với tấm lòng đầy thương yêu của Bác, đang lớn lên...

(Theo Báo Cứu quốc, số 145, ngày 18/1/1946 và số 146)

44. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho ý kiến chỉ đạo công tác phòng không nhân dân của Hà Nội

Ngày 22/11/1967, thông qua đồng chí Trần Hữu Duệ, Bộ trưởng Phủ Thủ tướng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một số ý kiến chỉ đạo công tác phòng không nhân dân của Hà Nội. Người nhắc nhở Thành ủy, Ủy ban Hành chính Thành phố  phải tổ chức sơ tán nhân dân một cách khẩn trương, chu đáo và kiên trì. Chú trọng sơ tán triệt để khỏi các khu vực địch có thể đánh phá. Chú ý đi sát, giúp đỡ giải quyết khó khăn trong đời sống, trong công ăn việc làm của đồng bào. Phải tổ chức các đoàn đi kiểm tra, thăm hỏi ở các vùng đông đồng bào sơ tán, cùng địa phương giúp đỡ nhân dân mau chóng ổn định đời sống. Phải hết sức hạn chế thương vong cho nhân dân. Muốn vậy phải động viên đồng bào đào hầm hào đầy đủ, cần rút kinh nghiệm phổ biến cho nhân dân đào hầm hào đúng kỹ thuật... Phải chú trọng chống rét cho các cháu trong mùa đông.

(Trích trong cuốn Thủ đô Hà Nội, Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1991, tr.143)

Thanh Huyền (tổng hợp)

Bài viết khác: