10. Gửi đồng bào ngoại thành Hà Nội
Cùng toàn thể đồng bào, nam, phụ, lão, ấu khu vực ngoại thành Hà Nội,
Tôi rất cảm động thấy toàn thể đồng bào ngoại thành Hà Nội đã có lòng quá yêu tôi mà quyết nghị tôi không phải ứng cử trong kỳ Tổng tuyển cử sắp tới. Nhưng tôi là một công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nên tôi không thể vượt qua thể lệ Tổng tuyển cử đã định. Tôi đã ứng cử ở thành phố Hà Nội, nên không thể ra ứng cử ở nơi nào khác nữa.
Tôi xin chân thành cảm tạ toàn thể đồng bào, nam, phụ, lão, ấu khu vực ngoại thành Hà Nội.
Hồ Chí Minh
(Theo Báo Cứu quốc, số 118, ngày 15/12/1945)
11. Bài nói tại Trường cán bộ tự vệ Hồ Chí Minh
Lúc này, chúng ta không cần nói nhiều mà phải làm cho thật nhiều. Nếu không bị uy hiếp, chúng ta không cần có tự vệ. Tự vệ là vệ lấy mình, lấy gia đình mình, rồi đến thành phố mình, nước mình. Ta phải ngăn ngừa mọi sự uy hiếp. Về quân sự, Pháp có thể đánh vào thành phố ta. Về xã hội, có thể phát sinh ra trộm cướp, về chính trị, có thể có những bọn phản động phao đồn những tin nhảm để làm náo động lòng dân.
Các đồng chí đến đây theo lớp huấn luyện là học tập cách trị an về vật chất và tinh thần. Những kẻ mưu sự phá hoại đất nước chúng ta, có thể tuyên truyền, đồn phao để chia rẽ sự đoàn kết. Chúng hủ hóa chúng ta về vật chất, về sinh hoạt, văn hóa, chính trị. Bởi thế, các đồng chí phải học tập thành cán bộ để đi trước sự bảo vệ: Bảo vệ nền độc lập tự do của mình. Không những thế, các đồng chí phải chỉ huy những anh em đi sau. Tóm lại, không những phải học cho biết kỹ thuật, mà còn phải học lý luận, về đạo đức tinh thần nữa.
Đạo đức ngày trước thì chỉ trung với vua, hiếu với cha mẹ. Ngày nay, thời đại mới, đạo đức cũng phải mới. Phải trung với nước. Phải hiếu với toàn dân, với đồng bào. Lãnh đạo về kỹ thuật chưa đủ. Còn phải lãnh đạo về tinh thần. Phải là người tuyên truyền. Phải là những người nói cho dân hiểu. Có phao đồn gì, phải giải thích cho dân. Có mệnh lệnh của Chính phủ phải giải thích cho dân biết rõ tại sao Chính phủ đã ban bố mệnh lệnh đó.
Nói miệng, ai cũng nói được. Ta cần phải thực hành. Kháng chiến, kiến quốc, ta phải cần kiệm. Nhưng tự mình phải cần và kiệm trước đã. Trước hết, mình phải làm gương, gắng làm gương trong anh em, và khi đi công tác, gắng làm gương cho dân. Làm gương về cả ba mặt: Tinh thần, vật chất và văn hóa. Không có gì là khó. Khó như cách mạng mà ta đã làm được và đã thành công. Muốn làm được, ta phải: Quyết tâm, tín tâm và đồng tâm. Ta nhớ ba chữ ấy, thực hành nêu gương ba chữ ấy lên, tất cả các đồng chí phải thành công.
(Theo Báo Cứu quốc, số 136, ngày 8/1/1946)
12. Gương sáng suốt của đời sống mới
Xuân năm nay, các vị kỳ lão làng Đình Bảng và làng Xuân Tảo đã đem số tiền mừng thọ (các cụ Đình Bảng 2.400 đồng, các cụ Xuân Tảo 600 đồng) quyên vào quỹ Cứu quốc và ủng hộ chiến sĩ.
Các vị kỳ lão và nhân dân xã Đồng Hội, huyện Gia Khánh, tỉnh Ninh Bình, thì đem ba phần tư khoản tiền tế Thành hoàng 375 đồng và tư nhân thêm vào 116 đồng nữa để giúp các chiến sĩ ngoài mặt trận. Họ Nguyễn Thượng ở làng Thượng Phúc, phủ Thanh Oai, tỉnh Hà Đông, cũng giảm sự ăn uống về việc cúng giỗ thường niên, để ra một nghìn đồng (l.000đ) quyên vào quỹ kháng chiến.
Ba việc đó, chẳng những đã tỏ lòng vàng ngọc của đồng bào các làng xã kể trên, đồng thời cũng là một tấm gương sáng suốt trong sự thực hành đời sống mới cho đồng bào cả nước noi theo.
(Theo Hồ Chí Minh, Toàn tập, t4, Sđd, tr.183)
13. Diễn văn khai mạc kỳ họp thứ nhất Quốc hội Khóa I nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa
Thưa cụ Chủ tịch,
Thưa các vị lai tân,
Thưa các đại biểu,
Nhân danh Chủ tịch Chính phủ liên hiệp lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tôi kính cẩn tuyên bố khai mạc buổi họp.
Cuộc Quốc dân đại biểu đại hội này là lần đầu tiên trong lịch sử của nước Việt Nam ta. Nó là một kết quả của cuộc Tổng tuyển cử ngày 06 tháng 01 năm 1946, mà cuộc Tổng tuyển cử lại là cái kết quả của sự hy sinh, đấu tranh của tổ tiên ta, nó là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam ta, sự đoàn kết của toàn thể đồng bào không kể già trẻ, lớn bé, gồm tất cả các tôn giáo, tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành một khối, hy sinh không sợ nguy hiểm tranh lấy nền độc lập cho Tổ quốc.
Trong lúc toàn thể đồng bào đương tranh đấu thì những đồng chí cách mạng Việt Nam ở hải ngoại không có thì giờ tham gia vào cuộc Tổng tuyển cử của dân ta, vì thế muốn tỏ sự đoàn kết toàn dân, Chính phủ xin đề nghị với Đại hội mở rộng số đại biểu ra thêm 70 người nữa. 70 người ấy là mời các đồng chí ở hải ngoại về: Việt Nam Quốc dân đảng và Việt Nam Cách mệnh đồng minh hội, và như thế là Quốc hội của ta tỏ cho thế giới, cho toàn dân biết là chúng ta đoàn kết nhất trí, mà đoàn kết nhất trí thì việc gì cũng thành công.
Vậy nên, Chính phủ chắc rằng Quốc hội sẽ chuẩn y sự thỉnh cầu của Chính phủ, vì sự thỉnh cầu ấy rất hợp lý và tỏ ra là chúng ta trong ngoài nhất trí. Bây giờ tôi xin Quốc hội chuẩn y lời thỉnh cầu ấy.
Trước hết, tôi xin thay mặt Chính phủ lâm thời cảm ơn Quốc hội đã chuẩn y lời thỉnh cầu của Chính phủ. Hai là, tôi xin thay mặt Chính phủ hoan nghênh tất cả các đại biểu các nơi.
Trong cuộc Toàn quốc đại biểu đại hội này, các đảng phái đều có đại biểu, mà đại biểu không đảng phái cũng có nhiều, đồng thời phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số cũng đều có đại biểu. Vì thế cho nên các đại biểu trong Quốc hội này không phải đại diện cho một đảng phái nào, mà là đại biểu cho toàn thể quốc dân Việt Nam.
Đó là một sự đoàn kết tỏ ra rằng lực lượng của toàn dân Việt Nam đã kết lại thành một khối.
Bây giờ tôi xin nhân danh Chính phủ Liên hiệp lâm thời báo cáo công việc Chính phủ đã làm trong 6 tháng nay. Việc của Chính phủ làm trong 6 tháng nay cộng lại thì chỉ có mấy điều:
Sự đoàn kết của toàn dân đã thực hiện, vua cũng thoái vị để làm người bình dân của nước tự do. Vua Bảo Đại đã trở nên ông Vĩnh Thụy, cố vấn cho Chính phủ Dân chủ Cộng hòa Việt Nam. Đó là một cái gương hy sinh, một cái gương ấy để mà gánh vác việc nước, để mà giữ nền độc lập, để mà kháng chiến, để mà kiến quốc. Tôi chắc rằng toàn thể Quốc hội sẽ cho phép tôi thay mặt cho Quốc hội để chào ông cố vấn của chúng ta.
Nhờ sức đoàn kết mạnh mẽ của toàn dân, chúng ta đã giành được chính quyền. Nhưng mà vừa giành được chính quyền, vừa lập nên Chính phủ thì chúng ta gặp nhiều sự khó khăn, miền Nam bị nạn xâm lăng, miền Bắc bị nạn đói khó. Song nhờ sự ủng hộ nhiệt liệt của toàn thể đồng bào và lòng kiên quyết phấn đấu của Chính phủ, chúng ta đã làm được đôi việc:
- Việc thứ nhất là ra sức kháng chiến.
- Việc thứ hai là giảm bớt sự đói kém bằng cách thực hành tăng gia sản xuất.
- Việc thứ ba là Chính phủ đã tổ chức cuộc Tổng tuyển cử.
- Việc thứ tư là do kết quả cuộc Tổng tuyển cử ấy mà có Quốc hội hôm nay.
Đấy là về phần tôi trình bày trước Quốc hội những việc mà Chính phủ đã làm.
Đồng thời Chính phủ cũng phải thừa nhận trước Quốc hội là còn nhiều việc lớn lao hơn nữa nên làm, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên Chính phủ chưa làm hết. Gánh nặng do Chính phủ để lại cho Quốc hội, cho Chính phủ mới mà Quốc hội cử ra sau đây.
Dù sao mặc lòng, tôi xin thay mặt Chính phủ cũ mà trình với Quốc hội, với Chính phủ mới, với quốc dân là hết sức đem tài năng cống hiến cho Tổ quốc.
Việc hệ trọng nhất bây giờ là kháng chiến. Từ tháng 9 năm ngoái xảy nạn xâm lăng miền Nam. Một mặt, Chính phủ đã hô hào quốc dân sẵn sàng chuẩn bị cuộc trường kỳ kháng chiến, và một mặt đã điều động bộ đội để tiếp viện những nơi bị xâm lăng. Từ giờ về sau, Quốc hội và Chính phủ còn có những gánh nặng nề, phải bước qua nhiều sự khó khăn, nhưng tôi chắc rằng quốc dân sẽ nhất trí, dựa vào sức đoàn kết mà làm việc, và như thế thì dù khó khăn đến đâu, kháng chiến sẽ thắng lợi và kiến quốc sẽ thành công.
Bây giờ Chính phủ lâm thời giao lại quyền cho Quốc hội để tổ chức một Chính phủ mới: Một Chính phủ kháng chiến và kiến quốc.
Lời báo cáo của tôi đến đây là hết. Tôi xin thay mặt Chính phủ cũ và thay mặt cho toàn thể quốc dân hô khẩu hiệu:
- Toàn quốc đại biểu đại hội muôn năm!
- Việt Nam độc lập muôn năm!
- Việt Nam Dân chủ Cộng hòa muôn năm!
Sau hết tôi xin báo cáo với Quốc hội rằng cụ Nguyễn Hải Thần, Phó Chủ tịch, vì trong mình không khỏe cho nên không tới dự buổi đại hội hôm nay được.
(Theo Hồ Chí Minh, Toàn tập, t4, Sđd, tr.189-192)
14. Noi gương anh em Tự vệ chiến đấu Hoàng Diệu
Anh em Tự vệ chiến đấu Hoàng Diệu thật đáng làm khuôn mẫu cho tất cả các anh em tự vệ các nơi về mọi phương diện.
Về mặt sinh hoạt hàng ngày, anh em bao giờ cũng giữ kỷ luật và trật tự rất nghiêm. Sáng dậy từ 5 giờ và chỉ trong 5 phút đã chăn chiếu gọn gàng, áo quần tề chỉnh để ra tập thể thao. Tuy quần áo thiếu thốn, nhưng anh em cũng cố gắng ăn mặc sạch sẽ. Mỗi ngày anh em để riêng một giờ về việc chăm nom vệ sinh trong trại. Lúc nào, nơi ăn chốn ngủ cũng sạch sẽ. Người ta thường nói, muốn biết tinh thần của một bộ đội, chỉ cần xem cách xếp đặt và cách ăn ở của các đội viên là đủ rõ. Thì đây, anh em Tự vệ chiến đấu Hoàng Diệu đã tỏ cho mọi người biết là những phần tử đủ tinh thần chiến đấu với cách sinh hoạt thật giản đơn.
Chẳng những thế, nhất cử nhất động, anh em đều tỏ ra rất nhanh nhẹn. Bất luận lúc nào tập hợp, chỉ dứt tiếng còi, là đã thành hàng ngũ chỉnh tề rồi.
Ở trong trại, anh em coi nhau như anh em một nhà. Gặp chuyện gì xích mích, anh em cố nhẫn nhục đợi đến kỳ khai hội hàng tuần sẽ đem ra phân xử. Người có lỗi sẽ bị cảnh cáo, phê bình. Sự trừng phạt của anh em rất nghiêm. Trong khi tập tành mà phạm lỗi, bị phạt chạy chung quanh sân. Lỗi nặng vừa, phải lưu ở trong trại không được ra chơi ngoài vào ngày chủ nhật hay ngày lễ. Phạm tội nặng hơn bị ăn cơm muối hoặc bị khai trừ. Nhờ kỷ luật sắt đó, anh em luôn sửa chữa nết hư, tật xấu, cố gắng làm những đội viên gương mẫu.
Về mặt học tập, ngoài tập luyện quân sự và lên giảng đường, anh em tối nào cũng hội họp để thảo luận thời cục hoặc nghiên cứu chính trị. Thừa thì giờ anh em vào thư viện xem sách, báo hay vào câu lạc bộ học hát, học đàn. Anh em rất thích học bắn, nên đối với súng, anh em giữ gìn và lau chùi cẩn thận lắm. Nói tóm lại anh em luôn luôn hoạt động, không một giờ, một phút nào nghĩ vơ, nghĩ vẩn.
Về mặt công tác, anh em Tự vệ chiến đấu Hoàng Diệu thật tranh giải nhất. Trong khu anh em đóng, dân chúng có điều gì thắc mắc khó hiểu về thời cục, anh em đi từng nhà giải thích, kỳ cho dân chúng hiểu mới nghe. Tự vệ trong một ít phố đều do anh em huấn luyện về quân sự. Anh em rất sốt sắng với phong trào bình dân học vụ. Những người không biết chữ trong phố đều là những bạn thân của anh em. Nhất là đối với đời sống mới, anh em thực hành thật chu đáo. Muốn cổ động vệ sinh có hiệu quả, anh em tổ chức thành từng ban đi quét và khai cống nước bẩn ở trong các ngõ sâu. Tất cả các cuộc biểu tình khổng lồ rất nghiêm trang, rất có quy củ trên đường phố hoặc trước Nhà hát Lớn, trước Việt Nam học xá đều do anh em giữ trật tự và nhiều khi anh em hợp tác với ban tổ chức làm kỳ đài, chôn cột cờ, kẻ biểu ngữ, cổ động dân chúng. Anh em lại dự định đi các tỉnh để gây phong trào thể dục. Bất luận một việc xã hội nào do Chính phủ hay đoàn thể xướng ra đều được anh em xung phong.
Anh em Tự vệ chiến đấu thành Hoàng Diệu, thật đáng làm gương cho những tự vệ các địa phương mà cho cả các hạng thanh niên khác nữa.
(Theo Báo Cứu quốc, số 266, ngày 14/6/1946)
15. Thư gửi đồng bào, vệ quốc quân, dân quân du kích, cán bộ xung phong cảm tử khu XI
Cùng đồng bào và chiến sĩ yêu mến,
Một năm qua, đồng bào đã chịu biết bao cuộc khủng bố ác liệt, đốt nhà, cướp của, giết người, hiếp dâm của bọn thực dân Pháp cướp nước. Nhưng càng gian nan cực khổ, đồng bào khu XI càng căm thù và càng thắt chặt thêm hàng ngũ (phát triển Hội Liên Việt, tăng gia sản xuất, giúp đỡ bộ đội đánh giặc trừ gian, v.v.).
Anh em Vệ quốc quân và các cấp chiến sĩ đã chịu biết bao sự thiếu thốn cực khổ, nhưng trước cảnh tượng khôn cùng của đồng bào, trước nhiệm vụ bảo vệ non sông đất nước, anh em đã cùng ra lĩnh lấy nhiệm vụ vẻ vang là trừ diệt bọn thực dân và tay sai của chúng. Cuộc chiến đấu ở Thủ đô và ngoại thành đã chứng thực tinh thần ấy. Như vậy, tôi có quyền tin rằng: Bước qua năm kháng chiến mới, đồng bào và chiến sĩ khu XI sẽ đoàn kết hơn, hăng hái hơn, khu XI sẽ xứng đáng là khu trung ương kháng chiến, xứng đáng với Thủ đô.
Nhân dịp kỷ niệm đầy năm kháng chiến toàn quốc, tôi trân trọng khuyên đồng bào và các cấp tướng sĩ hãy kiểm điểm lại thời gian chiến đấu vừa qua, bài trừ khuyết điểm, phát triển ưu điểm để tiến đến những thành tích lừng lẫy hơn. Và muốn thế, phải đặc biệt chú ý tổ chức thật mạnh và nghiêm ngay trong vùng địch kiểm soát, vì tổ chức là lợi khí cốt yếu của chúng ta để đánh bại địch.
Tôi tin rằng đồng bào và tướng sĩ luôn luôn vượt mọi khó khăn, làm trọn nhiệm vụ.
(Theo Hồ Chí Minh, Toàn tập, t5, sđd, tr.324-325)
16. Gửi đồng bào vùng Hà Nội
Đồng bào trong và ngoại ô Hà Nội đương đầu với giặc Pháp trước hết, lâu hơn hết.
Vì vậy, mà hy sinh, đau đớn, cực khổ nhiều hơn hết. Mà cũng trung thành, gan góc, kiên quyết hơn hết.
Đồng bào vùng Hà Nội đang nêu gương dũng cảm cho toàn quốc. Ngày nay chịu đựng càng nhiều, mai sau kết quả càng to. Tôi và Chính phủ cùng toàn thể bộ đội, toàn thể đồng bào luôn luôn nhớ đến anh em ruột thịt đang chiến đấu hết sức gay go ở vùng Hà Nội. Và dù gian nan khó nhọc đến mấy, cũng quyết đánh tan giặc Pháp để sớm giải phóng đồng bào ra khỏi xiềng xích tàn bạo của lũ thực dân và bù nhìn.
Hiện nay, toàn quốc ta đang thi đua đẩy mạnh cuộc cầm cự, chuẩn bị tổng phản công. Tôi khuyên đồng bào vùng Hà Nội trước đã cố gắng, nay cố gắng thêm; trước đã đoàn kết, nay đoàn kết hơn; tìm đủ mọi cách để phá hoại giặc, để giúp chiến sĩ ta.
Chúng ta chắc thắng, vì chúng ta quvết thắng. Tôi viết thư này với tất cả tấm lòng thương xót, yêu mến và chắc chắn.
Đồng bào cố gắng tiến lên! Ngày vẻ vang sẽ không xa.
Chào thân ái và quyết thắng
(Theo Hồ Chí Minh, Toàn tập, t5, Sđd, tr.589)
Thanh Huyền (tổng hợp)