Chỉ mục bài viết

 65. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với Hội nghị đại biểu các Chi bộ, Đảng bộ khu vực ngoại thành Hà Nội

Ngày 18/12/1964, Thành ủy tổ chức Hội nghị sơ kết cuộc vận động xây dựng chi bộ, đảng bộ "bốn tốt" khu vực ngoại thành Hà Nội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với Hội nghị. Người nói rõ, phải lấy hiệu quả sản xuất và đời sống xã hội mà đánh giá địa phương có tiến bộ hay không. Người chỉ rõ: Phong trào ở ngoại thành tiến bộ chưa đều; muốn có chi bộ, đảng bộ tốt thì phải có đảng viên tốt.

Vì vậy, đảng viên phải ghi nhớ và thực hiện tốt 10 nhiệm vụ của mình. Người nêu tóm tắt 6 tiêu chuẩn đảng viên và yêu cầu đảng bộ, đảng viên Hà Nội phải thực hiện đúng, Người chỉ rõ những thuận lợi của ngoại thành và căn dặn:  "Các đảng bộ, các chi bộ ở ngoại thành cần lãnh đạo đưa phong trào ngoại thành tiến lên mạnh hơn nữa, làm cho ngoại thành thật sự trở thành vành đai đỏ của Thủ đô xã hội chủ nghĩa".

(Trích trong cuốn Bác Hồ với nhân dân Hà Nội)

66. Bài nói chuyện tại buổi lễ khai mạc trường Đại học Nhân dân Việt Nam

Hôm nay, Bác thay mặt Chính phủ đến hỏi thăm các cháu và chúc các cháu vui vẻ, mạnh khỏe, thi đua học tập, cố gắng tiến bộ.

Sau đây, Bác nêu vài ý kiến về việc giáo dục thanh niên để giúp các thầy giáo và các cháu nghiên cứu. Trước hết chúng ta phải hiểu rõ học như thế nào? Học là gì? Học để làm gì?

Trong mấy mươi năm nô lệ, đế quốc và phong kiến đã dùng giáo dục nô lệ để nhồi sọ thanh niên ta, làm cho thanh niên ta hư hỏng. Ngày nay dân tộc ta đã được giải phóng, thì thanh niên ta cũng cần phải mạnh dạn chuyển hướng trong việc học tập. Nay Bác chỉ tóm tắt nêu mấy điểm:

Những điều nên làm, phải vạch rõ ranh giới, chia rõ phải trái. Vạch rõ ranh giới là phải nhận rõ ai là bạn, ai là thù? Đối với người, ai làm gì lợi ích cho nhân dân, cho Tổ quốc ta tức là bạn. Bất kỳ ai làm gì có hại cho nhân dân và Tổ quốc ta tức là kẻ thù.

Đối với mình, những tư tưởng và hành động có lợi ích cho Tổ quốc, cho đồng bào là bạn. Những tư tưởng và hành động có hại cho Tổ quốc  và đồng bào là kẻ thù. Thế là chẳng những ở ngoài, mà chính ở trong mình ta cũng có bạn và thù. Vì vậy chúng ta cần phải ra sức tăng cường bạn ở trong và ở ngoài, kiên quyết chống lại kẻ thù ở ngoài và ở trong mình ta.

Điều gì phải, thì cố làm cho kỳ được, dù là việc nhỏ. Điều gì trái, thì hết sức tránh, dù là một điều trái nhỏ. Trước hết phải yêu Tổ quốc, yêu nhân dân. Phải có tinh thần dân tộc vững chắc và tinh thần quổc tế đúng đắn. Phải yêu và trọng lao động. Phải giữ gìn kỷ luật. Phải bảo vệ của công. Phải quan tâm đến đời sống của nhân dân. Phải chú ý đến tình hình thế giới, vì nước ta là một bộ phận của thế giới, mọi việc trong thế giới đều có quan hệ với nước ta, việc gì trong nước ta cũng quan hệ đến thế giới.

Thí dụ: Đế quốc Mỹ ép quốc hội Pháp thông qua hiệp định để Tây Đức vũ trang lại, tức là để gây chiến tranh, nếu có chiến tranh thì sẽ ảnh hưởng không ít đến nước ta. Nhân dân ta ra sức giữ gìn hòa bình, khôi phục lại kinh tế chống đế  quốc Mỹ, như thế là góp phần thiết thực vào việc bảo vệ hoà bình thế giới.

Phải quan tâm đến việc khôi phục và xây dựng lại nước nhà. Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì? Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà. Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào?

Thanh niên cần phải có tinh thần và gan dạ sáng tạo, cần phải có chí khí hăng hái và tinh thần tiến lên, vượt mọi khó khán, gian khổ để tiến mãi không ngừng.

Cần phải trung thành, thật thà chính trực. Những điều nên chống: Thanh niên cần phải chống tâm lý tự tư tự lợi, chỉ lo lợi ích riêng, và sinh hoạt riêng của mình. Chống tâm lý ham sung sướng và tránh khó nhọc. Chống thói xem khinh lao động, nhất là lao động chân tay. Chống lười biếng, xa xỉ. Chống cách sinh hoạt ủy mị. Chống kiêu ngạo, giả dối, khoe khoang.

Thanh niên và xã hội:

Giáo dục thanh niên không thể tách rời mà phải liên hệ chặt chẽ với những cuộc đấu tranh của xã hội. Trong xã hội cũ có nhiều nọc độc nó làm hại thanh niên. Nhất là văn hóa độc hại của Mỹ, họ dùng mọi cách như sách báo, phim ảnh... để làm cho thanh niên hư hỏng, trụy lạc, thậm chí một số thanh niên hóa ra lưu manh, trộm cắp, cờ bạc, v.v.. Vì vậy, sự giáo dục thanh niên phải liên hệ vào dư luận của xã hội, lực lượng của Chính phủ để ngăn ngừa những cái gì có thể ảnh hưởng xấu đến thanh niên, để nâng cao tinh thần cảnh giác của thanh niên.

Trong trường cần có dân chủ. Đối với mọi vấn đề thầy và trò cùng nhau thảo luận, ai có ý kiến gì đều thật thà phát biểu. Điều gì chưa thông suốt, thì hỏi, bàn cho thông suốt. Dân chủ nhưng trò phải kính thầy, thầy phải quý trò, chứ không phải là "cá đối bàng đầu".

Đồng thời thầy và trò cần giúp đỡ những anh chị em phục vụ cho nhà trường. Các anh chị em nhân viên thì nên thi đua sao cho cơm lành canh ngọt để cho học sinh ăn no, học tốt.

Trường đại học, gia đình và đoàn thể thanh niên phải liên hệ chặt chẽ trong việc giáo dục thanh niên. Thanh niên phải chuyên tâm đi học và công tác, nhưng cũng cần có vui chơi. Vui chơi lành mạnh là một bộ phận trong sự sinh hoạt của thanh niên, ở trường này, các cháu học tập, ăn ở tập thể đông đảo, trai có, gái có. Các cháu phải thương yêu giúp đỡ lẫn nhau như anh em, chị em; đồng thời phải kính trọng nhau như đồng học, đồng chí. Quyết chớ phóng túng, lôi thôi. Phải làm  cho cha mẹ các nữ học sinh yên tâm và tin cậy, phải giữ vừng danh dự của trường và danh dự của tất cả học sinh. Trong vui chơi cũng có giáo dục. Cần có những thứ vui chơi văn hóa, thể  dục có  tính chất tập thể và quần chúng.

Trường học, gia đình và đoàn thể thanh niên cần phải chú ý đến giáo dục tư tưởng, thái độ, hoạt động và sinh hoạt hằng ngày của thanh niên để kịp thời khuyên khích, uôn nắn, sửa chữa.

Trường này là Trường Đại học Nhân dân, các cháu học với các thầy giáo, đồng thời phải học nhân dân. Trong bộ đội ta, trong dân công và những ngành hoạt động khác, có nhiều thanh niên gương mẫu. Điều đó chứng tỏ rằng thanh niên ta nói chung rất hăng hái, rất tốt.

Vài thí dụ: Trong bộ đội có những thanh niên anh hùng như La Văn Cầu, Giáp Văn Khương, Nguyễn Thị Chiên... Ở công trường đường xe lửa có những chiến sĩ gương mẫu Lê Văn Quy, Nguyễn Thị Mùi, Nguyễn Trọng Tuy, Lê Văn Phát và nhiều thanh niên khác.

Trong thời kỳ kháng chiến, họ là những chiến sĩ du kích anh dũng. Ngày nay trong công cuộc khôi phục kinh tế nước nhà, họ là những chiến sĩ lao động anh dũng. Thanh niên ở các công trường, các nhà máy khác cũng vậy. Như đoàn thanh niên xung phong, gặp việc gì khó, việc gì cần, họ cũng đều xung phong. Mong các cháu noi theo những gương thanh niên kiểu mẫu ấy, các cháu cũng thi đua học tập, thi đua tiến bộ, xung phong công tác xã hội, đế góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân cho hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ trong cả nước để xứng đáng là lớp đầu tàu của Trường Đại học Nhân dân, để rèn luyện thành chủ nhân xứng đáng tương lai của nước nhà.

(Theo Hồ Chí Minh, toàn tập, t7, Sđd, tr.454-457)

67. Bình dân học vụ

Trong những năm kháng chiến, mặc dầu khó khăn gian khổ, phong trào bình dân học vụ vẫn tiến đều trong vùng tự do.

Nay hòa bình trở lại, đồng bào các nơi đều tự động thi đua học chữ. Trong 6 tháng cuối năm 1954, vùng tự do cũ và các công trường đã có hơn 799.000 người học. Từ ngày giải phóng đồng bào ngoại thành Hà Nội đã mở 390 lớp với độ 9.000 người học; ở Thủ đô đã mở 35 lớp với 1.000 người học. Anh em công nhân sở xe lửa và nhà máy đèn đã tự tổ chức lớp học. Các nơi khác cũng vậy.

Việc đó chứng tỏ tinh thần ham học của nhân dân ta.

Tuy bình dân học vụ là một phong trào của quần chúng, nhưng chúng tôi mong rằng Bộ Giáo dục nên có một kế hoạch đầy đủ và thiết thực để khuyến khích và lãnh đạo phong trào; đoàn thể thanh niên, công đoàn, nông hội, các trường trung học và đại học nên có kế hoạch thiết thực và chia công rõ rệt để giúp đỡ phong trào. Như thế, thì phong trào bình dân học vụ sẽ tiến khắp, tiến mạnh và tiến đều.

(Theo Báo Nhân Dân, ngày 16/2/1955)

68. Chủ tịch Hồ Chí Minh đến ở và làm việc tại nhà 48 phố Hàng Ngang

Chiều ngày 25/8/1945, đồng chí Trường Chinh đưa Bác Hồ vào nội thành. Theo bố trí của Trung ương và Thành ủy, Bác đến ở và làm việc tại gác 2, nhà số 48 phố Hàng Ngang, quận Hoàn Kiếm (ngôi nhà này của ông Trịnh Văn Bô - một thương gia yêu nước, một trong những cơ sở tin cậy ở nội thành). Nơi Bác ở vốn là phòng ăn và tiếp khách của gia đình nên đồ vật trong phòng rất đơn giản. Tại đây, Bác Hồ đã dồn tâm trí viết một bản văn kiện, một áng hùng văn có tầm lịch sử vô giá - bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

Với vị trí lịch sử đó, ngôi nhà số 48 Hàng Ngang ngày nay được lưu giữ thành di tích về Bác Hồ ở Thủ đô Hà Nội.

(Theo Hồ Chí Minh, Biên niên tiểu sử, t2, Sđd, tr.269-270)

69. Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ngày lễ tuyên bố độc lập

Ngày 02/9/1945, ngày Độc lập đã được tổ chức ở Hà Nội, Thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, để Chính phủ lâm thời ra mắt quốc dân đồng bào; ngày nước Việt Nam chính thức công bố quyền độc lập, thiết lập chính thể Dân chủ Cộng hòa.

Từ sáng sớm, cả Hà Nội đã tưng bừng, rực rỡ cờ, hoa. Những biểu ngữ lớn bằng chữ Việt, Pháp, Nga, Trung Quốc, Anh chăng khắp các đường phố: "Nước Việt Nam của người Việt Nam!", "Độc lập hay là chết!", "Ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh" v.v...

 12 giờ trưa, trên những con đường dẫn vào vườn hoa Ba Đình cuồn cuộn những dòng người, đủ các ngành, các giới, các đoàn thể, các tầng lớp nhân dân.

Đúng 14 giờ, các thành viên của Chính phủ lâm thời bước lên lễ đài. Bài Tiến quân ca vang lên hùng tráng, lá cờ nền đỏ sao vàng được từ từ kéo lên. Một rừng cánh tay giơ lên chào.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đội chiếc mũ vải đã cũ, mặc áo kaki cao cổ, quần kaki đã bạc mầu, đi dép cao su trắng. Người thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập. Giọng của Người rõ ràng, đầm ấm, phảng phất giọng nói của một miền quê xứ Nghệ.

Đọc được nửa chừng, giữa những tiếng vỗ tay hoan hô nhiệt liệt, Người hỏi:

- "Tôi nói đồng bào nghe rõ không?". Hơn 50 vạn người cùng đáp, tiếng vang dậy như sấm:

- "Có ạ!"

Từ giây phút đó, Bác cùng với cả biển người đã hòa làm một. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành "Bác Hồ" kính yêu của dân tộc Việt Nam.

Sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói thêm với đồng bào, độc lập tự do là của báu, quý giá vô ngần, nay ta đã khổ sở, đau đớn trong bao nhiêu năm mới giành được, cần phải cố gắng giữ gìn, bảo vệ. Cuộc mít tinh kết thúc. Cuộc biểu tình vĩ đại của quần chúng bắt đài. Các đoàn thể lần lượt diễu quanh lễ đài rồi chia làm 3 đường diễu hành qua các phố.

Ngày Độc lập, mồng 2 tháng 9 năm 1945, là ngày hội lớn của dân tộc Việt  Nam; ngày Quốc khánh của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam); một ngày có ý nghĩa thiêng liêng trọng đại trong đời sông chính trị, tinh thần của dân tộc.

(Theo Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, t4, tr.1-4)

70. Chủ tịch Hồ Chí Minh vui Tết Trung thu với thiếu nhi Hà Nội

Nhân dịp Tết Trung thu độc lập đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 17/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi thiếu nhi toàn quốc -  những mầm non của đất nước. Trong thư có đoạn:

"Các em vui cười hớn hở, già Hồ cũng vui cười hớn hở với các em. Đố các em biết vì sao? Một là vì già Hồ rất yêu mến các em. Hai là vì Trung thu năm ngoái, nước ta còn bị áp bức,  các em còn là bầy nô lệ trẻ con. Trung thu năm nay, nước ta đã được tự do, và các em đã thành những tiểu quốc dân của một nước độc lập".

Ở  Hà Nội, ngày 22/9/1945 (15/8/1945 âm lịch) các em thiếu nhi tưng bừng tổ chức đón Tết Trung thu độc lập. Ngay từ chập tối, hàng vạn thiếu nhi từ các khu phố  tập hợp thành từng đám rước, kéo về Bắc Bộ phủ, nơi ở và làm việc của Bác Hồ lúc đó. Như chờ đợi đoàn cháu nhỏ từ lâu, Bác Hồ đã đợi sẵn trên thềm nhà. Hai em trai và hai em gái có đội "hộ tống" theo sau bê mâm cỗ đầy hoa, quả, bánh ngọt kính dâng quà trung thu  biếu Bác. Bác Hồ bước xuống thềm đón, Bác nắm tay và xoa đầu các em. Bác cám ơn các em đã tặng hoa và bánh. Bác nói:

"Hôm nay Tết Trung thu là của các cháu và cũng là một cuộc biểu tình của các cháu để tỏ lòng yêu nước và để ủng hộ nền độc lập".

Các cháu đã lần lượt biểu diễn những tiết mục vui chơi hấp dẫn trong đêm trung thu cho Bác xem. Theo chương trình của Ban tổ chức, các em như bầy chim, vui vẻ tỏa về phía Bờ Hồ, địa điểm tập kết vui chơi, phá cỗ trung thu của thiếu nhi toàn thành phố.

(Đăng trên Báo Cứu quốc, số 45, ngày 17/9/1945 và số 49 ngày 22/9/1945)

71. Chủ tịch Hồ Chí Minh dự lễ tốt nghiệp khóa học thứ tư Trường Quân chính Việt Nam

Sau khi giành được độc lập, một trong những công tác quan trọng mà Đảng và Bác Hồ quan tâm là đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu củng cố và bảo vệ chính quyền non trẻ.

Tại buổi lễ tốt nghiệp khóa học thứ tư trường Quân chính Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới dự.

Trước tình hình khẩn trương và yêu cầu cấp bách của cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc, khóa học phải rút ngắn. Hồ Chủ tịch căn dặn anh em học viên cần vận dụng sáng tạo những điều đã học vào quá trình công tác, phải tiếp tục vừa làm vừa học, vừa nghiên cứu thêm. Người nhắc nhở anh em học viên phải luôn luôn rèn luyện những đức tính:

- Không tự kiêu, không có cái bệnh làm "quan cách mạng".

- Phải siêng năng: Siêng nghe, siêng thấy, siêng đi, siêng nghĩ, siêng nói, siêng làm.

- Cần tiến bộ luôn luôn, không lúc nào ngừng nghiên cứu, tự luyện bồi bổ ưu điểm.

- Trung thành với mục đích cách mạng: Giữ cho nước nhà độc lập, nòi giống được tự do.

Ghi sâu lời dạy của Bác Hồ, nhiều cán bộ của trường Quân chính Việt Nam đã phấn đấu trưởng thành, góp một phần không nhỏ cho thắng lợi của các giai đoạn cách mạng sau này.

(Đăng trên Báo Cứu quốc, số 58, ngày 04/10/1945)

Thanh Huyền (tổng hợp)

Bài viết khác: