Chỉ mục bài viết

 110. Nói chuyện với Đảng đoàn Bộ Công an

(Trích yếu)

Đối với Hà Nội, phải làm cho Thủ đô trong sạch về tinh thần và vật chất.

Phải có kế hoạch chung, từng bước, giải quyết từng vấn đề. Phải phân công cụ thể, công an làm gì? Các ngành có liên quan phải làm gì?

Về việc quét dọn cao bồi, buôn lậu, công an không làm được một mình mà phải dựa vào dân. Không có dân không biết bọn buôn lậu; dân biết hàng hóa ở đâu ra, gái điếm hoạt động người ta cũng biết.

Phải dựa vào dân mà giải quyết vấn đề này.

Làm trong sạch về tinh thần và vật chất ở Hà Nội, phải có kỷ luật và phải có giáo dục. Thầy giáo phải giáo dục. Hội đồng nhân dân cũng có trách nhiệm giáo dục. Khu phố Hai Bà, khu phố Đống Đa đã làm tốt, sao các khu phố khác không làm được?

Lãnh đạo phải quyết tâm làm sao cho Hà Nội được trong sạch, công an phải có kế hoạch trình Hội đồng Chính phủ và Ban Bí thư.

Công viên Thống Nhất phải giải quyết cho tốt, phải tăng thêm đồn công an, phải tăng cường tuần tra ở đây.

(Trích trong Hồ Chí Minh, toàn tập, t12, Sđd, tr.385)

111. Chủ tịch Hồ Chí Minh về xã Phú Thượng, huyện Từ Liêm

Sau khi Hà Nội khởi nghĩa thắng lợi, chính quyền cách mạng được thành lập, Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch từ Tân Trào quyết định nhanh chóng về Hà Nội để tiếp tục chỉ đạo công cuộc giành chính quyền và bảo vệ chính quyền trong cả nước.

Ngày 21/8/1945, đồng chí Trường Chinh cùng với một số đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng trở về Hà Nội. Khoảng 16 giờ ngày 23/8/1945, Bác  Hồ và đồng chí Trần Đăng Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng cùng với đội tự vệ về đến bến đò thôn Phú Xá (trước gọi là làng Xù), xã Phú Thượng, huyện Từ Liêm - nay là phường Phú Thượng, quận Tây Hồ. Cán bộ địa phương đã đón Bác Hồ và các đồng chí cùng đi, đến nghỉ ở trụ sở tự vệ thôn Phú Xá (nhà Văn chỉ, gần đê). Tại đây, Bác Hồ và các đồng chí trong đoàn đã cùng cán bộ địa phương dùng bữa cơm thanh đạm chỉ có muối vừng và canh mướp.

Để đảm bảo an toàn, đồng chí Hoàng Tùng (lúc đó lấy tên là Đào Khánh  -  phụ trách an toàn khu phía Nam sông Hồng), bố trí đưa Bác Hồ cùng đoàn sang ở nhà ông Công Ngọc Kha, một trong những cơ sở cách mạng tin cậy ở thôn Phú Gia (trước gọi là làng Gạ, xã Phú Thượng). Bác Hồ ở và làm việc tại ngôi nhà này từ tối ngày 23/8 đến ngày 25/8/1945.

Ngoại thành Hà Nội vinh dự và tự hào là địa điểm đầu tiên được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ kính yêu của toàn dân tộc, trở về Hà Nội sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi.

(Trích trong Hồ Chí Minh, Biên niên tiểu sử, Sđd, t2, tr.268-269)

112. Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi các cụ phụ lão

Sau ngày độc lập 2/9, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết nhiều lời kêu gọi và thư gửi các tổ chức, các tầng lớp, các giới trong Mặt trận Việt Minh, động viên, cổ vũ lòng yêu nước của mọi người.

Ngày 20/9/1945, Người viết thư: "Gửi các cụ phụ lão", biểu dương lòng yêu nước nhiệt thành của các cụ. Người mong muốn các cụ tuổi cao chí càng cao, làm gương cho con cháu noi theo. Trong đoạn kết của bức thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao nhiệm vụ cho các vị phụ lão Hà Nội:

"Chúng ta là bậc phụ lão, cần phải tinh thần đoàn kết trước, để làm gương cho con cháu ta. Vậy tôi mong các vị phụ lão ở Hà thành ra xung phong tổ chức "Phụ lão cứu quốc hội", để cho các phụ lão cả nước bắt chước và để hùn sức giữ gìn nền độc lập của nước nhà".

Thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ, phong trào "Phụ lão cứu quốc" Hà Nội có nhiều hoạt động thiết thực, như: Quyên góp vàng bạc trong "Tuần lễ vàng", bài trừ mê tín dị đoan, thực hiện nếp sống mới, hưởng ứng phong trào cứu đói, tham gia học bổ túc văn hóa trong những năm 1945 - 1946. Các giai đoạn cách mạng tiếp sau, tổ chức các cụ phụ lão ở Hà Nội vẫn luôn luôn đi đầu trong các phong trào xã hội.

(Đăng trên báo Cứu quốc số 48 ngày 21/9/1945)

113. Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm đội Tự vệ chiến đấu cứu quốc Hoàng Diệu

Sau cách mạng thành công, cuối tháng 8/1945, trước tình hình mới, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ, Thành ủy Hà Nội đã thành lập Đội tự vệ chiến đấu cứu quốc Hoàng Diệu.

Cuối tháng 9/1945, Đội tự vệ chiến đấu cứu quốc Hoàng Diệu vinh dự được đón Bác Hồ đến thăm tại trụ sở Đội ở 107 Găm-bét-ta (nay là phố Trần Hưng Đạo). Trước tiên, Người thăm bếp, nhà vệ sinh. Dừng lại ở nhà ăn, thấy rác quét dồn sau cửa, Bác nhắc nhở phải giữ cho sạch cửa mới đảm bảo tốt cho sức khỏe. Bác khen anh em biết nấu cơm ngon, đồng thời chỉ vào miếng cháy dưới bàn, bảo anh em nhặt lên không nên để lãng phí. Sau đó Bác lên hội trường - nơi anh em tề tựu đông đủ đón Bác.

Bác dành thời gian để mọi người nêu câu hỏi, sau đó trả lời, tập trung vào những vấn đề chính, về công tác ngoại giao, đối phó với bọn Tưởng, Bác nói: Ngoại giao như cái bóng, thực lực như cái cây; cây to thì bóng mới to. Muốn ngoại giao thắng lợi phải ra sức xây dựng lực lượng, về ý kiến xin trừng trị bọn phản động, Bác dặn: Giữ gìn độc lập như nâng chén ngọc. Khi nâng chén ngọc có kiến đốt cũng phải ráng chịu, vì buông tay bắt kiến thì chén ngọc sẽ vỡ.

Những lời Bác dạy giản dị mà rõ ràng, thấm sâu vào lòng từng chiến sĩ tự vệ chiến đấu cứu quốc Hoàng Diệu.

(Trích trong cuốn Quân khu Thủ đô: Đội tự vệ chiến đấu cứu quốc Hoàng Diệu, Nxb. Quân đội nhân dân, HN. 1991, tr.26)

114. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn các đơn vị vào tiếp quản Hà Nội

Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 07/5/1954 đã buộc thực dân Pháp phải ký hiệp định đình chiến tại Hội nghị Giơ- ne-vơ (20/7/1954).

Thực hiện lời kêu gọi của Ban chấp hành Trung ương Đảng, các thành phố  lớn ở miền Bắc mau chóng bước vào tiếp quản. Đối với Hà Nội - một thành phố  trung tâm, sào huyệt của kẻ thù trải qua hơn 80 năm dưới ách đô hộ thực dân, nay lại nằm trong vùng tập kết 80 ngày của quân đội Pháp, lợi dụng những ngày cuối cùng, thực dân Pháp tìm mọi cách phá hoại gây khó khăn cho công tác tiếp quản của ta. Nhận thức tính chất phức tạp, khó khăn trong công việc tiếp quản Thủ đô, ngày 05/9/1954, tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự và căn dặn cán bộ, bộ đội, công an một số vấn đề có tính nguyên tắc và phương châm công tác khi vào tiếp quản Hà Nội:

- Chớ tự kiêu tự mãn.

- Chớ rượu chè cờ bạc, trai gái, hút thuốc phiện.

- Chớ để lộ bí mật.

- Chớ xa xỉ, tham ô lãng phí.

- Phải kính trọng nhân dân, giúp đỡ nhân dân, đoàn kết với nhân dân.

- Phải khiêm tốn, nghiêm chỉnh.

- Phải giữ gìn tính chất trong sạch, chất phác của người chiến sĩ cách mạng.

- Phải thực hiện cần, kiệm, liêm, chính.

- Phải làm cho đúng 10 điều kỷ luật.

- Phải luôn luôn cảnh giác, và phải thực hiện tự phê bình và phê bình để tiến bộ không ngừng.

Những lời dặn của Bác Hồ đã được cán bộ, chiến sĩ nghiêm túc thực hiện. Việc tiếp quản thành phố đạt được thắng lợi theo đúng thời gian và yêu cầu đã đặt ra.

(Trích trong Hồ Chí Minh, Biên niên tiểu sử, t5, Sđd, tr.528)

115. Chủ tịch Hồ Chí Minh điểm báo chí nói về tình hình Hà Nội

Dưới bút danh ĐX ngày 09/6 trên báo Cứu quốc số 2615, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã điểm dẫn lại bài báo "Hà Nội, một thành phố bị bao vây" đăng trên báo FIGARO, ngày 16/5 - tờ báo của bọn đại phản động Pháp. Bài báo này buộc phải thừa nhận tâm lý hoảng loạn của bọn thực dân Pháp ở Hà Nội trước những hoạt động mạnh mẽ của các đội du kích trinh sát và phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân ở Thành phố. Sau khi trích dẫn toàn bộ bài báo đó, Bác kết luận: "Bài báo đó đã chứng tỏ tinh thần của địch hoang mang. Nhưng chúng ta không vì thế mà khinh địch. Trái lại, chúng ta càng phải tỉnh táo, càng phải đẩy mạnh công tác dân vận, ngụy vận, địch vận để mở rộng thắng lợi của chiến dịch Đông Xuân".

Theo định hướng đúng đắn đó, từ tháng 6 đến trước ngày ký hiệp định Giơ-ne-vơ (20/7/1954), hoạt động của các đội du kích, biệt động kết hợp với tuyên truyền địch vận diễn ra liên tục đều khắp làm cho kẻ địch hoang mang dao động, nhiều đơn vị đã bỏ hàng ngũ địch chạy sang phía lực lượng cách mạng.

(Trích trong Hồ Chí Minh, Biên niên tiểu sử, Sđd, t5, tr.490)

116. Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi nhân ngày Giải phóng Thủ đô

Theo đúng kế hoạch tiếp quản, sáng ngày 10/10/1954, Sư đoàn bộ binh 308, trong đó có Trung đoàn Thủ đô đã từng chiến đấu oanh liệt ở Liên khu I những ngày đầu kháng chiến, từ năm cửa ô tiến về giải phóng thành phố.

15 giờ, hàng vạn nhân dân Thủ đô xúc động trang nghiêm đổ về dự lễ chào cờ chiến thắng ở cột cờ Hà Nội.

Trong ngày hội lớn đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi đồng bào Hà Nội.

Mở đầu, Người khẳng định, thắng lợi của cuộc kháng chiến giành lại hòa bình ở miền Bắc là của toàn dân, toàn quân đã đoàn kết nhất trí với Chính phủ và Trung ương Đảng, trong đó đồng bào Thủ đô đã góp phần hăng hái. Sau đó, Người đề ra những nhiệm vụ cấp bách đối với Hà Nội là: Giữ gìn trật tự; duy trì sản xuất, kinh doanh buôn bán; khôi phục mọi hoạt động văn hóa; đảm bảo sự hoạt động bình thường của ngoại kiều.

Cuối cùng, Người dành tình cảm tha thiết hỏi thăm các tầng lớp nhân dân Thủ đô. Người căn dặn với một niềm tin tưởng vững chắc rằng: "Sau cuộc biến đổi lớn, việc khôi phục lại đời sống bình thường sẽ phức tạp, khó khăn. Nhưng Chính phủ cố gắng, quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm nhất trí góp sức với  Chính phủ, thì chúng ta nhất định vượt được mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: Làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh".

117. Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Trung đội nữ Minh khai

Đầu tháng 9/1945, Đội tự vệ chiến đấu cứu quốc Hoàng Diệu được bổ sung thêm trung đội nữ Minh Khai gồm 34 chị em từ Phụ nữ cứu quốc thành phố cử sang, hầu hết còn rất trẻ, tuổi đời từ 18 đến 22.

Giữa tháng 10/1945, Bác Hồ đến thăm trung đội Minh Khai đóng tại trường Hàm Long. Bác hỏi thăm tình hình sinh hoạt, học tập, công tác của chị em. Bác ân cần căn dặn mọi người: Dân mình xưa có câu "Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh". Nay nước nhà đã giành được độc lập, chính quyền bây giờ là chính quyền cách mạng, gái trai đều bình đẳng, các cháu phải cùng nhau gánh vác việc giữ gìn nền độc lập, đánh giặc giữ nước theo gương bà Trưng, bà Triệu.

Các cháu phải chiến đấu tốt, học tập rèn luyện tốt, luôn luôn thương yêu, đùm bọc lẫn nhau, phải giữ gìn kỷ luật, không được một phút nào lơi lỏng nhiệm vụ được giao.

(Trích trong cuốn Đội tự vệ chiến đấu Hoàng Diệu, Sđd, tr.29-30)

118. Chủ tịch Hồ Chí Minh dự bữa cơm chay với các nhà sư ở chùa Quán Sứ

Trong "Tuần lễ văn hóa cứu quốc", Hội Phật giáo cứu quốc Hà Nội tổ chức ngày lễ hành nguyện Phật giáo và làm bữa cơm chay vào hồi 6 giờ chiều ngày 16/10/1945 tại chùa Quán Sứ.

Tới giờ chót, Chủ tịch Hồ Chí Minh được tin ngày lễ hành nguyện đã góp phần vào việc đoàn kết giữa hai tôn giáo: Phật giáo và Công giáo. Cảm động trước tinh thần đoàn kết đó, Người đã đến dự tiệc cơm chay.

Vì Bác Hồ đến một cách bất ngờ, nên mọi người vô cùng vui sướng, bữa tiệc trở nên ấm cúng thân mật.

Trước đông đủ mọi người có mặt trong bữa cơm chay, đáp lời một đại biểu Phật giáo, Bác Hồ đã phát biểu, đại ý như sau: "Mặc dù hai tôn giáo, có hai lý tưởng khác nhau, nhưng tôn giáo nào cũng ở từ bi, nhân đạo mà ra, thì không lý gì lúc này cùng là con Việt Nam lại không thể có sự đoàn kết giữa hai tôn giáo được".

Sau bữa cơm chay Bác Hồ đã vui vẻ dự giờ bán đấu giá bức chân dung của Người giữa hai tôn giáo để lấy tiền góp vào Quỹ Độc lập của nước nhà.

(Đăng trên Báo Cứu quốc, số 69, ngày 17/10/1945)

119. Chủ tịch Hồ Chí Minh dự lễ xuất phát của Đội Tuyên truyền xung phong

Sáng 20/10/1945, tại Nhà hát Lớn Thành phố, hơn 500 đội viên Đội Tuyên truyền xung phong thứ nhất đã tổ chức đón nhận cờ, thư ủy nhiệm của Bộ Tuyên truyền và làm lễ xuất phát lên đường nhận nhiệm vụ.

Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền tuyên bố khai mạc buổi  lễ, giới thiệu Chủ tịch  Hồ Chí Minh tới dự, phát biểu căn dặn các anh em trước khi nhận nhiệm vụ. Bác Hồ bước ra diễn đàn trong sự im lặng thành kính của tất cả mọi người. Bác khen ngợi lòng hăng hái của anh em tuyên truyền xung phong, tuy biết trước tất cả cái khó khăn, nặng nề trong công việc mình sắp làm, nhưng vẫn sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Sau đó, Người chỉ ra những phẩm chất, đức tính mà người cán bộ tuyên truyền xung phong phải có:

- Phải biết rõ mục đích tuyên truyền của mình và trước khi định công tác ở đâu, phải đặt rõ kế hoạch.

- Phải biết chịu kham khổ.

- Phải biết kiên trì và nhẫn nại. Nói với người nghe một lần người ta không hiểu thì nói đến 2, 3 lần...

*

* *

- Chớ có lên mặt "quan cách mạng", chớ có tưởng đi tuyên truyền đây là đi dạy người ta chớ không cần học lại người ta, lãnh đạo người ta chứ không chịu người ta phê bình.

- Chú ý cách diễn đạt sao cho phổ thông dễ nhớ, dễ hiểu, cố vào sâu trong dân chúng. Làm sao cho được 50 người hiểu rõ còn hơn là 500 người chỉ biết lờ mờ.

Kết thúc bài phát biểu, Người còn căn dặn thêm: Trong đợt đi công tác lần này anh chị em phải chú ý góp nhặt các kinh nghiệm để rút lấy những bài học bổ ích cho những công tác sau này.

(Đăng trên Báo Cứu quốc, số 73, ngày 22/10/1945)

Khánh Linh (tổng hợp)

Bài viết khác: