Chỉ mục bài viết

45. Bài nói chuyện với giáo viên Trường Trung học Nguyễn Trãi, Chu Văn An và Trưng Vương

Thanh niên là một bộ phận quan trọng của dân tộc. Dân tộc bị nô lệ thì thanh niên cũng bị nô lệ. Dân tộc được giải phóng, thanh niên mới được tự do. Vì vậy, thanh niên phải hăng hái tham gia cuộc đấu tranh của dân tộc.

Nhiệm vụ chính của thanh niên học sinh là học. Dưới chế độ thực dân phong kiến, mục đích đi học là cốt được mảnh bằng để làm ông thông, ông phán, lĩnh lương nhiều, ăn ngon, mặc đẹp. Thế thôi. Số phận dân tộc thế nào, tình hình thế giới biến đổi thế nào, không hay, không biết gì hết. Mục đích giáo dục nô lệ của thực dân phong kiến chỉ để tạo ra những trí thức nô lệ để hầu hạ chúng.

Ngày nay, ta được độc lập, tự do, thanh niên mới thật là người chủ tương lai của nước nhà. Muốn xứng đáng với vai trò người chủ, thì phải học tập. Học bây giờ với học dưới chế độ thực dân phong kiến khác hẳn nhau. Bây giờ học để:

- Yêu Tổ quốc: Cái gì trái với quyền lợi của Tổ quốc, chúng ta kiên quyết chống lại.

- Yêu nhân dân: Việc gì hay người nào phạm đến lợi ích chung của nhân dân, chúng ta kiên quyết chống lại.

- Yêu lao động: Ai khinh rẻ lao động, chúng ta kiên quyết chống lại.

- Yêu khoa học: Cái gì trái với khoa học, chúng ta kiên quyết chống lại.

- Yêu đạo đức: Chúng ta phải thực hiện đức tính trong sạch, chất phác, hăng hái, cần kiệm; xóa bỏ hết những vết tích nô lệ trong tư tưởng và hành động.

Học để phụng sự ai?

Để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh, tức là để làm tròn nhiệm vụ người chủ của nước nhà. Học phải đi đôi với hành. Khi ở nhà, phải thương yêu cha mẹ, giúp đỡ cha mẹ về công việc, giúp đỡ về tinh thần (học được điều gì về tình hình trong nước và thế giới thì nói lại cho cha mẹ nghe).

Ở trường thì phải đoàn kết, giúp đỡ anh chị em, thi đua học tập. Phải đoàn kết giữa thầy và trò làm cho trường mình luôn luôn tiến bộ.

Ở xã hội các cháu có thể giúp được nhiều việc có ích. Thí dụ: Tuyên truyền vệ sinh, giúp đỡ các em nhi đồng, xung phong dạy bình dân học vụ v.v.

Bác khuyên lớp này thi đua với lớp khác, trường này thi đua với trường khác, trong việc học và hành, làm cho nền giáo dục của ta phát triển và tốt đẹp.

Trong mấy năm kháng chiến, các anh hùng quân đội, các chiến sĩ kiểu mẫu ở nhà máy, nông thôn, ở công trường (thanh niên xung phong) đại đa số là thanh niên. Bác mong rằng thanh niên học sinh noi gương anh dũng ấy mà làm đúng những lời Bác dặn.

(Đăng trên Báo Nhân Dân, ngày 23/12/1954)

46. Bài nói chuyện với cán bộ, công nhân nhà máy Điện Yên Phụ và nhà máy Đèn Bờ Hồ

Trong lúc quân Pháp sắp rút lui, các cô, các chú, từ cán bộ đến công nhân, đã ra sức đấu tranh giữ nhà máy tương đối được hoàn toàn. Đấy là một điều rất tốt. Sau khi Chính phủ ta về tiếp quản Thủ đô, các cô, các chú đã cố gắng sản xuất điện đều, làm cho sinh hoạt của đồng bào trong thành phố được tiếp tục như thường. Bác thay mặt Chính phủ ngợi khen và cảm ơn các cô, các chú.

Trong nhà máy có lao động trí óc và lao động chân tay, cán bộ kỹ thuật và công nhân, nam có, nữ có. Tuy khác nhau nhưng cùng chung một mục đích. Ngày trước chúng ta là người nô lệ. Vì muốn thoát vòng nô lệ mà chúng ta kháng chiến. Trước chúng ta làm cho thực dân Pháp, nay chúng ta làm cho nhân dân. Nhà máy này bây giờ là của nhân dân, của Chính phủ, của các cô, các chú. Các cô, các chú là chủ thì phải gìn giữ nhà máy, làm cho nó phát triển hơn nữa.

- Muốn thế, trước hết phải đoàn kết một lòng. Trong thời kỳ thuộc Pháp, chúng chia nhân viên kỹ thuật ra một hạng, cai sếp một hạng, công nhân một hạng, chia đế trị, làm cho ba hạng không đoàn kết và đều làm nô lệ. Bây giờ tất cả chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ.

Mỗi người đều có sáng kiến hay, nhưng cũng đều có khuyết điểm. Sáng kiến là tinh thần của dân tộc ta, khuyết điểm là kết quả của chế độ cũ. Ai có cái hay thì truyền bá cho nhau học, thấy khuyết điểm thì lấy tinh thần đoàn kết, thương yêu nhau mà phê bình, giúp nhau sửa chữa. Phê bình không phải để mỉa mai, nói xấu.  Phê bình là để giúp nhau tiến bộ. Học nhau điều hay, giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, thế là đoàn kết thật sự.

Chúng ta đoàn kết để thi đua. Thi đua phải có tổ chức, kế hoạch. Thi đua không phải là ganh đua, giấu nghề. Thi đua có nghĩa là mọi người phát triển tài năng, sáng kiến của mình, học hỏi điều hay lẫn nhau, giúp nhau sửa chữa khuyết điểm để cùng nhau tiến bộ. Thi đua nhằm:

- Tăng năng suất.

- Tiết kiệm nguyên liệu, vật liệu. Đồng thời phải tuyên truyền cho nhân dân và các cơ quan ý thức tiết kiệm điện. Người này thi đua với người khác, tổ này thi đua với tổ khác, nhà máy này thi đua với nhà máy khác.

Các cô, các chú giống như một bộ máy. Nếu như có một bộ phận, một người nào mắc khuyết điểm mà không sửa chữa thì ảnh hưởng xấu đến cả guồng máy chung. Vì thế, các cô, các chú, lao động trí óc và lao động chân tay, phải đoàn kết chặt chẽ, thi đua làm cho nhà máy phát triển.

- Hiện nay nước ta còn nghèo, đời sống của anh chị em công nhân chưa được đầy đủ. Đảng, Chính phủ và Bác đều lo nghĩ đến điều đó.

Nay trong hoàn cảnh hòa bình, muốn cải thiện sinh hoạt thì giai cấp lao động ta phải tăng năng suất. Ở nhà máy, công nhân phải thi đua chế tạo. Ở nông thôn, nông dân phải thi đua sản xuất lúa gạo. Sản xuất tăng thì mức sống sẽ được nâng cao. Muốn ăn quả thì trước phải chịu khó trồng cây.

Hiện nay, miền Nam chưa được giải phóng, đế quốc Mỹ còn lăm le phá hoại hòa bình, chúng ta phải chống đế quốc Mỹ một cách thiết thực bằng thi đua tăng năng suất. Tiết kiệm được một cân than, tăng được một ki-lô-oát điện là góp thêm một phần lực lượng đánh vào đế quốc Mỹ.

Chúng ta có quyết tâm, chúng ta nhất định khôi phục được kinh tế, nâng cao được đời sống của toàn dân. Chúng ta tin chắc là chúng ta làm được vì dân ta tốt, công nhân ta oanh liệt, đường lối lãnh đạo của Đảng và Chính phủ ta đúng, lại có thêm sự giúp đỡ nhiệt tình, cao cả của nhân dân các nước bạn.

Chúc các cô, các chú mạnh khỏe, vui vẻ, đoàn kết thi đua cho tốt.

(Đăng trên Báo Nhân Dân, ngày 24/12/1954)

47. Tên các đường phố

Thủ đô ta có mấy con đường đang giữ những cái tên "chướng tai gai mắt". Các báo đề nghị sửa đổi. Rất đúng. Song ngoài những tên đường, có mấy hiệu phố  vẫn còn giữ cái tên cũng hơi "chướng tai gai mắt". Thí dụ: Nhà in thì giữ tên "Imprimerie", thợ may "Tailor" hoặc là "Tailleur", tiệm tắm "Bain chaud", v.v.

Ngoài ra, có những phong bì và giấy viết thư cũng còn giữ vết tích "chướng tai gai mắt" như vậy. Thiết tưởng bà con ta nên tự động xóa bỏ những vết tích ấy.

Tục ngữ ta có câu: "Xem mặt đặt tên" và "danh chính, ngôn thuận", thật là đúng vậy thay!

Ký tên C.B

(Đăng trên Báo Nhân Dân, ngày 30/12/1954)

48. Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Trường Trung cấp Kỹ thuật Hà Nội và Trường Trung học Hoa kiều Hà Nội

Ngày 26/1/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm trường Trung cấp kỹ thuật Hà Nội (2F phố Quang Trung).

Cán bộ phụ trách nhà trường đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm các lớp học, phòng thí nghiệm, thực hành của học sinh, báo cáo với Người việc giảng dạy, học tập của giáo viên và học sinh.

Nói chuyện với học sinh và giáo viên, Bác Hồ căn dặn: "Các cháu cần ra sức học tập để sau này phục vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng kinh tế nước nhà. Vì trong việc xây dựng kinh tế hiện đang cần nhiều cán bộ kỹ thuật".

Cùng ngày, giáo viên và học sinh trường Trung học Hoa kiều (nay là trường phổ thông trung học Phạm Hồng Thái) vô cùng phấn khởi được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm.

Bác đi thăm phòng làm việc của Ban giám hiệu, thăm các lớp học của học sinh. Người ân cần hỏi thăm tình hình sức khỏe, tình hình giảng dạy, học tập của giáo viên, học sinh nhà trường.

Nói chuyện với học sinh, Người khuyên nhủ: ''Các em cần ra sức học tập để nâng cao trình độ về mọi mặt và hãy ra sức thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết Việt - Hoa".

(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 1058, ngày 27/1/1957)

49. Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và nói chuyện với Hội nghị chiến sỹ thi đua ngành Công nghiệp Hà Nội

Chiều ngày 30/3/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện tại phiên bế mạc Đại hội liên hoan chiến sĩ thi đua ngành Công nghiệp thành phố Hà Nội lần thứ hai. Người khuyên cán bộ và công nhân ngành công nghiệp Thủ đô phải tăng cường ý thức kỷ luật trong lao động; coi trọng cải tiến công tác quản lý; chăm lo cải thiện đời sống cho công nhân trên cơ sở tăng gia sản xuất và tăng năng suất lao động, cố gắng học tập, trau dồi ý thức yêu lao động, gương mẫu trong sản xuất và đoàn kết phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ.

(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 1119, ngày 31/3/1957)

50. Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và nói chuyện với Hội nghị sơ kết công tác sửa sai cải cách ruộng đất ở ngoại thành

Cuộc cải cách ruộng đất tiến hành từ giai đoạn cuối kháng chiến chống thực dân Pháp và mở rộng trong những năm đầu hòa bình đã giành được những thắng lợi quan trọng. Tuy vậy, trong quá trình tiến hành chúng ta đã phạm những sai lầm nghiêm trọng. Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 10 (khóa III) đã quyết định tiến hành sửa sai.

Ngày 29/5/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm và nói chuyện với Hội nghị sơ kết công tác sửa sai cải cách ruộng đất ngoại thành Hà Nội. Người khen ngợi khu vực ngoại thành Hà Nội đã khắc phục khó khăn, hoàn thành bước hai công tác sửa sai và căn dặn các địa phương ngoại thành phải cố gắng thi đua sản xuất và thực hành tiết kiệm; củng cố các tổ đổi công; kiện toàn các tổ chức quần chúng; hoàn thành nghĩa vụ thuế nông nghiệp đối với Nhà nước.

Đối với cán bộ, Người nhắc nhở: Cán bộ sửa sai phải gương mẫu, tránh bao biện, làm thay; cán bộ các địa phương phải cố gắng học tập, không ỷ lại vào cán bộ sửa sai; phải đoàn kết với nhau để hoàn thành nhiệm vụ.

Thái độ tự phê bình theo tinh thần cộng sản và sự chỉ đạo sâu sát của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã làm cho công tác sửa sai thu được kết quả, ổn định nông thôn, đưa nông nghiệp, nông thôn miền Bắc nói chung, nông thôn ngoại thành Hà Nội nói riêng bước vào thời kỳ phát triển mới.

(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 1178, ngày 30/5/1957)

51. Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm công trường đê Mai Lâm và xã Mai Lâm, huyện Đông Anh

 Đê Mai Lâm là quãng đê đã bị vỡ cuối tháng 7 năm 1957. Bộ Kiến trúc và Thủy lợi đang triển khai việc hàn gắn lại quãng đê này. 

Sáng ngày 5/9/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm và kiểm tra công việc trên công trường. Cùng đi với Người có ông Trần Đăng Khoa - Bộ trưởng Bộ Kiến trúc và Thủy lợi cùng đồng chí Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Bắc Ninh (xã Mai Lâm lúc đó thuộc huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh cũ).

Hơn 900 dân công đang làm việc trên công trường phấn khởi nồng nhiệt đón chào Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí cùng đi. Bác Hồ chăm chú xem xét, kiểm tra quãng đê vỡ vừa được đắp lại. Sau đó, Người nói chuyện với cán bộ và dân công trên công trường.

Người khen ngợi tinh thần hăng say lao động của dân công, nhắc nhở dân công sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở công trường về làm việc ở địa phương phải chú ý phòng chống, lụt, sâu, chuột và phải chú ý việc chăm sóc mùa màng. Người tặng công trường đê 10 Huy hiệu của Người để làm giải thưởng thi đua.

Sau khi thăm công trường, Hồ Chủ tịch đến thăm thôn Du Lâm Nội, xã Mai Lâm và thăm một số gia đình nông dân địa phương. Nói chuyện với bà con, Người nhắc nhở cán bộ và nhân dân phải chú ý củng cố các tổ đổi công, phải đoàn kết sản xuất để khỏi đói kém. Nói về tác dụng của việc đoàn kết giúp đỡ nhau sản xuất,

Người chỉ vào một chiếc bể to và hỏi: "Cái bể kia phải mấy người khênh mới nổi?". Mọi người đáp: "8 người ạ!".

Người nói tiếp: "Sản xuất cũng vậy, nhiều người vào tổ đổi công sản xuất sẽ tốt, nếu cứ làm ăn riêng lẻ sẽ không có kết quả".

(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 1276, ngày 6/9/1957)

52. Chủ tịch Hồ Chí Minh tát nước chống hạn ở Tả Thanh Oai và thăm xã Mễ Trì

Xã Tả Thanh Oai thuộc vùng lúa của huyện Thanh Trì, gồm 4 thôn: Tả Thanh Oai, Nhân Hòa, Thượng Phúc, Siêu Quần.

Sáng ngày 12/01/1958, sau khi dự Hội nghị chống hạn của tỉnh Hà Đông, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm nông dân xã Tả Thanh Oai đang chống hạn.

Tới xã, Bác đi thẳng ra cánh đồng Quai Chảo đang bị hạn nặng. Bác xắn quần quá gối, xách đôi dép lốp, đi thăm từng thửa ruộng, từng gầu tát.

Đến trung tâm cánh đồng Quai Chảo, Bác nói: "Tôi tuy đã xa công việc nhà nông mấy chục năm nay, nhưng tát nước thì vẫn nhớ".

Trong tư thế vững chãi của người tát nước gầu dây, Bác thả gầu, múc nước, đổ nước thuần thục như một lão nông thực sự.

Giờ phút ấy, Bác đã hòa mình với người nông dân, thân thiết gần gũi vô ngần. Tấm lòng của Bác là niềm cổ vũ lớn lao cho nông dân Tả Thanh Oai chiến thắng thiên tai, giành vụ Đông Xuân thắng lợi.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm nhân dân xã Mễ Trì, Từ Liêm. Người nói chuyện với cán bộ, nhân dân tại Hội nghị chống hạn của xã.

Sau khi khen ngợi nhân dân xã Mễ Trì tích cực chống hạn, Người nhắc nhở nông dân ngoại thành phải quyết tâm chống hạn, đề phòng và khắc phục tư tưởng sai lệch, thiếu đoàn kết, ỷ lại, cầu trời, địa phương chủ nghĩa. Người động viên nhân dân ra sức chống hạn và nhấn mạnh:

- Muốn chống hạn được tốt phải chống lại tư tưởng sai lệch.

- Quyết tâm đoàn kết nhất trí, giúp đỡ lẫn nhau thi đua chống hạn.

- Có thưởng, có phạt.

Người kêu gọi: "Mỗi người phải ra sức chống hạn. Ai ai cũng thi đua tham gia chống hạn. Mỗi người một tay, già trẻ góp sức, nhất định chống được hạn thắng lợi".

Bác trao cho xã Mễ Trì 3 chiếc Huy hiệu của Người để tặng cho những người có thành tích chống hạn xuất sắc nhất. Bác tiếp tục thăm một số giếng nước mới đào ở cánh đồng Cửa Miếu. Trước khi ra về, một lần nữa, Người nhắc nhở nhân dân Mễ Trì phải tiếp tục chống hạn cho tốt. Sau đó, Người thăm công trường xây dựng Đài phát thanh Mễ Trì.

(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 1405 ngày 13/01/1958)

Thanh Huyền (tổng hợp)

Bài viết khác: