84. Trả lời những câu hỏi của đồng bào cử tri Hà Nội về vấn đề xây dựng chủ nghĩa xã hội
Hỏi: Cần phải thắt lưng buộc bụng để xây dựng chủ nghĩa xã hội - nói như thế có đúng không?84
Đáp: Đúng. Xây dựng chủ nghĩa xã hội cũng như làm ruộng. Trước phải khó nhọc cày bừa, chân lấm tay bùn, làm cho lúa tốt, thì mới có gạo ăn. Sau cách mạng thành công, nhân dân Liên Xô đã phải thắt lưng buộc bụng, phấn đấu xây dựng ngót 18 năm mới được sung sướng như ngày nay. Chúng ta có các nước anh em hết lòng giúp đỡ, nói chung đời sống đã được cải thiện bước đầu.
Nhưng để xây dựng chủ nghĩa xã hội, chúng ta phải tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, phấn đấu mấy năm mới đạt được kết quả mọi người áo ấm, cơm no.
Hỏi: Phải chăng trong xã hội chủ nghĩa, ai không lao động cũng có ăn. Lại có người nói rằng: Không lao động thì không được ăn, vậy thì những người già yếu sẽ thế nào?
Đáp: Chủ nghĩa xã hội công bằng hợp lý: Làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm thì không được hưởng. Những người già yếu, tàn tật được Nhà nước giúp đỡ chăm nom.
Hỏi: Thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội là mấy năm?
Đáp: Trước kia cũng có người hỏi: "Trường kỳ kháng chiến là mấy năm?" Đảng và Chính phủ ta đã trả lời: "Trường kỳ có thể là năm năm, mười năm hoặc mười lăm năm". Chúng ta đoàn kết quyết tâm kháng chiến, đến chín năm ta đã thắng lợi. Việt Nam ta là một nước nông nghiệp lạc hậu, công cuộc đổi xã hội cũ thành xã hội mới gian nan, phức tạp hơn việc đánh giặc. Thời kỳ quá độ của ta chắc sẽ đòi hỏi ba, bốn kế hoạch dài hạn. Nếu nhân dân ta, mọi người cố gắng, phấn khởi thi đua xây dựng thì thời kỳ quá độ có thể rút ngắn hơn.
Hỏi: Tiến lên chủ nghĩa xã hội, thì giai cấp tư sản và tương lai của con cái nhà tư sản như thế nào?
Đáp: Tiến lên chủ nghĩa xã hội, thì giai cấp tư sản cũng được Đảng và Chính phủ giúp đỡ cải tạo, hòa mình trong nhân dân lao động, con em của các nhà tư sản cũng được đối đãi như thanh niên khác.
Hỏi: Miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội có trở ngại gì đến công cuộc thống nhất nước nhà hay không?
Đáp: Không. Trái lại tiến lên chủ nghĩa xã hội thì về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, miền Bắc sẽ hơn hẳn miền Nam.
Điều đó càng khuyến khích và giúp mạnh hơn nữa đồng bào miền Nam đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai để giành lại dân chủ và thống nhất. Tiến lên chủ nghĩa xã hội, miền Bắc càng thành hậu thuẫn vững mạnh cho công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà bằng phương pháp hòa bình.
Hỏi: Phải chăng kinh tế của phe xã hội chủ nghĩa mạnh hơn của phe tư bản?
Đáp: Phải. Tốc độ phát triển của kinh tế phe xã hội chủ nghĩa ngày càng mạnh hơn. Đứng đầu phe xã hội chủ nghĩa là Liên Xô. Đứng đầu phe đế quốc tư bản là nước Mỹ. Chúng ta hãy so sánh kinh tế của hai nước ấy thì rõ. Sản xuất công nghiệp hai tháng đầu năm nay so với hai tháng đầu năm ngoái: Liên Xô, tổng sản lượng công nghiệp tăng 110%, năng suất lao động tăng 70% Mỹ, sản xuất than sút 20%, gang thép giảm sút 43%, xe hơi giảm sút 31%.
Liên Xô, không có kinh tế khủng hoảng, không có nạn thất nghiệp. Mỹ, trong 30 năm (từ 1929 đến năm 1958) bị bốn lần kinh tế khủng hoảng. Thất nghiệp là một nạn thường xuyên ở Mỹ, gặp kinh tế khủng hoảng thì số công nhân thất nghiệp càng tăng nhiều.
Hiện nay ở Mỹ có năm triệu rưỡi công nhân hoàn toàn thất nghiệp. Đó là chưa kể mấy triệu công nhân nửa thất nghiệp, mỗi tuần chỉ có công việc làm mấy tiếng đồng hồ.
Tháng 12 năm 1957, tờ Nhật báo phố Uôn, cơ quan ngôn luận của đại tư sản Mỹ, viết: "Sự suy sút kinh tế đã lan tràn khắp cả nước Mỹ, không gì ngăn chặn được".
Tờ báo Người hướng dẫn khoa học công giáo (Mỹ) viết: "Kinh tế Mỹ suy sút một cách nhanh chóng không thể tưởng tượng được.
Không ai biết bao giờ sẽ cải thiện được tình trạng ấy".
Bản báo cáo của Ủy ban kinh tế trong Quốc hội Mỹ viết: "Một phần trăm tổng số người Mỹ rất cực khổ. Trong số này có 830 vạn gia đình và 620 vạn cá nhân, 28 triệu người bị tàn tật và không có sức lao động. Ở miền Nam nước Mỹ có một triệu rưỡi gia đình nông dân nghèo khổ không thể tưởng tượng".
Tờ tạp chí Công nghiệp (tháng 5 năm 1958) viết: "So với trước chiến tranh thế giới lần thứ hai, thì năm 1957, sản xuất công nghiệp của các nước xã hội chủ nghĩa tăng bốn lần rưỡi, của các nước tư bản chủ nghĩa tăng hai lần rưỡi".
Mấy thí dụ trên đây đủ tỏ rõ kinh tế của phe nào mạnh hơn về mặt khoa học kỹ thuật, ai cũng biết rằng Liên Xô thành công trước Mỹ trong việc phóng vệ tinh nhân tạo; và vệ tinh thứ hai của Liên Xô to và nặng 508 cân 300, vệ tinh Mỹ chỉ nhỏ bằng quả bưởi và chỉ nặng 13 cân 365.
Các báo cáo Mỹ phải nhận rằng trong mười năm (từ 1950 đến 1960) Liên Xô sẽ đào tạo được 120 vạn cán bộ khoa học kỹ thuật.
Mỹ chỉ đào tạo được 90 vạn người. Mỗi năm Liên Xô đào tạo được 15 vạn công trình sư. Mỹ chỉ đào tạo được 7 vạn người.
Hỏi: Các nước xã hội chủ nghĩa có đoàn kết nhất trí không? Các nước anh em giúp ta và Mỹ giúp bọn Ngô Đình Diệm khác nhau ở chỗ nào?
Đáp: Các nước xã hội chủ nghĩa rất đoàn kết nhất trí.
Hai bản tuyên ngôn ở Hội nghị Mát-xcơ-va cuối năm ngoái đã chứng minh rõ rệt điều đó. Các nước anh em, trước hết là Liên Xô, giúp ta máy móc, kỹ thuật và chuyên gia... để ta xây dựng và phát triển kinh tế. Việc giúp đỡ ấy hoàn toàn là vô tư. Các nước anh em chỉ đặt một điều kiện: Chúng ta phải gắng học nhanh, làm nhanh để tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Còn "viện trợ" Mỹ thế nào thì tờ báo Nhật Bản đã trả lời câu hỏi ấy như sau: "Viện trợ Mỹ nhằm mục đích bán hàng hóa thừa ế, lấy tiền lãi nặng, bán vũ khí và kèm theo những điều kiện chính trị và quân sự có lợi cho Mỹ". Thí dụ: từ tháng 7/1955 đến tháng 7/1956, Mỹ giúp miền Nam và Miên, Lào 379 triệu đô la, trong số đó 330 triệu là bằng vũ khí. Mỹ cho Ai Cập vay 400 triệu đô la, lãi mỗi năm 40% trong 20 năm phải trả xong và trả bằng tiền mặt. Liên Xô cho Ai Cập vay 600 triệu rúp, lãi mỗi năm 2%, hạn trả là 30 năm, và có thể trả bằng bông hoặc bằng gạo mà Ai Cập có dư dật.
Theo hãng thông tin ở Mỹ (7 tháng 5 năm 1958), Mỹ cho 42 nước phe Mỹ vay tiền, nhằm: Một là để có công việc làm cho 60 vạn công nhân Mỹ đang thất nghiệp; hai là để nắm vững 250 căn cứ quân sự của Mỹ ở các nước ấy; ba là để duy trì năm triệu binh sĩ của các nước ấy đang làm hậu thuẫn cho chính sách gây chiến của Mỹ.
Ngay ở miền Nam, vì "viện trợ" Mỹ mà phải chi tiêu 70% ngân sách vào quân sự. Với những sự thật đó, đồng bào ta có thể nhận biết ai là vô tư, ai là vụ lợi.
(Trích trong Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, t9, tr.175-179)
85. Nói chuyện với cán bộ, công nhân nhà máy cơ khí Hà Nội
Nhờ chủ trương phát động công nhân, viên chức cải tiến chế độ quản lý xí nghiệp, nhà máy có tiến bộ, chứng cớ rõ rệt là kế hoạch tháng 11 năm 1958 vượt mức 27%, lò đúc thép cũ trước đây xây dựng trong bổn tháng, nay lò đúc thép "tháng Mười" lớn gấp ba lần, chỉ trong 14 ngày đã làm xong, và kế hoạch cả năm đã hoàn thành từ ngày 15 tháng 12 năm 1908, trước thời hạn và vượt mức 6,4%. Đây mới là thành tích bước đầu. Công nhân và cán bộ phải cố gắng hơn nữa. Khả năng thiết bị trong 6 tháng đầu năm mới sử dụng có 11,1%, sang quý IV đã tăng lên 50%. Hiện nay, nhà máy còn một nửa khả năng máy móc chưa dùng đến; để máy không dùng đến là thiệt hại cho Nhà nước, cho nhân dân. Cán bộ và công nhân không nên vì có một số thành tích bước đầu mà tự kiêu, tự mãn, phải cố gắng hơn nữa, phải học tập đức tính khiêm tốn và tinh thần cố gắng không ngừng của giai cấp công nhân Liên Xô.
Ở xã Ngũ Kiên, tỉnh Vĩnh Phú, ruộng đất rất xấu, dân thường bị đói kém nhưng bây giờ thu hoạch bình quân 4.687 kilô một mẫu tây. Ruộng đồng chí bí thư chi bộ thu hoạch hơn 6 tấn một mẫu tây. Sở dĩ thu được kết quả tốt như vậy là do tư tưởng thông, do Đảng lãnh đạo tốt, do đảng viên và đoàn viên thanh niên lao động gương mẫu.
Nhà máy Cơ khí Hà Nội cũng vậy, máy móc, nguyên liệu, công nhân vẫn như trước, nhưng sao trước sút kém, bây giờ tiến bộ?
Cũng vì tư tưởng bắt đầu thông suốt, cán bộ bắt đầu đi xuống dưới, bắt đầu tin và dựa vào quần chúng. Cần phải đẩy mạnh cuộc vận động cải tiến quản lý xí nghiệp, đẩy mạnh đấu tranh tư tưởng hơn nữa. Tư tưởng thông suốt thì mọi việc làm đều tốt. Phải làm cho tư tưởng xã hội chủ nghĩa hoàn toàn thắng, tư tưởng cá nhân chủ nghĩa hoàn toàn bại. Cán bộ và công nhân phải cố gắng thực hiện mấy điểm sau đây:
- Cán bộ quyết tâm lãnh đạo tốt. Cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên lao động gương mẫu, tự kiểm thảo tốt, cùng công nhân học tập, học tập công nhân. Công nhân đã góp ý kiến phê bình cán bộ, chờ đợi cán bộ sửa chữa khuyết điểm, cán bộ phải thấy rằng yêu cầu ấy là chính đáng và phải thực hiện yêu cầu ấy.
- Công nhân cũng phải kiểm thảo tốt, quyết tâm sửa chữa khuyết điểm, chống làm ẩu để máy móc, dụng cụ hư hỏng, chống lãng phí.
Phải thực hiện đúng khẩu hiệu "làm nhiều, nhanh, tốt, rẻ".
- Phải đảm bảo an toàn lao động vì người lao động là vốn quý nhất.
- Lãnh đạo phải thật sự dân chủ nhưng đồng thời phải thật sự tập trung.
- Công nhân và cán bộ nâng cao tinh thần đoàn kết, tinh thần cảnh giác, tinh thần trách nhiệm vì mình là giai cấp lãnh đạo, là chủ của xí nghiệp, chủ của nước nhà; phải học tập các đồng chí chuyên gia về kỹ thuật và tinh thần quốc tế vô sản.
- Phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước, xứng đáng là người chủ xí nghiệp.
Kế hoạch ba năm là kế hoạch đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng đời sống sung sướng, no ấm, xây dựng nền tảng cho công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Kế hoạch năm 1959 là năm bản lề đặc biệt quan trọng. Tất cả cán bộ, công nhân phải tin tưởng quyết tâm hoàn thành vượt mức kế hoạch ấy, chuẩn bị cho kế hoạch dài hạn sau này. Nhà máy Cơ khí Hà Nội có đông đảng viên và đoàn viên thanh niên lao động hơn các xí nghiệp khác, đó là một điều thuận lợi. Bác giao trách nhiệm cho cán bộ và công nhân phải làm cho nhà máy này trở thành một nhà máy kiểu mẫu.
Nhân dịp sắp bước sang năm mới, Bác chúc mừng công nhân, cán bộ Nhà máy Cơ khí Hà Nội và tất cả các xí nghiệp, một năm mới vui vẻ, khoẻ mạnh, tiến bộ và hoàn thành vượt mức kế hoạch.
(Trích trong Hồ Chí Minh, toàn tập, t9, sđd, tr.276-278)
86. Nói chuyện với cán bộ, công nhân trên công trường xây dựng ba nhà máy xà phòng, cao su, thuốc lá ở Hà Nội
Hôm nay, Bác thay mặt Đảng và Chính phủ đến thăm các cô, các chú và cảm ơn các đồng chí chuyên gia đã tận tình giúp ta xây dựng.
Các cán bộ, công nhân trên công trường cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức làm chủ nước nhà, ra sức tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và Chính phủ đã trao cho. Giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng. Muốn xứng đáng là giai cấp lãnh đạo thì phải gương mẫu trong công tác. Muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội, muốn nước nhà mau chóng thống nhất, muốn được tự do sung sướng, mọi người phải khắc phục khó khăn, thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm.
Công nhân, cán bộ trên công trường đã biết dùng xe cút-kít và cải tiến một số dụng cụ xây dựng nên bước đầu đã tăng năng suất cao hơn trước, giảm bớt sức lao động của công nhân. Tuy nhiên, những ưu điểm, sáng kiến này còn chưa được phổ biến rộng rãi. Ngoài ra còn những khuyết điểm như việc đổ bê tông và xây tường ở một số bộ phận của công trường chưa được tốt lắm, một số công việc phải làm đi, làm lại, sinh ra lãng phí; năng suất lao động ở công trường nói chung còn thấp, kỷ luật lao động chưa được đề cao.
Muốn xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, mọi người cần có tinh thần làm chủ tốt, phải đề cao tinh thần trách nhiệm. Nhiệm vụ trước mắt của cán bộ, công nhân trên công trường là phải đoàn kết chặt chẽ, đoàn kết giữa cán bộ, công nhân, đoàn kết với các chuyên gia, đoàn kết với đồng bào địa phương, phải mở rộng phong trào thi đua giữa các cá nhân và giữa các bộ phận sản xuất, phải giữ vững kỷ luật lao động. Các đảng viên, đoàn viên thanh niên lao động, cán bộ, phải gương mẫu về mọi mặt, lãnh đạo cho tốt phong trào sản xuất theo khẩu hiệu: Nhiều, nhanh, tốt, rẻ.
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 1809, ngày 26/2/1959)
87. Thư gửi công nhân, chiến sỹ, nhân viên xưởng May 10, Cục Quân nhu
Thân ái gửi: Công nhân, chiến sĩ, nhân viên và cán bộ Xưởng may 10, Cục Quân nhu Tổng cục Hậu cần.
Bác rất vui lòng các cô, các chú có tiến bộ khá về:
Đoàn kết thân ái,
Liên tục thi đua,
Cải tiến kỹ thuật,
Tăng gia sản xuất,
Thực hành tiết kiệm,
Quản lý xí nghiệp,
Chắc các cô, các chú đã tự thấy rằng:
Tư tưởng thông thì công việc tốt, những kinh nghiệm ấy nên phổ biến cho các nhà máy khác.
Nhưng các cô, các chú chớ có thấy tiến bộ mà tự mãn, tự kiêu. Trái lại cần phải cố gắng hơn nữa để tiến bộ mãi. Cảm ơn các cô, các chú đã biếu Bác bộ áo.
Bác đã nhận rồi. Nay Bác gửi bộ áo ấy làm giải thưởng cho một đợt thi đua. Khi nào đợt thi đua kết thúc, do các cô, các chú bình nghị, ai khá nhất thì được giải thưởng ấy.
Chúc các cô, các chú vui vẻ, mạnh khỏe, đoàn kết, tiến bộ.
(Trích trong Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t9, tr.342-343)
87. Bài nói chuyện tại Hội nghị cán bộ, toàn Đảng bộ Hà Nội
Thay mặt Trung ương Đảng và nhân danh là một đảng viên ở Hà Nội, tôi phát biểu một số ý kiến với Hội nghị:
Thủ đô Hà Nội phải làm thế nào để trở thành một Thủ đô xã hội chủ nghĩa. Muốn như thế thì mỗi xí nghiệp, mỗi một đơn vị bộ đội, mỗi một trường học, mỗi một đường phố, mỗi một cơ quan và mỗi một nông thôn ngoại thành phải là một pháo đài của chủ nghĩa xã hội.
Hà Nội cần phải củng cố và phát triển Đảng, Đoàn thanh niên lao động và Công đoàn. Đảng bộ Hà Nội cần phải phát triển thêm thành phần công nhân, nông dân, lao động trí óc và phụ nữ vào Đảng.
Số đảng viên công nhân còn ít, trong khi đó Hà Nội phải trở thành Thủ đô một nước xã hội chủ nghĩa, nơi có nhiều xí nghiệp tập trung công nhân.
Các xí nghiệp ở Hà Nội có gần 6.500 anh hùng, chiến sĩ thi đua và lao động xuất sắc. Nếu Đảng bộ Hà Nội chú ý gần gũi, giáo dục và giúp đỡ anh chị em đó, thì chắc chắn có thể phát triển được một bộ phận không phải là nhỏ vào Đảng.
Số phụ nữ là đảng viên cũng còn rất ít, cần phát triển thêm. Tóm lại, cần củng cố và phát triển Đảng - cố nhiên là thận trọng - thành phần công nhân, nông dân, phụ nữ, đồng thời cũng chú ý phát triển các thành phần khác như lao động trí óc.
Muốn đẩy mạnh mọi mặt công tác: Cải tiến quản lý xí nghiệp, xây dựng các tổ đổi công và hợp tác xã ở ngoại thành, chăm sóc giáo dục thiếu nhi, vệ sinh yêu nước, v.v.. thì mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên lao động phải có đạo đức cách mạng, phải thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; phải lấy phê bình và tự phê bình mà tiêu diệt chủ nghĩa cá nhân và bồi dưỡng chủ nghĩa tập thể. Đảng viên, đoàn viên bất cứ ở đâu, bất cứ làm công việc gì, phải thật gương mẫu. Đảng bộ Hà Nội phải làm gương mẫu cho các Đảng bộ khác. Đảng bộ Hà Nội gương mẫu sẽ góp phần đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm cơ sở vững mạnh đấu tranh giành thống nhất nước nhà./.
(Trích trong Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t9, tr.420-421)
Thanh Huyền (tổng hợp)