59. Diễn từ tại buổi lễ đặt vòng hoa ở Đài Liệt sĩ Hà Nội
Hỡi các liệt sĩ,
Ngày mai là năm mới, là ngày đồng bào và bộ đội mừng Chính phủ về Thủ đô. Trong lúc cả nước vui mừng, thì mọi người đều thương tiếc các liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, vì dân tộc. Bác thay mặt nhân dân, Chính phủ và bộ đội, kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn bất diệt của các liệt sĩ.
Các liệt sĩ đã hy sinh, nhưng công trạng to lớn của các liệt sĩ đã ghi sâu vào lòng dạ của toàn dân và non sông đất nước. Các liệt sĩ đã hy sinh, nhưng chí khí dũng cảm của các liệt sĩ đã thấm nhuần vào tâm hồn của toàn quân và dân ta trong cuộc kiên quyết đấu tranh đặng giành hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ trong cả nước.
Máu nóng của các liệt sĩ đã nhuộm lá Quốc kỳ vẻ vang càng thêm thắm đỏ. Tiếng thơm của các liệt sĩ sẽ muôn đời lưu truyền với sử xanh.
Một nét hương thanh,
Vài lời an ủi.
Anh linh của các liệt sĩ bất diệt!
Tổ quốc Việt Nam vĩ đại muôn năm!
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 306 ngày 01/01/1955)
60. Diễn văn chào mừng năm mới trong dịp lễ mừng Trung ương Đảng và Chính phủ về Thủ đô
Cùng toàn thể đồng bào trong nước và ngoài nước,
Cùng toàn thể bộ đội, cán bộ và nhân viên,
Sau 8, 9 năm toàn quân và toàn dân ta kháng chiến gian khổ anh dũng, chính nghĩa đã thắng lợi, chiến tranh đã chấm dứt, hòa bình lập lại, Chính phủ lại về Thủ đô. Những việc đó bao hàm một ý nghĩa chính trị cực kỳ to lớn. Tôi thay mặt Chính phủ cảm ơn đồng bào Thủ đô và bộ đội hôm nay long trọng và thân mật chào mừng Chính phủ.
Nhân dịp năm mới, tôi thay mặt Đảng và Chính phủ thân ái hỏi thăm anh em thương binh, bệnh binh và gia đình các liệt sĩ. Chúc toàn thể đồng bào và kiều bào,
Chúc toàn thể bộ đội, cán bộ và nhân viên,
Chúc các chiến sĩ thi đua,
Chúc các cụ phụ lão,
Các cháu thanh niên và nhi đồng,
Năm mới mạnh khỏe, vui vẻ, cố gắng và tiến bộ! Tôi thay mặt nhân dân và Chính phủ ta chúc các vị lãnh tụ và nhân dân các nước bạn năm mới thắng lợi mới!
Nhân dịp này, tôi xin báo cáo với đồng bào và bộ đội những công việc chúng ta làm từ nay, nhằm mục đích củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước.
- Chúng ta kiên quyết thi hành đúng đắn Hiệp định đình chiến. Đồng thời chúng ta đòi hỏi đối phương cũng phải thi hành đầy đủ Hiệp định đình chiến, phải bảo vệ quyền tự do dân chủ và phải chấm dứt những cuộc khủng bố nhân dân ở miền Nam, phải đình chỉ lừa bịp, ép buộc một số đồng bào miền Bắc di cư vào Nam. Nhân đây, chúng ta tỏ lời cảm ơn Ủy ban Quốc tế đã giúp sức vào công việc thi hành Hiệp định đình chiến.
- Chúng ta phải ra sức bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình, cho nên chúng ta phải củng cố quốc phòng, bộ đội ta phải thi đua học tập chính trị và kỹ thuật, giữ vững kỷ luật và tác phong khắc khổ.
- Chúng ta phải tiếp tục vận động quần chúng giảm tô và cải cách ruộng đất, để thực hiện người cày có ruộng. Để làm những công việc trên đây, chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ, rộng rãi, chúng ta phải chống hủ hóa, tham ô, lãng phí. Chúng ta phải bồi dưỡng đạo đức cần, kiệm, liêm, chính. Nam Bắc là một nhà, là anh em ruột thịt, quyết không thể chia cắt được.
Chúng ta phải thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa miền Nam và miền Bắc. Chúng ta phải đoàn kết rộng rãi và chặt chẽ từ Bắc đến Nam; phải ủng hộ đồng bào miền Nam đấu tranh giành tự do dân chủ, theo đúng Hiệp định Giơ-ne-vơ. Chúng ta phải làm cho kinh tế, văn hóa và sự đi lại được lưu thông và thuận lợi giữa đồng bào miền Bắc và đồng bào miền Nam. Chúng ta phải làm những việc đó để tiến tới thực hiện tổng tuyển cử tự do và thống nhất toàn quốc.
Bất kỳ người nào, bất kỳ nhóm nào, nếu họ tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, thì chúng ta cũng sẵn sàng thật thà đoàn kết với họ. Chúng ta đoàn kết chặt chẽ với nhân dân các nước bạn.
Chúng ta sẽ dựa theo 5 nguyên tắc lớn của bản tuyên bố Trung - Ấn và Trung - Diến để gây quan hệ hữu hảo với hai Chính phủ nhà vua Miên và Lào. Chúng ta phát triển quan hệ hữu hảo với các nước Đông Nam Á. Đối với nước Pháp, chúng ta sẽ cố gắng lập lại mối quan hệ kinh tế và văn hóa trên nguyên tắc bình đẳng và hai bên đều có lợi. Chúng ta đoàn kết với nhân dân Pháp và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới.
Chúng ta phải tỉnh táo đề phòng, phải kiên quyết chống âm mưu đế quốc Mỹ tăng cường can thiệp vào Đông Dương, xúi giục bọn tay sai của chúng phá hoại Hiệp định đình chiến, phá hoại hòa bình và chúng ta cố gắng góp phần vào sự nghiệp bảo vệ hòa bình châu Á và thế giới.
Trong mấy năm kháng chiến, quân và dân ta đã cố gắng và đã giành được thắng lợi. Đấu tranh trong hoàn cảnh hòa bình, quân và dân ta cũng phải cố gắng để vượt mọi khó khăn, giành lấy thắng lợi.
Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ muôn năm!
Hòa bình thế giới muôn năm!
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 306, ngày 1/1/1955)
61. Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm khu tập thể Kim Liên
Mùa hè năm 1965, khu tập thể Kim Liên vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm lần ba. Lúc này, khu tập thể còn có thêm nhiều nhà cao tầng. Cán bộ, công nhân viên một số cơ quan đã được nhận nhà mới. Cả khu tập thể vui mừng đón Bác đến thăm nhà C5 và B8. Sau khi xem một số căn hộ đã có người ở, Bác nói với đồng chí phụ trách xây dựng phải tiếp tục nghiên cứu để xây dựng những căn hộ thật thuận tiện cho người ở, xây theo kiểu này, người ta phơi quần áo vào chỗ nào được. Bác căn dặn mọi người trong khu tập thể đoàn kết cùng nhau xây dựng khu Kim Liên trở thành khu tập thể văn minh, sạch đẹp, nhà ở thoáng mát, sân vườn đầy hoa.
(Trích trong cuốn Bác Hồ với Đống Đa)
62. Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và nói chuyện với Đại hội "Ba đảm đang" của phụ nữ Hà Nội
Ngày 02/12/1965, Đại hội "Ba đảm đang" của phụ nữ Thủ đô được vinh dự đón Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau khi trao tận tay Huy hiệu của Người cho 7 phụ nữ có thành tích xuất sắc, Bác hỏi: Có cô nào muốn thưởng Huy hiệu nữa không? Tất cả đều giơ tay: Thưa Bác có ạ! Hồ Chủ tịch cười và hỏi:
- Phụ nữ miền Nam rất anh dũng, rất đảm đang. Vậy phụ nữ miền Bắc có sẵn sàng thi đua với phụ nữ miền Nam không? Cả hội trường vang dậy:
- Thưa Bác có ạ!
Người khen ngợi phụ nữ Thủ đô đã đạt được những kết quả tốt trên các mặt sản xuất, công tác, phục vụ chiến đấu, trong phong trào "Ba đảm đang". Người nói:
- Dân tộc Việt Nam là một dân tộc anh hùng, thanh niên Việt Nam là thanh niên anh hùng, phụ nữ Việt Nam là phụ nữ anh hùng. Hai nghìn năm trước đây ta đã có các nữ anh hùng: Hai Bà Trưng, Bà Triệu. Trong cách mạng giải phóng dân tộc, trong kháng chiến chống Pháp trước kia và trong kháng chiến chống giặc Mỹ hiện nay ta cũng có nhiều anh hùng là phụ nữ. Trên thế giới chưa có nơi đâu phụ nữ làm Phó Tư lệnh như ở miền Nam nước ta. Thi đua với phụ nữ miền Nam là đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, không sợ gian khổ, không sợ hy sinh, khó khăn đến mấy ta cũng vượt qua được và nhất định chúng ta đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
(Đăng trên Báo Nhân Dân số 4365 ngày 08/12/1965)
63. Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia Tết trồng cây
Sáng ngày 29 tháng Chạp, năm Giáp Thìn (ngày 31/l/1965), Chủ tịch Hồ Chí Minh về tham gia với trên 1.500 cán bộ và đồng bào ở thôn Tiên Hội, xã Đông Hội, huyện Đông Anh.
Hồ Chủ tịch nhắc nhở đồng bào huyện Đông Anh hãy học tập và noi gương trồng cây của đồng bào xã Ngọc Long (Vĩnh Phúc).
Năm 1959, xã Ngọc Long mới bắt đầu trồng cây. Đến nay, đồng bào Ngọc Long đã có gỗ làm 100 nhà mới, làm trường học, nhà kho, có thừa củi đun nấu và bán được hàng nghìn đồng tiền gỗ cho các nơi khác.
Cùng ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm và tham gia trồng cây lưu niệm với nhân dân thôn Phú Diễn, xã Trần Phú, huyện Từ Liêm (xã Trần Phú năm 1965 đổi tên là xã Phú Diễn). Cùng đi với Bác có đồng chí Nguyễn Lam, Bí thư Thành ủy.
Bác thân mật hỏi tình hình sản xuất, đời sống và chuẩn bị Tết của nhân dân. Nghe đồng chí chủ nhiệm hợp tác xã báo cáo vụ mùa vừa qua hợp tác xã sản xuất khá, vụ đông xuân này cấy xong trước Tết, Bác rất vui. Bác nhắc nhở cán bộ và bà con hợp tác xã phải ổn định sản xuất hơn nữa. Bác còn chỉ dẫn tỉ mỉ cách đào giếng nước, xây dựng hố xí hợp vệ sinh.
Sau đó, Bác tham gia trồng cây với bà con hợp tác xã và căn dặn mọi người: Trồng cây nào là phải tốt cây ấy. Trồng cây phải vun tưới cho cây, phải bảo vệ cây. Trồng cây là nhiệm vụ chung của mọi người. Nhưng lực lượng chủ chốt là các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng. Bác nhắc nhở các cụ phụ lão trồng cây tốt để làm gương cho các cháu. Nói chuyện với thiếu nhi, Bác căn dặn phải ăn ở vệ sinh, học tập tốt, bảo vệ cây tốt. Bác nhắc cán bộ địa phương làm tốt công tác vệ sinh và chăm sóc sức khỏe của nhân dân, nhất là các cháu nhỏ.
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 3960, ngày 04/02/1965)
64. Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Công ty Công viên
Ngày 20/11/1964 trời hơi lạnh. Cán bộ, công nhân Công ty Công viên trên đường Thụy Khuê đang chăm sóc những cây non trên vườn ươm chuẩn bị cho đợt trồng cây mùa xuân. Một số đang quét dọn, sắp xếp lại khu nuôi thú lưu, chăm sóc những con thú mới được đưa về. Đây là những con thú của Thủ tướng Triều Tiên Kim Nhật Thành gửi tặng nhân dân Hà Nội được đem nuôi tạm ở đây.
Khoảng 3 giờ chiều, một chiếc xe Din màu đen xuất hiện và từ từ lăn bánh qua cổng công ty men theo con đường lát gạch nhỏ dừng lại trước phòng làm việc.
Mọi người nhìn ra ngạc nhiên, rồi bất chợt cùng sung sướng reo lên:
- Bác đến! Bác Hồ đến!
Bác Hồ bước ra khỏi xe trong tiếng vỗ tay vui mừng của mọi người. Bác mặc bộ quần áo kaki bạc màu, chân đi dép lốp, tất xám. Bác giơ tay vẫy chào, nhanh nhẹn bước vào phòng làm việc. Bác hỏi thăm sức khỏe và tình hình công tác của cán bộ, công nhân các phòng ban.
Rời khu làm việc, Bác đến thăm nơi ở và nhà ăn của công nhân. Đến câu lạc bộ, nơi vui chơi giải trí của công ty thấy bàn ghế còn xộc xệch, chưa được trang hoàng cẩn thận, Bác có ý chê:
- Câu lạc bộ của các chú chưa được sạch và đẹp.
Sau đó Bác đến thăm nhà trẻ của công ty. Bên cạnh nhà trẻ là chuồng nuôi thú lưu. Lúc này cơ sở vật chất của công ty còn nghèo thú lại đưa về nhiều nên việc sắp xếp chỗ ăn chỗ ở chưa được hợp lý, vệ sinh.
Bác tỏ ý không hài lòng về điều đó, Bác nói:
- Tại sao thú lại ở chung với người?
Bác chỉ ra những sai lầm về việc sắp xếp thiếu khoa học ấy, lẽ ra có thể vẫn làm được tốt hơn. Cán bộ công ty nhận rõ khuyết điểm và xin hứa sẽ sửa chữa ngay.
Bác vào nhà trẻ. Các cháu hò reo mừng rỡ. Bác mang kẹo ra phân phát cho các cháu. Bác quay sang hỏi các anh chị em trong công ty cùng đi.
- Các cô, các chú có muốn ăn kẹo không?
Mọi người tranh nhau nói:
- Thưa Bác, có ạ!
Bác cười, nói:
- Các cô, các chú muốn ăn thì ra mậu dịch!
Mọi người cùng cười theo vui vẻ. Bác sang thăm chuồng thú lưu, trong đó có những con thú của Thủ tướng Kim Nhật Thành vừa mới gửi tặng. Bác vui lòng khi thấy con thú đó được chăm sóc cẩn thận, chu đáo.
Xem các nơi xong, Bác từ giã mọi người ra về, trong tiếng vỗ tay tiễn biệt của cán bộ, công nhân toàn công ty.
Bác Hồ đến thăm công ty thật bất ngờ, thời gian cũng chỉ có khoảng hơn nửa giờ đồng hồ, nhưng hình ảnh Bác, những lời ân cần chỉ bảo cũng như các câu nói vui của Bác, tình thương của Bác sẽ còn đọng lại mãi mãi trong lòng mỗi cán bộ, công nhân Công ty Công viên Thụy Khuê.
(Trích trong cuốn Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội)
65. Chủ tịch Hồ Chí Minh dự lễ khánh thành Nhà máy Dệt 8/3
Chiều ngày 08/3/1965, trong không khí tưng bừng mừng ngày khánh thành nhà máy, tập thể cán bộ, công nhân viên Dệt 8/3 phấn khởi, vinh dự được đón Bác Hồ về thăm và nói chuyện.
Bác đi thăm vườn trẻ, phòng ở, bếp ăn, nhà vệ sinh khu ở tập thể. Bác căn dặn phải chú ý giữ gìn vệ sinh thật tốt để bảo vệ sức khỏe. Đến nhà máy, Bác thăm một số phân xưởng sản xuất.
Phát biểu trong buổi lễ khánh thành nhà máy, Bác nói đại ý: Hôm nay kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, Bác chúc mừng Nhà máy 8/3 nói chung, và chúc mừng các cháu gái nói riêng. Nhà máy có mấy vinh dự ra đời với kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất, mang tên của phong trào giải phóng phụ nữ 8/3 và làm nhiệm vụ sản xuất vải mặc cho nhân dân ta. Cán bộ và công nhân nhà máy phải luôn luôn ra sức phấn đấu học tập kỹ thuật, văn hóa và chính trị. Anh chị em công nhân phải cố gắng hơn nữa, theo kịp mức đứng máy của công nhân Nhà máy Dệt Nam Định. Cán bộ, công nhân phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, phải có ý thức làm chủ tập thể, giữ gìn của công, chống tham ô, lãng phí. Chúng ta phải nhớ rằng muốn sản xuất tốt phải có sức khỏe tốt, cho nên phải giữ chỗ ăn ở luôn luôn sạch sẽ, vệ sinh. Đảng viên, đoàn viên thanh niên lao động phải xung phong gương mẫu trong sản xuất, học tập và trong các mặt công tác khác và phải chú ý giúp đỡ các anh chị em ngoài Đảng, ngoài Đoàn cùng tiến bộ. Muốn sản xuất được nhiều, các bộ phận dây chuyền của nhà máy phải ăn khớp với nhau. Từ đồng chí giám đốc đến anh chị em công nhân, người phục vụ phải đoàn kết thành một khối.
Nhân dịp này, Bác tặng 6 Huy hiệu của Người cho 6 cán bộ, công nhân nhà máy có thành tích xuất sắc.
(Trích trong cuốn Quận ủy Hai Bà Trưng: Kỷ niệm về Bác Hồ)
Thanh Huyền (tổng hợp)