Chỉ mục bài viết

 135. Chủ tịch Hồ Chí Minh dự trại của hướng đạo sinh

Mừng nước nhà vừa giành được độc lập và kỷ niệm 15 năm Ngày thành lập tổ chức hướng đạo sinh Việt Nam, sáng ngày 16/11/1945, Hướng đạo sinh ở Hà Nội tổ chức cuộc vui chơi cắm trại ở khu Việt Nam học xá, với những hình thức và nội dung mới vừa hấp dẫn, vừa bổ ích, khơi dậy lòng yêu nước niềm tự hào của dân tộc. 

Vào 8 giờ ngày 16/11/1945, Bác Hồ đã tới dự trại. Mặc dù đêm trước mưa to, trong trại nhiều chỗ ngập nước, nhưng Hồ Chủ tịch đã đến tất cả các lán trại thăm hỏi anh em. Bác xem xét tỉ mỉ nơi ăn, chỗ ở, khu vui chơi giải trí... Bác tỏ ý hài lòng khi thấy anh chị em biết tổ chức trại một cách chu đáo.

Cảm động trước sự chăm sóc ân cần của Bác, hội trại năm đó của Hướng đạo sinh diễn ra rất sôi nổi, đầy hứng thú, đóng góp một phần trong các hoạt động đẩy mạnh phong trào yêu nước hồi bấy giờ.

(Đăng trên Báo Cứu quốc, số 95, ngày 19/11/1945)

136. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với cán bộ chỉ huy tự vệ thành Hoàng Diệu

 14 giờ ngày 08/3/1946, trên 50 Khu trưởng và Đội trưởng Tự vệ thành Hoàng Diệu đến phòng hội đồng Tòa thị chính (nay là UBND Thành phố) nghe Hồ Chủ tịch giải thích rõ thêm tinh thần cơ bản và ý nghĩa thắng lợi của Hiệp định sơ bộ.

Hồ Chủ tịch khẳng định, việc ký Hiệp định sơ bộ là thắng lợi về mặt ngoại giao đầu tiên của Chính phủ ta. Người nói đại ý: Các chiến sĩ tự vệ, nhất là cán bộ, phải nhận thức đầy đủ và đúng đắn những vấn đề đã nêu lên trong bản Hiệp định, nhất là việc ta đồng ý để cho 15.000 quân Pháp vào Bắc Việt Nam thay thế 150.000 quân Tưởng, tránh được những hy sinh xương máu không cần thiết trong khi thế và lực của ta còn nhiều hạn chế.

Ta không nên tỏ thái độ quá khích khi thấy quân đội Pháp vào để tránh những việc đáng tiếc xảy ra. Tận dụng thời gian hòa hoãn, chúng ta sẽ củng cố  lực lượng vũ trang, phát triển kinh tế, làm cho nước nhà thịnh vượng.

Cớ sao ta lại từ chối một cơ hội như vậy? Người đặc biệt nhấn mạnh: "Sự ký kết Hiệp định đình chiến ấy không phải là đã hết chiến tranh đâu, và thái độ ôn hòa, nhã nhặn của dân đối với quân Pháp cũng không phải là thái độ nhu nhược, thụ động của một dân tộc bị bảo hộ đối với quân đội đi chinh phục đâu. Trái lại, hơn bao giờ hết, ta phải luôn luôn chuẩn bị để bồi dưỡng lực lượng, nâng cao tinh thần kháng chiến của toàn dân để đối phó với những việc bất ngờ, bất cứ lúc nào cũng có thể xảy ra. Tinh thần kháng chiến, sự chuẩn bị chu đáo phải là thường trực, tiếp tục, không một giây phút nào ngừng. Những cố gắng ấy, những sự chuẩn bị ấy, nếu gặp phải trường hợp phải kháng chiến thì dùng để cứu quốc, ví bằng gặp được trường hợp thuận tiện mà tránh được chiến tranh thì đem dùng để kiến quốc, cũng là cần lắm".

Bằng cách nói giản dị, khúc chiết, Hồ Chủ tịch đã làm cho lực lượng vũ trang Thủ đô hiểu rõ sách lược "Hòa để tiến" của Đảng trong hoàn cảnh đầy gian nan, thử thách và vững tin vào bàn tay của Bác chèo lái con thuyền cách mạng đi tới đích.

(Đăng trên Báo Cứu quốc, số 181, ngày 09/3/1946)

137. Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lớp bình dân học vụ trường Hoài Đức

Đáp lại lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch "Mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, và trước hết phải biết học, biết viết chữ quốc ngữ", phong trào "chống nạn mù chữ" ở Hà Nội phát triển rất mạnh mẽ.

Quan tâm, khích lệ phong trào, tối thứ bảy, 20 giờ 30 phút ngày 13/4, Hồ Chủ tịch đến thăm lớp bình dân học vụ trường Hoài Đức, phố Hàng Trống.

Bác tới bất ngờ, không báo trước làm cho học sinh và giáo viên đều sửng sốt, cảm động. Đầu tiên Bác vào một lớp đang thi mãn khóa sau gần 3 tháng học tập. Mặc dù lớp học thiếu bàn, ghế, học sinh thuộc nhiều lứa tuổi, tầng lớp khác nhau, Bác vẫn thấy họ chăm chú viết chính tả, chữ đẹp và ít lỗi. Người mỉm cười hài lòng.

Lần lượt, đến thăm lớp nào, Bác cũng xem kỹ sách vở, ân cần hỏi chuyện giáo viên, học sinh. Những mái đầu bạc cặm cụi bên mái đầu xanh làm Bác rất xúc động. Trong khi kiểm tra sức học của học sinh, Bác đã áp dụng ngay phương pháp "đọc là thành tiếng" trước sự ngạc nhiên, khâm phục của giáo viên.

Trước khi ra về, Bác hỏi đồng chí phụ trách giáo dục khu 21 rất cặn kẽ về tình hình bình dân học vụ, khen ngợi nam nữ giáo viên đã tận tâm dạy học không lương và khuyên anh chị em nên kiên quyết theo đuổi công cuộc chống nạn "mù chữ" tới cùng. Người nói: "Anh chị em giáo viên bình dân học vụ là những anh hùng vô danh, anh hùng không tên tuổi, không ai biết đến". Quay lại phía học viên, Người nói tiếp: "Đó! Tổ quốc đó! Riêng có Tổ quốc biết đến các bạn thôi!".

(Đăng trên Báo Cứu quốc, số 217, ngày 17/4/1946)

138. Chủ tịch Hồ Chí Minh dự mít tinh của nhân dân Hà Nội đón Người trở về sau gần 5 tháng đi thăm nước Cộng hòa Pháp

Trong gần 5 tháng đi thăm nước Cộng hòa Pháp, Hồ Chủ tịch cùng đoàn đại biểu của Chính phủ ta đã làm cho nhân dân Pháp và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới hiểu rõ cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam; đàm phán và ký với Chính phủ Pháp Tạm ước 14/9/1946 để giành thêm thời gian, gấp rút chuẩn bị kháng chiến chống Pháp.

Tối ngày 20/10/1946, con tàu chở Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cập bến Hải Phòng trong niềm mong đợi của toàn dân. Sau khi dự mít tinh của nhân dân Hải Phòng chào đón Người, 10 giờ 30 phút ngày 21/10/1946, Hồ Chủ tịch đáp chuyến xe lửa đặc biệt về Thủ đô Hà Nội.

Qua cầu Long Biên, Hồ Chủ tịch cảm động nghẹn ngào khi thấy các cụ già râu tóc bạc phơ, áo thụng lam bên hương án, kính cẩn đón Người.

15 giờ 05 phút, đoàn xe lửa đặc biệt về đến ga Hàng cỏ (nay là ga Hà Nội).  Trước cửa ga, nhân dân Thủ đô chen vai, thích cánh hồi hộp chờ đợi giây phút Hồ Chủ tịch xuất hiện. Đoàn đại biểu Chính phủ và Quốc hội nước ta, đại diện các lãnh sự Anh, Mỹ, Trung Hoa, đại diện Chính phủ Pháp cũng ra sân ga đón Người.

Hồ Chủ tịch từ trong xe ô tô nhanh nhẹn bước ra cửa sân ga giữa tiếng hoan hô vang trời của nhân dân. Nhiều người cảm động, khóc sung sướng, níu lấy tay Bác, nghẹn ngào không nói nên lời...

Sau khi Hồ Chí Minh cùng các vị Bộ trưởng trong Chính phủ và tướng Moóc-li-e duyệt đội danh dự Việt - Pháp, 15 giờ 20 phút, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố, bác sĩ Trần Duy Hưng đã thay mặt đồng bào Thủ đô chúc mừng Hồ Chủ tịch. Người cảm ơn đồng bào Thủ đô và lên xe về Chủ tịch phủ. Dọc đường đi, đoàn xe phải dừng lại nhiều lần vì nhân dân đứng hai bên đường tràn xuống lòng đường vẫy cờ hoa chào đón Người.

Tới dinh Chủ tịch, Bác Hồ vừa vào tới phòng khách, nơi các đại biểu đang chờ đón Người, thì tiếng "Hoan hô Bác Hồ" vang lên. Bác mỉm cười bước ra ngoài. Một đoàn đại biểu nhân dân Hà Nội gồm thanh niên, phụ nữ, phụ lão, đứng đầu là các em thiếu nhi đang hô lớn các khẩu hiệu mừng Bác. Ba em nhi đồng thay mặt cho đoàn đại biểu chạy lên biếu Bác một chiếc áo len. Bác thân thiết bế các em vào lòng và âu yếm hôn các em.

Đoàn đại biểu của thanh niên tự vệ kính tặng Bác lá cờ với dòng chữ "Thanh niên tự vệ Hoàng Diệu triệt để tin tưởng ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh", Bác dành ít phút nói chuyện với anh em tự vệ. Bác thông báo cho anh em biết tin mừng: Thanh niên quốc tế đã nhận thanh niên Việt Nam làm hội viên và cử đại biểu sang. Người khuyên anh em phải hết sức cố gắng để tháng 01/1947 đi dự Hội nghị thanh niên Á châu, để xứng đáng với danh hiệu thanh niên Việt Nam.

Cuộc mít tinh của các tầng lớp nhân dân Hà Nội trước dinh Chủ tịch kéo dài từ 16 giờ 7 phút tới 17 giờ 30 phút mới chấm dứt.

Ngày hôm sau, báo Cứu quốc đưa tin và bình luận: "Hà Nội hôm qua đã sống một ngày lịch sử. Hàng vạn con người đi đón cũng như hàng triệu con người không được hân hạnh dự vào cuộc đón tiếp này đều đã gửi vào Hồ Chủ tịch một lòng kiên quyết theo tay chèo lái cứng cáp và khôn khéo của Người".

(Đăng trên Báo Cứu quốc, số 383, ngày 22/10/1946)

139. Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Công an quận Nhất

Ngay sau khi ở Pháp về, Hồ Chủ tịch càng đặc biệt quan tâm đến lực lượng công an nhân dân - lực lượng chủ yếu diệt trừ bọn phản loạn, âm mưu lật đổ chính quyền lập nhiều chiến công trong thời gian Người đi thăm nước Cộng hòa Pháp.

6 giờ 30 phút ngày 23/10, Bác đến thăm Nha công an Bắc bộ, thăm nhà riêng đồng chí Hoàng Mỹ, Phó Giám đốc Nha công an Bắc bộ, sau đó, Bác đến thăm Ty công an quận Nhất (lúc này, công an thành phố tổ chức thành 3 quận -Ty công an quận Nhất có trụ sở ở bốt Hàng Trống), các đồng chí công an viên, trật tự viên đang chuẩn bị đi công tác. Bác nói: "Tôi mới ở Pháp về, lại thăm anh em. Khi tôi đi vắng, tôi biết anh em ở nhà làm việc vất vả lắm. Trong lúc này, ta cần phải làm việc nhiều, nên anh em lại càng phải cố gắng làm việc hơn nữa".

Bác hỏi thăm cặn kẽ đời sống của công an viên rồi xuống thăm khu "tiết độ" - tức phòng ăn, và thăm khu "giác ngộ" - tức nhà giam. Phạm nhân hoan hô Hồ Chủ tịch, có người nghẹn ngào chảy nước mắt. Bác động viên: Anh chị em vì hám lợi mà làm bậy nên phải vào đây, phải kiên nhẫn chờ cán bộ tư pháp xét xử và phải quyết tâm sửa chữa.

Sau đó, Bác lên gác thăm các phòng làm việc và phòng ngủ của các cán bộ, chiến sĩ. Bác khen đời sống của chiến sĩ công an đã được cải thiện, không phải ăn cơm đỏ như trước; phòng ở, phòng làm việc đều ngăn nắp, gọn gàng. Bác ân cần dặn dò anh em nên săn sóc hơn đến những phạm nhân bị giam, xét ngay và xét kỹ cho họ khỏi bị oan uổng. Bác tặng đồng chí Trần Dung, Quận trưởng, Huy hiệu Cờ đỏ sao vàng mang ở Pháp về. Đồng chí Quận trưởng cảm động thay mặt cán bộ, chiến sĩ công an quận Nhất hứa với Bác thực hiện tốt lời Người dạy.

(Đăng trên Báo Cứu quốc, số 385, ngày 24/10/1946)

140. Chủ tịch Hồ Chí Minh dự lễ khai giảng trường Thương mại thực hành

Sáng 04/11, trường Thương mại thực hành vinh dự đón Hồ Chủ tịch tới dự lễ khai giảng. Trường được Bộ Quốc gia giáo dục và Bộ Quốc dân kinh tế bảo trợ. Khóa học này, trường đón hơn 100 sinh viên tới học trong 2 năm.

Sau diễn văn của ông Hiệu trưởng, Hồ Chủ tịch nói chuyện với các thầy, cô giáo, sinh viên của trường. Người khuyên nhủ sinh viên cố gắng hơn nữa trong việc thực hiện đời sống mới, học giỏi để trở thành những cán bộ kinh tế giỏi của đất nước trong tương lai.

(Đăng trên Báo Cứu quốc, số 396, ngày 05/11/1946)

141. Chủ tịch Hồ Chí Minh tới dự ngày "Thanh niên quốc tế"

Sáng ngày 10/11, tại Quảng trường Nhà hát Lớn, thanh niên Thủ đô tổ chức ngày "Thanh niên quốc tế" để thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị giữa thanh niên Việt Nam và thanh niên thế giới.

Sau bài diễn văn của đồng chí Đào Duy Kỳ, Phó Trưởng đoàn thanh niên Việt Nam, của ông Trần Công Tường, Trưởng đoàn thanh niên Việt Nam, đồng chí Dương Đức Hiền, Tổng Giám đốc Nha Thanh niên và thể dục Việt Nam nói về sự gia nhập của Thanh niên Việt Nam vào Liên đoàn Thanh niên dân chủ thế giới, nhiệm vụ của thanh niên trong sự nghiệp kháng chiến kiến quốc. Tiếp đó là  các cuộc thi đấu thể thao: Võ Việt Nam, điền kinh, đấu bóng tròn, quần vợt, đồng diễn thể dục...

Để khuyến khích phong trào thể dục thể thao của thanh niên, 15 giờ 15 phút, Hồ Chủ tịch tới dự, giữa lúc học sinh trường cán bộ thể dục đang đồng diễn bài thể dục phổ thông. Người phát biểu ngắn gọn với thanh niên, đại ý: Trong thanh niên còn rất nhiều người yếu ớt, cán bộ học sinh của trường cán bộ thể dục phải làm cho toàn thể đồng bào cùng khỏe, phải phổ thông hóa, đại chúng hóa, dân chủ hóa thể dục.

Sau đó, Người đã đá quả bóng danh dự giữa tiếng hoan hô vang dội của khán giả, mở đầu cuộc thi đấu bóng đá giữa liên quân Hỏa xa - Công an và liên quân Vệ quốc đoàn - Nội Châu (Nội Châu nay thuộc phường Tứ Liên, quận Tây Hồ).

Gánh vác trên vai vận mệnh của nước nhà, Bác Hồ vẫn ung dung, thư thái, hiền từ, giản dị như một người Cha, vẫn tràn đầy sức lực. Người đã nêu gương "Khỏe vì nước" cho thanh niên Thủ đô noi theo.

(Đăng trên Báo Cứu quốc, số 402, ngày 11/11/1946)

142. Chủ tịch Hồ Chí Minh dự lễ xung phong "Mùa Đông binh sỹ và tặng binh sĩ chiếc áo rét của Người

Theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại thủ đô Hà Nội, Ủy ban vận động "Mùa Đông binh sĩ" đã được thành lập để phát động phong trào nhân dân may áo trấn thủ cho các chiến sĩ.

Mở đầu cuộc vận động, chiều 15/11, Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam tổ chức lễ xung phong "Mùa Đông binh sĩ".

14 giờ 30 phút, ủy ban vận động "Mùa Đông binh sĩ" mời các vị tham gia lực lượng xung phong, đến dinh Hồ Chủ tịch để chụp ảnh chung với Người. Sau đó Bác cùng với các đại biểu ra Nhà hát Lớn dự lễ.

Sau lễ chào cờ, mặc niệm, phát biểu tại buổi lễ, Hồ Chủ tịch xúc động nói: "Nước ta đã được giải phóng vì nhờ có xương máu của các chiến sĩ đã hy sinh nơi tiền tuyến. Muốn đi đến độc lập và thống nhất, người ở tiền phương, người ở hậu phương phải phân công cho đều. Ở hậu phương, chúng ta có gia đình ấm áp, ở tiền phương, các binh sĩ phải chịu rét mướt. Các đoàn thể, các báo chí, các ông, các bà ở đây, ở toàn quốc đồng tâm hiệp lực giúp các binh sĩ nên mới có buổi lễ hôm nay".

Người nói tiếp: "Chiều nay, mấy em đã chạy đến tìm tôi. Mấy em đó nói: "Bác ơi, Bác! Chúng cháu nghe nói hôm nay có lễ xung phong "Mùa Đông binh sĩ", chúng cháu nhịn ăn quà đem đến gửi Bác mua áo len đem giúp binh sĩ". Một nước mà toàn thể đồng bào đoàn kết như thế, không một sức mạnh nào có thể thắng được và nhất định chúng ta phải được độc lập và thống nhất".

Người tặng các chiến sĩ hai chiếc áo và nói: "Đây tôi có hai chiếc áo rét; một chiếc tôi đã mặc mấy năm nay và một chiếc của Ủy ban vận động "Mùa Đông binh sĩ" vừa mang biếu tôi. Cả hai chiếc tôi gửi tặng các binh sĩ ngoài mặt trận và ở sau mặt trận".

Noi theo tấm gương của Bác, ở Hà Nội, chỉ trong 2 ngày 16 và 17/01, Ủy ban vận động "Mùa Đông binh sĩ" đã nhận được gần 100.000 đồng; bông, len làm thành 75.000 lõi bông may áo. Liên đoàn thợ may khu nhà Rượu, Hồng Hà, Cổ Nhuế nhận may hơn 1 vạn chiếc áo không lấy tiền công. Phong trào may áo trấn thủ cho các chiến sĩ là biểu hiện đẹp tình cảm quân - dân cả nước và tâm lòng yêu nước của nhân dân Thủ đô.

(Đăng trên Báo Cứu quốc, số 408, ngày 17/11/1946)

Khánh Linh (tổng hợp)

Bài viết khác: