78. Bài nói chuyện với cán bộ và nhân dân xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm
(Lược ghi)
Thưa các cụ, các đồng chí,
Thay mặt Đảng và Chính phủ, tôi gửi lời thăm hỏi đến đồng bào nông dân ngoại thành đang cố gắng chống hạn. Hôm nay tôi đến thăm xã Mễ Trì vì được báo cáo đồng bào xã này đã có công chống hạn, vì chi bộ, chi đoàn, nông hội, phụ nữ, các chiến sĩ thi đua, các lão nông đã cố gắng.
Xã Mễ Trì làm được tốt, các xã khác chưa làm được như vậy. Vì sao? Nhân dân ngoại thành có 14 vạn người. Nếu trừ cụ già, em bé, phụ nữ có thai nghén thì cũng còn 10 vạn người có sức lao động.
Diện tích ruộng là 12.600 mẫu. Nếu chia trung bình ra thì 8 người chống hạn cho 1 mẫu. Một mẫu mà 8 người làm, nhất định được. Thế tại sao đến nay ngoại thành không làm được? Chống hạn phải khẩn trương như đánh giặc. Chúng ta sống ở trên mạch nước. Cứ đào thì nhất định có nước, chỉ có đào nông hay sâu mà thôi. Dưới đất có nước sông, nước mạch thấm vào, đào thì phải thấy. Đào nơi không có, đào mãi cũng phải có. Mình thiếu kinh nghiệm thì phải ra sức nghĩ cách bổ sung thêm.
Trước kia đánh giặc, ta không có tàu bay, tàu bể. Giặc mạnh hơn ta nhưng cuối cùng ta vẫn thắng được giặc. Vì ta có sức đoàn kết, vì ta có quyết tâm.
Ở ngoại thành có 700 đảng viên, 800 đoàn viên thanh niên lao động, 3 vạn hội viên nông thôn, có 363 tổ đổi công. Đó là lực lượng đầu tàu. Trong 10 vạn nhân dân có lực lượng đầu tàu lớn như vậy thì lãnh đạo thi đua chống hạn nhất định thắng lợi. Kháng chiến khó hay chống hạn khó? Nhất định kháng chiến khó hơn. Nhưng tại sao ngoại thành tới nay chưa chống được hạn? Đó là vì còn có tư tưởng sai lệch, phải chống hạn ngay trong tư tưởng. Đó là vì thiếu quyết tâm, thiếu đoàn kết, thiếu tư tưởng lâu dài.
Thấy hạn thì bỏ ruộng đi buôn, vậy thử hỏi có tiền mà không có gạo thì có ăn được không? Nếu ai cũng bỏ ruộng đi buôn cả thì dù có ngồi trên đống vàng cũng không có gì mà ăn. Thóc lúa ăn được, vàng có ăn được không?
Nhân dân ta phải bám lấy đồng ruộng. Ruộng là chính. Nông nghiệp là chính. Phải thấy xa, mà đừng chỉ nhìn lợi trước mắt mà quên lợi sau. Đừng có thấy cây mà chẳng thấy rừng. Phải chống tư tưởng ỷ lại vào dân công các nơi, đợi Chính phủ điều động về, đợi nhân dân các nơi giúp, ỷ lại vào máy bơm.
Muốn có máy bơm phải làm máy bơm. Muốn làm máy bơm phải xây dựng nhà máy. Lấy tiền đâu xây dựng nhà máy? Tiền của dân. Một nhà máy phải xây dựng 2 năm mới xong. Hạn có chờ ta có máy bơm không? Không.
Thế thì ta phải tự lực cánh sinh và giúp đỡ lẫn nhau.
Có xã phải chống hạn lâu hơn, có xã đông người hơn, xã đông người giúp xã ít người, xã phải chống hạn ít giúp xã phải chống hạn nhiều, phải đẩy mạnh xây dựng, củng cố các tổ đổi công thì chống hạn mới có kết quả. Chính phủ, ủy ban sẽ động viên nhân dân giúp nhau chống hạn.
Một tư tưởng sai lầm là cầu trời, cầu đảo. Khi ta làm cách mạng thì trời làm hay người làm? Khi ta kháng chiến thì trời làm hay người làm? Năm trước chống hạn được là vì người hay vì trời? Trời làm hạn là xấu, ta phải chống lại. Ta phải chống hạn chứ không phải cầu trời.
Nếu chỉ cầu trời thì ngày nay không có nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Còn một tư tưởng sai nữa, đó là tư tưởng ích kỷ, địa phương chủ nghĩa. Xóm này đào mương lại sợ các xóm bên cạnh được hưởng.
Ví dụ: Xã Yên Hòa đào mương lại sợ xã Hòa Bình được hưởng.
Như thế là không đúng. Được mùa thì mọi người được hưởng, nếu không chống hạn thì mọi người đều chịu thiệt cả.
Chống hạn cũng là một chiến dịch: Các chi bộ, ủy ban phải thiết thực lãnh đạo, phải cùng chống hạn, phải cùng làm với nhân dân. Các đảng viên, đoàn viên, nông hội, phụ nữ phải quyết tâm.
Trong kháng chiến, trong cách mạng, giặc mạnh hơn ta nhưng ta vẫn thắng được giặc. Vì ta có quyết tâm và đoàn kết. Đảng và Chính phủ sẽ khen thưởng những đơn vị và những cá nhân nào chống hạn tốt, sẽ thưởng cờ, thưởng huy hiệu, thưởng huân chương.
Nói tóm lại, muốn chống hạn được tốt phải:
1. Chống lại tư tưởng sai lệch.
2. Quyết tâm đoàn kết nhất trí, giúp đỡ lẫn nhau thi đua chống hạn.
3. Có thưởng, có phạt.
Bây giờ tôi nói vấn đề ăn Tết. Còn hơn một tháng nữa thì Tết. Năm ngoái bà con ăn Tết mổ lợn, mổ bò, mổ gà. Ăn tiêu xa xỉ, cờ bạc, rượu chè, ăn xong rồi thiếu trâu bò cày. Đấy là chưa kể rước xách linh đình, đồng bóng, bói toán, v.v. thật là lãng phí, thiếu tiết kiệm, ảnh hưởng không tốt đến tăng gia sản xuất, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục.
Năm nay nhất định phải sửa. Tết vui vẻ không phải là chén chú chén anh. Tết năm nay là Tết vui vẻ, lành mạnh, tiết kiệm, nhưng phải tích cực chống được hạn.
*
* *
Mỗi người phải ra sức chống hạn. Ai ai cũng phải thi đua tham gia chống hạn. Các cụ già có kinh nghiệm, thanh niên có sức lực làm đầu tàu. Các cháu nhi đồng ra đồng động viên, nấu nước cho đồng bào uống. Mỗi người một tay, già trẻ góp sức, nhất định chống được hạn thắng lợi.
Đồng bào hãy giữ tiếng cho ngoại thành của Thủ đô. Ngoại thành cũng là Thủ đô. Mà "Thủ" là đầu, phải đi đầu, phải kiểu mẫu chống hạn thắng lợi. Lực lượng điều khiển xung phong là chi bộ, là đảng viên phải kiểu mẫu. Có quyết tâm, có đoàn kết nhất trí, nhân dân ta nhất định chống hạn có kết quả tốt.
Cuối cùng tôi nhờ các cụ, các đại biểu, các đồng chí chuyển đến tận đồng bào những sự quan tâm của Đảng và Chính phủ.
Đảng, Chính phủ và tôi sẵng sàng khen thưởng thích đáng cho những xã nào, đơn vị nào, cá nhân nào có nhiều thành tích trong việc chống hạn.
(Theo Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t9, tr.11-15)
80. Thư gửi Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội
Kính gửi Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội,
Tôi thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ nhiệt liệt cảm ơn Hội đồng nhân dân đã gửi thư báo cáo về kết quả khóa họp thứ nhất của Hội đồng. Đồng thời, tôi hoan nghênh tinh thần đoàn kết nhất trí và làm việc khẩn trương của Hội đồng nhân dân Thủ đô Hà Nội. Hội đồng nhân dân đã quyết định những công tác thiết thực phục vụ cho lợi ích của đồng bào.
Tôi mong rằng Hội đồng nhân dân sẽ ra sức vận động đồng bào Thủ đô đoàn kết chặt chẽ, hăng hái tham gia thực hiện mọi chủ trương công tác của Đảng và Chính phủ và những nghị quyết của Hội đồng nhân dân. Trước mắt là:
1. Tích cực chống hạn, đảm bảo kế hoạch vụ chiêm cho tốt;
2. Quản lý tốt thị trường, chống đầu cơ tích trữ;
3. Đẩy mạnh phong trào tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm nhằm hoàn thành tốt kế hoạch Nhà nước năm 1958 để cải thiện dần dần đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân;
4. Trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, cần khuyến khích đồng bào tổ chức ngày Tết cho vui vẻ, lành mạnh và tiết kiệm; tránh xa xỉ, lãng phí;
5. Giữ vững và phát triển thuần phong mỹ tục, làm cho Thủ đô ta ngày càng thêm tươi đẹp, phồn thịnh và trở nên một Thành phố gương mẫu cho cả nước.
Chào thân ái
Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Hồ Chí Minh
(Đăng trên Báo Nhân Dân, ngày 29/1/1958)
81. Chủ tịch Hồ Chí Minh đi bỏ phiếu bầu cử Hội đồng nhân dân thành phố
Từ sáng sớm, phòng bỏ phiếu đơn vị 15 khu phố Ba Đình đã nhộn nhịp các cử tri. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đến, mọi người cùng reo lên:
- Bác, Bác, Bác đến!
Những tràng vỗ tay dài nồng nhiệt.
Bác tươi cười vẫy chào. Xung quanh Bác một vòng người đông nghịt. Bác thăm hỏi mọi người rồi nhanh nhẹn bước vào phòng phiếu. Bác trình thẻ cử tri, lĩnh lá phiếu, đi vào bàn viết. Bác dừng lại một lúc trước hòm phiếu, Bác hỏi:
- Sao ở đây lại có đến hai hòm phiếu?
Đồng chí Chủ tịch Ủy ban Hành chính khu phố Ba Đình trả lời:
- Thưa Bác, kia là hòm phiếu phụ.
- Đặt hòm phiếu phụ để làm gì?
- Thưa Bác, anh chị em trong tổ bầu cử sẽ mang hòm phiếu đó đến tận nhà những cử tri, vì lý do sức khỏe không đến phòng phiếu được để giúp họ thực hiện quyền bầu cử.
Bác bỏ lá phiếu vào hòm phiếu chính, làm tròn nghĩa vụ công dân trong ngày bầu cử Hội đồng nhân dân Thành phố khóa IV.
Ra khỏi phòng bỏ phiếu, một lần nữa Bác ân cần hỏi thăm cử tri. Bác ra về trong những tràng pháo tay rộn rã.
(Đăng trên Báo Nhân Dân số 5131, ngày 29/4/1968)
82. Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen quân dân Hà Nội
Thua đau trên cả hai chiến trường Nam, Bắc Việt Nam, đế quốc Mỹ buộc phải xuống thang, tạm ngừng ném bom miền Bắc. Nhưng từ cuối tháng 4 năm 1967, máy bay Mỹ bắt đầu trở lại đánh phá Hà Nội. Trong chiến dịch "Sấm rền" 55, "Sấm rền" 56, giặc Mỹ đã huy động hàng trăm lần máy bay trực tiếp đánh vào Thủ đô. Chúng tập trung đánh vào hệ thống giao thông, đồng thời đánh cả các kho tàng và cơ sở công nghiệp, cụm dân cư. Ngày 5 tháng 5, hàng trăm máy bay Mỹ ồ ạt tấn công Hà Nội, đánh các mục tiêu trọng điểm: Cầu Long Biên, Nhà máy điện Yên Phụ, nhằm làm tê liệt các hoạt động kinh tế xã hội ở Thủ đô, cắt đứt giao thông giữa Hà Nội với Hải Phòng và các tỉnh phía Bắc. Ngay trong trận này, lực lượng phòng không đã bắn rơi 8 máy bay Mỹ, bảo vệ an toàn các mục tiêu.
Ngày 7 tháng 5, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen đồng bào, bộ đội và cán bộ thủ đô Hà Nội. Trong thư Bác biểu dương:
"Từ ngày 25 tháng 4 đến nay, quân và dân Hà Nội liên tiếp đánh thắng vẻ vang, trừng trị đích đáng bước leo thang mới của giặc Mỹ.
Ngày 5 tháng 5, Hà Nội đánh giỏi, thắng lớn, bắn rơi 8 máy bay Mỹ, diệt và bắt sống được nhiều giặc Mỹ lái máy bay.
Quân và dân Hà Nội đã đoàn kết chặt chẽ, chiến đấu dũng cảm, bảo vệ trị an tốt và tiến bộ trong công tác phòng không nhân dân".
Bác nhắc nhở: "Giặc Mỹ đã thua to nhưng chúng còn nhiều âm mưu xảo quyệt. Quân và dân Hà Nội chớ vì thắng lợi mà chủ quan thỏa mãn. Hãy luôn nâng cao cảnh giác, chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi... lập nhiều thành tích to lớn hơn nữa để xứng đáng là Thủ đô anh hùng".
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 4776, ngày 8/5/1967)
83. Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và nói chuyện với Lớp huấn luyện đảng viên mới do Thành ủy tổ chức
Trước tình hình đế quốc Mỹ leo thang mở rộng chiến tranh không quân đánh phá miền Bắc, việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ chính trị, bản lĩnh chính trị cho cán bộ đảng viên là một nhiệm vụ quan trọng và cần thiết. Thành ủy đã quyết định mở lớp huấn luyện đảng viên mới, tổ chức từ ngày 14/5/1966, tại trường Chu Văn An, Ba Đình (nay thuộc quận Tây Hồ), Hà Nội.
14 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm lớp học. Cùng đi với Bác có đồng chí Tố Hữu, Hoàng Tùng...
Bác đi thăm khu vực lớp và hỏi về công tác tổ chức lớp. Bác khen công tác chuẩn bị như vậy là tốt. Bác còn dặn thêm: Các chú hãy coi Bác bình thường như mọi người, đừng để mất thì giờ vì Bác. Bác tỏ ý không bằng lòng vì mọi người đã đào hầm riêng cho Bác, cử nhiều công an đến bảo vệ Bác, Bác nói để thì giờ làm việc khác cần thiết hơn.
Bước vào hội trường, Bác hỏi thăm tình hình công tác của học viên. Người nói chuyện với anh chị em học viên, đại ý:
- Bác thay mặt Trung ương Đảng hoan nghênh các đồng chí. Sau đây là vài điều Bác muốn nói với các cô, các chú. Chúng ta vào Đảng không phải để thăng quan, phát tài. Chúng ta vào Đảng là để hết lòng hết sức phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, làm tròn nghĩa vụ của người đảng viên. Nhiệm vụ cách mạng hiện nay đòi hỏi mỗi đảng viên phải tích cực học tập. Học phải đi đôi với hành.
Học để hành cũng ngày càng tốt hơn. Đảng viên phải chịu khó học tập lý luận Mác - Lênin, học tập đường lối, chính sách của Đảng đồng thời phải học tập văn hóa, kỹ thuật và nghiệp vụ. Bác biểu dương công tác giáo dục đảng viên đã có kết quả, đồng thời chỉ ra những tồn tại khuyết điểm, như: Số đảng viên kết nạp nhiều nhưng số được huấn luyện thì còn ít; việc giáo dục chưa có chương trình kế hoạch, toàn diện và lâu dài; một số cấp ủy chưa quan tâm đến việc giáo dục đảng viên. Để sửa chữa những thiếu sót đó, Bác nhấn mạnh, từ nay Đảng ta cần phải quan tâm hơn nữa đến việc giáo dục đảng viên.
Bác nói những điều cơ bản mà mỗi đảng viên mới phải học tập nắm vững những điều a, b, c về chủ nghĩa cộng sản. Phải học tập đường lối cơ bản về nhiệm vụ trước mắt của cách mạng Việt Nam; phải hiểu rõ tổ chức cơ sở của Đảng, nhiệm vụ, quyền hạn và phương pháp công tác của người đảng viên.
Bác còn chỉ rõ: Đảng viên phải là cốt cán trong cuộc vận động "Ba xây ba chống", "Cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp", phải gương mẫu trong sản xuất và chiến đấu, phải gương mẫu trong đạo đức cách mạng. Hàng ngày phải tự kiểm điểm để cố gắng làm đúng 10 nhiệm vụ của đảng viên. Đảng viên phải coi việc tự kiểm điểm như rửa mặt.
Cuối cùng, Bác nói: Chúng ta phải cố gắng làm cho Đảng bộ Hà Nội trở nên kiểu mẫu, làm đầu tàu trong học tập, sản xuất và chiến đấu.
(Trích trong cuốn Bác Hồ với Ba Đình, Sđd, tr.ll1-115)
Thanh Huyền (tổng hợp)