53. Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp các đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội
Ngày 04/01/1958, Hồ Chủ tịch đã tiếp và nói chuyện thân mật với các vị đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa I (kể từ sau ngày Thủ đô giải phóng).
Người nêu rõ vai trò của đại biểu Hội đồng nhân dân và nhiệm vụ của Hội đồng nhân dân: "... Đại biểu Hội đồng nhân dân phải phản ánh nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, truyền những chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ đến nhân dân, biến những chủ trương chính sách đó thành hành động của nhân dân. Hội đồng nhân dân phải hết sức gần gũi, quan tâm dến đời sống của nhân dân; phải thực hành cần kiệm liêm chính, phải luôn nghĩ rằng mình là đầy tớ của nhân dân và ra sức phục vụ nhân dân. Trước mắt Hội đồng nhân dân phải tập trung sức động viên nhân dân ra sức chống hạn, đẩy mạnh sản xuất".
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 1396, ngày 04/01/1958 và số 1397 ngày 05/01/1958
54. Nhân dân với quân đội
Quân đội ta là quân đội của nhân dân, cho nên nhân dân rất thương yêu quân đội. Mà thương yêu là phải, vì:
- Trong 8, 9 năm kháng chiến, quân đội ta ăn gió nằm sương, xông pha bom đạn, hy sinh xương máu vì nước, vì dân. Hòa bình trở lại, quân đội ta giữ gìn trật tự, an ninh, bảo vệ tài sản công cộng và tính mệnh, tài sản của nhân dân, làm trụ cột giữ gìn hòa bình, bảo vệ Tổ quốc. Bởi vì yêu thương quân đội, đồng bào không những ghi tạc những công trạng to lớn của quân đội, mà cũng chú ý đến việc nhỏ ngày thường của quân đội, thí dụ như ở thủ đô Hà Nội:
- Tiểu đội đồng chí Quế đã cảnh giác, bắt được tên ăn trộm xe đạp, lấy xe trả lại cho người mất cắp.
- Đồng chí Vinh và đồng chí Cẩm nhặt được nhẫn vàng và khuyên vàng, đã tìm hỏi để trả lại cho dân.
- Nhiều tiểu đội đã tổ chức giúp đồng bào làm vệ sinh, dạy hát cho các em nhi đồng và giúp các lớp bình dân học vụ, v.v.
Những việc đó đã làm cho đồng bào ta càng cảm động và càng kính phục quân đội.
Nhưng có một vài đồng chí chiến sĩ và cán bộ ra đường không được chỉnh tề, cũng làm cho đồng bào chú ý, như: đội mũ lệch, cúc áo không cài tử tế, cưỡi xe bình bịch lượn chơi, đánh "tú lơ khơ" ngoài đường (đồng bào nhầm tưởng là đánh bạc), v.v.
Đồng bào chú ý như thế cũng đúng, vì đồng bào muốn cho quân đội của mình gương mẫu về mọi mặt, không những chiến đấu dũng cảm, mà lại có thái độ nghiêm trang. Vả chăng, ngày nay nhiều chiến sĩ quốc tế qua lại nước ta, điều mà họ để ý nhất và cho họ cái ấn tượng trước hết, là kỷ luật của quân đội ta. Vậy rất mong các đồng chí chiến sĩ và cán bộ ta hết sức cẩn thận trong mọi cử chỉ, để cho thế giới thấy rằng "Quân đội Cụ Hồ có khác!".
(Trích trong Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.7, Sđd, tr.383-384)
55. Nói chuyện với các đơn vị tham dự cuộc duyệt binh ngày 01 tháng 01 năm 1955 tại Thủ đô Hà Nội
Hôm nay, Bác đến thăm các cô, các chú, có nghĩa là đến thăm toàn quân. Vì ở đây có đủ đại biểu các đơn vị. Khi các cô, các chú về đơn vị, Bác gửi lời hỏi thăm và khuyến khích tất cả anh em, chị em cố gắng học tập. Các cô, các chú học khá nhưng cần cố gắng hơn nữa. Bác dặn các cô, các chú mấy điều:
Tình hình nước ta hiện nay từ chiến tranh đổi sang hòa bình, có thuận lợi nhưng cũng có khó khăn.
Về khó khăn, thì: Một nửa nước ta ở miền Nam đương còn quân Pháp đóng, chính quyền đang do bọn phản động nắm, miền Nam có nhiều khó khăn do đế quốc Mỹ gây ra. Những khó khăn đó là tạm thời, chúng ta nhất định khắc phục được.
Thuận lợi của ta là:
- Dân ta tốt,
- Đảng và Chính phủ lãnh đạo kiên quyết và đúng đắn,
- Cán bộ và bộ đội cố gắng, anh dũng,
- Ta có các nước bạn giúp ta như anh em,
- Trong bọn đế quốc lục đục, tranh quyền đoạt lợi lẫn nhau,
Thuận lợi đó là căn bản, lâu dài. Nếu chúng ta cố gắng quyết tâm thì thuận lợi sẽ phát triển, khó khăn sẽ khắc phục được. Nhiệm vụ của quân đội hiện nay là phải cố gắng tiến lên chính quy. Đây là nhiệm vụ mới. Không nên vì hòa bình mà xao lãng học tập. Các cô, các chú cần học gì?
- Cần học chính trị để nắm vững chính sách của Đảng và Chính phủ, để đi đúng đường lối của nhân dân.
- Phải học tập kỹ thuật vì kỹ thuật ngày càng tiến bộ, mình cũng phải học để tiến bộ. Muốn cho bộ đội ta hùng mạnh và nhất định bộ đội ta phải hùng mạnh, chúng ta phải cố gắng học tập chính trị và kỹ thuật để tiến lên chính quy.
Từ trước tới nay bộ đội ta còn nhiều tác phong du kích. Bây giờ đổi sang chính quy có nhiều chỗ mới lạ và khó khăn phải thấy cái gì khó khăn để khắc phục, không sợ khó khăn. Đảng và Chính phủ kiên quyết lãnh đạo bộ đội tiến lên chính quy. Với cố gắng của Trung ương Đảng, Chính phủ, của Bộ Tổng tư lệnh và của các cô, các chú, bộ đội ta nhất định đi tốt đến chính quy.
Ngoài ra từ chiến tranh chuyển sang hòa bình có nhiều tư tưởng không đúng, nảy nở ra. Phải ngăn ngừa những tư tưởng ấy.
1. Phải quý trọng của công: Tất cả cái ăn, cái mặc, cái dùng của các cô, các chú là mồ hôi nước mắt của đồng bào. Phải tiết kiệm, giữ gìn, không được lãng phí.
2. Quân đội nhân dân chúng ta phải giữ kỷ luật cho nghiêm, đừng vì hòa bình mà coi nhẹ kỷ luật.
3. Phải đoàn kết. Trước ở Bắc bộ chỉ có bộ đội Bắc bộ, bây giờ ở Bắc bộ có bộ đội toàn quốc: Nam - Trung - Bắc đều có, lại có cả quân tình nguyện ở nước bạn về. Phải thật là đoàn kết, thương yêu nhau, giúp đỡ nhau tiến bộ.
4. Các cô, các chú học có kết quả, nhưng phải cố gắng hơn nữa. Bác được báo cáo là các đơn vị đến sau học tập rất cố gắng. Thế là rất tốt. Các cô, các chú phải tích cực thi đua học tập hơn nữa để giành giải thưởng của Bác. Với các chiến sĩ thi đua, đã thi đua rồi thì phải thi đua hơn nữa.
Muốn học được tốt thì sức khỏe phải tốt. Anh nuôi phải yên tâm công tác, phát huy tinh thần phục vụ đơn vị, có sáng kiến thi đua làm cơm lành, canh ngọt. Quân y phải săn sóc chu đáo sức khỏe cho anh em.
5. Cán bộ từ chỉ huy trở xuống phải cố gắng hơn nữa trong công tác, trong học tập, từ bước đi, từ cái chào phải chính quy hóa, cán bộ phải tiến trước và làm gương mẫu cho các chiến sĩ. Ngoài ra phải hết sức chăm lo mọi mặt về đời sống cho chiến sĩ. Cuối cùng Bác nhắc các cô, các chú:
Hiện nay nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân là đấu tranh củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hòan thành độc lập, dân chủ trong cả nước. Trong nhiệm vụ đó, quân đội giữ một phần rất quan trọng. Muốn làm tròn nhiệm vụ đó, các cô, các chú phải làm cho đúng, làm cho được lời Bác dặn.
(Theo Hồ Chí Minh, Toàn tập, t7, Sđd, tr.424-426)
56. Thủ đô Hà Nội lần đầu tiên kỷ niệm sinh nhật Hồ Chủ tịch
Ngày 18/5/1946, báo Cứu quốc cơ quan ngôn luận của Tổng bộ Việt Minh, xuất bản ở Hà Nội, chính thức thông báo ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh: 19/5/1890.
"Ngày 19 tháng 5 này, 56 năm trước đây (1890) đã ra đời một người: Hồ Chí Minh.
Bằng bàn tay khéo léo và quả quyết, chính Ông đã khai sinh, đã nuôi nấng nhiều đoàn thể cách mạng Việt Nam. Tinh thần hoạt động của hầu hết các chiến sĩ Việt Nam đều do bàn tay tài tình của Ông nhào nặn... Ông là người Cha của cách mạng Việt Nam và là linh hồn của cách mạng ấy...
Ngày 19/5/1890, ngày Ông trông thấy bầu trời Việt Nam là ngày rất quan hệ đến vận mệnh dân tộc Việt Nam.
... Chúng ta, dân tộc Việt Nam, chúng ta đi từ giai đoạn một nước nô lệ đến giai đoạn một nước tự do là nhờ có Hồ Chí Minh".
Cùng với cả nước, nhân dân Thủ đô Hà Nội lần đầu tiên tổ chức kỷ niệm lần thứ 56 ngày sinh của vị Cha già dân tộc với tất cả tấm lòng thành kính biết ơn.
Chiều 18/5, thành phố đã bừng lên trong màu cờ, biểu ngữ. Gia đình nào cũng treo ảnh Hồ Chủ tịch nơi tôn nghiêm nhất. Các ngành, các đoàn thể, các giới ở Hà Nội đều gửi điện văn đến chúc thọ Hồ Chủ tịch, bày tỏ lòng tin tưởng tuyệt đối vào vị lãnh tụ tối cao của dân tộc, sẵn sàng tuân theo mệnh lệnh của Chính phủ.
Ngày 19/5, tất cả các cơ quan, công sở, xí nghiệp, các làng xã đều tổ chức mít tinh với nghi lễ trọng thể mừng thọ Bác.
Tại Bắc Bộ phủ, quang cảnh thật xúc động. Từ sáng sớm, các em thiếu nhi đã tụ tập ở Ấu Trĩ viên. Theo tiếng trống ếch, các em tiến vào Bắc Bộ phủ. Bác hiền từ, giản dị trong bộ quần áo vẫn mặc hàng ngày, tươi cười chào đón các em.
Thay mặt các bạn, em Nga, 8 tuổi đọc bài chúc thọ Bác trong khi các em khác thi nhau gắn Huy hiệu "Măng non mọc thẳng" vào ngực Bác, kính tặng Bác huy hiệu hình quả tim có chữ "i", chữ "t", tập bài hát và điều lệ hội Nhi đồng Cứu quốc. Đồng chí Khuất Duy Tiến, Bí thư Thành bộ Việt Minh, mang cây bách tán tới. Bác Hồ trao cây cho các em thiếu nhi. Người nói: "Bác có cây này tặng các cháu. Mai sau, cái cây sẽ mọc ra một trăm cái tán. Các cháu về chăm nom cho cây lớn, cây tốt, thế là các cháu yêu Bác lắm đấy".
Các em sung sướng được Bác cho quà, đồng thanh hát bài "Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn chúng em nhi đồng". Bác chụp ảnh chung với các em.
Tiếp đó, đoàn đại biểu Hướng đạo, Thiếu niên tiền phong, đại biểu Nam bộ, Vệ quốc quân, Ban bảo vệ Thành, Ban cứu thương, đại biểu các ngành, các giới, các đoàn thể, tôn giáo, thân hào... đến chúc thọ Bác. Đại biểu UBND Thành phố kính biếu Bác hình Tháp Rùa khổng lồ bằng bánh ngọt. Đại biểu Phật giáo dâng Bác quyển kinh Dược sư.
19 giờ, tại chùa Quán Sứ, Hội Phật tử đã tổ chức buổi lễ long trọng cầu trường thọ cho Hồ Chủ tịch.
Trong ngày kỷ niệm sinh nhật của mình, Bác vẫn không quên nhắc nhở cán bộ thực hiện khẩu hiệu "cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư" khi đến chúc thọ Người vì "đó là những điều không bao giờ cũ cả, tựa như cơm ăn, nước uống khí trời hàng ngày để sống vậy".
Lễ kỷ niệm sinh nhật Hồ Chủ tịch lần đầu tiên được tổ chức ở Thủ đô Hà Nội trong bối cảnh vô cùng gay go phức tạp: Quân Tưởng chưa rút hết, quân Pháp ngày càng có những hành động bội ước, vi phạm nặng nề Hiệp định sơ bộ mồng 6/3. Vì thế, lễ kỷ niệm sinh nhật Hồ Chủ tịch không chỉ biểu lộ lòng tôn kính, tin tưởng tuyệt đối của nhân dân vào vị lãnh tụ tối cao của dân tộc mà còn là dịp biểu dương lực lượng to lớn, biểu thị tinh thần đoàn kết, quyết tâm giữ vững độc lập dân tộc của nhân dân Hà Nội.
(Đăng trên Báo Cứu quốc, số 243, ngày 18/5/1946 và số 244)
57. Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Lễ nhóm lửa thiêng trong ngày "Thanh niên vận động"
Để biểu lộ lòng tin tưởng tuyệt đối vào lãnh tụ kính yêu, đem hết sức trẻ để xây dựng và bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc, ngày 26/5/1946, Đoàn thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu đã tổ chức ngày "Thanh niên vận động" - thanh niên khỏe vì nước.
Từ 7 giờ sáng, thanh niên Thủ đô đổ dồn về Việt Nam học xá dự mít tinh, thể hiện quyết tâm "Thanh niên thống nhất", "Thanh niên xung phong", "Thanh niên khỏe vì nước".
Buổi chiều, thanh niên biểu diễn thể dục tự do, chạy việt dã, các động tác cơ bản trong cứu thương.
19 giờ 20 phút, Hồ Chủ tịch tới dự lễ nhóm lửa thiêng giữa tiếng hoan hô không ngớt của thanh niên. Trước khi nhóm lửa, Bác nói: "Hôm nay là ngày "Thanh niên vận động". Bác là một thanh niên già, cũng đến họp với anh em. Bác mong rằng ngọn lửa hăng hái trong lòng thanh niên sẽ rực rỡ và bền bỉ mãi mãi như ngọn lửa thiêng Bác sắp nhóm".
Từ ngọn lửa thiêng Bác nhóm lên, hàng trăm ngọn đuốc tỏa ra khắp sân vận động, soi sáng những khuôn mặt trẻ trung và cũng chính ngọn lửa thiêng do Bác Hồ nhóm lên đó đã làm bừng sáng trái tim hàng triệu thanh niên Hà Nội, thanh niên Việt Nam ngọn lửa yêu nước, thương dân, suốt đời vì dân, vì nước.
(Đăng trên Báo Cứu quốc, số 250, ngày 27/5/1946)
58. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với nhân dân Thủ đô trước khi Người sang thăm nước Cộng hòa Pháp
Sau khi ký Hiệp định sơ bộ, Hồ Chủ tịch và Trung ương Đảng đề nghị Chính phủ Pháp phải mở đàm phán chính thức ở Pari, gắn cuộc đấu tranh cho độc lập và tự do của nhân dân ta chống thực dân Pháp với cuộc đấu tranh của Đảng Cộng sản và nhân dân Pháp, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Ngày 30/5, tại khu Việt Nam học xá, 5 vạn nhân dân Thủ đô tham dự cuộc mít tinh tiễn Hồ Chủ tịch sang thăm nước Cộng hòa Pháp và đoàn đại biểu Chính phủ ta do đồng chí Phạm Văn Đồng dẫn đầu sang đàm phán ở Pari.
Dưới trời mưa tầm tã, đoàn người trong đội ngũ chỉnh tề giương cao các khẩu hiệu: "Việt Nam hoàn toàn tự chủ", "Nam bộ là đất Việt Nam", "Ủng hộ Hồ Chủ tịch", "Gửi lời chào nhân dân Pháp".
7 giờ 30 phút, Hồ Chủ tịch và phái đoàn tới dự cuộc mít tinh, Người nói: "Theo mệnh lệnh của Chính phủ và ý chí của quốc dân, tôi cùng đoàn đại biểu sẽ đi Pháp để mở cuộc đàm phán chính thức. Trước khi ra đi, tôi xin có mấy lời tỏ cùng đồng bào:
Cả đời tôi chỉ có một mục đích là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo là vì mục đích đó. Đến lúc nhờ quốc dân đoàn kết giành được chính quyền, ủy thác cho tôi gánh vác việc Chính phủ, tôi lo lắng đêm ngày, nhẫn nhục cố gắng, cũng vì mục đích đó.
Ngày nay, vâng lệnh Chính phủ, theo ý quôc dân tôi phải xa xôi ngàn dặm, tạm biệt đồng bào, cùng với đoàn đại biểu qua Pháp cũng vì mục đích đó.
Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi cũng chỉ theo đuổi một mục đích là làm cho ích quốc lợi dân. Vậy nên lần này tôi xin hứa với đồng bào rằng: Tôi cùng anh em đại biểu sẽ gắng làm cho khỏi phụ lòng tin cậy của quốc dân".
Tiếp đó, Bác nêu lên một nhiệm vụ mà đồng bào cần phải làm để hỗ trợ đắc lực cho cuộc đấu tranh ngoại giao của phái đoàn:
"- Đoàn kết chặt chẽ, tránh mọi sự chia rẽ.
- Ra sức cần kiệm cho khỏi nạn đói khổ.
- Ra sức gìn giữ trật tự, tuyệt đối tuân theo mệnh lệnh của Chính phủ.
- Đối với các kiều dân hữu bang, phải tử tế, ôn hòa. Làm đúng 4 điều đó tức là giúp ích cho ngoại giao. Đồng bào thương tôi, chắc làm theo lời tôi nói".
Đáp lại lòng mong mỏi của Người, 5 vạn đồng bào Hà Nội cùng hô lớn "Ủng hộ phái bộ", "Ủng hộ Hồ Chủ tịch", thể hiện quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ mà Bác đã giao.
(Đăng trên Báo Cứu quốc, số 254, ngày 31/5/1946)
Thanh Huyền (tổng hợp)