Chỉ mục bài viết

 120. Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm phòng triển lãm của Hội Văn hóa cứu quốc Bắc Bộ

Phòng triển lãm văn hóa do đoàn văn nghệ Bắc bộ Việt Nam tổ chức khai mạc vào buổi sáng chủ nhật, ngày 07/10/1945 (đây là ngày mở đầu cho Tuần lễ Văn hóa từ 07/10/1945 - 14/10/1945), tại hội quán cũ của Hội Khai trí Tiến Đức (nay là Trung tâm hướng dẫn nghiệp vụ Nhà văn hóa 16 Lý Thái Tổ). Triển lãm trưng bày các ấn phẩm sách báo của Mặt trận Việt Minh và tranh nghệ thuật của các họa sĩ ở Hà Nội và một số tỉnh thuộc Bắc bộ.

9 giờ sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng ông cố vấn Vĩnh Thụy, ông Bộ trưởng Tuyên truyền Trần Huy Liệu và một số vị trong Chính phủ tới dự lễ khai mạc phòng triển lãm. Đại biểu văn hóa đều có mặt đầy đủ.

Vào phòng trưng bày sách, đứng trước những giá sách, Hồ Chủ tịch trầm ngâm nói: "Dưới sự áp bức, vẫn có thơ, cố tìm cách phát triển"...

Đến phòng tranh, Người xem nhừng tác phẩm nghệ thuật của các họa sĩ, nhất là những bức tranh của một số họa sĩ nổi tiếng như Tô Ngọc Vân, Lương Xuân Thọ, Lê Văn Đệ, Nguyễn Đỗ Cung... Người nhận xét: "Những bức tranh này tỏ ra các nghệ sĩ của ta lâu nay đều đã cố gắng tìm một con đường đi. Nhưng tiếc một điều là không muốn đi ở dưới đất mà cứ muốn vụt lên trời: Chất mơ mộng nhiều quá mà cái chất thật của sự sinh hoạt rất ít".

Dừng lại trước một bức tranh khác có cảnh mây nước huyền ảo, Bác mỉm cười: "Thật là một thế giới tiên. Nhưng tôi nhớ mường tượng như Lỗ Tấn, nhà văn hào cách mạng Trung Hoa, đã nói ở đâu một cách đại ý như thế này; người trần lên tiên có lẽ cũng thích thật. Nhưng nhìn thấy mãi cái đẹp không thay đổi rồi cũng thấy chán nản, nhạt nhẽo và mới biết rằng, muốn tìm thấy sự thay đổi, sự ham mê thật, phải trở về với cuộc sống sinh hoạt thực tại của con người".

Lúc ra về, Hồ Chủ tịch còn căn dặn lại anh Nguyễn Đình Thi - Chủ tịch Liên đoàn văn nghệ Bắc bộ, đại diện cho giới văn nghệ sĩ, rằng: "Trong công cuộc kiến thiết nước nhà có 4 vấn đề cũng phải chú ý, cũng phải coi là quan trọng ngang nhau: Chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa. Nhưng văn hóa là một kiến trúc thượng tầng, những cơ sở hạ tầng của xã hội có kiến thiết rồi, văn hóa mới kiến thiết được  và đủ điều kiện phát triển được.

Ngày nay, trước khi đi đến sự kiến thiết nước nhà, chúng ta còn phải qua thời kỳ tranh đấu cực kỳ khổ sở, khốn nạn nữa. Giới văn hóa cũng phải cùng các giới đồng bào đi qua chặng đường ấy.

Mong rằng các anh em văn hóa đã cố gắng, xin cố gắng lên mãi, để cùng đồng bào đi đến chỗ hoàn toàn vẻ vang của nước nhà".

Đổi mới và sáng tạo không ngừng, nghệ thuật phải luôn luôn gắn với cuộc sống thực tế hào hùng của dân tộc - tư tưởng tỏa sáng trong những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn là phương hướng cho những công trình sáng tác của các văn nghệ sĩ nước ta từ sau cách mạng tới nay.

(Đăng trên Báo Cứu quốc, số 61, ngày 08/10/1945)

121. Chủ tịch Hồ Chí Minh với phong trào quyên góp gạo chống đói

Trước cách mạng, từ tháng Giêng đến tháng 7/1945 ở Bắc bộ có 2 triệu người chết đói - tội ác này do phát xít Nhật gây ra. Kế đó là nạn thiên tai lũ lụt làm cho nhân dân lại thêm khốn khổ. Một trong 6 biện pháp khẩn cấp của Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên trong phiên họp ngày 03/9/1945 là: Phát động chiến dịch tăng gia sản xuất để chống nạn đói, mở ngay cuộc lạc quyên gạo để cứu giúp người nghèo, với khẩu hiệu "nhường cơm sẻ áo".

Trong thư kêu gọi đồng bào toàn quốc ra sức cứu đói, viết tháng 9/1945, Hồ Chủ tịch nhấn mạnh: "Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước, và tôi xin thực hành trước: Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo..".

Hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, nhân dân cả nước có nhiều sáng kiến trong việc tương trợ cứu đói, như: Tổ chức hũ gạo cứu đói, ngày đồng tâm nhịn ăn, thành lập các đoàn đi cứu đói...

Ở Hà Nội, vào chiều thứ bảy ngày 06/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các ông Bộ trưởng đã nhịn ăn bữa đầu tiên để dành gạo cứu giúp đồng bào bị lụt. Đến sáng ngày 11/10/1945, tại quảng trường Nhà hát Lớn Thành phố, bắt đầu tiến hành lễ khai mạc quyên góp gạo chống đói. Chủ tịch Hồ Chí Minh tới dự ngày lễ này. Noi theo tấm gương của lãnh tụ tối cao, nhân dân Hà Nội đã nhiệt thành quyên góp được hàng vạn tấn gạo vào "Quỹ cứu đói", giải quyết được một phần khó khăn trong hoàn cảnh cam go lúc bấy giờ.

(Đăng trên Báo Cứu quốc, số 53, ngày 28/9/1945 và số 64 ngày 11/10/1945)

122. Chủ tịch Hồ Chí Minh dự khai mạc "Ngày cứu quốc" của sinh viên

Trong hai ngày 20, 21/10/1945, sinh viên Hà Nội đã tổ chức ngày "Sinh viên cứu quốc" tại Ấu Trĩ viên (nay là Cung Văn hóa thiếu nhi Hà Nội). Hồ Chủ tịch đã đến dự lễ khai mạc. Sau khi nghe hai đại biểu của sinh viên nói về ý nghĩa ngày cứu quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt đồng bào Nam bộ cảm ơn toàn thể sinh viên có sáng kiến tổ chức "Ngày cứu quốc" để khuyến khích lòng yêu nước của quốc dân và ủng hộ đồng bào Nam bộ kháng chiến.

Người mong các sinh viên học tập và tham gia các phong trào yêu nước tích cực hơn nữa. Người căn dặn: Là một trí thức, sinh viên phải làm thế nào cho lòng yêu nước của quần chúng xứng đáng với dân tộc đã có những trang sử oanh liệt. Sinh viên phải luôn luôn lãnh nhiệm vụ tuyên truyền tinh thần đoàn kết cho quốc dân.

Sau đó, Bác Hồ đã đi thăm một số gian trưng bày những hoạt động ủng hộ đồng bào Nam bộ của sinh viên. Trước tiên là gian Nam bộ. Tại đây, Bác Hồ đứng trầm ngâm một phút trước đỉnh hương đồng tỏa khói. Tiếp đến các gian khoa học, gian văn học... Tại gian Nhi đồng cứu quốc, Người đã xem hình ảnh thiếu niên, nhi đồng vận chuyển vũ khí, quần áo và tiền bạc từ Bắc vào Nam giúp đồng bào Nam bộ kháng chiến. Các em thiếu nhi có mặt ở đây đã xúm quanh Người để đề đạt nguyện vọng tha thiết được vào Nam đánh giặc. Chủ tịch  Hồ Chí Minh xúc động, âu yếm xoa đầu, khuyên nhủ các em:

"Các cháu còn bé, chưa vác nổi súng, đi đánh giặc làm sao được. Các cháu có thể đánh giặc bằng cách khác. Học cho siêng, giữ gìn tính nết cho ngoan và luyện tập thân thể cho khỏe cũng là đánh giặc. Rồi khi cần đến các cháu sẽ làm trinh sát, liên lạc trong quân đội phục vụ chiến đấu ngoài mặt trận".

Thấm sâu lời Bác, sau này trong cuộc chiến đấu bảo vệ Thủ đô, nhiều sinh viên, trí thức và các em thiếu niên nhi đồng đã tham gia tích cực, lập nên nhiều chiến công xuất sắc.

(Đăng trên Báo Cứu quốc, số 73, ngày 22/10/1945)

123. Chủ tịch Hồ Chí Minh dự ngày "Ủng hộ Nam Bộ kháng chiến"

Với âm mưu xâm lược nước ta một lần nữa, thực dân Pháp nấp sau bóng quân Anh và Nhật, trở lại gây hấn, đánh úp Nam bộ. Cả nước sôi sục ủng hộ đồng bào Nam bộ kháng chiến.

Tại Hà Nội, đúng 9 giờ ngày 05/11/1945, Hồ Chủ tịch cùng Bộ trưởng Tuyên truyền Trần Huy Liệu và hầu hết các nhân viên Chính phủ đến Nhà hát Lớn dự ngày "ủng hộ Nam bộ kháng chiến" do Tổng bộ Việt Minh và Thành bộ Việt Minh Hà Nội tổ chức.

Trước lá Quốc kỳ và đỉnh hương trầm nghi ngút khói, mọi người dành phút tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh trong những ngày đầu Nam bộ kháng chiến. Sau đó, Hồ Chủ tịch bước ra trước máy phóng thanh, với giọng ôn tồn nhưng cương quyết, Người đọc lời tuyên bố với quốc dân đồng bào.

Người vạch rõ âm mưu và dã tâm xâm lược của thực dân Pháp đối với nước ta. Chúng đã phản bội phe đồng minh, phản bội những hiệp ước đã ký với Chính phủ ta, vi phạm nền độc lập và quyền tự quyết của dân tộc ta.

Hồ Chủ tịch cũng khẳng định sức mạnh chính nghĩa, sức mạnh đoàn kết của dân tộc; sự ủng hộ to lớn của các lực lượng yêu chuộng hòa bình, tự do, công lý trên thế giới với cuộc chiến đấu của ta. Người kêu gọi đồng bào cả nước ủng hộ Nam bộ, quyết tâm kháng chiến, "nếu cần phải hy sinh mấy triệu chiến sĩ, nếu cần phải chiến đấu dai dẳng hàng mấy năm, chúng ta cần kiên quyết hy sinh và nhất tâm kháng chiến".

Người kết thúc bài phát biểu bằng khẩu hiệu: "Toàn quốc kháng chiến Việt Nam độc lập muôn năm!"

(Đăng trên Báo Cứu quốc, số 84, ngày 6/11/1945)

124. Chủ tịch Hồ Chí Minh dự lễ tốt nghiệp khóa V trường Huấn luyện cán bộ Việt Nam, thăm hỏi tình hình đời sống nhân dân khu phố Bạch Mai

Sáng ngày 14/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự lễ tốt nghiệp khóa V trường Huấn luyện cán bộ Việt Nam đóng ở khu phố Bạch Mai, Bác Hồ tới sớm 5 phút để thăm quan trường trước lễ khai mạc.

Trước tiên, Bác xuống thăm bếp ăn, thấy một nồi nước bỏ ngỏ, Bác hỏi: "Nước uống hay nước gì mà không đậy lại?". Ra khỏi bếp, trông sân cỏ rộng bát ngát, Bác hỏi: "Có đất tốt sao các chú lại để cỏ mọc um tùm?".

Thay mặt cho một số anh chị em có mặt ở đó, đồng chí Chủ tịch Ủy ban Bạch Mai đã tới chào và chúc sức khỏe Bác. Nghe xong, Bác cảm ơn và ân cần hỏi thăm tình hình đời sống nhân dân ở khu phố do đồng chí phụ trách. Bác nói với mọi người: Cán bộ là những người thay mặt chính quyền Nhà nước ở địa phương để chăm lo đến đời sống mọi mặt của nhân dân, do vậy cán bộ phải luôn luôn nhớ thực hiện khẩu hiệu: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư để thu phục lòng tin cậy của nhân dân.

Sau đó Bác đã đến địa điểm tập trung nói chuyện với toàn thể anh em học viên trong khóa học.

(Đăng trên Báo Cứu quốc, số 92, ngày 15/11/1945)

125. Chủ tịch Hồ Chí Minh tới dự Đại hội Nhi đồng Cứu quốc Hà Nội

Đại hội Nhi đồng Cứu quốc Hà Nội được tổ chức vào tối ngày 21/11/1945 tại Nhà hát Lớn Thành phố.

Chập tối hôm đó, trên các ngả phố đi về phía Nhà hát Lớn vang tiếng hát của các em trai và em gái trong Nhi đồng Cứu quốc tấp nập đi dự buổi dạ hội tổ chức riêng cho các em.

Các em đứng xếp hàng hai bên trước Quảng trường Nhà hát Lớn và đứng trên các bậc thềm từ ngoài vào đến tận trong nhà hát để chờ đón Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đúng 18 giờ, Bác Hồ và ông Trần Huy Liệu, Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền, cùng ông Dương Đức Hiền, Bộ trưởng Bộ Thanh niên đến Nhà hát Lớn. Tiếng hoan hô vang chuyển từ ngoài vào trong. Mấy chục em vác súng trường bằng gỗ đi hộ vệ rước Bác Hồ tới chỗ ngồi danh dự. Cả nhà hát rạo rực, xao động một không khí hân hoan, thành kính của lớp măng non Thủ đô hướng về Bác Hồ yêu kính.

Một số em nhỏ đoàn Hà Trung đứng trước máy truyền thanh tuyên bố chương trình dạ hội...

Tiếp theo, một đại biểu nhi đồng báo cáo kết quả công tác của Nhi đồng Cứu quốc và công tác tới của Nhi đồng thành phố.

Sau khi nghe báo cáo nêu lên những nhiệm vụ chính của nhi đồng: Học tập, vui chơi, rèn luyện thân thể, khi giặc đến tham gia vào các việc phục vụ chiến đấu... các em biểu diễn ca múa nhạc. Bác Hồ chăm chú lắng nghe các bản báo cáo và xem các em biểu diễn.

Hình ảnh Bác Hồ trong buổi dự đại hội 21/11/1945 ở Nhà hát Lớn Thành phố in đậm trong tâm trí hàng vạn nhi đồng Cứu quốc Hà Nội.

(Đăng trên Báo Cứu quốc, số 99, ngày 23/11/1945)

126. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ liên hiệp lâm thời ra mắt quốc dân

Để hạn chế những hoạt động điên cuồng chống phá cách mạng của bọn Việt quốc, Việt cách, kiên quyết làm cho cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa giành thắng lợi, Trung ương Đảng chủ trương thành lập Chính phủ liên hiệp lâm thời, trong đó, có một số người của Việt Nam quốc dân đảng và Việt Nam cách mạng đồng minh hội, và xác định nhiệm vụ: "Chính phủ này phải tổ chức tốt cuộc Tổng tuyển cử, thống nhất các lực lượng vũ trang lại và sẽ từ  chức khi triệu tập quốc dân đại hội".

Ngày 01/01/1946, Chính phủ liên hiệp lâm thời do Bác làm Chủ tịch đã làm lễ ra mắt. Trước ba vạn đồng bào Thủ đô, thay mặt cho đồng bào cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị Bộ trưởng trong Chính phủ thề: Kiên quyết lãnh đạo quốc dân giữ vững nền độc lập cho Tổ quốc, đem lại quyền tự do, dân chủ thực sự cho nhân dân, dù phải hy sinh đến tính mệnh.

Thay mặt Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn đoàn kết giữa các đảng phái, trình bày đường lối đối nội, đối ngoại của Chính phủ.

Kết thúc buổi lễ, Bác cảm ơn đại biểu các giới và toàn thể nhân dân Thủ đô đã tới dự lễ ra mắt của Chính phủ liên hiệp lâm thời và chúc mừng toàn thể đồng bào: "Năm mới dương lịch, chúng ta, tất cả mọi người cùng ra sức phấn đấu mới, hy sinh mới để đi đến chỗ thành công mới".

(Đăng trên Báo Cứu quốc, số 131, ngày 02/01/1946)

127. Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm nhà pha Hỏa Lò và Sở Cảnh sát Trung ương

11 giờ kém 20 phút ngày 08/01/1946, toàn thể cán bộ, nhân viên đang làm việc ở nhà pha Hỏa Lò vô cùng bất ngờ xúc động khi thấy Hồ Chủ tịch tới thăm.

Với dáng đi nhanh nhẹn, Bác vào thăm các trại giam, nhà tắm, phòng khám bệnh, lớp học, nhà bếp, phòng làm việc trong hơn một tiếng đồng hồ. Ở đâu, Bác cũng nhìn thấy những nét đổi mới nhờ tinh thần làm việc tích cực, nhiệt tình của cán bộ trại giam. Một luồng sinh khí mới đã tràn vào khắp nơi: Phạm nhân được học chữ quốc ngữ, xóa nạn mù chữ, được tập kịch, tập hát những bài hát mới của cách mạng và làm các hàng thủ công nghệ, cải thiện đời sống. Các trại giam được lau rửa sạch sẽ, chế độ "cai trại" đã bị bãi bỏ. Mỗi tháng, phạm nhân bầu lấy người đại diện của mình để giữ gìn trật tự kỷ luật trong trại.

Đến mỗi nơi, Bác đều nghe nguyện vọng của phạm nhân và khuyên nhủ họ cố gắng sửa chữa tội lỗi để xứng đáng là dân của nước độc lập. Các phạm nhân rất cảm động, không thể ngờ rằng, cuộc đời tội lỗi của họ lại có thể được gặp vị Chủ tịch nước ân cần, bao dung với họ như vậy. Không biết nói gì hơn, tất cả phạm nhân đồng thanh hô vang: "Hồ Chủ tịch muôn năm".

Khi ra về, Hồ Chủ tịch căn dặn đồng chí giám đốc nhà pha xét lại các án từ, tha bớt những người nhẹ tội. Thay mặt cán bộ và nhân viên nhà pha, đồng chí giám đốc hứa với Bác làm tốt hơn nữa công tác quản lý và cải tạo phạm nhân.

Trên đường về, Bác vào thăm Sở Cảnh sát Trung ương phố Hàng Trống (nay là trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm). Vừa thấy Bác tới, mọi người ùa tới vây quanh Bác. Bác lên gác thăm các phòng làm việc, ra phía sau thăm nơi ăn chốn ở của các chiến sĩ cảnh sát.

Dừng bước giữa sân, Bác nói chuyện hồi lâu với các chiến sĩ. Bác khuyên anh em khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, cố gắng làm việc tốt hơn nữa trong lúc nước nhà vừa giành được độc lập. Ngoài việc giữ gìn trật tự trị an, các chiến sĩ còn phải là người tuyên truyền chính sách của Chính phủ cho nhân dân; phải đoàn kết, phối hợp chặt chẽ với tự vệ và nhân dân trong mọi việc. Đúng 12 giờ 30 phút, Người mới ra xe về.

Thực hiện lời căn dặn của Hồ Chủ tịch, không quản ngại khó khăn vất vả, các chiến sĩ cảnh sát đã làm tròn vai trò, nhiệm vụ của mình, diệt trừ các ổ cờ bạc, trộm cướp, làm giấy bạc giả; các ổ nhóm Việt gian, phản động, ngăn chặn, tiêu diệt mọi âm mưu và hành động phản dân hại nước, gây tội của chúng, không chỉ giữ gìn tốt trật tự trị an thành phố, các chiến sĩ đã góp phần to lớn vào việc củng cố và giữ vững chính quyền dân chủ nhân dân.

(Đăng trên Báo Cứu quốc, số 137, ngày 09/01/1946)

Thanh Huyền (tổng hợp)

Bài viết khác: