151. Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm một số lớp bình dân học vụ của thành phố
Song song với việc lãnh đạo quân dân ta tích cực chuẩn bị lực lượng cho cuộc kháng chiến lâu dài chống ngoại xâm, Hồ Chủ tịch vẫn không quên sự nghiệp giáo dục xóa nạn mù chữ cho nhân dân lao động.
9 giờ 30 phút, ngày 05/11, Hồ Chủ tịch đi thăm các lớp bình dân học vụ ở trường Hàng Than và ở quán Trung Bồ. Đến các lớp, Bác hỏi thăm cặn kẽ, tỉ mỉ việc học tập và đời sống của học viên. Biết học viên là những người lao động nghèo khổ thuộc nhiều ngành nghề khác nhau: Người làm phu xe, người bán kẹo, người đi ở, người chạy chợ, có người mang theo cả con nhỏ đi học, Bác rất cảm thông, trân trọng, động viên mọi người cố gắng khắc phục khó khăn, kiên trì học tập.
Ở trường Hàng Than, Bác viết vào sổ vàng lưu niệm của nhà trường mấy câu:
Thầy siêng dạy
Trò siêng học
Thế là tốt lắm.
(Đăng trên Báo Cứu quốc, số 398, ngày 07/11/1946)
152. Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cảm ơn công nhân cứu quốc xã Cổ Nhuế
Cuối năm 1946, anh em thợ may, chuyên may quần áo binh sĩ trong đoàn công nhân Cứu quốc xã cổ Nhuế (nay thuộc huyện Từ Liêm) đã tự may biếu Bác Hồ một bộ quần áo bằng vải kaki và một chiếc áo lót bằng vải trắng.
Đầu tháng 12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cảm ơn công nhân Cứu quốc xã cổ Nhuế. Người cũng báo tin đã gửi bộ quần áo đó tới Ban vận động "Mùa đông binh sĩ" để tặng lại các chiến sĩ ngoài mặt trận.
(Đăng trên Báo Cứu quốc, số 431, ngày 10/12/1946)
153. Thư gửi Đoàn 29 (Trung đoàn Thủ đô)
Bác nhận được thư các chú báo cáo thắng trận ngày 08-01-1948 và các chiến lợi phẩm các chú biếu Bác. Bác cảm ơn.
Các chú cần phải nghiên cứu những ưu điểm và khuyết điểm trong trận đó và những trận bại hoặc thắng các nơi khác để rút kinh nghiệm, để học tập thêm.
Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, ta cần phải chuẩn bị sẵn sàng, đề phòng cẩn thận. Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, ta phải liên lạc mật thiết với dân, phải làm cho dân mến, dân tin.
Như thế nhất định thắng lợi.
Tôi mong toàn thể tướng sĩ Đoàn 29 cố gắng để giật giải thưởng đầu trong cuộc Luyện quân đội lập chiến công.
Các chú có dám hứa với Già Hồ như thế không? Già Hồ chờ báo cáo thắng trận của các chú, để khen ngợi thêm các chú.
Chào thân ái và quyết thắng
Hồ Chí Minh
(Trích trong cuốn Biên niên tiểu sử, Sđd, t4, tr.171)
154. Thư gửi đồng bào vùng Hà Nội (4-1949)
Đồng bào trong và ngoài Hà Nội đương đầu với giặc Pháp trước hết, lâu hơn hết.
Vì vậy, mà hy sinh, đau đớn, cực khổ nhiều hơn hết. Mà cũng trung thành, gan góc, kiên quyết hơn hết.
Đồng bào vùng Hà Nội đang nêu gương dũng cảm cho toàn quốc. Ngày nay chịu đựng càng nhiều, mai sau kết quả càng to.
Tôi và Chính phủ cùng toàn thể bộ đội, toàn thể đồng bào, luôn luôn nhớ đến anh em ruột thịt đang tranh đấu hết sức gay go ở vùng Hà Nội. Và dù gian nan khó nhọc mấy, cũng quyết đánh tan giặc Pháp để sớm giải phóng các đồng bào ra khỏi xiềng xích tàn bạo của lũ thực dân và bù nhìn.
Hiện nay, toàn quốc ta đang thi đua đẩy mạnh cuộc cầm cự, chuẩn bị tổng phản công. Tôi khuyên đồng bào vùng Hà Nội - trước đã cố gắng, nay cố gắng thêm; trước đã đoàn kết, nay đoàn kết hơn; tìm đủ mọi cách để phá hoại giặc, để giúp chiến sĩ ta.
Chúng ta chắc thắng, vì chúng ta quyết thắng. Tôi viết thư này với tất cả tấm lòng thương xót, yêu mến và chắc chắn.
Đồng bào cố tiến lên. Ngày vẻ vang sẽ không xa nữa.
Chào thân ái và quyết thắng
Tháng 4 nǎm 1949
HỒ CHÍ MINH
(Trích trong cuốn Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t5, tr.589)
155. Thư khen các chiến sĩ và cán bộ của các đơn vị tiếp quản Thủ đô (11-11-1954)
Thân ái gửi các chiến sĩ và cán bộ,
Trước ngày các chú vâng lệnh về Thủ đô, Bác đã dặn dò các chú việc gì phải làm, điều gì nên tránh.
Khi vào tiếp quản Thủ đô, các chú đã cố gắng làm tròn nhiệm vụ như lời Bác dặn: Cùng anh em công an và nhân dân giữ gìn trật tự, trị an; giữ đúng kỷ luật; bảo vệ tính mệnh tài sản của đồng bào và ngoại kiều, v.v..
Vậy Bác vui lòng khen ngợi các chú, đồng thời Bác lại dặn các chú:
- Chớ vì có thành tích mà chủ quan,
- Phải luôn luôn cảnh giác và giữ kỷ luật chặt chẽ,
- Phải luôn luôn thi đua học tập và công tác, mở rộng tự phê bình và phê bình để tiến bộ mãi, để làm cho bộ đội ta càng thêm hùng mạnh, chính quyền ta càng thêm vững chắc.
Bác hôn các chú
HỒ CHÍ MINH
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 260, ngày 11-11-1954).
156. Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Bệnh viện Bạch Mai
17 giờ, ngày 15/12, Bệnh viện Bạch Mai một trong những trung tâm điều trị người bệnh lớn nhất ở Hà Nội, vinh dự được đón Bác đến thăm.
Cùng đi với Bác có đồng chí Bộ trưởng Bộ Y tế và Chủ tịch Ủy ban Hành chính Thành phố. Bác đến thăm từng phòng, từng khoa, xuống bếp ăn kiểm tra công tác vệ sinh phục vụ người bệnh.
Toàn thể các y, bác sĩ, nhân viên trong bệnh viện hết sức phấn khởi được đón Bác đến thăm, tất cả đổ dồn về phòng họp lớn nghe Bác nói chuyện.
Bác biểu dương anh chị em trong bệnh viện đã tích cực bền bỉ đấu tranh với đối phương giữ gìn được bệnh viện tương đối toàn vẹn. Bác nhấn mạnh nhiệm vụ và vai trò trách nhiệm của một công dân đối với xã hội. Người nói, trước đây khi Hà Nội còn tạm chiếm dù ai làm gì cũng là người nô lệ. Bây giờ ta làm việc cho ta.
Ta là chủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đã là người tự do, người chủ thì phải làm thế nào cho xứng đáng. Từ công việc, thái độ đến tư tưởng đều phải có tư cách người chủ.
Người còn nhắc anh chị em phải thực hiện tiết kiệm thuốc men, điện, nước và các dụng cụ y tế. Trong công tác phải đoàn kết thân ái, muốn thế phải luôn luôn đấu tranh phê bình và tự phê bình, phê bình phải chân thành, thẳng thắn. Từ giám đốc đến nhân viên ai có khuyết điểm cũng phải phê bình và sửa chữa. Làm được như thế công tác ắt sẽ phát triển, tiến bộ. Cơm ngon, thuốc đúng, người phục vụ tận tụy, nhất định bệnh nhân mau khỏi bệnh, thế là làm lợi cho Chính phủ và nhân dân, xứng đáng là chủ nhân của nhà thương, của đất nước.
Cuối cùng, Bác chúc mọi người thi đua xây dựng Bệnh viện Bạch Mai trở thành bệnh viện gương mẫu. Trước khi ra về, Bác trao tặng bó hoa của bệnh viện tặng Bác cho một nhân viên cao tuổi nhất của bệnh viện đã có nhiều thành tích trong công tác phục vụ nhân dân.
(Trích trong cuốn Biên niên tiểu sử, Sđd, t5, tr.255)
157. Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm các trường phổ thông Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Trưng Vương
Cùng với các ngành, ngành Giáo dục Thủ đô sau ngày giải phóng đã mau chóng ổn định trường, lớp, duy trì việc giảng dạy học tập một cách bình thường. Trong khung cảnh đó, sáng ngày 18/12/1954, các trường phổ thông Chu Văn An (nay thuộc quận Tây Hồ), Nguyễn Trãi (thuộc quận Ba Đình), Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm) xúc động phấn khởi được Bác Hồ đến thăm.
Tới các trường, Bác Hồ đều vào thăm từng lớp học, xem kỹ các phòng thí nghiệm, phòng truyền thống. Bác ân cần chuyện trò với thầy, trò. Bác khuyên: Học trò phải học chăm, phải giúp đỡ cha mẹ và tham gia công tác xã hội, phải đoàn kết, thân ái giữa học sinh với học sinh, đoàn kết giữa thầy và trò, kính trọng thầy, cô giáo và nhân viên của trường.
Bác chỉ rõ: Dưới thời thực dân, học tập theo lôi nhồi sọ, nô lệ. Ngày nay học sinh học tập để xây dựng tương lai xán lạn của đất nước. Do vậy học sinh cần thực hiện tốt 5 điều:
- Yêu Tổ quốc.
- Yêu nhân dân.
- Yêu lao động.
- Yêu khoa học.
- Yêu đạo đức.
Cuối cùng Bác căn dặn: Phải đoàn kết thi đua học và hành, nếu cháu nào thi đua khá nhất Bác sẽ thưởng.
Những điều Bác dặn đối với thầy và trò đã trở thành phương châm thực hiện trong ngành Giáo dục từ ngày miền Bắc được giải phóng đến nay.
(Trích trong cuốn Hồ Chí Minh, Biên niên tiểu sử, Sđd, t5, tr.579-580)
158. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết báo biểu dương công tác bình dân học vụ ở Hà Nội
Cũng như những năm đầu giành chính quyền thắng lợi, sau khi Thủ đô giải phóng, phong trào bình dân học vụ lại phát triển sâu rộng trong toàn thành phố. Để biểu dương khích lệ phong trào, nhân điển hình cho cả nước học tập, Bác Hồ đã viết bài "Bình dân học vụ" đăng trên Báo Nhân Dân số ra ngày 16/2/1955.
Bài báo biểu dương những thành tích Hà Nội đã đạt được từ sau ngày giải phóng (đã mở 35 lớp học với gần 1.000 học viên; nhiều cơ sở sản xuất cũng tự động mở các lớp học cho công nhân...).
Bài báo cũng nhắc nhở: Bình dân học vụ là phong trào của quần chúng, nhưng các ngành và đoàn thể, như: Bộ Giáo dục, các nhà trường, Đoàn Thanh niên, Công đoàn, Nông hội nên "có kế hoạch đầy đủ và thiết thực để khuyến khích và lãnh đạo phong trào".
Xứng đáng với sự biểu dương và những lời căn dặn của Bác Hồ, công tác bình dân học vụ ở Hà Nội trong các năm 1955 - 1958 đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc, được Chính phủ tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì.
(Trích trong cuốn Hồ Chí Minh, Biên niên tiểu sử, t9, Sđd, tr.44)
159. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài biểu dương Đội Thanh niên xung phong Thủ đô
Dưới sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên thành phố, Đội Thanh niên xung phong Thủ đô - một tổ chức tập hợp thanh niên Thủ đô tham gia các mũi nhọn xung kích trong thời kỳ khôi phục và cải tạo miền Bắc, được thành lập. Phát huy truyền thống và bản chất tốt đẹp, Đội thanh niên xung phong Thủ đô ngay từ đầu mới ra đời đã lao động quên mình, lập nhiều thành tích xuất sắc, đặc biệt trên các công trường xây dựng các tuyến đường sắt phía Bắc của Tổ quốc.
Theo dõi sát hoạt động của Đội Thanh niên xung phong Thủ đô, ngày 16/5/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài "Đội thanh niên xung phong Thủ đô", ký bút danh C.B, đăng trên báo Nhân Dân.
Bài báo đã điểm lại những đóng góp to lớn của thanh niên Hà Nội qua các thời kỳ cách mạng và nhấn mạnh những đóng góp mới của tuổi trẻ Thủ đô trong thời kỳ xây dựng, cải tạo lại đất nước. Bằng dẫn chứng cụ thể về tập thể lao động điển hình, với nhiều cá nhân đạt năng suất cao trên công trường đường sắt tuyến Hà Nội - Lào Cai, Bác đánh giá: "Đội thanh niên xung phong Thủ đô là một tập thể lao động gương mẫu".
Kết luận bài báo, Bác căn dặn Đội Thanh niên xung phong phải giữ vững truyền thống thi đua bền bỉ, tiến bộ và "Nam nữ thanh niên Hà Nội thì học tập tinh thần quyết tiến của Đội Thanh niên xung phong Thủ đô".
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, các đội viên thanh niên xung phong Thủ đô đã lao động nhiệt tình, hăng say đóng góp sức lực và tuổi thanh xuân vào sự nghiệp hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng đất nước phồn vinh.
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 439, ngày 16/5/1955 và số 440, ngày 17/5/1955)
160. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài nói về phong trào thi đua ở các bệnh viện Hà Nội
Sau ngày Bác về thăm và nói chuyện với Bệnh viện Bạch Mai ngày 15/12/1954, phong trào thi đua làm theo lời Bác dạy phát triển mạnh mẽ trong các bệnh viện ở Hà Nội. Không chỉ riêng Bệnh viện Bạch Mai đạt được những thành tích tốt mà các Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Phủ Doãn (nay là Bệnh viện Việt - Đức) cũng đạt nhiều thành tích trong công tác phục vụ điều trị người bệnh.
Ngày 11/6, trên báo Nhân Dân, Bác đã viết bài: "Phong trào thi đua ở các nhà thương", điểm lại những thành tích mà các bệnh viện đã đạt được.
Bằng dẫn chứng cụ thể Bác biểu dương ý thức tiết kiệm ở Bệnh viện Bạch Mai (trong tháng 4 năm 1955, ban giặt quần áo tiết kiệm hơn 82 vạn 5 nghìn đồng; nhà thuốc tiết kiệm hơn 79 vạn 4 nghìn đồng trong việc dùng đèn, dùng giấy..., công nhân làm ống nước, cột điện... đã tiết kiệm được 20 vạn đồng...). Bác biểu dương tấm gương hết lòng vì người bệnh của một bác sĩ đã "không ngại ngần lấy máu mình hiến cho người bệnh nặng".
Bài báo của Bác còn khẳng định đề cao nhiệm vụ vẻ vang của người thầy thuốc nhân dân: "Đối với nhân dân, cán bộ nhà thương là những chiến sĩ chống giặc bệnh tật. Với tinh thần đoàn kết chặt chẽ và thi đua bền bỉ giữa các nhà thương với nhau, chắc rằng chiến sĩ y tế sẽ làm tròn nhiệm vụ một cách vẻ vang".
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 465, ngày 11/6/1955)
161. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài phê bình việc đắp đê ở Hà Nội
Nằm trong vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, Hà Nội có nhiều tuyến đê xung yếu bao bọc xung quanh, hàng năm vào vụ mưa lũ thường xuyên bị uy hiếp. Vì thế sau khi Thủ đô được giải phóng, Đảng và Chính phủ rất lo lắng đến tình hình đắp đê và kè giữ bảo vệ các tuyến đê.
Tuy nhiên, trong công tác này, ở một số nơi, cán bộ vẫn chưa nhận thức rõ tầm quan trọng, nên lãnh đạo công việc còn qua loa đại khái. Nghiêm khắc phê bình khuyết điểm trên, ngày 22/6/1955, Bác Hồ viết bài "Thi đua đắp đê", bút danh C.B, đăng trên Báo Nhân Dân số 476.
Bằng dẫn chứng cụ thể, sâu sát, Bác nêu hiện tượng "Đê ngoại thành Hà Nội đắp xong trước kỳ hạn - thế là làm nhanh. Nhưng mái đê đắp không kỹ, cỏ cấy không đều, sau vài trận mưa thì đê sẽ sụt - thế là làm không tốt. Nay cần phải sửa lại, phải tốn thêm công, tốn thêm của lần nữa - thế là không làm rẻ. Không tốt, không rẻ, thì làm nhanh cũng vô ích".
Về nguyên nhân gây ra thiếu sót trên, Bác nói: "Bởi vì một số cán bộ ta còn mắc bệnh quan liêu, làm kế hoạch không cẩn thận, việc kiểm tra không chu đáo".
Bác nhắc lại: "Đắp đê, giữ đê là việc quan hệ đến tính mệnh, tài sản của nhân dân" nên cán bộ đê điều phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước công việc.
(Trích trong cuốn Hồ Chí Minh: Thủ đô Hà Nội phải là thành phố gương mẫu, Sđd, tr.81)
Thanh Huyền (tổng hợp)