Chỉ mục bài viết

 143. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với đại biểu tự vệ thành Hoàng Diệu

Sau hơn một tháng thi hành những điều khoản của Hiệp định sơ bộ, để kịp thời uốn nắn những sai sót trong quá trình thực hiện, 8 giờ sáng này 09/4/1946, tại Phòng hội đồng ở Bắc Bộ phủ, Hồ Chủ tịch đã nói chuyện với đại biểu của các khu tự vệ thành Hoàng Diệu.

Người biểu dương anh em tự vệ đã tham gia tích cực vào phong trào cứu đói, bình dân học vụ, canh phòng, bảo vệ trật tự trị an, tuyên truyền chính sách của Chính phủ, Mặt trận Việt Minh trong nhân dân.

Người thẳng thắn, thân ái nêu một vài khuyết điểm của tự vệ (trong quan hệ với Pháp, còn hay nôn nóng, chưa thực hiện đầy đủ những điều Người đã căn dặn sau khi ký Hiệp định). Người khuyên anh em, đối với quân Pháp "một sự nhịn là chín sự lành", cần phải có thái độ ôn hòa và có tinh thần kỷ luật, cẩn thận trong việc dùng súng, tránh những việc đáng tiếc xảy ra, gây ảnh hưởng không tốt đến đường lối đối nội và đối ngoại của Chính phủ.

Về nhiệm vụ trước mắt của tự vệ thành, Hồ Chủ tịch chỉ rõ:

- Xây dựng lực lượng tự vệ thật vững chắc và phát triển, tập hợp số thanh niên hăng hái, nhiệt tình, yêu nước vào tổ chức.

- Học tập, nâng cao hiểu biết về chính trị vì có hiểu rõ đường lối chính trị thì mới hành động đúng.

- Cần phải quân sự hóa đoàn thể tự vệ, nghĩa là tập luyện cho đều, xây dựng ý thức kỷ luật. Trong việc làm hàng ngày cần phải có một chương trình quy củ.

Kết thúc buổi nói chuyện, Hồ Chủ tịch khuyên anh em: "Càng đi gần tới đích càng gặp nhiều khó khăn. Mặc dù khó khăn, ta cũng phải cố gắng, phải tin nhất định là thành công, phải thành công. Nhưng cần nhận rõ tình thế để rồi tùy cơ ứng biến mà tiến chứ không hàm hồ làm bừa một cách vô chính trị".

Thực hiện lời khuyên bảo của Bác Hồ, các chiến sĩ tự vệ thành Hoàng Diệu gấp rút củng cố và phát triển lực lượng, kiện toàn tổ chức, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ.

(Đăng trên Báo Cứu quốc, số 211, ngày 10/4/1946)

144. Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm trường nữ học Trưng Vương

Mặc dù bận trăm công ngàn việc, Hồ Chủ  tịch vẫn thường xuyên chăm lo sự nghiệp giáo dục thanh thiếu niên - những chủ nhân tương lai của nước nhà.

Sáng ngày 26/10, sau khi thăm Nha dân tộc thiểu số và trường Nùng Chí Cao tại đường Nguyễn Du, Bác tới thăm trường nữ học Trưng Vương. Bác vừa tới sân, các nữ sinh ùa tới vây kín xe, hoan hô, chào đón Người, Bác đi giữa các em, hiền từ, vui vẻ.

Sau lễ chào cờ của nhà trường, bà Hiệu trưởng hướng dẫn Bác đi thăm các lớp, Bác nói chuyện trao đổi với các nữ sinh để biết cụ thể hơn tình hình và điều kiện học của các em. Người nhắc nhở các thầy cô giáo phải chú ý đến việc dạy và học ngoại ngữ trong nhà trường; quan tâm đến giáo dục toàn diện, góp phần xây dựng nước Việt Nam phồn thịnh sánh vai với các cường quốc trên thế giới.

Thay mặt giáo viên, cán bộ, học sinh nhà trường, bà Hiệu trưởng hứa với Bác sẽ đẩy mạnh dạy tốt, học tốt trong nhà trường.

(Đăng trên Báo Cứu quốc, số 394, ngày 03/11/1946)

145. Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm làng Phú Gia

Làng Phú Gia xã Phú Thượng (nay thuộc phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) - cơ sở cách mạng của Trung ương Đảng trong những năm chuẩn bị khởi nghĩa, lại được vinh dự đón Bác về thăm lần thứ hai.

10 giờ sáng ngày 24/11, sau khi dự Hội nghị văn hóa toàn quốc, Hồ Chủ tịch về thăm làng Phú Gia.

Từ trên đê xuống, Người vào nhà ông Công Ngọc Kha, nơi Người đã ở sau khi rời căn cứ địa Việt Bắc, trở về Thủ đô. Người thân mật thăm hỏi và chụp ảnh kỷ niệm với gia đình ông Kha rồi hỏi chuyện cán bộ các đoàn thể: Thanh niên, phụ nữ, tự vệ chiến đấu của xã, khuyên cán bộ nên phát triển rộng rãi quần chúng vào tổ chức này.

Bữa cơm trưa giữa Bác và gia đình ông Kha thật đầm ấm, giản dị, thân tình.

Buổi chiều, các đồng chí Chủ tịch Ủy ban hành chính, Ủy ban bảo vệ, các ngành, các giới trong xã đến đông đủ, báo cáo tình hình của xã với Bác và nghe Bác nói chuyện. Bác hỏi tình hình sản xuất và đời sống, việc học hành, thực hiện đời sống mới của nhân dân ra sao? Cán bộ đối với nhân dân như thế nào?

Bác khuyên cán bộ xã cần phải quan tâm hơn nữa đến đời sống của nhân dân, nhanh chóng xóa nạn mù chữ, vận động nhân dân xây cầu tiêu đơn giản, giữ vệ sinh chung. Trước khi ra về, Bác căn dặn cán bộ và dân làng: Ngoại thành là vành đai của nội thành, cần phải xây dựng và củng cố ngoại thành cho vững bằng cách củng cố đoàn kết, chăm sóc việc sản xuất tốt, nên lập quỹ nghĩa hương để giúp đỡ những người thiếu vốn, phải chia công điền cho tốt.

Bằng lời lẽ cụ thể, dễ hiểu, Bác giải thích cho cán bộ và dân làng những mặt mạnh, mặt yếu của ta và Pháp. Người nhấn mạnh, muốn thắng được giặc, phải đoàn kết được toàn dân, trên dưới một lòng, quyết tâm đánh giặc bằng mọi vũ khí, ở khắp mọi nơi.

Ghi sâu lời dạy của Bác, nhân dân làng Phú Gia đã cùng với nhân dân các làng xã xây dựng ngoại thành vành đai đỏ, làm bàn đạp và cơ sở vững chắc cho nội thành, góp phần không nhỏ trong cuộc kháng chiến chống Pháp, đánh giặc giữ làng, diệt tề, trừ gian để giải phóng Thủ đô yêu quý.

(Đăng trên Báo Cứu quốc, số 417, ngày 26/11/1946)

146. Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho các chiến sỹ cảm tử quân Thủ đô

Hưởng ứng lời kêu gọi "Toàn quốc kháng chiến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ", quân và dân Hà Nội đã đứng lên chiến đấu vô cùng anh dũng, giành giật với địch từng tấc đất, góc phố của Thủ đô. Các chiến sĩ cảm tử quân đã không tiếc máu xương, một lòng một dạ với tinh thần quyết tử để bảo vệ Thủ đô thân yêu.

Giữa cuộc chiến đấu khốc liệt, hào hùng, đúng dịp đầu Xuân Đinh Hợi, Bác Hồ đã gửi thư cho các chiến sĩ cảm tử quân Thủ đô.

Biểu dương khí phách xả thân vì nước của các chiến sĩ cảm tử, Người viết: "Các em là đội cảm tử. Các em quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Các em là đại biểu cái tinh thần tự tôn, tự lập của dân tộc. Tinh thần quật cường đó, là sự tiếp nối truyền thống lịch sử vốn có từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam".

Cuối thư Người căn dặn các chiến sĩ bốn điều:

"- Phải hết sức khôn khéo, nhanh chóng, bí mật, phải biết cách hóa chỉnh vi linh (biết phân tán lực lượng một cách khéo léo).

- Phải biết rút kinh nghiệm hàng ngày hàng giờ. Phải đề phòng Việt gian trinh thám.

- Phải hết sức cẩn thận, phải luôn luôn có sáng kiến để tận dụng thời cơ. Tuyệt đối đoàn kết".

Thư của Bác trở thành niềm khích lệ trong trái tim nóng bỏng lòng yêu nước nhiệt thành căm thù giặc sâu sắc, động viên các chiến sĩ cảm tử quân quyết xông lên sống mãi với quân thù vì Thủ đô yêu quý.

(Trích trong cuốn Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t5, tr.35-36)

147. Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Đội Du kích Thủ đô

Thực hiện chủ trương Hội nghị Trung ương Đảng mở rộng tháng 01/1948 về việc biến vùng sau lưng địch thành tiền phương kháng chiến của ta, tháng 3/1948, Hội nghị cán bộ thành phố Hà Nội đề ra nhiều chủ trương, biện pháp quan trọng, trong đó có vấn đề đẩy mạnh hoạt động vũ trang của các đội du kích.

Trong năm 1948, phối hợp với phong trào thi đua chung của các thành phố lớn trong cả nước: Sài Gòn - Chợ Lớn, Đà Nẵng, Huế, Hải Phòng, du kích Thủ đô đã lập được nhiều thành tích xuất sắc.

Ngày 01/11, du kích Nhật Tân đánh mìn lật xe tăng địch trên đê sông Hồng.

Đêm 08/11, du kích phối hợp với bộ đội, diệt đồn Đại Mỗ.

Đêm 15/11, du kích hoạt động gây rối ở phía Bắc thành phố, nhà máy nước cầu Long Biên.

Đêm 04/12/1948 đốt kho xăng cầu Đất, thiêu 36.000 lít xăng.

Nhận được báo cáo về các thành tích chiến đấu của lực lượng bán vũ trang ở Hà Nội, tháng 02 năm 1949, Bác Hồ đã gửi thư khen thành tích của các đội du kích Thủ đô. Trong thư, Người nêu một tư tưởng quân sự rất quan trọng về tác chiến trong thành phố: "Hà Nội là quả tim quân sự, chính trị và kinh tế của địch, du kích và vệ quốc quân phải thường quấy rối quả tim của địch cho đến ngày ta tổng phản công".

Người tin tưởng rằng: "Du kích Thủ đô đã oanh liệt lập công đầu, tôi chắc rằng từ đây du kích Thủ đô sẽ lập công nhiều hơn nữa, to hơn nữa".

Thi đua thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đội du kích nội, ngoại thành phố Hà Nội ngày càng phát triển và vững mạnh, nhiều đội đã lập được chiến công xuất sắc, như du kích nam Dư Hạ, được Chính phủ tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba ngày 27/3/1949.

(Trích trong cuốn Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t5, tr.527)

148. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài đăng Báo Nhân Dân về việc ổn định sinh hoạt ở Hà Nội

Cụ thể hóa thêm những nhiệm vụ mà Người đã căn dặn đồng bào Thủ đô trong lời kêu gọi nhân ngày giải phóng Thủ đô 10/10, ngày 13/10/1954 với bút danh C.B, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài: Ổn định sinh hoạt, đăng trên Báo Nhân Dân. Bài báo nói rõ thêm những nhiệm vụ cần làm của Đảng bộ và nhân dân Hà Nội nhằm mau chóng đưa mọi hoạt động của thành phố vào nề nếp. Bài báo có đoạn viết:

- Anh em công nhân phải làm cho nhà máy chạy đều; mức sản xuất giữ vững.

- Bà con tư sản và tiểu thương, tiểu chủ phải cố gắng duy trì và củng cố  việc sản xuất và việc buôn bán, việc cung cấp đầy đủ cho nhân dân.

- Các thầy giáo và học sinh phải cố gắng làm cho việc học hành được đều đặn, phát triển.

- Các gia đình và cả thành phố phải cố gắng làm cho công việc vệ sinh sạch sẽ, gọn gàng.

- Bộ đội, công an, tự vệ phải cố gắng giữ gìn trật tự, an ninh được vững chắc".

Kết luận, Người viết: "Mỗi một người dân Hà Nội, bất kỳ thuộc tầng lớp nào, bất kỳ làm công việc gì, đều cần phải cố gắng làm tròn nhiệm vụ của mình, đều cần phải góp phần vào công việc ổn định sinh hoạt của Thủ đô ta".

Thực hiện nghiêm chỉnh những lời căn dặn của Bác, Đảng bộ và nhân dân Hà Nội đã mau chóng ổn định mọi mặt hoạt động của Thủ đô. Sinh hoạt của nhân dân vẫn giữ được bình thường không gián đoạn, đảo lộn, các ngành lợi ích công cộng: Điện, nước, vệ sinh, bưu điện... vẫn hoạt động đều. Các cơ quan y tế, giáo dục, văn hóa vẫn làm việc, giao thông liên lạc được giữ vững. Tiền của ta bắt đầu chiếm lĩnh thị trường. Giá cả căn bản ổn định, việc cung cấp lương thực, thực phẩm, chất đốt và nhiều mặt hàng khác đảm bảo. Mậu dịch quốc doanh đã giữ vai trò quan trọng trong đời sống nhân dân. Đặc biệt trật tự trị an được đảm bảo tốt. Mọi người hết sức an toàn, phấn khởi hăng hái tham gia vào các mặt công tác làm cho Thủ đô ngày một đổi mới, yên vui.

149. Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu nhân dân Thủ đô Hà Nội

Bằng tấm lòng, tình cảm sâu nặng với đồng bào Hà Nội, ngay khi về Thủ đô, chiều ngày 16/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp gỡ, nói chuyện với đoàn đại biểu đại diện cho các tầng lớp nhân dân tại Bắc Bộ phủ.

Người biểu dương những đóng góp tích cực của bộ đội, công an, công nhân, bà con tiểu thương, giáo viên, nông dân ngoại thành đã chấp hành đúng mọi chủ trương đường lối của Chính phủ, làm cho việc tiếp quản thành công tốt đẹp.

Trong bài phát biểu, Người nhấn mạnh đến những khó khăn, phức tạp, gian khổ trước mắt và xác định Chính phủ và nhân dân Thủ dô Hà Nội cần phải đoàn kết, ra sức phấn đấu để khắc phục những khó khăn, đưa Thủ đô từng bước tiến lên.

Trong lời kết luận, Người khẳng định truyền thống cách mạng của nhân dân Thủ đô và trao nhiệm vụ cho Đảng bộ Hà Nội: "Nhân dân Thủ đô ta có truyền thống cách mạng vẻ vang và lòng nồng nàn yêu nước, tôi chắc rằng đồng bào Thủ đô sẽ hăng hái phấn đấu làm cho mọi ngành hoạt động của Thủ đô ngày càng thêm phát triển, để làm gương mẫu, để dẫn đầu cho nhân dân cả nước ta trong công cuộc củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong khắp nước ta; xây dựng một đời sống sung sướng, tươi đẹp, thái bình mãi mãi cho con cháu chúng ta".

(Trích trong cuốn Hồ Chí Minh, Biên niên tiểu sử, sđd, t5, tr.543 544)

150. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với đại biểu cán bộ công nhân viên chức Thủ đô

Ngày 30/11/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp gỡ và nói chuyện với đại biểu cán bộ, công nhân, viên chức Thủ đô.

Bài nói chuyện của Bác tập trung vào 3 chủ đề chính: Đoàn kết, tăng năng suất lao động, học tập.

Về vấn đề đoàn kết nội bộ, Người nói: "Ai cũng biết hiện nay chúng ta có hai lớp cán bộ, cán bộ kháng chiến và cán bộ khác.

Nhưng chúng ta phải biết rằng nay hai lớp ấy đều là cán bộ của chính quyền nhân dân, tức là như anh em một nhà. Cho nên chúng ta cần phải xóa bỏ hết thành kiến, cần phẫi thật thà đoàn kết với nhau, giúp đỡ lẫn nhau để cùng  tiến bộ, để cùng phục vụ nhân dân".

Về năng suất lao động, Người nêu rõ lý do vì sao phải tăng năng suất lao động: "Bất kỳ ở địa vị nào, làm công tác gì, chúng ta đều là đầy tớ của nhân dân. Cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng, đều do mồ hôi nước mắt của nhân dân mà ra. Vì vậy, chúng ta phải đền bù xứng đáng cho nhân dân". Muốn vậy, 4 điều cán bộ công nhân viên chức cần ghi nhớ và thực hiện là: Cần, kiệm, liêm, chính.

Đối với việc học tập, Người nhấn mạnh: Lý luận và thực hành phải đi đôi với nhau. Cán bộ, công nhân, viên chức Thủ đô đã xây dựng chương trình hành động cách mạng nhằm thực hiện tốt 3 điều cần làm của Bác Hồ, góp phần vào phong trào thi đua chung của cả nước, hoàn thành nhiệm vụ chính trị lớn trong hoàn cảnh bấy giờ.

(Trích trong cuốn Hồ Chí Minh, Biên niên tiểu sử, Sđd, t5., tr.565-566

Khánh Linh (tổng hợp)

Bài viết khác: