Chỉ mục bài viết

 31. Giữ gìn trật tự, an ninh

Quân đội Pháp đã rút khỏi Hà Nội, Chính phủ ta đã về Thủ đô. Hiện nay, việc quan trọng nhất của Thủ đô là giữ vững trật tự, an ninh. Có giữ vững trật tự, an ninh, thì nhân dân Thủ đô mới an cư, lạc nghiệp.

Giữ gìn trật tự an ninh trước hết là việc của công an, bộ đội, cảnh sát. Nhưng chính quyền ta là chính quyền dân chủ, bất kỳ việc to việc nhỏ đều phải dựa vào lực lượng của nhân dân để phụng sự lợi ích của nhân dân. Việc giữ gìn trật tự an ninh càng phải dựa vào sáng kiến và lực lượng của nhân dân.

Mọi người công dân, bất kỳ già trẻ gái trai, bất kỳ làm việc gì, đều có nhiệm vụ giúp chính quyền giữ gìn trật tự an ninh, vì trật tự an ninh trực tiếp quan hệ đến lợi ích bản thân của mọi người. Mấy mươi vạn con mắt soi sáng, mấy mươi vạn lỗ tai nghe ngóng, thì bọn gian phi, côn đồ sẽ lòi mặt ra và sẽ phải cải tà quy chính dưới lực lượng to lớn của quần chúng.

Chính quyền và nhân dân chúng ta phải đồng tâm hiệp lực, giữ gìn trật tự an ninh, sao cho "dạ bất bế hộ, lộ bất thập duy", như lời thánh hiền đã dạy.

Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự an ninh, làm cho Thủ đô ta thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần.

(Theo Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.7, Sđd, tr.363-364)

32. Bài nói chuyện tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Vì bận nhiều việc, Bác ít đến thăm nhà trường. Bác tự phê bình trước các cô giáo, thầy giáo, các cháu học sinh, các đồng chí cán bộ, công nhân viên. Các cô, các chú phải cảm ơn Tổng thống Cây-ta, vì hôm nay có Tổng thống đến thám trường, Bác không thể không đến được. Nhân dịp nàv, Bác có lời cảm ơn các đồng chí chuyên gia Trung Quốc, Liên Xô và Tân Tây Lan đến giúp đỡ các cô giáo, thầy giáo và giúp các cháu học tập.

Bây giờ, Bác nói mấy ưu điểm của trường:

- Một là tất cả mọi người, các cô giáo, thầy giáo, các cán bộ, công nhân viên cũng như các cháu học sinh đều có tinh thần khắc phục khó khăn làm tròn nhiệm vụ. Đó là một điều tốt.

- Dạy cũng như học phải biết chú trọng cả tài lẫn đức. Đức là đạo đức cách mạng. Đó là cái gốc, rất là quan trọng. Nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng. Đạo đức cách mạng là triệt để trung thành với cách mạng, một lòng một dạ phục vụ nhân dân.

- Một ưu điểm nữa là phong trào thi đua "Hai tốt" ở đây làm khá. Bác nói rằng khá, chứ chưa phải trăm phần trăm tốt đâu nhé!

Hiện nay có mấy trăm cô giáo, thầy giáo thanh niên xung phong đi miền núi, để đưa cái hiểu biết văn hóa lên cho đồng bào miền rẻo cao. Bác chỉ nói hai ví dụ:

Một cháu gái là giáo viên lên đây, không biết tiếng nói và chưa hiểu phong tục tập quán của địa phương. Không có trường và không có học trò. Xóm này cách xóm kia rất xa, đi lại khó khăn. Cháu gái ấy đã nói rằng, Đảng và nhà trường đã phái lên đây, thì mình quyết phải làm tròn nhiệm vụ. Cháu đó đã cùng ăn, cùng ở, cùng lao động với đồng bào, do đấy mà tuyên truyền cho bố mẹ các cháu bé, vừa học tiếng địa phương. Làm như thế dần dần từng bước, cháu ấy đã xây dựng nên nhà trường hẳn hoi. Đây là một cô giáo anh hùng.

Lại có một cháu trai, lên vùng rẻo cao. Trong bản có một cháu bé muốn học, nhưng vì bị bại chân không đi được. Thầy giáo hàng ngày tới nhà cõng cháu đó đến trường học. Đây là một thầy giáo anh hùng.

Hiện nay có hàng vạn học sinh tốt nghiệp lớp 7, lớp 10 đã xung phong đi tham gia sản xuất ở các công trường, ở miền núi; có 797 cháu cấp I, cấp II, cấp III học giỏi được giải thưởng. Trong phong trào "Làm nghìn việc tốt" có 40 vạn cháu thiếu nhi có nhiều thành tích.

Những kết quả tốt đó đều là công lao của nhà trường, của các cô giáo, thầy giáo. Vì vậy Bác có thể nói Bác đối với nhà trường, đối với nền giáo dục của ta, tuy chưa phải là trăm phần trăm mãn nguyện, nhưng càng ngày Bác càng bằng lòng hơn; năm nay bằng lòng hơn năm ngoái và sang năm chắc sẽ bằng lòng hơn năm nay.

Nhân đây, Bác kể một chuyện để so sánh. Quốc hội Mỹ có một ban trông nom trẻ con, ban ấy báo cáo rằng năm 1963 hơn 1/5 trẻ con Mỹ từ 7 tuổi đến 10 tuổi đã phạm tội: ăn trộm, ăn cắp, thậm chí giết người cũng có v.v. Vậy thử hỏi: Mỹ văn minh hơn hay ta văn minh hơn? Ta có 40 vạn cháu ngoan mà Mỹ có 1/5 trẻ em phạm tội. Ta có thể nói: Ta văn minh hơn!

Lần trước đến thăm trường, Bác có nói hai điểm: Một là vệ sinh, hai là trồng cây. Vệ sinh ở đây còn kém! Về trồng cây, Bác bảo nên trồng cây nhiều. Nhưng hiện nay cây sống ít. Do là vì các cô, các chú tham trồng cây nhiều, nhưng không chăm bón cho tốt. Ở trường này, cả thầy và trò có gần 4 nghìn rưởi người. Nếu mỗi năm một người trồng một cây là được gần 5.000 cây. Hai năm sẽ được gần 1 vạn cây. Nhưng trồng cây nào thì phải chăm bón cho tốt cây đó. Như thế, hơn là tham trồng nhiều mà kết quả ít. Các cô, các chú và các cháu phải làm cho vườn của trường trở thành một vườn hoa, vườn cây tươi đẹp.

Đã hứa với Bác thì phải làm, làm thì phải có tổ chức. Vệ sinh cũng như trồng cây, có tổ chức thì nhất định làm được tốt. Bây giờ đến mấy việc Bác muốn nhắc nhở các đồng chí cán bộ và các cháu học sinh:

- Trước hết phải đoàn kết. Đoàn kết thật sự, giữa thầy và thầy, giữa thầy và trò, giữa trò và trò, giữa cán bộ và công nhân. Toàn thể nhà trường phải đoàn kết thành một khối, đoàn kết phải thật sự trăm phần trăm chứ không phải chỉ là đoàn kết miệng.

- Các cháu học sinh không nên học gạo, không nên học vẹt. Bác không cần giải thích học gạo, học vẹt là thế nào vì các cháu biết cả rồi. Học phải suy nghĩ, học phải liên hệ với thực tế, phải có thí nghiệm và thực hành. Học với hành phải kết hợp với nhau.

- Cần phải giữ gìn kỷ luật cho tốt, phải sạch sẽ, gọn gàng. Kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa tự do, chống lề mề, luộm thuộm.

- Thầy cũng như trò, cán bộ cũng như nhân viên, phải thật thà yêu nghề mình. Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực đóng góp xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản? Người thầy giáo tốt, thầy giáo xứng đáng là thầy giáo là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy tốt là những anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang. Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được? Vì vậy nghề thầy giáo rất quan trọng, rất là vẻ vang; ai có ý kiến không đúng về nghề thầy giáo, thì phải sửa chữa.

Một điểm nữa là các cháu gái chưa được giúp đỡ tốt. Các cháu trai, cháu gái chưa thực sự coi nhau như anh em, chị em ruột thịt trong một nhà. Trái lại, còn có ý ganh tị, bắt bẻ, sợ bạn học xinh gái hơn mình thì mất thể diện "anh hùng nam tử". Cháu nào còn rơi rớt tư tưởng, tác phong ấy, thì cần phải sửa chữa.

Cô giáo, thầy giáo trong chế độ ta cần góp phần vào công cuộc xây dựng xã  hội chủ nghĩa. Phải có chí khí cao thượng, phải "Tiên ưu hậu lạc", nghĩa là khó khăn thì phải chịu trước thiên hạ, sung sướng thì hưởng sau thiên hạ. Đây là đạo đức cách mạng.

- Trong việc học tập cũng như trong mọi việc, đảng viên và đoàn viên của nhà trường cần phải xung phong, gương mẫu, phải giúp đỡ anh em, chị em cùng tiến bộ. Ở đây có ngót 4.000 học sinh, 1/4 là cháu gái. Như thế là có tiến bộ nhưng đương còn ít. Ngày nay ở các nước xã hội chủ nghĩa anh em, nghề dạy học và nghề làm thuốc thì phụ nữ làm nhiều hơn.

Có 100 học sinh đồng bào thiểu số, Bác thấy vậy còn ít, cần dần dần có thêm. Có 800 các cháu miền Nam, như vậy là rất tốt, dần dần phải thêm nữa. Bởi vì chúng ta phải gắn liền nhiệm vụ ủng hộ miền Nam với việc xây dựng miền Bắc. Vì vậy, ở miền  Bắc, trong mọi việc, việc dạy và học cũng thế, mọi người phải làm việc bằng hai để đền đáp cho đồng bào miền Nam ruột thịt. Ở đây cũng như các ngành khác, phải đào tạo cán bộ cho miền Nam để đến ngày nước nhà thống nhất, các cháu ấy về góp phần xây dựng miền Nam thân yêu. Cuối cùng, Bác mong các cô, các chú và các cháu nhớ làm được những điều kể trên. Tất cả thầy trò, cán bộ, công nhân phải phấn khởi thi đua phát triển ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm, làm thế nào để nhà trường này chẳng những là trường sư phạm mà còn là trường mô phạm của cả nước.

(Theo Hồ Chí Minh, Toàn tập, t11, Sđd, tr.329-333)

33. Niềm vui và hạnh phúc

 Xuân Canh Tý 1960

Bấy giờ tôi còn đang công tác ở Ủy ban Hành chính khu Hoàn Kiếm. Lúc này, Chủ tịch Ủy ban là đồng chí Huy Đức. Bản thân tôi được giao phụ trách công giáo của năm khối: Nhà Chung, Ấu Triệu, Chân cầm, Phủ Doãn và Ngõ Huyện. Từ trước Tết, chủ trương của các đồng chí lãnh đạo thành phố và khu là cán bộ cơ sở sẽ về đường phố ăn Tết cùng với nhân dân trong cụm mình phụ trách. Cũng biết là không thể đi thăm hỏi và chúc Tết tất cả các gia đình nên tôi bàn với anh em định tối ngày 30 Tết, sẽ tập trung cán bộ cơ sở của cả năm khối tới họp mặt và chúc Tết lẫn nhau. Anh em cán bộ trong cụm nhất trí như vậy.

Tối 30 Tết, khoảng 7 giờ 15, tôi lững thững đi bộ đến chỗ họp. Nhưng trụ sở vắng ngắt, chỉ có mỗi đồng chí Thống Nhất (tên thật là Cường), trưởng ban đại biểu khối Nhà Chung, ra đón tôi và nói:

- Anh em lỡ hẹn, xin khất Bác đến 11 giờ đêm cuộc họp mới bắt đầu để vừa vui năm mới, đón giao thừa luôn, đồng thời vừa được nghe thư chúc Tết của Bác Hồ.

Tôi bèn quay về. Gần đến nhà, tôi thấy  thấp thoáng khắp các cột đèn và gốc cây ven đường đều có công an đứng. Gặp anh Hảo, Trưởng Công an khối bấy giờ, tôi hỏi:

- Việc gì thế đồng chí?

Anh không trả lời vào câu hỏi của tôi, chỉ cười cười và hỏi lại thay cho lời chào:

- Bác đi chơi về đấy à?

Tôi trả lời rồi vào nhà. Tự dưng thấy bồn chồn. Linh tính báo có sự việc gì đặc biệt, không bình thường. Vào nhà, tôi lại muốn trở ra đi loanh quanh. Qua số nhà 35 (nhà tôi ở 41), mọi người trong nhà mời tôi vào uống nước. Tôi bước vào nhà và thoáng thấy mấy anh công an đi đàng sau gật gật đầu và nháy nhau cười. Sau này tôi mới biết họ có nhiệm vụ cầm chừng để tôi đừng đi đâu quá xa, nhưng cũng không hề tiết lộ cho tôi tin Bác Hồ sẽ đến. Tôi vừa ngồi xuống ghế, chén nước bưng lên chưa kịp uống thì một đồng chí công an bước vào nói với tôi:

- Mời bác về nhà ngay, có khách!

Tôi vội vàng đứng lên, ra đến cửa nhìn về đã thấy phía nhà mình có ba xe ô tô không cùng kiểu nhau đỗ từ bao giờ. Tôi bước nhanh về nhà. Chưa đến nơi đã nghe tiếng con trai tôi reo to:

- Bác Hồ! Bác Hồ đến nhà ta!

Bước chân vào cửa tôi đã nghe thấy Bác hỏi:

- Gia đình ta đã chuẩn bị đón giao thừa chưa?

Không kịp đến gần Người, bởi lúc này Bác đã xuống gần đến bếp rồi, nhưng tôi cũng nói to lên:

- Dạ, thưa Bác chưa ạ!

Bấy giờ, ông cụ tôi mới kịp đi từ trên gác xuống. Tôi thấy hai cụ ôm nhau và hôn rất thắm thiết (Báo Nhân Dân và báo Hà Nội mới đều có đăng ảnh này vào ngày 29 - 30/2/1960). Tôi rất xúc động đứng lặng đi một lúc không biết nói gì và cũng chẳng biết làm gì.

Tôi đã từng nhìn thấy Bác và gặp Người đôi lần trong các cuộc họp của Mặt trận và ủy ban. Nhưng hạnh phúc được Người đến nhà, được nói chuyện lâu và được nghe "trực tiếp giọng nói của Bác thì quả thật tôi chưa bao giờ dám nghĩ tới, ngay cả trong mơ. Niềm hạnh phúc này lớn quá, đột ngột quá, khiến tôi cảm động đến lúng túng. Người tôi đờ ra. Và hình như lúc bấy giờ tay chân tôi như bị thừa, lưỡi tôi cứng lại - thậm chí tôi không chào được Bác nữa.

Bác từ bếp trở ra. Tôi như chợt tỉnh ra khỏi cơn mơ, vội vàng lấy chiếc ghế mây (cả nhà chỉ có một chiếc mà bây giờ tôi vẫn còn giữ làm kỷ niệm) để mời Bác ngồi. Bác không ngồi ngay. Người bê hai cái ghế đầu kê sát liền nhau và mời:

- Ông cụ ngồi đây!

- Bà cụ ngồi đây!

Rồi đợi khi cả hai cụ tôi ngồi rồi, Bác mới chịu ngồi. Tôi định đi pha nước mời Bác uống thì đồng chí Trần Danh Tuyên, bấy giờ đang là Bí thư Thành ủy và là người đi cùng với Bác gạt đi:

- Thôi, thôi, không phải nước non gì cả, ngồi quây quần lại đây tất cả cho ấm cúng để nói chuyện với Bác.

Thế là tất cả gia đình tôi ngồi xung quanh Bác. Bác bế cậu con trai út của tôi cho ngồi lòng và hỏi:

- Ông cụ năm nay bẩy chín phải không? Mỗi bữa cụ ăn được mấy bát cơm? Cụ ngủ có được nhiều không?

- Vâng, cảm ơn Cụ hỏi thăm. Tôi ăn mỗi bữa được ba bát cơm và tuy tuổi cao nhưng cũng vẫn ngủ được nhiều.

Rồi Bác lại hỏi:

- Cụ chuyên chữa về gì? (chẳng hiểu tại sao Bác lại biết cụ tôi là ông lang làm thuốc đông y).

- Thưa cụ, tôi chuyên trị các bệnh của phụ nữ và của trẻ em ạ!

- Cụ làm thuốc thế có châm cứu không?

- Dạ thưa, tôi cũng có châm cứu.

- Nghề châm cứu là nghề rất quý. Nghề này đã chữa được nhiều loại bệnh mà lại đỡ tốn thuốc. Và như vậy là rất tốt.

Rồi Người hỏi tiếp:

- Cụ được mấy người con?

Và quay sang tôi, Bác nói tiếp:

- Chú là con trưởng à?

Tôi vội vàng thưa:

- Dạ, thưa Bác vâng ạ!

- Chú công tác ở Ủy ban Hành chính khu Hoàn Kiếm à?

- Thưa Bác, vâng ạ!

- Chú phụ trách một cụm hả? Một cụm thì có mấy khối?

- Vâng ạ, cháu phụ trách một cụm gồm có năm khối.

Tôi trả lời Bác như một cái máy. Bởi vì xúc động đến nghẹn ngào, vẫn dâng đầy trong lòng. Và niềm hạnh phúc đến khát khao thôi thúc tôi chiêm ngưỡng Bác thật lâu, thật kỹ. Đây là thực hay là mơ? Có phải là ảo ảnh không? - Câu hỏi của Bác như lôi tôi trở lại với sự thực đang diễn ra.

Bác chủ động hỏi thăm tất cả, từng người một trong gia đình, từ lớn đến  nhỏ, gia đình tôi hoàn toàn bị bất ngờ, nên mọi người hết sức ngạc nhiên. Trong gia đình tôi, ai cũng nhận thấy Bác thật là gần gũi, thân thiết biết bao. Bác hiểu rõ gia đình như người thân, như một thành viên trong nhà, không hề có sự cách biệt giữa vị Chủ tịch nước kính mến và những người công dân bình thường, đặc biệt lại là người Công giáo. Tôi đang suy nghĩ cảm động về những câu hỏi của Bác thì Bác hỏi tiếp:

- Năm nay chú gói được bao nhiêu chiếc bánh chưng? Đã chuẩn bị Tết được những gì?

- Dạ, cháu thực hiện đúng lời Bác dạy: "Tiết kiệm là quốc sách". Mậu dịch đã gói sẵn rồi, ăn chiếc nào ra mua chiếc ấy cho đỡ lãng phí.

... Trước khi ra về, nhìn cả gia đình tôi ấm cúng, con cháu quây quần xung quanh cụ tôi, Bác chúc:

- Tôi xin chúc cụ sống lâu trăm tuổi và chúc "Tứ đại đồng đường". Người nắm rất chặt hai bàn tay cụ tôi đưa ra bắt tay. Cả nhà tôi đi theo tiễn Bác. Tôi nhìn rất lâu bóng dáng người Cha già thân thương của cả dân tộc. Người vẫn mặc bộ kaki bình thường, vẫn khăn len quàng cổ và dép cao su giản dị. Tuy tuổi đã cao nhưng dáng đi của Bác vẫn còn nhanh nhẹn. Bước lên ô tô rồi, Người vẫn còn vẫy vẫy gia đình chúng tôi. Chúng tôi nhìn rất lâu theo bóng chiếc ô tô đã khuất ở đầu phố mà người vẫn còn nôn nao xúc động.

Rồi chúng tôi trở vào nhà, không ai nói một câu nào. Tất cả vẫn còn như bàng hoàng chưa tỉnh sau một giấc mơ tuyệt đẹp. Chưa đầy ba mươi phút được Bác đến thăm, nhưng gia đình cũng như bản thân tôi luôn coi những lời căn dặn của Người là những lời giáo huấn mẫu mực, là kim chỉ nam cho suy nghĩ và hành động của mình. Đồng thời cũng quyết tâm thực hiện cho bằng được những lời chỉ bảo của Bác. Năm nào cũng vậy, mỗi khi Tết đến, gia đình tôi lại tổ chức một buổi gặp mặt vào tối 30 Tết. Đây là dịp để ôn lại kỷ niệm có một không hai này cho con cháu tự hào, đồng thời cũng là một lần nhắc lại những lời dặn dò của Bác để mọi người tự suy nghĩ về thái độ và những việc mình đã làm trong năm qua. Gia đình tôi trước khi Bác đến thăm mới chỉ có hai đảng viên, thì đến nay con số này đã lên đến mười tám. Cho đến năm 1960, cả nhà tôi chưa có ai được học đến đại học thì nay đã có mười tám người tốt nghiệp đại học, kể cả con dâu, cháu rể... Và khi Bác đến thăm cả gia đình mới có một người đi học nước ngoài thì bây giờ đã có sáu người được ra nước ngoài học tập và công tác. Con trai út của tôi, được Bác Hồ bế suốt từ lúc Người đến cho đến khi ra về, nay đang dạy tại trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ. Nhớ lại hạnh phúc đó, từ khi đi học, năm nào cháu cũng đạt danh hiệu học sinh tiên tiến, được Nhà nước cho sang Pháp học. Khi đi bộ đội, cháu cũng phấn đấu là dũng sĩ diệt Mỹ là chiến sĩ quyết thắng và được thưởng Huân chương Giải phóng. Nay mặc dù đã bước sang tuổi 82, nhưng tôi vẫn tham gia công tác ở Ủy ban Liên lạc Công giáo thành phố Hà Nội. Tôi đã cho khắc bốn chữ Bác chúc cụ tôi: "Tứ đại đồng đường", rồi sơn son thếp vàng để luôn luôn nhắc nhở con cháu, đồng thời cũng là để giữ mãi một kỷ niệm, một hạnh phúc không thể có lần thứ hai đối với gia đình…

(Theo lời kể của ông Bùi Xuân Tuấn, trích trong cuốn Nơi đây Bác viết Tuyên ngôn Độc lập, Nxb. Hà Nội, 1985, tr.41-46)

Thanh Huyền (tổng hợp)

Bài viết khác: