Thứ tư, 17/04/2024

Chỉ mục bài viết

 107. Bài nói chuyện tại Đại hội liên hoan chiến sỹ thi đua thành phố Hà Nội

(Trích)

Trước hết, Bác khen thành tích thi đua của các chiến sĩ và nhân dân Thủ đô trong năm 1961. Trong năm 1961, Thủ đô có 2.655 chiến sĩ thi đua, tăng 30% so với năm 1960, và 40.114 lao động tiên tiến, tăng gấp 3 lần năm 1960, 89 đơn vị tiên tiến, 1.610 tổ tiên tiến trong đó có 374 tổ đã ghi tên phấn đấu trở thành tổ lao động xã hội chủ nghĩa. Hàng vạn con người mới đã nêu cao tinh thần làm việc không biết mệt mỏi cho chủ nghĩa xã hội.

Song trong phong trào thi đua, còn một số nơi đợi cho quần chúng yêu cầu rồi cán bộ mới phát động, tổ chức thi đua. Nhiều chiến sĩ rất hăng hái nhưng không được bồi dưỡng, giúp đỡ nên ít phát huy được tác dụng, nhiều nơi thiếu kết hợp việc giáo dục chính trị với việc khuyến khích, khen thưởng về vật chất. Việc bồi dưỡng các chiến sĩ thi đua trong phụ nữ, thanh niên chưa được chú ý đầy đủ, chiến sĩ thi đua trong nông nghiệp còn ít so với trong công nghiệp. Như thế chứng tỏ Hà Nội chưa chú ý đầy đủ đến nông nghiệp.

Công nghiệp và nông nghiệp trong nền kinh tế cũng như - hai chân của một con người. Nếu một chân bị liệt thì sẽ khập khiễng. Hà Nội phải rất coi trọng công nghiệp, đồng thời phải coi trọng nông nghiệp. Bác giao nhiệm vụ vẻ vang cho các chiến sĩ thi đua và nhân dân Thủ đô: Phải cố gắng phấn đấu làm cho Hà Nội trở thành một thành phố gương mẫu, làm đầu tàu trong việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, làm cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà.

(Trích trong Bác Hồ với nhân dân Hà Nội, Nxb Hà Nội, 1980, tr.157-158)

108. Bài nói chuyện tại Hội nghị sơ kết cuộc vận động xây dựng Đảng bộ, Chi bộ "bốn tốt" khu vực ngoại thành Hà Nội

...

Trong kháng chiến, ở ngoại thành, xã nào, địa phương nào giết được nhiều giặc, thì xã đó, địa phương đó là tiến bộ. Ngày nay, xã nào, đơn vị nào sản xuất tốt, chấp hành chủ trương, chính sách tốt thì xã đó, địa phương đó là tiến bộ. Nhiều hợp tác xã khác nữa sản xuất thực phẩm và mọi công tác đều có tiến bộ, nhưng phong trào ở ngoại thành tiến bộ chưa đều. Số chi bộ "bốn tốt" chiếm tỷ lệ còn thấp. Có hợp tác xã chưa đăng ký thi đua "Năng suất cao, hoa màu nhiều, chăn nuôi giỏi".

Những thiếu sót trên đây của cấp ủy đảng đã hạn chế phong trào ở ngoại thành. Bác nêu kinh nghiệm là đến nơi nào thấy đời sống nhân dân được nâng cao, làng xóm sạch sẽ, đường sá đẹp đẽ, giếng nước sạch, đủ ăn, nhân dân đoàn kết, hăng hái sản xuất, phong trào học văn hóa khá, bán lương thực cho Nhà nước đầy đủ, nhanh chóng, phong trào trồng cây tốt, mọi hủ tục giảm dần... thì ở đó công tác đảng khá, chi bộ vững mạnh. Còn ngược lại thì công tác của Đảng bộ, của chi bộ ấy chưa tốt. Chúng ta phải phấn đấu xây dựng cơ sở đảng ở ngoại thành cho tốt. Muốn xây dựng Đảng tốt thì phải có đảng bộ tốt, chi bộ tốt. Muôn có đảng bộ tốt, chi bộ tốt, thì đảng viên phải luôn luôn ghi nhớ 10 nhiệm vụ của đảng viên. Ở  các nơi khai hội, ở nơi làm việc của đảng viên, cần phải viết bản 10 nhiệm vụ của đảng viên để đảng viên hằng ngày nhớ nhiệm vụ của mình mà phấn đấu thực hiện.

Trong dịp này, Bác tóm tắt 6 tiêu chuẩn đảng viên để các đại biểu hội nghị dễ nhớ và dễ phổ biến, những tiêu chuẩn tóm tắt đó là:

- Phải kiên quyết và suốt đời đấu tranh cho Đảng.

- Luôn luôn bồi dưỡng tư tưởng vô sản cho mình; không để mắc sai lầm; tích cực sửa chữa sai lầm, khuyết điểm.

- Luôn luôn để lợi ích của Đảng lên trên lợi ích cá nhân.

- Tuyệt đối chấp hành nghị quyết, kỷ luật của Đảng.

- Mật thiết liên hệ với quần chúng.

- Cố gắng học tập để không ngừng nâng cao trình độ của mình, thật thà tự phê bình và phê bình. Đảng viên còn phải mật thiết liên hệ với quần chúng. Nêu cao tinh thần chí công vô tư, cần kiệm liêm chính, gương mẫu trong mọi công tác và trong đời sống.

Nhiệm vụ của các chi bộ, đảng viên, cán bộ, đoàn viên và nhân dân ngoại thành là phải đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng đảng bộ, chi bộ "bốn tốt", trước mắt là làm tốt cuộc vận động xây dựng cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật trong hợp tác xã, đẩy mạnh vụ sản xuất đông - xuân 1964 - 1965 thắng lợi vượt bậc.

Trước Cách mạng Tháng Tám, toàn Đông Dương chỉ có khoảng 5.000 đảng viên mà vẫn làm được công cuộc cách mạng thắng lợi. Hiện nay ở ngoại thành có 7.000 đảng viên, đó là một lực lượng rất lớn, lại ở gần Trung ương, gần Thành ủy, có chính quyền, có nhân dân tốt thì phải làm thế nào cho xứng đáng với sự tin cậy của Đảng. Phải làm sao cho ngoại thành tiến bộ về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng.

Các đảng bộ, các chi bộ ở ngoại thành lãnh đạo đưa phong trào ngoại thành tiến lên mạnh mẽ hơn nữa, làm cho ngoại thành thực sự trở thành vành đai đỏ của Thủ đô xã hội chủ nghĩa. Có như thế Thủ đô chúng ta mới trở nên giàu mạnh, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà.

(Trích trong cuốn Thủ đô Hà Nội phải là thành phố gương mẫu, Nxb Sự thật,1985, tr.159-161)108. 

108. Bài nói chuyện ở Lớp huấn luyện đảng viên mới

Bác thay mặt Trung ương Đảng hoan nghênh các đồng chí. Sau đây là vài điều Bác muốn nói với các cô, các chú hôm nay:

Vì sao chúng ta vào Đảng? Phải chăng để thăng quan, phát tài?

Không phải! Trước đây, khi Đảng còn hoạt động bí mật, các đồng chí chúng ta vào Đảng, chỉ một lòng một dạ làm cách mạng. Bọn đế quốc, phong kiến bắt bớ, cầm tù, xử tử rất nhiều cán bộ, đảng viên của Đảng, nhưng các đồng chí chúng ta vẫn hăng hái hoạt động. Có những đồng chí như Trần Phú, Nguyễn Văn Cừ, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Hoàng Văn Thụ, và rất nhiều đồng chí khác đã anh dũng hy sinh cho Đảng, cho cách mạng. Chúng ta vào Đảng là để hết lòng hết sức phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, làm tròn nhiệm vụ của người đảng viên.

Muốn xứng đáng với danh hiệu người đảng viên, các cô, các chú phải không ngừng rèn luyện tư tưởng vô sản và giữ vững lập trường vô sản, cố gắng học hỏi để nâng cao trình độ hiểu biết của mình.

Điều lệ của Đảng có quy định rõ nhiệm vụ của đảng viên là: Ra sức học tập chủ nghĩa Mác - Lênin và đường lối, chính sách của Đảng, học tập văn hóa, kỹ thuật và nghiệp vụ; không ngừng nâng cao trình độ chính trị, tư tưởng và năng lực công tác của mình.

Nhiệm vụ cách mạng của nhân dân ta hiện nay đòi hỏi mỗi đảng viên phải: Tuyệt đối tin tưởng vững chắc vào đường lối, chủ trương của Đảng; có ý chí quyết chiến, quyết thắng đế quốc Mỹ xâm lược, thực hiện chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ra sức làm tốt mọi công tác trong sản xuất và chiến đấu. Vì vậy mỗi đảng viên phải tích cực học tập. Học phải đi đôi với hành. Học để hàng ngày càng tốt hơn.

Bác thường nghe nói có đồng chí mới 40 tuổi mà đã cho mình là già cho nên ít chịu học tập. Nghĩ như vậy là không đúng, 40 tuổi chưa phải là già. Bác đã 76 tuổi nhưng vẫn cố gắng học thêm. Chúng ta phải học và hoạt động cách mạng suốt đời. Còn sống thì còn phải học, còn phải hoạt động cách mạng. Để lãnh đạo cách mạng, Đảng phải mạnh. Đảng mạnh là do chi bộ tốt. Chi bộ tốt là do các đảng  viên đều tốt. Muốn xây dựng chi bộ "Bốn tốt" thì phải bồi dưỡng lập trường vô sản cho đảng viên. Muốn có lập trường vô sản vững chắc, thì đảng viên phải có ý thức giai cấp, đồng thời phải có lý luận cách mạng. Không có lý luận về chủ nghĩa xã hội khoa học thì không thể có lập trường giai cấp vững vàng. Vì vậy, các cô, các chú phải chịu khó học tập lý luận Mác - Lênin, học tập đường lối, chính sách của Đảng; đồng thời phải học tập văn hóa, kỹ thuật và nghiệp vụ.

Từ khi có chỉ thị của Ban Bí thư về giáo dục đảng viên, nhiều nơi đã quan tâm đến việc giáo dục đảng viên dự bị, mỗi năm một vài lần các đảng viên được học tập nghị quyết của Trung ương, học tập chương trình chính trị do Ban Tuyên giáo Trung ương biên soạn. Các trường Đảng của tỉnh, các lớp huấn luyện ở huyện đã bồi dưỡng được khá nhiều cán bộ, đảng viên. Năm 1965, theo báo cáo của 21 tỉnh, thành, các lớp huyện đã huấn luyện được 32.300 đảng viên là chi ủy, tổ trưởng, v.v. Như vậy là công tác giáo dục đảng viên có kết quả khá. Nhưng vẫn còn nhiều khuyết điểm.

- Số đảng viên mới kết nạp nhiều nhưng số được huấn luyện thì còn ít; cuối năm 1965, 31 đơn vị có 56.760 đảng viên dự bị, nhưng mới huấn luyện được hơn 25.800 đồng chí, tức là chưa được một nửa.

- Việc giáo dục đảng viên còn làm theo từng vụ, từng việc, chưa có chương trình kế hoạch giáo dục toàn diện và lâu dài.

- Một số cấp ủy chưa quan tâm đến việc giáo dục đảng viên, có nơi đã khoán trắng việc giáo dục đảng viên cho cán bộ tuyên giáo. Để sửa chữa những thiếu sót đó, từ nay Đảng ta cần phải quan tâm hơn nữa đến việc giáo dục đảng viên.

Theo điều lệ Đảng, những đảng viên mới phải học tập nắm vững những hiểu biết cơ bản sau đây:

- Chủ nghĩa cộng sản. Vì sao ít nhất cũng phải học những điều cơ bản, những điều a, b, c về chủ nghĩa cộng sản?

Vì chủ nghĩa cộng sản là mục đích cuối cùng của Đảng ta. Đấu tranh cho chủ nghĩa cộng sản là lẽ sống của người đảng viên.

Nội dung của chủ nghĩa cộng sản rất rộng. Bước đầu mỗi đảng viên phải học để nắm được nội dung chủ nghĩa cộng sản là gì? Muốn thực hiện chủ nghĩa cộng sản, giai cấp công nhân phải lãnh đạo nhân dân lao động làm cách mạng đánh đổ chính quyền của giai cấp bóc lột, thiết lập chuyên chính vô sản. Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh như thế nào để tiến lên thực hiện dần dần chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam? Học tập làm cho mỗi đảng viên nâng cao quyết tâm phấn đấu suốt đời cho lý tưởng cộng sản, biến quyết tâm đó thành hành động thực tế trong lao động sản xuất, trong chiến đấu và trong đời sống hằng ngày. Các cô, các chú cần luôn luôn ghi nhớ: Người cộng sản chúng ta không được phút nào quên lý tưởng cao cả của mình là: Suốt đời làm cách mạng phấn đấu cho Tổ quốc hoàn toàn độc lập, làm cho chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản thắng lợi hoàn toàn trên Tổ quốc ta và trên thế giới. Một ngày nào mà miền Nam ta chưa được giải phóng, Tổ quốc ta chưa được thống nhất, nhân dân ta chưa được sung sướng, yên vui thì tất cả chúng ta vẫn phải đem hết tinh thần và nghị lực mà phấn đấu, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng hoàn toàn thắng lợi.

- Đường lối cơ bản và nhiệm vụ trước mắt của cách mạng Việt Nam.

Vì sao phải học tập đường lối của Đảng? Vì có nắm vững đường lối cách mạng mới thấy rõ phương hướng tiến lên của cách mạng, mới hiểu rõ mình phải làm gì và đi theo phương hướng nào để thực hiện mục đích của Đảng trong giai đoạn cách mạng hiện nay.

Nội dung đường lối cách mạng Việt Nam rất rộng. Bước đầu phải cố gắng học để hiểu rõ hai nhiệm vụ cách mạng và mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ đó: Nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, nhiệm vụ cách mạng giải phóng miền Nam. Hiểu rõ nội dung ba cuộc cách mạng ở miền Bắc nước ta hiện nay: Cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng kỹ thuật, cách mạng văn hóa và tư tưởng. Hiểu rõ tình hình mới, nhiệm vụ mới, nâng cao quyêt tâm đánh giặc Mỹ xâm lược, sẵn sàng chịu đựng mọi hy sinh, gian khổ, khắc phục mọi khó khăn, làm thật tốt bất cứ nhiệm vụ gì do Đảng giao cho.

- Tổ chức cơ sở của Đảng, nhiệm vụ, quyền hạn và phương pháp công tác của người đảng viên. Để hoạt động cách mạng, thực hiện nhiệm vụ, đường lối của Đảng, mỗi đảng viên phải hoạt động trong một tổ chức cơ sở của Đảng. Cho nên các cô, các chú phải hiểu rõ vai trò và nhiệm vụ của chi bộ, cố gắng góp phần của mình vào việc xây dựng chi bộ "Bốn tốt". Phải hiểu rõ quyền hạn, nhiệm vụ của người đảng viên, nâng cao tinh thần trách nhiệm của mình đối với Đảng. Các cô, các chú còn phải nắm được phương pháp công tác cách mạng của Đảng, ví dụ như cách vận động quần chúng. Không đi theo đường lối quần chúng của Đảng thì sẽ mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh, xa rời quần chúng.

Muốn học tập có kết quả tốt thì phải có thái độ đúng và phương pháp đúng. Thời kỳ bí mật, điều kiện học tập của đảng viên rất khó khăn: Thiếu thầy, thiếu sách, thiếu tự do, nhưng cán bộ và đảng viên vẫn quyết tâm vì cách mạng mà học; dù hoàn cảnh khó khăn thế nào cũng tìm đủ mọi cách mà học. Bây giờ điều kiện thuận lợi nhiều, cho nên các cô, các chú phải ra sức học tập thật tốt.

Phương châm, phương pháp học tập là lý luận liên hệ với thực tế. Học xong, về xí nghiệp, về hợp tác xã, về cơ quan... Phải biến những điều đã học thành hành động cách mạng thực tế. Học phải đi đôi với hành, chứ không phải học để nói suông. Nhớ hồi kháng chiến, có một lần Bác đi dự hội nghị về, thấy một số đồng chí đang nghỉ ở một gốc cây đa to bóng mát, Bác hỏi:

- Các cháu đi đâu về?

- Chúng cháu đi học.

- Học những gì?

- Học Các Mác.

- Có hay không?

- Thưa Bác hay lắm.

- Có hiểu không?

Họ ấp úng:

- Thưa Bác, nhiều cái khó quá, không hiểu được. Học như thế là phí công, phí của. Chúng ta phải học tập một cách thiết thực hơn. Sau lớp học này các cấp ủy phải làm gì?

- Ban Tuyên giáo Trung ương cần căn cứ trình độ khác nhau của đảng viên mà soạn ra các chương trình học tập, đảm bảo cho đảng viên ở cơ sở có thể thường xuyên học tập.

- Các cấp ủy phải quan tâm hơn nữa đến việc giáo dục đảng viên. Từ nay trở đi công tác giáo dục đảng viên phải là một điều quan trọng trong chương trình công tác của cấp ủy. Phải bồi dưỡng giảng viên lý luận cho các chi bộ.

- Tất cả các đảng viên phải cố gắng học tập, coi việc học tập lý luận chính trị là một nhiệm vụ quan trọng của mình.

Đảng viên phải là cốt cán trong cuộc vận động "Ba xây, ba chống", trong cuộc vận động "Cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp", phải gương mẫu trong sản xuất và chiến đấu, phải gương mẫu trong đạo đức cách mạng.

Hằng ngày phải tự kiểm điểm để cố gắng làm đúng 10 nhiệm vụ của đảng viên. Người ta, hằng ngày ai cũng phải rửa mặt cho sạch sẽ. Đảng viên phải coi việc tự kiểm điểm như rửa mặt. Hằng ngày mỗi đảng viên phải tự kiểm điểm mình. Phải lấy 10 nhiệm vụ của đảng viên mà tự kiểm điểm.

Năm 1945, khắp cả nước, Đảng ta chỉ có độ 5.000 đồng chí, mà đã đoàn kết và lãnh đạo được toàn dân làm Cách mạng Tháng Tám thành công. Hiện nay, riêng Hà Nội đã có gần 42.000 đảng viên, tức là hơn tám lần đảng viên cả nước trước đây, chúng ta phải cố gắng làm cho Đảng bộ Hà Nội trở nên kiểu mẫu, làm mẫu, làm đầu tàu trong học tập, sản xuất và chiến đấu.

Chúc các cô, các chú cố gắng và thành công!

(Trích trong Hồ Chí Minh, toàn tập, t12, Sđd, tr.91-96)

109. Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích cho nhân dân Thủ đô về việc ký Hiệp định sơ bộ

... Để có thêm thời gian chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đồng thời đuổi 20 vạn quân Tưởng ra khỏi đất nước, Chủ tịch  Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng quyết định tạm thời hòa hoãn với Pháp bằng Hiệp định sơ bộ.

16 giờ 30 phút ngày 06/3/1946, lễ ký kết được tiến hành tại số nhà 38 phố Lý Thái Tổ với sự có mặt của đại diện nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đại diện của nước Cộng hòa Pháp, phái bộ Mỹ, lãnh sự Anh với tướng lĩnh quân đội Tưởng ở miền Bắc Đông Dương.

Đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, làm cho nhân dân hiểu rõ ý nghĩa thắng lợi của Hiệp định sơ bộ, chiều 7/3, Thành ủy, UBND Thành phố đã huy động hơn 5 vạn đồng bào nội, ngoại thành đến Nhà hát Lớn Thành phố nghe đại biểu của Chính phủ (các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Trần Huy Liệu, cụ Huỳnh Thúc  Kháng) nói chuyện.

Giữa buổi nói chuyện, Hồ Chủ tịch xuất hiện. Quảng trường Nhà hát Lớn rền vang tiếng hoan hô. Bằng lời lẽ ngắn gọn, súc tích với những ví dụ rất cụ thể, dễ hiểu, Hồ Chủ tịch nêu rõ thắng lợi về mặt chính trị và ngoại giao do Hiệp định sơ bộ đem lại. Người khuyên nhân dân Thủ đô bình tĩnh, đoàn kết, tôn trọng kỷ luật, luôn luôn coi người Trung Hoa như anh em... đồng thời, phải cảnh giác, sẵn sàng đối phó trước mọi tình huống. Tất cả mọi người đều lặng đi vì xúc động, trào nước mắt khi nghe Hồ Chủ tịch nói: "Tôi, Hồ Chí Minh, suốt cuộc đời đã cùng đồng bào chiến đấu cho độc lập của Tổ quốc, tôi thà chết chứ không bao giờ bán nước".

Từ giây phút đó, hình ảnh lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh mãi mãi đi vào trái tim nhân dân Thủ đô như một huyền thoại tuyệt đẹp về tấm lòng suốt đời hy sinh cho dân, cho nước của Người.

(Trích trong Hồ Chí Minh, Biên niên tiểu sử, t3, Sđd, tr. 158-159)

Thanh Huyền (tổng hợp)

Bài viết khác: